Uncategorized

Ly dị hay không ly dị?!!!

Câu truyện 1:

Chàng là một thiếu niên vừa phải, không điển trai mà cũng không đến nỗi quá tệ. Chàng làm chủ một dịch vụ thương mại và có chút tiền. Vợ chàng thuộc lớp người trẻ, thông minh, có học và lưu loát Anh ngữ. Tình yêu giữa hai người tưởng như thiên thu, và đời sống hôn nhân của họ tưởng như không bao giờ gặp trở ngại.

 

Câu truyện 1:

Chàng là một thiếu niên vừa phải, không điển trai mà cũng không đến nỗi quá tệ. Chàng làm chủ một dịch vụ thương mại và có chút tiền. Vợ chàng thuộc lớp người trẻ, thông minh, có học và lưu loát Anh ngữ. Tình yêu giữa hai người tưởng như thiên thu, và đời sống hôn nhân của họ tưởng như không bao giờ gặp trở ngại.

 

Nhưng rồi bỗng một ngày đẹp trời, chàng đề nghị chia tay với người yêu của mình với một lý do rất dễ hiểu và thực tế: Chàng cảm thấy không hợp với nàng. Và chàng không còn cảm thấy rung động khi đứng trước nàng nữa.

 

Câu chuyện tưởng như không có gì là nghiệm trọng, và cũng tưởng rằng chàng chỉ nói suông hoặc nói vì một sự tức bực nào đó. Nàng không quan tâm, và có lẽ cũng nghĩ rằng chàng sẽ không bao giờ bỏ nàng. Vì bỏ nàng thì chàng đi với ai?

 

Rồi câu chuyện đã kết thúc. Hôm nay thì chàng đang cặp kè với một bồ nhí ở Việt Nam. Còn nàng, thì nàng cũng đang có người yêu trong mộng. Chỉ tội nghiệp, và thiệt hại cho đứa con trai 5 tuổi của hai người. Muốn gọi bố thì không có bố, nhưng lại phải gọi một người đàn ông khác không bao giờ biết đến là bố.

 

Câu truyện 2:

Chàng yêu nàng và về Việt Nam cưới nàng qua làm vợ. Tình yêu hai người là tình yêu chân thật, vì cả hai đều là lần đầu bước vào tình trường.

 

Nhưng thời gian là một sự thử thách. Dần dần hai người cảm thấy không còn mặn mà, và thân mật với nhau. Nàng bắt đầu than thở, và trở nên khó tính. Nhưng chàng lại cho rằng nàng khó tính vì bản tính nàng thuộc loại khó tính, nên không cần lưu tâm đến. Ðối với chàng miễn sao có tiền đem về cho nàng là đủ. Chàng đơn sơ nghĩ như vậy. Chàng đã sắm cho nàng nào là xe mới, bộ giường ngủ mới, nữ trang mới. Chỉ một điều không mới, đó là chàng không quan tâm đến người vợ trẻ của mình, và cứ nghĩ rằng chàng không cần phải sửa chữa gì, người cần phải sửa đổi là nàng.

 

Và kết quả là ít tháng trước đây, nàng đã ra tối hậu thư cho chàng: “Kể từ hôm nay tôi và anh ly thân. Một năm sau sẽ ra tòa ly dị!”. Cũng lại tội nghiệp cho 2 đứa trẻ một 7 tuổi, một 4 tuổi đơn sơ và vô tội.

 

Câu truyện 3:

Chàng đi làm trong hãng điện cũng gần 15 năm nay. Đồng lương không nhiều nhưng có đủ để tiêu xài và cung cấp cho gia đình với một ít tiền bỏ trong trương mục tiết kiệm mỗi tháng và 401K cùng với bảo hiểm sức khỏe cho gia đình. Nàng ở nhà nuôi con mấy năm đầu và bắt đầu đi làm hair và nail vào những năm tháng gần đây vì con đã lớn. Câu chuyện gia đình bình thường cho đến một hôm nàng có cơ hội phục vụ cho một anh khách “xộp” đến cắt tóc và đã trả tiền phụ trội gấp đôi tiền căn bản. Anh khách “xộp” đến cắt tóc mỗi lúc một gần hơn thay vì 4-5 tuần một lần. Rồi từ việc tăng tiền phụ trội được kèm theo hộp kẹo, một bình hoa tươi, đồ trang sức, một ly cà phê ở quán ăn gần đó vào giờ nghỉ lao, một bữa ăn trưa ở quán ăn gần đó, và sau đó là bữa ăn tối sau giờ làm việc… Lúc đầu nàng có kể câu chuyện anh khách xộp cho chàng nghe nhưng sau đó vì hành động ‘ghen bóng ghen gió’ của chàng, nàng quyết định không kể nữa. Chàng vì tự nhiên không được nghe tiếp về câu chuyện anh khách xộp nên bắt đầu tỏ ý nghi ngờ và làm một chuyến tự ‘dọ thám‘. Chàng bắt gặp nàng đi ‘uống nước‘ với người khách xộp .

