Những hệ lụy đến từ gia đình đổ vỡ !
“Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề !”
Thất bại trong mọi lời ước hẹn khi gắn bó với nhau, hôn nhân khi một trong hai đã đưa nhau ra tòa nhằm để giải thoát cho cho nhau bao giờ cũng để lại những hệ lụy giữa hai người, và nhất là hệ lụy đối với con cái. Có nhiều trường hợp khi cả hai không thể sống chung với nhau vì vợ chồng tranh chấp, ly tán, thì những đứa trẻ khi lớn lên có những biểu hiện không bình thường về thể lý cũng như về tâm lý. Vì cái tôi nhất thời, vì nông nổi bồng bột hay vì hợp với xu hướng hưởng thụ của xã hội hiện đại nhiều hơn là hy sinh bản thân để nghĩ đến lợi ích cho con cái, gia đình và đồng thời xây dựng nền tảng cho xã hội, những cặp ly dị đã chọn con đường mạnh ai nấy đi không cùng chung lối. Chính vì vậy, số thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật ở những gia đình có cha mẹ ly hôn cũng chiếm con số thật đáng kể. Không ít vụ án, những “case” về trẻ vị thành niên phạm pháp mà nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm pháp của các trẻ vị thành niên là do bố mẹ ly dị, con cái không được quan tâm dạy bảo đúng mức nên bị bạn bè xấu rủ rê thành ra hư hỏng. Thêm vào đó các các thanh thiếu niên này lại bị chứng nghiện ngập, bịnh tự kỷ, tâm thần và muốn tự tử ở các gia đình có bố mẹ li dị tăng lên rất cao.
N. 18 tuổi, là thiếu niên trẻ cùng bạn đi trộm cắp và đã bị bắt. Hôm đứng trước vành móng ngựa, N. đã khóc và cho biết vì cháu buồn khi thấy cha mẹ chia tay nên chán học, ham chơi nghe bạn rủ rê mới hành động thiếu suy nghĩ.
Tại sao tình trạng thanh thiếu niên có hành vi sai lệch và vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng nghiêm trọng ở trong nước cũng như cộng đồng Việt sống lưu vong trên thế giới ? Đó là do nhiều bậc phụ huynh không chú ý đến sự phát triển tâm sinh lý của con cái, hoặc vì cưng và nuông chiều quá mức không nghiêm khắc với con cái đúng mức đã khiến các em mất ý thức tự lập, rèn luyện cho bản bản thân. Một số em phải sống trong hoàn cảnh mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ bất hòa hay li dị dẫn đến sự thiếu hụt về tình cảm, sự phát triển lệch lạc, tâm thần và quan trọng nơn nữa là do thiếu sự chỉ bảo, giáo dục và quan tâm đúng đắn của gia đình và nhà trường (vì các em bỏ học) nên số thanh thiếu niên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, mất phương hướng và bị lôi kéo vào con đường trác tán và phạm tội ác.
Trẻ em vị thành niên phạm pháp đã trở thành một vấn đề xã hội có tính toàn cầu. Tuổi vị thành niên trở thành mối quan tâm lớn như vậy bởi vì không chỉ vì đây là một giai đoạn đặc biệt trong sự phát triển nhân cách con người mà vì trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn chiếm tỷ lệ khá lớn và đang có xu hướng gia tăng.
Một nghiên cứu kéo dài 20 năm do các nhà nghiên cứu thuộc Université de Montreál và Đại học Genoa về hành vi phạm pháp của những đứa trẻ trong thời kỳ đầu khi trưởng thành. Nhóm nghiên cứu tìm kiếm những cậu bé từ các nhà trẻ có nguy cơ phạm pháp và những cậu bé ghi tên tại 53 trường thuộc khu vực nghèo nhất tại Montreal. 779 người tham gia được phỏng vấn hàng năm với độ tuổi từ 10 đến 17. Cho đến độ tuổi ngoài 20, khoảng 17% số người tham gia nằm trong danh sách phạm pháp khi trưởng thành, với các tội danh bao gồm giết người (18%); đột phá (31%); mại dâm (26%); tàng trữ, sử dụng ma túy (16%) và lái xe sai luật (9%)…v..v..
Cô là L.T.K., tình trạng "3 trong 1” (nghiện hút, gái bán dâm và nhiễm HIV). Không một giọt nước mắt, K. kể lại: "Em sinh ra trong một gia đình bất hạnh. Căn nhà của em chỉ có sự thù hận giữa những người từng được gọi là vợ chồng. Bố mẹ em ly thân nhưng vẫn sống cùng một căn nhà rộng chưa đầy 30m2, ai cũng có bồ nhí nên già trước tuổi. Em trở thành đàn bà từ năm 13 tuổi. Người đàn ông đầu tiên cặp với em đã có vợ. Một lần, sau khi đi phá thai về, thấy em quá đau đớn anh ấy đưa cho em một gói nhỏ và nói, em hít thứ này sẽ hết đau. Về sau em mới biết thứ bột trắng đáng sợ ấy là heroin… Từ đó, em lệ thuộc vào ma túy, sống với anh ấy, không một lần quay lại nhà mình nữa. Năm em 15 tuổi thì anh ấy bị bắt vì tội sử dụng và tàng trữ trái phép ma túy, em rơi vào tuyệt vọng… Rồi em làm hồ sơ giả, xin vào làm tiếp viên tại khách sạn H. Tiền bo lúc có, lúc không nên em phải chấp nhận bán dâm để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện ma túy. Trong một lần qua đêm với khách, em bị bắt và bị phát hiện dương tính với HIV. Lúc đó, trời đất sụp đổ dưới chân em… Em khóc rất nhiều, giờ thì không thể khóc được nữa. Nước mắt em đã cạn, một phần trách nhiệm thuộc về những người em gọi là bố mẹ. Nếu mọi người muốn lên án hãy tìm họ…”.
