Uncategorized

Lời nhắn của người “ra đi” mãi mãi!

Sau khi linh mục đã hoàn tất phần cuối của nghi lễ làm phép xác trong nhà thờ, lúc chiếc quan tài bắt đầu di chuyển, tiếng hát ca đoàn cất lên đưa tiển:

“Xin vĩnh biệt mọi người tôi ra đi lần cuối, không bao giờ trở lại

Tôi đã nhận được lệnh ra đi, xin chúc tôi may mắn!

Xin để lại anh em đôi lời: yêu thương nhau mãi mãi”.

Sau khi linh mục đã hoàn tất phần cuối của nghi lễ làm phép xác trong nhà thờ, lúc chiếc quan tài bắt đầu di chuyển, tiếng hát ca đoàn cất lên đưa tiển:

“Xin vĩnh biệt mọi người tôi ra đi lần cuối, không bao giờ trở lại

Tôi đã nhận được lệnh ra đi, xin chúc tôi may mắn!

Xin để lại anh em đôi lời: yêu thương nhau mãi mãi”.

Lời hát làm tôi rung động, tôi có cảm tưởng người nằm trong quan tài kia đang cất lời chào vĩnh biệt và để lại lời nhắn cho mọi người ở lại. Lời nhắn đó bỗng trở thành thiêng liêng! Thường lời trăn trối của người hấp hối bao giờ cũng được lắng nghe từng câu, từng chữ để thực thi, huống hồ đây là lời chào vĩnh biệt, lời nhắn cuối cùng của người ấy, khi thân xác ấy sắp được đem ra nghĩa trang để vùi sâu trong lòng đất. Thế gian này ai cũng biết là “cõi tạm”, nhưng gần như ai cũng quên mất nên:

“Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật

Thế cho nên tất bật đến bây giờ!”.

Xã hội ngày nay ai cũng vội vàng “tất bật”, không còn giờ để “tỉnh tâm”, để yêu thương, để “cho đi”, đến khi “nhận ra” thì đôi khi không còn kịp nữa! Khi chiếc quan tài ra tới ngoài cửa thánh đường, lời hát “tự tình” vẫn còn dư âm của sự ân hận tiếc nuối, gửi trao:

“Tôi đã nhận được từ mọi người nhiều hơn là tôi đã trao cho..

Hãy yêu thương nhau mãi mãi thay tôi..”

Ý thơ của Gitanjali qua lời bài hát làm tôi bối rối tự xét lại mình, vì nó đã diễn tả đúng tâm trạng tôi, nó đã đánh động trái tim tôi. Nhìn lại di ảnh của anh Trần quang Trung đang mỉm cười, tôi có cảm tưởng anh đang thì thầm nhắc lại những lời “tự tình” đó thêm một lần nữa! Xin cám ơn những lời nhắc nhở quý báu, khiến tôi nhớ lại tôi đang “may mắn” hơn anh Trung vì dù sao tôi vẫn còn quỹ thời gian để “Mỗi sớm mai thức dậy” lại “có thêm ngày nữa để yêu thương” để nói những lời tử tế với mọi người, để nở nụ cười với những ai tôi gặp trên đường đi, để sẳn sàng làm một điều gì tốt cho những ai đang cần đến tôi…để sống bao dung và thả trôi đi những tị hiềm của cuộc đời, để ý thức mỗi ngày được sống bình an là tặng phẩm của Chúa ban cho!

Ở cuối nhà thờ, tôi gặp được anh GBPhan và một số các em SNA. Anh Trung trước 75 dạy nhiều trường khác nhau, nhưng hôm nay đến tiễn đưa anh, hình như chỉ có nhóm trường Sương Nguyệt Anh, các em SNA lúc nào cũng chu đáo tình nghĩa với bạn bè và thầy cô.