 

Câu chuyện của hai người bể toáng ra. Ba đứa nhỏ, lúc này đã bắt đầu đến tuổi hiểu biết về liên hệ gia đình, bắt đầu được nghe thêm và học hỏi thêm được nhiều danh từ tiếng Việt như Ly Thân, Ly Dị, Bỏ, chia tài sản, v.v. Hai anh chị lúc này thay vì chăm chú lo cho con cái và gia đình thì lại lo đi tìm hiểu về sự thiệt hại về tài sản khi chia rẽ nhau, về 401K của chàng, về căn nhà mà hai người đã gây dựng, về tiền nuôi dưỡng con cái và bắt đầu “di chuyển” tài sản qua công riêng của mình cùng những ước tính riêng cho nhau khi không còn sống chung nữa.

 

Sự ẩu đả trong gia đình mỗi ngày một tăng, có lúc đả miệng chưa đã, đả sức và xô xát cũng đã xảy ra mà kết cục đều giống nhau: con cái rúc vô một góc phòng mà cánh cửa khép kín để khỏi phải nghe bố/mẹ mình, bố hùng hặc lái xe đi mất, mẹ ngồi một góc bếp và khóc lóc tơi tả … Ông ăn chả thì bà ăn nem, lúc sau này chàng bắt đầu lai vãng ở các quán cà phê hơi nhiều và ở lại hơi lâu và các nàng phục vụ ở nơi này cũng rất là vui vẻ thoải mái, rồi chuyện gì đến sẽ đến. Thay vì tìm cách giải quyết vấn đề thì cả hai làm những chuyện đào con hố chia cách sâu hơn qua những hành động “trả thù cho bỏ ghét”. 
 

Bạn có nghe và thấy quen quen về ba câu truyện trên không? Hay bạn cũng đang ở vào một trong ba hoàn cảnh trên. Và đời sống hôn nhân của bạn lúc này đang ở vào chỗ bế tắc??? Nếu vậy, xin bạn lưu ý đến những điểm sau này:

 

HẬU QUẢ CỦA LY DỊ

 

1. Những ai trong đầu tiếp tục mang tư tưởng ly dị, thì trước sau gì cũng ly dị. Ðiều này cũng giống như những người có ý định tự tử và nuôi tư tưởng ấy trong đầu mình.

 

2. Những người sau khi đã ly dị một lần rồi, thường thì cũng rất dễ ly dị lần thứ hai.

 

3. Ða số những cuộc ly dị đều do phụ nữ quyết định ra và khởi đầu. Nhưng bất hạnh thay, phần lớn các phụ nữ sau khi ly dị thì đã không đạt được những gì mình muốn. Quyết định ly dị đã không đem lại cho họ hạnh phúc.

 

4. Con cái của những cha mẹ ly dị cũng rất dễ ly dị, và trở thành nạn nhân của những hội chứng về tâm lý, nghiệp hút, lêu lổng, và tự tử.

 

Riêng về ảnh hưởng cha mẹ trên con cái, tuy một số khảo cứu gần đây đã cố tình cho thấy rằng, cha mẹ ly dị không có ảnh hưởng tiêu cực trên con cái. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng ảnh hưởng ly dị trên đời sống tâm lý của con cái là một ảnh hưởng tiêu cực và hết sức trầm trọng. Không những nó tác dụng trên đời sống hiện tại, mà cả sau này khi những người con ấy đã khôn lớn.