Gia đình tích cực, mẫu mực, hoà thuận , cha mẹ tôn trọng lẫn nhau, quan tâm đến nhu cầu của nhau, bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái , lúc đó gia đình sẽ có ảnh hưởng tích cực lên sự phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, khuyến khích lòng tin cậy, tôn trọng và sự mở rộng mối quan hệ giao tiếp ở trẻ từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Thực tế cho thấy trước khi trở thành con người hữu ích của xã hội thì con người đó trước hết là phải là sản phẩm của gia đình, được gia đình từ cha, đến mẹ tác hợp dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và giáo dục ngay từ khi lọt lòng cho đến lúc trưởng thành. Thông qua gia đình, trẻ và trẻ vị thành niên tiếp nhận những kinh nghiệm, những hiểu biết về thực tiễn cuộc sống xung quanh, những kỹ năng và thói quen sống trong xã hội; đồng thời áp dụng vào chính bản thân mình qua việc Cha mẹ là tấm gương cho trẻ noi theo và bắt chước. Trẻ, và trẻ vị thành niên học được từ cha mẹ qua cách quan sát , phân tích, đánh giá các hiện tượng và cách giải quyết vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, với sự động viên , khuyến khích, hỗ trợ từ phía cha mẹ, trẻ vị thành niên có thể vượt qua , mọi sự khó khăn trong học tập, vui chơi, giao lưu với bạn cùng trang lứa, để trẻ có thể tự khẳng định mình trong xã hội bằng cách nâng cao trình độ học vấn, biết cách ứng xử phù hợp, tôn trọng phong tục lễ nghĩa và mọi phong tục, tập quán…
Người con gái trưởng thành có vóc dáng giống mẹ, cách chải tóc cũng hao hao giống mẹ, cái e lệ cũng giống mẹ, phong thai và giao tiếp cũng hao hao giống mẹ…đó là hình ảnh (image) của mẹ để lại trong con.
Đứa con trai có bờ vai giống cha, cứng cỏi giống cha, cả quyết và cương trực giống cha…đó là những tháng ngày mà trẻ học hỏi cách làm người qua hình ảnh bố.
Có thể nói rằng, để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc và để hạn chế tình trạng ly hôn nói chung và ly hôn ở những gia đình trẻ nói riêng cần phải có sự nỗ lực và hy sinh riêng của mỗi cá nhân chồng cũng như vợ và với sự quan tâm chung của toàn xã hội. Việc mở những lớp tư vấn về kỹ năng sống chung với những khác biệt giữa nam và nữ, các tổ chức,hội đoàn, và đoàn thể về hôn nhân và gia đình cần giúp rất nhiều cho cặp hôn nhân trẻ một cẩm nang đây đủ trước khi vào cuộc sống mới. Đồng thời cũng từ những đoàn thể này mà có sự hòa giải kịp thời khi nhận thấy có mầm móng và nguy cơ rạn nứt trong hôn nhân hoặc khi tư vấn về các vấn nạn và các nguyên nhân như chứng mất ngũ bởi lo âu (anxiety), trầm cảm (depression), cao máu (high blood pressure), bạo hành trong gia đình (violence) để hạn chế tình trạng ly hôn đáng buồn về sau và tình trạng băng hoại về đạo đức từ trong gia đình đến bên ngoài xã hội. Hơn thế nữa các tổ chức và hội đoàn này còn tư vấn và giúp đỡ thêm về việc giáo dục trẻ vị thành niên, trẻ phạm pháp tránh xa các hiểm họa về “băng đảng” và “Drug”.
Gia đình là nền tảng của xã hội; nếu gia đình băng hoại thì xã hội sẽ suy đồi…không ai trong chúng ta sống mà không mưu cầu lấy hạnh phúc, nhưng hạnh phúc phải do con người xây dựng và vun trồng. Chúng ta đừng mơ rằng hạnh phúc được ông trời ban cho mà không nổ lực tạo ra và bồi đắp hạnh phúc đó. Hãy sống trong yêu thương, tha thứ, và tôn trọng nhau mọi ngày trong mọi mối quan hệ từ gia đình đến ngoài xã hội để cảm nhận ra rằng xã hội này còn đầy ắp những yêu thương.
Biết Văn
Views: 0