Khi đi ra nghĩa trang, tôi sợ đi lạc, thế là các em hoan hỉ sắp xếp để tôi đi chung xe với các em. Loay hoay thế nào mà chúng tôi đi sau nhưng lại đến nghĩa trang trước xe tang. Nhìn khung cảnh nghĩa trang, đi thăm từng nấm mồ chung quanh để thấy rõ cuộc đời là vô thường! Có những người chết khi còn rất trẻ, nhìn hình trông xinh đẹp, tươi tắn làm sao!, có những người lớn tuổi khi còn tại thế nắm giữ những chức vụ quan trọng, nhưng bây giờ dưới những nấm mồ kia chắc chỉ còn là một nắm xương khô!

Mọi người đang nhắc đến cái chết thảm khốc của nhà độc tài Gadhafi với 42 năm bạo quyền, tài sản lên đến 6 tỷ đollars, khi “ra đi” có mang theo cho mình được gì đâu? Ôi ! biết bao nhiêu quyền lực , danh vọng, tiền tài, mộng đẹp đã “vụt xa tầm tay với”:

“Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng

Được – mất – bại – thành bỗng chốc hóa hư không”.

Tôi nhớ lại trong chuyến đi Âu châu hè vừa rồi, khi ghé thăm khu tưởng niệm 6 triệu nạn nhân Đức Quốc Xã ở Berlin, nhìn những khối bê tông màu xám: cao thấp, to lớn, hình thể dài ngắn khác nhau nhưng hướng dẫn viên lại cho chúng tôi biết tất cả đều có cùng một trọng lượng và một khối thể tích giống nhau. Điều đó có ý nghĩa gì? Con người ta sinh ra và lớn lên có thể có những hoàn cảnh sống, môi trường lớn lên khác nhau, nhưng tất cả đều có cùng một mẫu số chung là đều phải chết, rồi xác thân sẽ trở thành tro bụi, như lời một bài hát trong thứ 4 lễ Tro mỗi năm tôi vẫn nghe trong nhà thờ:

“Hỡi người! hãy nhớ mình là bụi tro
Một mai người sẽ trở về bụi tro
Ôi thân phận của con người
Tựa một bông hoa nở tươi
Một làn gió nhẹ lung lay
Cũng biến tan sắc màu..”

Nhớ lại trận động đất và sóng thần ở Nhật vừa qua, nhìn những hình ảnh quay được chiếu trên you tube, thấy những chiếc tàu biển, máy bay, xe truck..như những đồ chơi trẻ con lềnh bềnh trôi giạt giữa sóng nước mênh mông, mới hình dung được hết sự nhỏ bé của con người như TCSơn đã từng mô tả:

“ Ôi cát bụi phận này!

Vết mực nào xóa bỏ không hay”.

Nếu mỗi ngày ta đều đến viếng nghĩa trang để nhớ tới thân phận cát bụi của con người và cuộc sống trên cõi trần ai này chỉ là :

 

“Trăm năm lạc bước thăm cõi tạm” có lẽ lúc đó ta sẽ sẳn sàng : “Mỗi bước trần gian: Nhẫn, Nhịn, Nhường”. Khi ấy ta sẽ sống hiền hòa nhân ái hơn, tham, sân , si trong con người ta, sẽ không còn chỗ trú ngụ! Và nếu có bất ngờ nhận được “lệnh ra đi” ta sẽ lên đường nhẹ nhàng, thanh thản không chút hối tiếc, băn khoăn, vì nhớ lại:

“Khi ta đến, đôi chân trụi trần,
Ta chẳng có chút gì đeo mang
Sao bây giờ nặng gánh trần gian?”(MDĐL).