 

Xã hội ngày nay với quá phức tạp, và cũng có quá nhiều cám dỗ từ mọi phía, không riêng gì trẻ em, người lớn tuổi cũng dễ đi vào những sa ngã ấy. Giữa một xã hội mà nền tảng luân lý và đạo đức gia đình đang trên đà xuống dốc, việc giáo dục con cái không chỉ đòi hỏi một người, mà còn cần phải có sự hợp tác chặt chẽ và yêu thương của cha lẫn mẹ. Trong những gia đình ly dị, hình ảnh một gia đình, một mái ấm nơi mà con cái có thể tin tưởng, và an vui lớn lên trong bình an, yêu thương, và nâng đỡ đã không còn nữa. Và điều này là yếu tố chính thúc đẩy tuổi trẻ sa vào những cạm bẫy đang giăng mắc ngoài xã hội. Và khi tìm hiểu những lý do sa ngã của các tội phạm vị thành niên, phần đông đều bắt nguồn từ ảnh hưởng già đình, và cha mẹ.

 

Những lời khuyên gây đổ vỡ:

 

“Ở với nhau không được thì ly dị. Ai hơi đâu mà ở với người mình không thương và không thương mình.” Hoặc “Thôi xa nhau một thời gian để coi coi có còn cần nhau nữa hay không, sau đó rồi tính”. Những câu nói này cũng nghe rất quen thuộc. Chúng là lời khuyên mà có lẽ nhiều người vẫn thường khuyên nhau, trong đó có cả những nhà tâm lý, những cố vấn hôn nhân gia đình. Nhưng câu hỏi được đặt ra là lời khuyên ấy có đúng không và nếu không thì nó sai ở chỗ nào?

 

Trước hết, lời khuyên này đúng và rất đúng trong cái nghĩa hết sức thông thường. Nó dựa trên lý luận tự nhiên và những kết quả thực nghiệm mà con người đời nay vẫn thường dùng để thẩm định hạnh phúc hôn nhân cũng như sự bền vững của đời sống gia đình. Theo đó, hôn nhân là một trò chơi tình cảm. Một sự khỏa lấp những ước muốn lẫn lộn giữa cảm xúc, dục tính và một chút an toàn về cuộc sống. Quan niệm sống này hiện đang thu hút rất nhiều bạn trẻ, và được coi là một nếp sống mới. Họ đến với nhau rất dễ dàng, tự nhiên, thoải mái như thay cơm, đổi áo. Và họ cũng ra đi một cách hết sức tự nhiên và dễ dàng không một chút luyến lưu.

 

Hôn nhân đối với nhiều bạn trẻ còn là một cái gì được xây dựng trên sự đồng thuận của hai người, một sự đồng thuận tự do. Do đó, vì bất cứ lý do gì, khi sự đồng thuận ấy không còn được duy trì, và những ràng buộc của nó không đủ để lôi kéo hai người lại với nhau thì việc chia tay là một điều hợp tình hợp lý.

 

Nhưng những quan niệm trên hoàn toàn sai lầm. Bởi vì nó đã dẫn đến một cái nhìn sai lạc về giá trị và vẻ đẹp của đời sống hôn nhân. Nó đã đưa đến sự đổ vỡ của hàng triệu gia đình, mà theo thống kê, đã lên đến 50% các cuộc hôn nhân. Ba câu truyện nêu trên đã cho ta một kết luận rằng những người trong cuộc đã không ý thức được vẻ đẹp và tình yêu hôn nhân của họ. Và vì cho rằng họ không cần phải học hỏi, thăng tiến, và duy trì hạnh phúc mình đang có nên hôn nhân của họ đã đi đến khủng hoảng và đổ vỡ.

 

Giá trị thật của hôn nhân:

 

Thật ra tình yêu mới là yếu tố cấu tạo nên hạnh phúc lứa đôi. Và cũng chỉ có tình yêu mới giúp ta san bằng được những khác biệt trong đời sống chung. Nhưng tình yêu lại là một cái gì mà người ta rất dễ quên. Nó rất dễ bị coi thường và lợi dụng. Trong đời sống hôn nhân, phần đông bỏ nhau không phải vì ghét nhau, mà vì yêu nhau. Chỉ tiếc một điều là người ta đã quan niệm yêu và được yêu bằng cái nhìn ích kỷ, và chỉ nghĩ đến mình. Chính vì thế, những rạn nứt, chia rẽ đã xẩy ra khi tình yêu “mình” ấy không được thỏa đáng.

