Uncategorized

Lời mời của ân sủng

Theo số liệu thống kê năm 2007. Trên thế giới có khoảng 194 quốc gia và vùng lãnh thổ có chủ quyền và là thành viên Liên Hiệp Quốc. Trong tổng số những quốc gia và vùng lãnh thổ đó, trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có người Việt Nam sinh sống.

Theo số liệu thống kê năm 2007. Trên thế giới có khoảng 194 quốc gia và vùng lãnh thổ có chủ quyền và là thành viên Liên Hiệp Quốc. Trong tổng số những quốc gia và vùng lãnh thổ đó, trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có người Việt Nam sinh sống.

Biến cố lịch sử 30.04.1975 đã tạo ra một làn sóng người di tản ra khỏi Việt Nam . Sau đó vài năm, vì nhiều lý do khác nhau, hàng triệu người rời bỏ Việt Nam tìm đường định cư ở những quốc gia khác bằng cách vượt biển. Và cuối cùng là chương trình ra đi có trật tự như HO, ODP, RO v.v… cũng đã giải quyết hàng trăm ngàn người Việt Nam rời khỏi quê hương để đến định cư tại Hoa Kỳ.

Để được định cư ở Hoa Kỳ , Canada hay Anh Quốc. Hoặc ở Úc, Nauy , New Zealand hay Nhật Bản v.v… Họ phải trải qua nhiều cuộc thanh lọc và phỏng vấn rất khắt khe. Họ phải đợi chờ trong lo âu, hồi hộp và hy vọng.

Đối với những người vượt biên và sống tạm cư ở đảo, được xét duyệt định cư ở nước thứ ba chẳng khác nào như được tái sinh. Còn đối với những người nộp hồ sơ xuất cảnh từ Việt Nam , “rinh được tấm giấy hồng” là niềm vui bất tận.

Vâng, có thể nói, dù có đôi chút lưu luyến rời cố hương, nhưng dẫu sao cũng là tốt khi họ “xin chọn Hoa Kỳ làm quê hương” …

……

 

Thế nhưng, có một quê hương khác tốt đẹp hơn. Quê hương đó được gọi là “Quê Trời”. Hay còn gọi là Nước Trời.

Quê hương “Nước Trời”. Vâng. Đây không phải là trí tưởng tượng của con người. Quê hương Nước Trời là một mầu nhiệm. Quê hương Nước Trời là Nước của Thiên Chúa ban cho con người. Quê hương Nước Trời là nước của tình yêu thương và sự bình an. Quê hương Nước Trời không phải là một quốc gia có biên cương lãnh thổ. Không có những đoàn quân hùng mạnh. Không có chính phủ hay đảng phái.

Hơn hai mươi thế kỷ trước. “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian”. Con của Người đến thế gian là để loan báo một Tin Mừng. Đó chính là “Tin Mừng Nước Trời”.

Ngay những ngày đầu tiên bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Con Thiên Chúa chính là Đức Giêsu, Ngài đã đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời (Mt 4, 23).

Ngài đã nói với mọi người rằng “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Và rằng “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Để cho việc rao giảng dễ đi sâu vào lòng người. Đức Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh và dụ ngôn để diễn tả về Nước Trời. Đã có lần Đức Giêsu ví : Nước Trời như viên ngọc quý hay như một kho báu mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Con người phải ra công gắng sức tìm kiếm để chiếm hữu.

Một lần khác Ngài ví Nước Trời lại giống như chiếc lưới thả xuống biển. Vâng, qua dụ ngôn “chiếc lưới”, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy một Thiên Chúa từ bi và nhận hậu. Như một chiếc lưới cá thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài (Mt 13,48). Nước Thiên Chúa cũng vậy, không phân biệt ai, không phân biệt chúng tộc màu da, luôn mở rộng và đón nhận mọi tâm hồn sám hối và thống hối ăn năn.

Nghe những lời rao giảng đó. Trong dân chúng, có nhiều kẻ đã tin vào Ngài. Nhưng các thượng tế và người Pharisêu thì cho rằng đó là những lời nói “mê hoặc” chỉ có bọn “dân đen” – một bọn mà các thượng tế gọi là “quân bị nguyền rủa” – tin theo, chứ còn “trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ?” (Ga 7,48)

Để đáp lại những lời nhận định đầy ác ý của các thượng tế và nhóm Pharisêu. Đức Giêsu lại dùng một dụ ngôn để nói lên rằng, ai mới là người đáng bị nguyền rủa ! Và rằng những lời rao giảng của Ngài về một Quê-Hương-Nước-Trời không phải là những lời “mê hoặc” nhưng là những “lời mời của ân sủng”.

Đó chính là “dụ ngôn tiệc cưới”.(Mt 22, 1-14).

Mở đầu dụ ngôn được kể rằng “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình…” (Mt 22, 2).

Người ta thường nói “miếng ăn không trọng bằng lời mời”. Đúng vậy. đã có một số người hân hạnh được nhà vua trân trọng mời.
Ba lần nhà vua “sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách”… Thật đáng tiếc ! Lần nào cũng có những rắc rối xảy ra.

Lần mời thứ nhất, quan khách “không chịu đến”.

Lần mời thứ hai, tệ hơn nữa. Họ “không thèm đếm xỉa tới, lại còn bỏ đi : kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết”.