Xe tang đã đến, quan tài được khiêng xuống đặt bên cạnh huyệt mộ đã đào sẳn, nơi cuối cùng mà mọi người đều phải đến! Nghi lễ trước khi hạ huyệt được bắt đầu với cha chủ tế ( con của thầy G.B.Phan) nói đôi lời tâm tình với thầy Trung! Sau đó mọi người lần lượt lên nói những lời tâm tình với người quá cố. Tôi đến đứng cạnh chị Trung, chỉ để tìm và thay cho chị những chiếc khăn giấy khác, khi nó đã đẫm những giọt lệ sầu thương hoặc chỉ để ôm bờ vai chị những lúc chị nức lên vì xúc động, khi nghe mọi người nhắc lại những kỷ niệm với anh Trung! Thầy N.N. Lâm đã soạn sẳn bài điếu văn để đọc, nhưng tiếc vì bị kẹt xe trên freeway nên đến trễ, nhưng các em SNA đã hoàn thành rất tốt phần của mình: MH đại diện SNA đọc một vài lời chia buồn trong danh sách hằng loạt email phân ưu từ gia đình SNA các nơi gửi về và đã được in ra. NM hát một bài hát thật xúc động để tiển đưa thầy Trung, và sau cùng MHoa đã đọc điếu văn khóc thầy của N.Chiêu (Texas). Các em SNA đã khiến nhiều người xúc động trước tình nghĩa thầy trò mà các em vẫn còn giữ được tới bây giờ dù là đang ở xứ Mỹ, nơi mà nhiều người thường cho là tình nghĩa đã bị cuốn theo chiều gió của đồng Dollars. Gia đình SNA tuy ở rải rác khắp nơi trên thế giới, nhưng nhờ phương tiện internet nên mọi người liên lạc được với nhau dễ dàng. Các lời chia buồn từ khắp nơi được TH cập nhật hóa mỗi ngày. Những hình ảnh lúc viếng ở nhà quàn và đám tang đều được đưa lên internet kịp thời. Trong những vòng hoa phúng điếu, vòng hoa của SNA lớn nhất và nổi bật nhất với hình huy hiệu SNA màu hoa đỏ rực giữa nền hoa trắng tinh khôi do tiệm hoa của Mai Hoa hoàn thành. Tôi rất tự hào về học sinh SNA, các em vừa có nhiều tài lại vừa tràn đầy tình nghĩa! Tôi lại nhớ đến sự chăm sóc của các em SNA trong thời gian dài cô H.T. Kim Chi lâm trọng bệnh, cũng như lo chu đáo cho tang lễ lúc cô Kim Chi qua đời năm rồi tại Paris. Cô xin đại diện cho các thầy cô SNA còn sống cũng như đã qua đời, trân trọng cám ơn tấm chân tình của các em rất nhiều!

Mỗi lần đi dự đám tang, được nghe những bài điếu văn, những lời tâm tình với người “ra đi” của những người thân còn ở lại, tôi đều xúc động và có những cảm nghĩ rất đẹp về tình người, nhưng phải chi trong cuộc sống mỗi ngày, nếu chúng ta luôn biết nghĩ tốt về nhau, nói với nhau toàn những lời tốt đẹp, biết bao dung tha thứ cho nhau vì “Vị tha là cội nguồn hạnh phúc nhất” (ĐĐLai Lạt Ma) thì làm gì có những người “ra đi” nhưng “trong lòng bao vết thương”! Tại sao chúng ta cứ phải đợi đến khi người đó nằm xuống?

“Có tốt với tôi, thì tốt với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời..”

Tôi nhớ một lần nào đó TCS đã nói nhân dịp đám tang của một nghệ sĩ: tại sao chúng ta cứ để dành những lời lẽ yêu thương tốt đẹp, hay những vòng hoa tươi thắm nhất cho nghệ sĩ hay ai đó khi họ đã qua đời ? Tại sao chúng ta không tặng những đóa hoa tươi đó ngay khi họ còn sống, để họ cảm nhận được tình cảm yêu thương của chúng ta, để họ thưởng thức được vẽ đẹp của những đóa hoa tươi. Khi họ chết rồi, họ đâu còn cảm nhận được những điều đó nữa, dù chúng ta có chất đầy một nhà hoa tươi hay đem hoa phủ ngập nắm mộ cũng vây thôi! Tất cả đã muộn rồi! Thật là một ý kiến chí lý lắm thay!

