Uncategorized

Ly dị!

Giả như trên cuộc đời này Thiên Chúa chỉ tạo dựng có đàn ông hay phụ nữ thì thế gian này sẽ ra sao nhỉ? Có lẽ cuộc sống sẽ buồn chán, và con người sẽ chết lần chết mòn cho đến lúc tận diệt! Không, Thiên Chúa đã sáng tạo con người có nam có nữ.

 

Giả như trên cuộc đời này Thiên Chúa chỉ tạo dựng có đàn ông hay phụ nữ thì thế gian này sẽ ra sao nhỉ? Có lẽ cuộc sống sẽ buồn chán, và con người sẽ chết lần chết mòn cho đến lúc tận diệt! Không, Thiên Chúa đã sáng tạo con người có nam có nữ.

 

Thiên Chúa sáng tạo nên người đàn ông trước, nhưng Ngài thấy: “Ðàn ông ở một mình không tốt”, nên Ngài quyết định “sẽ làm cho đàn ông một người trợ tá tương xứng với nó”. Thiên Chúa làm cho Ađam ngủ say, và khi ông ngủ, Ngài lấy một xương sườn của ông và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến với Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình và cả hai nên một thân thể. và những gì Thiên Chúa đã thiết lập con người không được phân ly. Hôn nhân được thiết lập từ đó và cũng từ đó tình yêu hôn nhân đã góp phần làm cho loài người trở nên đông đúc trên trái đất, và cũng chính tình yêu hôn nhân mang đến cho con người bao nhiêu hạnh phúc và không ít khổ đau. Tình yêu là lẽ sống!

 

Một chàng thanh niên ở thôn Ðoài, nhân một lần ghé qua thôn Ðông, gặp một thiếu nữ xinh đẹp. Ðôi nam nữ phải lòng nhau như duyên tiền kiếp; thế là họ yêu nhau. Xa nhau thì nhớ thì mong.

 

Chàng thì:

Thôn Ðoài ngồi nhớ thôn Ðông

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng ( Nguyễn Bính- Tương Tư)

 

Còn nàng thì:

 

Nhớ ai con mắt lim dim,

Chân đi thất thểu như chim tha mồi.

Nhớ ai hết đứng lại ngồi,

Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân. ( Ca dao )

và mặc cho cách núi ngăn sông, mặc cho cha mẹ cản ngăn:

Ðôi ta như lúa đòng đòng

Ðẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha.

Ðôi ta như chỉ xe ba,

Thầy mẹ xe ít, đôi ta xe nhiều.

Thương anh bụng sát tận da,

Anh thì không biết tưởng là đói ăn.( Ca dao )

 

Và cuối cùng, trước mặt Thiên Chúa, qua bí tích Hôn phối, cả hai đã “ hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời”.

 

Thời gian đầu, tình yêu gia đình thắm thiết và dễ dàng thông cảm chấp nhận lẫn nhau ; nhưng khi bước qua giai đoạn “quen quá hoá nhàm” thì đây là thời kỳ vợ chồng bắt đầu chú ý đến những tính xấu, lỗi lầm của nhau, bắt đầu thấy khó chấp nhận lẫn nhau, bắt đầu tìm những khác biệt của nhau, bắt đầu nẩy sinh xung khắc. Phải chi mà : Chồng giận thì vợ bớt lời, Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê ; nhưng tiếc thay khi tình yêu gia đình đã đi đến chỗ đơn điệu, nặng nề cho nhau dẫn đến kết quả là:

 

Xưa kia ở với mẹ cha

Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành.

Từ ngày tôi ở với anh,

Anh đánh anh chửi, anh tình phụ tôi.

Ðất xấu chẳng nặn nên nồi

Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chồng. ( Ca dao )

 

Có ai ngờ lời thề thốt Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau  đã phai nhạt với thời gian để rồi lại chia tay, ly dị !

 

Chẳng phải ngày nay mà ngay thời ông Môisê, đã có vấn đề ly dị. Một hôm, có mấy người Pharisiêu đến thử hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Ngài hỏi lại: “Thế ông Môisê truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Môisê đã cho phép viết giấy  ly dị mà rẫy vợ.” Ngài nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môisê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

 

Hôn nhân là đỉnh cao của công trình sáng tạo của Thiên Chúa

 

Hôn nhân còn là kiệt tác của tình yêu: “ Ðàn ông sống một mình không tốt..”

