Uncategorized

Lượng định giá trị thần học và luật lệ

Trong các câu từ 7-13 chương 7 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô lượng định giá trị của nền thần học về luật lệ. Do đó, trong phần này giọng văn chuyển sang ngôi thứ nhất số ít.

 

Trong các câu từ 7-13 chương 7 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô lượng định giá trị của nền thần học về luật lệ. Do đó, trong phần này giọng văn chuyển sang ngôi thứ nhất số ít.

 

Nhưng cái ”tôi” ở đây có thực sự ám chỉ thánh Phaolô không hay ám chỉ một ai khác? Trong qúa khứ các nhà chú giải Kinh Thánh dựa trên giọng văn tự thuật của thánh Phaolô để khẳng định rằng nó ám chỉ thánh nhân, là một tín hữu Do thái đã sống kinh nghiệm bị luật lệ thống trị, nhưng đã được Chúa Giêsu Kitô giải thoát. Nhưng hiện nay kiểu giải thích này không còn đươc chấp nhận nữa. Cái tôi mà thánh Phaolô nói tới ở đây thực ra có tính cách vượt xa hơn một cá nhân, trong nghĩa nó diễn tả loại cá nhân tập thể. Đây là kiểu giải thích trên bình diện lịch sử cứu độ, trong đó cái tôi ám chỉ dân Israel trong thời tiền Môshê, khi họ chưa phải tuân giữ Luật Lệ vì Luật Lệ chưa được công bố. Khi đó họ sống trong tình trạng vô tội, và tiếp theo đó khi đã có Luật Lệ thì họ sống trong thái độ tuân hành các giới răn Thiên Chúa ban hành tại núi Sinai. Cũng có học giả cho rằng thời gian sống tự do không phải nô lệ lề luật đó là thời gian loài người sống trong vườn địa đàng. Nó trái nghịch với thời gian kể từ khi Adam phạm tội cho tới thời Đức Kitô. Ngoài ra các câu từ 14-25 cũng dùng đại danh từ ngôi thứ nhất số ít. Vấn đề đặt ra là không biết nó có ám chỉ kitô hữu đang còn phải chiến đấu với các lực lượng kinh khủng của thế giới cũ hay diễn tả cuộc sống tha hóa của người không tin và không có khả năng xây dựng một tương lai sự sống. Thánh Agostino và sau đó là Luther, theo lập trường thứ nhất. Đây là lý do giải thích tại sao Luther lại có thể khẳng định rằng con người ”vừa tội lỗi vừa công chính”. Ngày nay giới học giả theo lập trường thứ hai, coi cái tôi ở đây diễn tả cuộc sống tha hóa của người không tin, nên cũng không có khả năng xây dựng tương lai sự sống. Tuy nhiên, mỗi người đưa ra một lược đồ khác nhau.

 

Thực ra, vấn đề ở đây không phải là theo giả thuyết này hay giả thuyết kia, mà là chú ý tới một số yếu tố ý nghĩa trong văn bản. Chính các yếu tố này cho phép chúng ta có các điểm tham chiếu chắc chắn. Dữ kiện thứ nhất không ai có thể phủ nhận được đó là đối chọi bản chất tốt lành của luật lệ và điều răn Chúa với cái tôi đã từng sống kinh nghiệm tiêu cực liên quan tới luật lệ, dẫn đưa nó tới cái chết đời đời (cc.7-13). Dữ kiện thứ hai đó là cái tôi được giới thiệu như là một chủ thể đã có sau lưng một lịch sử chia làm hai giai đoạn: giai đoạn không có luật lệ, và giai đoạn có luật lệ (cc.9-10). Các động từ trong phần từ câu 7 tới câu 13 đều ở trong thì qúa khứ. Dữ kiện thứ ba, đó là trong các câu 14-25 trái lại các động từ đều ở thì hiện tại. Nhưng chúng ta sẽ lầm lớn, nếu từ đó đi tới kết luận là thánh Phaolô muốn diễn tả tình trạng hiện nay của cái tôi trong thế đối nghịch với qúa khứ bị hư mất của người. Thật ra, thánh nhân miêu tả tình trạng phân cách trong cuộc sống của cái tôi như xảy ra trong kinh nghiệm lịch sử. Câu 14 chứng minh cho điều này, khi thánh nhân khẳng định rằng ngài đã là xác thịt bị bán làm nô lệ cho ”Tội Lỗi”. Và câu kết thúc lại còn mang sắc thái thê thảm hơn nữa: ”Ôi khốn nạn thân tôi! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác bị giao nộp cho Sự Chết này?”” Tội Lỗi và Sự Chết là môi trường trong đó cái tôi bị giam cầm vì qúa khứ nô lệ của nó. Dữ kiện thứ tư như mốc chắc chắn giúp hiểu ý nghĩa và lý do tại sao thánh Phaolô đề cập tới cái tôi trong phần hai và phần ba của chương 7 thư gửi giáo đoàn Roma, đó là cái tôi là một bản thể bị hư mất mà không có khả thể tự lập để giải thoát lấy mình (c. 24). Dữ kiện thứ năm đó là cái tôi ở đây dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ ”Xin cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô. Chúa chúng ta”. Như thế cái tôi đã sống kinh nghiệm ơn cứu độ nhờ ơn thánh Chúa.