Phần nghi thức cuối cùng: mọi người lần lượt đến đặt một cành hoa tươi trên quan tài để vĩnh biệt người quá cố, trước khi quan tài được đưa xuống huyệt sâu và đất sẽ được lấp lại! Nói tới đây tôi chợt nhớ tới bài viết trên vietcatholic.com, nói về đám tang của một đan sĩ già trong một dòng khổ tu (ở phía bắc California). Xác vị đan sĩ được đặt nằm trên một miếng gổ, mặc áo dòng và một chiếc khăn trắng được phủ che mặt, không có quan tài ! Đám tang đơn giản, chỉ có 1,2 người thân và anh em trong dòng, một số giáo dân đang tỉnh tâm ở đó nên có dịp tham dự. Sau những nghi thức cầu nguyện cuối cùng, xác được đưa xuống huyệt và người ta xúc đất lấp lại. Có một số người sợ không dám đền gần để liệng nắm đất cuối cùng lên thi hài người chết. Đây là một dòng khổ tu, thường ở giữa sa mạc, họ sống chủ yếu là cầu nguyện và lao động, họ ăn uống đạm bạc (từ những sản phẩm lao động do họ làm ra), y phục giản dị,họ không có bất cứ một phương tiện giải trí hay truyền thông nào. Họ đã tự nguyện chọn đời sống khó nghèo khi còn sống cũng như lúc chết, có lẽ đây mới đúng là hình thức “tu thật sự”.

Hè rồi do một sư tình cờ, tôi được đến viếng dòng khổ tu Châu Sơn ở Sacramento ( bắc Cali), tôi thấy các thầy sống khó nghèo, nhưng rất hồn nhiên và vui tươi. Sự hồn nhiên, vui tươi của các thầy đã lôi kéo 2 người bạn Phật Tử thuần thành ( đã quy y và có pháp danh) của tôi cùng vào tham dự giờ kinh nguyện với các thầy ( mỗi ngày các thầy có 7 lần cầu nguyện) chưa kể giờ ăn trưa ( ăn trong thinh lặng và lắng nghe lời Chúa do các thầy luân phiên đọc). Các thầy lao động cực nhọc giữa nóng cháy sa mạc, nhưng luôn vui vẻ, tử tế và ân cần hòa đồng với mọi người dù chúng tôi là khách lạ phương xa đến thăm bất ngờ. Điều này khiến chúng tôi rất cảm phục và cảm thấy mình cũng là “người nhà” nên vui vẻ xăn tay áo lên để cùng lặt rau ( hằng chục thúng to ) và dọn dẹp nhà bếp với các thầy một cách hoan hỉ . Thế mới biết sự thu hút tâm linh không đến từ vẽ hào nhoáng vật chất bên ngoài, mà đến từ nét đẹp đơn sơ của tâm hồn mộc mạc chân thành!

Trở lại đám tang của vị đan sĩ, có lẽ không phải nhà dòng không đủ tiền để mua một cổ quan tài đơn sơ cho người qua đời, nhưng có lẽ cái ý nghĩa sâu xa hơn là muốn nói lên tính hư vô trần trụi của con người: sinh ra từ bụi đất lại trở về với đất bụi, thì có cần thiết chi thêm một cổ áo quan khi “đất ôm ta đưa về cội nguồn”??, nhất là khi vị đan sĩ ấy đã có lời khấn “khó nghèo”, bởi trước sau gì thân xác ấy cũng hóa thành bụi đất! Thật là một bài học đáng suy ngẫm!

Ngày nay nhiều người hiểu biết chủ trương khi chết đi chỉ cần một đám tang thật đơn giản, nặng về tâm linh cầu nguyện ( điều người chết cần), giảm bớt tối đa những hình thức rình rang bên ngoài ( thực ra là dành cho người sống). Bây giờ đất chật, người đông ( nhân loại đã lên đến con số 7 tỷ) thiêu là tốt nhất (nghe nói có phuong pháp thiêu mới nhất, ép ra nước hay tro), đó cũng là một cách bảo vệ môi sinh cho những người còn sống. Điều quan trọng không phải là đám tang lớn hay nhỏ, cổ quan tài tốt hay xấu mà điều quan trọng là cầu nguyện:

“Xin cho một người vừa nằm xuống

Được thấy bóng thiên đường, cuối trời thênh thang”(TCS).