 

Hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ , là sự liên kết do Thiên Chúa và con người không được phân. Ðiều đó nói lên tính chất vững bền cao cả của hôn nhân.

 

Chính vì con người lòng chai dạ đá, không biết hy sinh cho nhau, không tha thứ những sai lầm của nhau, không gạt bỏ những sở thích ý riêng của mình để sống hoà hợp vói nhau, không biết nhường nhịn nhau mới nẩy sinh vấn đề ly đị.

 

Khi bước vào tình yêu hôn nhân với tư cách là một người Kitô hữu, chúng ta bước vào cuộc sống và hành động của Thiên Chúa.

 

Lấy tình yêu Thiên Chúa để làm mẫu mực cho tình yêu nhân bản. Nét đặc trưng của tình yêu Thiên Chúa là ân huệ và tha thứ. Thiên Chúa không quan tâm đến những lỗi lầm của chúng ta; nhưng Ngài nhận chìm chúng ta trong tình yêu. Ngài không chút khắt khe với những quên lãng của chúng ta, không bao giờ trả thù những xúc phạm tội tệ của chúng ta; Ngài chỉ yêu thương hơn, nghiã là tha thứ, vì tha thứ luôn luôn là sức sống mạnh mẽ của tình yêu.

 

Biết tha thứ là biết ra khỏi mình, là nhận ra người khác qua sự yếu đuối của mình và cũng chính từ đó cho phép tình yêu lớn lên và đào sâu hơn.

 

Tự bản chất, con người là hữu hạn và bất định. Chính cái bất định làm cho con người dễ hoặc mau thay đổi, luôn hoài vọng và khắc khoải đến một cái gì tốt đẹp hơn, cao hơn; và thân phận bi đát của con người là biết được giới hạn của mình nhưng không chấp nhận giới hạn đó. Ðiều này đẩy con người vươn lên đi tìm vĩnh cửu.

 

Trong tình yêu, sống hoà hợp với nhau trong những dị biệt của nhau đòi hỏi cả hai phải hy sinh những sở thích , ý riêng của mình để chấp nhận những thiếu sót lỗi lầm của nhau. Tính hẹp hòi, nhỏ nhen là kẻ thù của tình yêu.

 

Trong sách Cổ Học Tinh Hoa có một câu chuyện nói lên lòng thủy chung giữa vợ chồng như sau:

 

Cảnh Công, vua nước Tề thời Xuân Thu, có một một cô con gái yêu muốn gả cho Án Tử, tức Án Anh làm quan đời vua Cảnh Công, là người trung thành, tiết kiệm có tiếng thời bấy giờ. Một hôm, vua đến ăn tiệc nhà Án Tử, thấy vợ Án Tử, vua hỏi:

 

– Nội tướng của tướng công đấy có phải không?

 

Án Tử thưa:

 

– Vâng, phải đấy.

 

Vua nói:

 

– Ôi! Người trông sao vừa già vừa xấu! Quả nhân có đứa con gái trẻ và xinh đẹp, xin cho về hầu, tướng công nghĩ sao?

 

Án Tử đứng dậy thưa rằng:

 

– Nội tử tôi nay thật già và xấu; nhưng lấy tôi và ăn ở với tôi đã lâu, kể từ lúc còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ, cốt để nhờ cậy lúc về già; lấy chồng lúc còn đẹp, cốt để nhờ cậy lúc xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi mà tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy. Nay nhà vua muốn ban ơn chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn ở bội bạc với những điều nội tử tôi đã nhờ cậy tôi.

 

Nói đoạn, Án Tử lạy hai lạy xin từ chối không lấy ( Án Tử – Cổ Học Tinh Hoa).

 

Quả là một bài học thủy chung đáng giá cho những ai sống đời sống vợ chồng!

 

Yêu nhau vạn sự chẳng nề,

Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng

Yêu nhau tâm trí hao mòn,

Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau.( Ca dao )

 

 

 

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.