 

Năm dữ kiện kể trên cho phép chúng ta đi tới kết luận này: cái tôi mà thánh Phaolô nói tới ở đây là cái tôi tập thể, có tính chất lịch sử cứu rỗi. Nó bao trọn cả con đường lịch sử nhân loại, bắt đầu từ vườn Địa Đàng, được nhắc tới trong các câu 9-11, cho tới sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa qua trung gian Đức Giêsu Kitô. Nó tương đương với văn bản 5,12-21. Tuy nhiên, đây không phải là một miêu tả do một người bàng quan đứng từ ngoài nhìn vào, mà do một người bên trong đang cùng tất cả mọi kitô hữu nhìn về qúa khứ để lượng định và suy tư trở lại dưới ánh sáng lòng tin kinh nghiệm xâu xé giằng co, bị hư mất đó. Tóm lại, cái tôi mà thánh Phaolô nói tới trong chương 7, 7-25 diễn tả các kitô hữu trong tình trạng liên đới với toàn nhân loại tội lỗi dòng dõi của Adam, nhưng nay họ đã được giải thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng đó nhờ ơn thánh Chúa ban. Chương 7 miêu tả lịch sử qúa khứ của họ đã bắt nguồn từ thời tiền sử xa xưa, khi Adam nhượng bộ chước cám dỗ muốn trở nên như Thiên Chúa, muốn là Thiên Chúa.

 

Đơn vị văn bản gồm các câu 7-13 mở đầu với một lời phản kháng mà chúng ta có thể đoán trước được. Nếu một đàng thánh Phaolô khẳng định song song với nhau sự giải thoát khỏi Tội Lỗi và sự giải thoát khỏi Luật Lệ Môsê,rồi gán cho Lề Luật vai trò tích cực trong việc khiến cho tội lỗi lan tràn (ch. 6;7,1-6), thì hóa ra thánh nhân đồng hóa hai thực tại hay sao? Nhưng thánh nhân cương quyết khước từ.”Không phải thế. Tôi đã chẳng biết luật lệ là gì nếu không có lề luật.Tôi đã chẳng biết ham muốn là gì nếu luật không dậy: ngươi không được ham muốn”.Nghĩa là thánh Phaolô khẳng định rằng không só sự đồng hóa giữa hai thực tại, mà có sự lạm dụng. Tội Lỗi xử dụng lề luật như dụng cụ.Trên thực tế thánh nhân đi từ chỗ duyệt xét lề luật được nhìn trong khía cạnh trừu tượng để bước vào lãnh vực lượng định vai trò lịch sử của nó. Lề Luật khiến cho Tội Lỗi thực hiện sức mạnh của nó trong lịch sử loài người.Trọng tâm của sự chú ý là con người trong cuộc chiến chống lại luật lệ.Việc bênh vực lề luật rút lui vào hậu trường để nhường chỗ cho cái tôi xuất hiện với lịch sử và thời tiền sử (7-13)trong tình trạng cuộc sống hư mất và tha hóa của nó.