Ra về các em nhắc đến những kỷ niệm một thời với SNA xưa, làm tâm trí tôi cũng bâng khuâng nhớ về những ngày xưa thân ái trong cuộc đời đi dạy của mình. Những lần 20/11 (ngày nhà giáo) các em đến thăm nhà, dù trời đã khuya vẫn kiên nhẫn chạy vòng vòng để đợi đến phiên, không phải chỉ có các học sinh năm đó mà cả các em học sinh cũ của các năm trước. Rồi những ngày cuối năm học, cô trò lưu luyến chia tay nhau, có em hát bài “Bụi phấn”tặng cô, mà xúc động rưng rưng, làm cô và cả lớp cũng xúc động theo:

“Khi “thầy” viết bảng bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy
Em yêu phút giây này…”

Rồi những lần không khí lớp lặng như tờ, khi cô “nhập vai” giảng về cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều. Nhìn xuống lớp thấy một vài em ngồi bàn đầu xúc động, cúi mặt nước mắt lặng lẽ rơi! khẽ đưa tay lên quẹt! Sao cô bỗng thấy thương mình, thương các em và thương cho cả xã hội sau 75 thời đó sao giống như thân phận nàng Kiều đang rơi vào cảnh truân chuyên:

“Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao, mới được phần thanh cao”.

Đúng là sao cô trò mình “tình cảm ướt át” nhiều quá! ( thời đó hay bị gán cho cái tội “tiểu tư sản” ) chả bù cho xã hội chủ nghĩa bây giờ đã trở nên lạnh lùng “vô cảm” đến độ đáng sợ như vụ mới xảy ra ở Trung quốc, một em bé 2 tuổi bị xe cán tới 2 lần, máu me loang đường nhưng người đi qua vẫn thản nhiên tránh và đi tiếp (ít ra là 17 người).Chẳng lẽ trái tim họ là sỏi đá sao ? nhưng họ đã quên rằng ”sỏi đá vẫn cần có nhau”.

Kỷ niệm đặc biệt nhất đối với tôi là cuốn “lưu bút tình cờ” với những trang các em viết vội, nhưng nồng ấm, cảm động đã gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất. Tôi nhớ đã có viết một bài về cuốn lưu bút đặc biệt này để tặng các em lâu rồi, bây giờ chẳng biết lưu giữ ở đâu để tìm đọc lại cho đỡ nhớ “hương vị ngọt ngào” năm xưa. Nhờ có người nhắc, tôi lên trang nhà Suongnguyetanh.org, may quá bài viết vẫn còn post trên đó, đọc lại mà thấy xúc động thấm thía với những tình cảm của các em học sinh cũ!

 

Đúng là “ Tôi đã nhận được từ các em nhiều hơn là tôi đã trao cho”.

Nếu làm một cuộc so sánh cách cư xử tình nghĩa đối với thầy cô hay đối với cha mẹ của thế hệ trước với thế hệ bây giờ thì qủa là có một khoảng cách quá xa! Hình như thế giới càng văn minh càng hiện đại bao nhiêu thì tình nghĩa con người lại càng đi xuống dốc bấy nhiêu!

Nhìn quanh thế giới hôm nay : thiên tai, động đất, lũ lụt, dịch bệnh rồi khủng bố lan tràn khắp nơi!. Tai ương chết chóc có thể đổ ụp xuống đầu chúng ta bất cứ lúc nào! Thôi thì hãy tận hưởng từng phút giây của cuộc sống để yêu người, yêu đời, hãy hối hả làm được điều gì tử tế thì cứ làm kẻo không còn cơ hội để:

“Nếu thật hôm nào tôi phải đi..
Tay chia ly cùng đời sống này
Quanh tôi trăm năm khép lại…”(TCS)

thì tôi có thể “ra đi” với một cảm giác “dịu dàng một nỗi đau” nhưng “ngậm ngùi một nỗi vui”.

11/2011
Phượng Vũ
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.