 

Tình yêu “mình”, tình yêu ích kỷ ấy không những đã tạo nên những đắng đót cho rất nhiều cuộc sống lứa đôi, thí dụ ba trường hợp trên, mà còn xẩy ra cho những đứa con vô tội. Chúng là nạn nhân của lối nhìn và lối sống ích kỷ của bố, mẹ, hoặc cả bố lẫn mẹ.

 

Tóm lại, ly dị không phải là giải pháp tốt nhất và cuối cùng để giải quyết những khủng hoảng về đời sống hôn nhân. Nó chỉ là quyết định chẳng đặng đừng trong khi không còn sự lựa chọn nào khác, vì tự ái và ích kỷ của hai người đã gây ra. Ngoài ra, trước khi quyết định chia tay hay bất cứ một giải pháp nào cho đời sống hôn nhân, cha mẹ cũng cần phải nghĩ đến những đứa con mà mình đã đem chúng vào đời. Hãy tự hỏi mình, nếu được tự do, liệu chúng có muốn được sinh ra và sống trong một gia đình như hiện nay của chúng ta không? Chúng là những thiên thần vô tội, và vì thế, cha mẹ không nên vì tự ái, ích kỷ của mình mà để con cái phải lãnh nhận những hậu quả đắng đót do việc làm của mình.

 

GÓP Ý XÂY DỰNG

 

Vậy để có được những quyết định sáng suốt và tích cực nhằm giải quyết những khó khăn có thể đưa tới tình trạng ly dị, điều cần thiết mà vợ chồng cần nên làm là:

1. Thông cảm:

Ðây là bước trước hết mà vợ chồng cần nên làm mỗi khi có những chuyện hiểu lầm làm buồn lòng nhau. Trong lúc tình còn mặn nồng, lòng còn tha thiết với nhau, vợ chồng có thể dùng những lời nói chân thành giải quyết mọi bất hòa. Ðặc biệt, không bao giờ để lòng “giận nhau qua đêm”. Thẳng thắn, tôn trọng và lắng nghe.

 

2. Giúp đỡ chuyên nghiệp:

Nếu có những bất đồng mà vợ chồng không giải quyết được, chúng ta cần phải đối diện với thực tế, và tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Ðiều tối kỵ trong thời gian này là tâm sự với người khác phái. Thí dụ, chồng tâm sự với một nữ đồng nghiệp, hoặc vợ tâm sự với một nam đồng nghiệp về những gì đang gây ra khủng hoảng trong đời sống hôn nhân của mình. Giữ kín miệng ngay cả với những bạn hữu mà mình nghĩ rằng sẽ không giúp gì trong việc giải quyết những khó khăn của gia đình mình.

 

3. Sự chữa lành tâm hồn:

Là Kitô hữu, phép lạ của ơn thánh là điều sẽ xẩy ra nếu chúng ta mạnh tin và tin đủ vào quan phòng của Thiên Chúa. Do đó, vợ chồng cần có giờ:

 

– Cầu nguyện: Cầu nguyện là phương thế tốt nhất để đem lại bằng an, và phép lạ tâm hồn. Trong tiệc cưới Cana, Mẹ Maria đã xin với Chúa thêm rượu cho đôi tân hôn, thì trong đời sống hôn nhân khi mà rượu tình yêu đã cạn kiệt, cách tốt nhất là đến với Mẹ và nghe Mẹ nói gì với chúng ta. Cầu nguyện bằng cách đọc kinh, đọc Thánh Kinh, tham dự thánh lễ, rước Thánh Thể với lòng yêu mến.

– Tham dự khóa tĩnh tâm, hội thảo Nazareth: Và tham dự một khóa tĩnh tâm hội thảo Nazareth. Ðây là cơ hội tốt để vợ chồng có thời giờ với nhau, lắng nghe nhau, chia sẻ với nhau. Ðồng thời nhận lãnh được phép lành của Thiên Chúa và sự trợ giúp tinh thần của các anh chị em trong Ðại Gia Ðình Nazareth.

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.