 

Đây là khẳng định gây vấp phạm đối với tín hữu Do thái và các kitô hữu gốc Do thái. Để chứng minh cho họ thấy ngài có lý, thánh Phaolô đưa ra một ý niệm khác nữa đó là ý niệm ”thèm muốn” (= epithymía). Trong truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước và trong Do thái giáo thời sau này ý niệm “epithymía” rộng rãi tới độ ám chỉ mọi diễn tả của tội lỗi. Chính thánh Phaolô đã ám chỉ như vậy khi nhắc tới tội bất trung của cha ông xưa trong sa mạc, để nhắn nhủ tín hữu Côrintô, như viết trong thư thứ nhất chương 10,6 như sau: ”Những sự việc ấy xảy ra để làm bài hoc răn dậy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta.” Sách Targum tiếng Aramây khi chú giải sách xuất hành chương 20,17 định tính dân ngoại ”là những kẻ buông theo các thèm muốn”. Thèm muốn ở đây không chỉ có nghĩa dục vọng, mà còn bao gồm mọi tội lỗi khác. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng chính lề luật khiến cho sự thèm muốn nổi dậy nơi con người. Như thế ở đây nó không ám chỉ sự thèm muốn những gì thuộc về người khác (Xh 20,17; Đnl 5,.21), mà diễn tả toàn Lề Luật Sinai. Ảnh hưởng luật lệ bị lèo lái bởi sáng kiến của Tội Lỗi và bị Tội Lỗi dùng như dụng cụ cho hoạt động xấu xa nguy hại của nó, nhằm xúi bẩy con người khẳng định áp đặt chính mình.

 

Cụ thể mà nói, thánh Phaolô ám chỉ câu chuyện Adam và Eva sa ngã phạm tội (cc. 9.11). Vào thủa khai nguyên con người sống trong tình trạng vô tội và kết hiệp toàn vẹn với Thiên Chúa, nên không cần tới lề luật và điều răn bên ngoái để thúc đẩy nó hướng thiện (x. St 2,8-9). Nhưng tất cả đã thay đổi, khi con rắn dùng giới răn của Thiên Chúa cấm ăn trái cây biết lành biết dữ (St 2,16-17) để cám dỗ và lám nảy sinh ra lòng ham muốn kiêu căng của loài người muốn trở thành Thiên Chúa: ”Các ngươi sẽ như các thần linh biết lành biết dữ” (St 3,5). Đây là cả một chiến thuật rủ rê: ”Chính con rắn đã quyến rũ con, và con đã ăn trái cấm” (St 3,13). Nhưng Adam và Evà vỡ mộng: Thay vì trở nên giống như các thần linh, họ bị đuổi ra kkỏi vườn địa đàng và phải chết (St 3,16 tt.).Chính trong bối cảnh này mà thánh Phaolô khẳng định rằng: ”Xưa kia, không có Luật thì tôi sống; nhưng từ khi có điều răn thì tội bắt đầu sống, còn tôi thì chết. Thành thử điều răn lẽ ra phải đưa đến sư sống, lại dẫn tôi đến chỗ chết. Qủa thế, tội đã thừa cơ, dùng điều răn để quyến rũ tôi và cũng dùng điều răn đó để giết tôi” (cc. 9-11). Chỉ khác một điều là thánh nhân loại bỏ yếu tố huyền thoại là con rắn để thay thế vào đó bằng Tội Lỗi nhân cách hóa. Ngoài ra thay vi Adam, thánh Phaolô lại nói ”tôi” và khiến cho Adam trở thành mẫu gương cho toàn nhân loại. Sau cùng thánh nhân cho thấy luật lệ cũng tham dự vào tiến trình cám dỗ con người lỗi luật nữa.

 

Trong câu 12 thánh nhân tái khẳng định bản chất thánh thiện đích thực của luật lệ. Lập trường ở đây của thánh nhân tích cực hơn lập trường trong thư gửi tín hữu Galát. Thánh Phaolô không đồng hóa Lề Luật với Tội Lỗi. Bởi vì lề luật phát xuất từ Thiên Chúa là điều tốt lành. Chính Tội Lỗi đã gây ra cái chết chứ không phải Lề Luật. Nhưng hoạt động của Tội Lỗi đã mạnh tới độ nó có thể dùng cả Lề Luật như dụng cụ gây ra cái chết. Và đây là lý do gây ra cuộc chiến nội tâm được khai triển trong các câu 14-25.

 

LINH TIẾN KHẢI

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.