Dù với một người coi binh nghiệp như nấc thang công danh hoặc bị sung vào quân ngũ, thì với người tráng sĩ lên đường, một bóng hồng hoặc hình dáng người vợ hiền vừa có thể là động cơ làm dậy khí thế hào hùng, lại vừa có thể níu kéo bước chân người sắp ra đi xông pha chốn hòn tên mũi đạn, thậm chí không ít trường hợp làm chùn chân kẻ đi.
Oai phong hay hèn nhát cũng chỉ ở thái độ hành xử trước những ràng buộc tự nhiên nầy. Trong văn học Việt-Nam, tác phẩm diễn nôm “chinh phụ ngâm” diễn tả rất hay tâm tình của người chiến sĩ : chiến bào đã khoác, ngựa hồng đã cưỡi, cung tên đã sẵn! Nhưng không có hiểm nguy khó khăn nào ở phía trước, lại ảnh hưởng tâm tình người chiến sĩ chuẩn nơi xông pha chiến trường như những gì khiến bịn rịn buồn sầu lúc chia tay, trong đó mối bận tâm nhung nhớ nhất chính là “thê noa”: vợ con! Tình cảm luôn có vai trò là động lực hoặc trở ngại.
Trong các trò chơi tập thể phổ biến ở nhiều nơi, có trò kéo co. Hai người hoặc hai nhóm người ở hai bên, được phân định bằng vạch vôi ở giữa. Luật chơi đơn giản : mỗi bên là phải vận dụng sức mạnh và khéo léo để thắng nhóm đối thủ, nhưng tuỳ theo dụng cu được sử dụng để quy định thắng bại : nếu dùng vật thẳng cứng như một thân cây, – để đẩy – thì sẽ thắng nếu đẩy được đối phương lùi xa vạch, còn mình tiến vượt qua lằn ranh ấn định; nhưng sẽ thua khi bị đối phương lôi vượt qua lằn ranh, nếu vật dụng là một sợi dây và dùng động tác kéo, thay vì đẩy. Những ‘lực” có thể làm khác nhau, nhưng chủ yếu làm ta xa dần mục tiêu, đuối sức hoặc không trụ vững và thất bại, không chỉ là những cám dỗ lôi kéo ta, mà còn là những yếu đuối đẩy ta xa mục tiêu, ước vọng, lý tưởng, nhất là trong việc phục vụ. Trong trận chiến một mất một còn với ba thù, đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta được trang bị tận răng bằng Lời Chúa, Bí Tích là có thể bảo đảm thành công và chiến thắng. Cuộc sống xã hội và đạo đức luôn có những điều hỗ tương hoặc kháng lại – khi bằng lôi kéo, lúc lại đẩy ra xa- có thể thay đổi cả nhận thức lẫn hành động của một đời người. Tin cậy khác với tự phụ, kiêu căng.
Chỉ còn ba tuần lễ nữa, ngày 19.06, Giáo Hội sẽ công bố Năm Linh Mục (19.06.2009 – 19.06.2010). Mệnh lệnh Chúa Giêsu truyền lại hôm nay trước khi Người lên trời, chắc chắn là dành cho mọi Kitô hữu, song chủ yếu là cho những kẻ được đặc biệt chọn gọi đi theo và tận hiến cho sứ mệnh nầy : LINH MỤC! Người ta nói : đánh rắn phải đánh dập đầu. Hơn bao giờ hết, hoả ngục huy động và tập trung mọi sức mạnh cho chiến lược đánh phá hôn nhân và gia đình Công giáo, nhưng “cái đầu” của hôn nhân và gia đình lại là…linh mục, chủ yếu là đời sống độc thân vì Nước Trời của linh mục. Điều nghe có vẽ nghịch lý, lạ lùng, lại là một sự thật liên kết và gắn bó chặt chẽ đời sống hôn nhân gia đình và đời sống tận hiến phục vụ : hai thành phần làm nên một Giáo Hội hướng về xây dựng một thực thể khác, là Nước Trời. Trong cuộc chiến một mất một còn nầy giữa hôn nhân Công giáo và sự sa đoạ xác thịt, thì giá trị của thân thể, của tình dục thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho con người trở nên sa đoạ và nằm trong bàn tay thao túng của Satan, nên cái đích nhắm và công phá điên cuồng của Satan và các thế lực xấu xa! Hoả ngục chính là một phần thiên đàng bị chuyển hoá nên xấu xa do ma quỷ! Phần sa đọa xấu xa nầy, Satan tìm mọi cách để gieo vào trần thế hình ảnh và niềm tin vào “thiên đàng hạ giới”! Linh mục – đời sống độc thân linh mục – là một trong những ngăn trở và kẻ thù lớn nhất trong cuộc “chinh phục” thế gian của Satan, đánh thẳng vào mặt Satan rằng : cuộc đời con người không chỉ có vật dục; rằng: những ‘vũ khí” Satan dùng – tiền tài, xác thịt – tự chúng, theo thánh ý Chúa – là tốt lành khi người ta làm chủ chứ không phải là làm nô lệ chúng, – rằng: tất cả những sự đời nầy nhằm giúp con người sống xứng đáng và hướng về những sự đời sau. Những điều nầy phản ánh trong đời sống phục vụ và độc thân của linh mục, kẻ thù chính của Satan.