Lần thứ ba, lại một người gây rắc rối. Anh ta bước vào dự tiệc cưới nhưng lại “không mặc y phục lễ cưới”. Ôi ! Tệ thật ! Anh ta không lịch sự trước lời “thỉnh” của nhà vua.

Câu chuyện chỉ mới được kể tới đây nhưng cũng có thể làm cho độc giả giật mình! “Thỉnh” ! Vâng, “thỉnh cầu” theo từ điển tiếng Việt nghĩa là xin điều gì với bề trên có quyền thế.

Phải chăng đó chính là lý do để “nhà vua nổi cơn thịnh nộ”? Vâng, có lẽ nào nhà vua là một người có quyền thế, vậy mà khi “xin điều gì” với các quan khách là những người bề dưới chẳng những bị từ chối mà còn bị sỉ nhục sao !!!

Cứ sự thường, không một vị vua nào chịu im lặng trước những kẻ đã sỉ nhục mình. Sự kiện những kẻ sỉ nhục nhà vua, những kẻ gây “rắc rối” bữa tiệc cưới bị “tru diệt”, bị “trói chân tay lại quăng ra chỗ tối tăm” là điều tất yếu…

Có lẽ “trong giới Phariseu” khi đọc được dụ ngôn này, chắc hẳn họ sẽ nhận ra ai là người đáng gọi là “quân bị nguyền rủa”!

Và chắc hẳn những người dù đã được “mời vào tiệc cưới” nhưng cũng phải xem lại liệu mình có nằm trong “số ít” những “người được chọn”!

Một chút tâm tình…

Qua dụ ngôn tiệc cưới, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy, Thiên Chúa chính là hình ảnh vị vua trong dụ ngôn. Người chính là Vua của bữa tiệc cưới. Người chính là Vua của Nước Trời.

Một vị Vua của lòng nhân hậu “gặp ai cũng mời vào tiệc cưới”. Một vị Vua giàu tình yêu thương. Người sẵn sàng mời gọi tất cả mọi người “bất luận tốt xấu cũng tập hợp cả lại” để cùng nhau “bước vào tiệc cưới”. Những lời mời gọi của Người chính là những “lời mời của ân sủng”.

Vâng, có thể gọi dụ ngôn tiệc cưới là câu chuyện về những “lời mời của ân sủng” đến từ Thiên Chúa cũng hợp lý.

Một phút suy tư…

Là một Kitô hữu không thể không tin rằng, hôm nay, chúng ta vẫn nhận được những “lời mời của ân sủng” đến từ Thiên Chúa.

Đúng vậy. Qua tôi tớ của Thiên Chúa là những Giám Mục hoặc những Linh Mục, những “lời mời của ân sủng” đến từ Thiên Chúa, vẫn được gửi đến chúng ta hàng ngày, hàng tuần.

Nơi “Bàn Tiệc Thánh Thể”, người tôi-tớ-Linh-Mục vẫn cất giọng mời gọi chúng ta “Đây Chiên Thiên Chúa. Đấng gánh tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Là một Kitô hữu đã được hai mươi năm, ba mươi năm hoăc nhiều năm hơn nữa. Vâng, chúng ta đáp lời mời đến “Bàn Tiệc Thánh Thể” như thế nào ?

Phải chăng chỉ cần một năm một lần là đủ !!!

Ôi ! Hãy nhớ rằng chúng ta chỉ là cục đất sét trong tay Thiên Chúa – Đấng sáng tạo chúng ta như lời ngôn sứ Isaia đã nói : “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài…” (Is 64, 7).

“…Do đó, mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ cách trọn vẹn là chúng ta lại được Chúa Giêsu nắn tạo mỗi ngày nên hoàn hảo hơn.

Nếu nắm đất sét trong tay người thợ gốm, ông chỉ nắn tạo tác phẩm một lần trong ngày, thì tác phẩm đó rất tầm thường. Trái lại, tác phẩm ấy được người thợ nắn ra nó, mỗi ngày ông sửa một chút, cho tới cả trăm năm mới xong, thì chắc chắn tác phẩm đó sẽ là một kiệt tác.

Không biết một Kitô hữu chỉ giữ Luật Rước Lễ trong mùa Phục Sinh mỗi năm một lần, mà họ sống tới 100 tuổi, họ chỉ được Chúa nắn tạo 100 lần. Trong khi đó, Chúa muốn nắn tạo họ ba vạn sáu nghìn lần mà không được, thì liệu trong thế giới Phục Sinh, họ có phải là người khuyết tật không?”(*)

Hãy nhớ rằng Đức Giêsu đã nói “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).

Vâng, mỗi năm “ăn và uống máu Chúa” chỉ có một lần e rằng khó mà có thể duy trì tình trạng “Chúa ở lại trong ta và ta ở lại trong Chúa”. Và như vậy việc “khuyết tật tâm hồn” chỉ là vấn đề thời gian.

Một khi đã “khuyết tật tâm hồn” chúng ta có khác nào người đã vào bàn tiệc cưới nhưng lại “không mặc y phục lễ cưới”.

Không mặc y-phục-lễ-cưới. Vâng, Thật khó để mà Chúa Giêsu nhận ra để Ngài có thể mời ta vào “Bàn Tiệc Nước Trời”.

Có là buồn không, nếu chúng ta đã là một Kitô hữu nhưng chỉ nằm trong danh sách “kẻ được gọi”, mà lại không phải là “người được chọn” !!!

petrus.tran
…….
(*) Trích từ một bài giảng của LM Giuse Đinh Quang Thịnh.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.