Uncategorized

Lời thì thầm!

“Một chiều năm xưa giữa bữa tiệc vui; thì thầm bên tai Chúa nói biệt ly…”.

(nhạc phẩm : hãy yêu thương nhau – tác giả Linh mục Thành Tâm)

Có sự biệt ly nào không đem lại sự đau thương !

Có sự biệt ly nào không để lại niềm nhung nhớ !

 

“Một chiều năm xưa giữa bữa tiệc vui; thì thầm bên tai Chúa nói biệt ly…”.

(nhạc phẩm : hãy yêu thương nhau – tác giả Linh mục Thành Tâm)

Có sự biệt ly nào không đem lại sự đau thương !

Có sự biệt ly nào không để lại niềm nhung nhớ !

 

Quanh bàn tiệc ly năm xưa – thời gian như dừng lại; một sự thinh lặng bao trùm khắp căn phòng – Đức Giêsu đứng đó nhìn các môn đệ đang trong tình trạng vô cùng sầu não; Ngài cất tiếng nói như một “lời tỏ tình” thật dịu dàng và thật trìu mến : “anh em đừng xao xuyến “ và rằng “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào; Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Gioan 15 : 9).

 

Ôi ! lời tỏ tình chất chứa đầy tình yêu thương.

 

Lời “tỏ tình” này như một sự tổng hợp tất cả những gì mà suốt ba năm trời Đức Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng. Thật vậy , chắc hẳn khi nghe lời tỏ tình này các môn đệ sẽ nhớ lại vào một đêm khuya trong quá khứ; hôm mà Nicôđêmô “một thủ lãnh của người Do Thái” đến gặp Đức Giêsu. Trong buổi đàm luận đó Đức Giêsu đã nói về một Thiên Chúa là tình yêu; “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Gioan 3 : 16).

 

“Thiên Chúa là tình yêu” – đó chính là trung tâm điểm của sứ điệp loan báo tin mừng. Những nơi Đức Giêsu đã đi qua; những nơi Ngài đã hiện diện đều để lại những dấu ấn về một Thiên Chúa của lòng bao dung : “Này chị, … Không ai lên án chị sao ?” – “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! … và từ nay đừng phạm tội nữa” (Gioan 8 : 10-11); một Thiên Chúa chậm giận và hay tha thứ; một Thiên Chúa như một người mục tử nhân lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gioan 15 : 13).

 

Nỗi u sầu của các môn đệ như được xóa tan khi Đức Giêsu dõng dạc tuyên bố : “anh em là bạn hữu của Thầy… anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. – Căn phòng tiệc ly – giờ đây tràn ngập niềm vui và thật xúc động làm sao khi Đức Giêsu với một hành động khiêm nhường; quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài đã khắc sâu vào tâm hồn các ông “điều răn mới” này bằng chính cái chết của mình…

 

 

……..một phút suy tư..

 

“Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”(Gioan 15 : 17).

 

Vâng, đây không phải là lời mời gọi; nhưng chính là một lệnh truyền.

 

Buồn thay ! lệnh truyền này có vẻ như không còn phù hợp với thời đại chúng ta hôm nay ! Từ ngữ hãy-yêu-thương-nhau ngày một lạ lẫm , xa lạ với chúng ta thì phải ? Hành động chạnh-lòng-thương-xót của người Samaria nhân hậu trước nạn nhân bị cướp đánh đập giữa đường – không tránh qua lối khác mà đi – nhưng đã đứng lại cứu giúp, có là gương soi “người tốt việc tốt” cho mỗi chúng ta ? Chuyện ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó có vẻ như nhan nhản khắp nơi trong một thế giới đầy tính duy vật như hôm nay !!!

 

Chuyện kể rằng : “Ở Palestine có hai biển hồ. Một biển được gọi tên là biển hồ Galilêa. Đây là biển hồ rộng lớn với nước trong xanh; người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Chung quanh hồ cây cối xum xuê tươi tốt. Biển hồ thứ hai được gọi là biển chết – chết đúng như tên gọi của nó. Không có sự sống ở trong cũng như chung quanh hồ. Nước mặn đến nỗi cá không thể sống mà người sẽ trở nên bệnh hoạn nếu uống nước ở biển hồ này. Cả hai biển hồ này đều nhận nước từ sông Jordan . Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ khác, nhờ đó nước của hồ Galilêa luôn trong sạch và mang lại nguồn sống cho cây cỏ, muôn thú cũng như con người. Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan , nhưng nó không chảy qua các hồ khác, do đó nước của Biển chết trở nên mặn chát và hối thối !”.

 

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có thể hiểu được thông điệp mà câu chuyện này muốn gửi đến.

 

Sách Huấn ca có chép rằng : "Đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi" (Hc 4 : 31). Và thánh Phaolô cũng đã khẳng định : “Cho có phúc hơn nhận”.

 

Trong chúng ta; có ai đã trải nghiệm được điều này !

 

Trở lại “buổi chiều năm xưa” Đức Giêsu đã nói rất rõ ràng : "Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau." Phải chăng đây cũng là lời Ngài nói với mỗi chúng ta hôm nay. Và nếu chúng ta muốn “niềm vui của (chúng ta) được nên trọn vẹn” thì ngay từ hôm nay cũng như “ngàn đời mai sau (chúng ta) luôn ghi nhớ : Hãy thương yêu nhau ! Hãy thương yêu nhau như chính Thầy”.

 

Petrus.tran

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.