Điều mà những người sống hôn nhân và gia đình nhìn vào và tin tưởng, chính là đời sống gương mẫu của linh mục, nhất là trong đời sống độc thân, nhắc nhở đức khiết tịnh, sự tiết chế trong hôn nhân và chiều kích phục sinh và vĩnh hằng của đời sống hôn nhân và gia đình. Đời sống độc thân linh mục không phải là cái thắng (phanh, hãm) đối với đời sống hôn nhân và gia đình trong đời sống tình dục và xã hội, nhưng là bạn đồng hành, vị cố vấn, nhà giáo dục, người hướng đạo, để những người sống đời gia đình nhìn vào mà suy nghĩ , hiếu biết và thánh hoá những giá trị đời sống tự nhiên đó. Linh mục và những người sống đời tận hiến như ngọn hải đăng soi sáng , để không tín hữu nào lạc đường vào biển đời trần thế , chạy theo những giá trị trần tục tội tình,tôn thờ tiền bạc và xác thịt, như các thuỷ thủ trong truyện thần thoại xưa bị mê hoặc vì tiếng hát các nhân ngư, để thuyền bị đắm chìm và tiêu vong. Những thuyền trưởng – linh mục – ý thức nguy hiểm cho cả đội thuyền, liền tự nguyện nhắm mắt bịt tai (như Ulysse trong sử thi của Homère) để không nghe theo tiếng hát say đắm. Phục vụ, trước hết, là giữ cho bản thân một tinh thần toàn tâm toàn ý, một tâm hồn yêu mến công việc và những người mình phục vụ, bằng không thì chỉ là một việc phục dịch, miễn cưỡng chẳng khác nào khổ sai. Hai hậu quả của một tinh thần phục vụ miễn cưỡng như thế : hoặc sớm bỏ cuộc hoặc kéo lê gánh nặng cả cuộc đời.
Và điều kiện đề những người sống đời tận hiến nói chung, đặc biệt các linh mục, có thể trọn đời và toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa và anh em, chính là hy sinh, mà một trong những hy sinh từ bỏ cao quý nhất, chính là đời sống gia đình – THÊ NOA – mà các ngài hoàn toàn có quyền được hưởng, một cách hợp pháp nhất, kể cả khi đã nhận bí tích truyền chức linh mục. “Thê noa” – hạnh phúc gia đình – dù cao quý ( và càng cao quý) đến mấy, thì vẫn là những sợi dây trói buộc con tim và chân tay vị linh mục. Đòi hỏi quan tâm đúng mực, sống đày đủ bổn phận trong hôn nhân và gia đình, đã chiếm gần hết thời giờ, tâm trí và sức lực của vị linh mục, thì lý tưởng phục vụ còn lại gì? Mà nếu ngài không làm trôn bổn phận người chủ gia đình – khi kết hôn – thì giá trị chức linh mục của ngài còn nữa chăng? Mỗi lần cử hành Bí Tích Thánh Thể, ngài còn có được gì để làm hy lễ? Và bởi vì “Thê noa” luôn đi kèm với những đòi hỏi cơm-gạo-áo-tiền và muôn vàn thứ không cần kíp, nhưng phải có trong sinh hoạt gia đình, những thời giờ và những thú giải trí, tất cả đều tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng đáp ứng được, từ đó, những cám dỗ, những kẻ hở không đếm xuể để cho “ba thù” tấn công, đánh phá. Satan sợ và ghét linh mục, không chỉ vì là các thừa tác viên ban bí tích, mà còn vì yếu tố thánh hoá của đời sống độc thân linh mục.
Mỗi lần nghe đọc lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng trong Thánh Lễ : “để nhờ công phúc đức tin của người, Dân Chúa ngày một thêm đông số”, Kitô hữu không sai lầm khi cầu nguyện cho các linh mục của Chúa, đặc biệt trong Năm Linh Mục nầy, với tâm tình yêu mến, kính trọng và biết ơn, rằng : “để nhờ công phúc đời sống phục vụ và độc thân của các ngài, Dân Chúa ngày thêm kiên vững đức tin”.
CHÚA NHẬT VII (CHUA THANG THIEN) (Nam B) – Marc 16, 15-20
CVK Nguyễn-Thế-Bài
Views: 0