“Cùng nhau ca vang khúc yêu đời
Hát lên cho niềm vui dâng khắp nơi
Để muôn con tim sáng tươi nụ cười
Lời ca mênh mang trên đường đi tới” (N.Đ.H)
“Đến hẹn lại lên”, nhóm Du Ca Nam CA hẹn gặp nhau ngay trước lối vào Hội Chợ Tết của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California tổ chức hằng năm ở O.C. Fair. Lúc đầu cũng có một số trục trặc nhỏ, do có quá nhiều parking và lối vào hội chợ, nên một số đi lạc. Chúng tôi đã hẹn nhau mặc đồng phục (Nam: áo sơ mi trắng, Nữ: áo đỏ) để dễ tìm ra nhau. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã có mặt đầy đủ để tham dự lễ nghi khai mạc hội chợ Tết, với rất nhiều sinh viên trẻ mặc quần áo theo lối ngày xưa. Như lúc nãy khi vào cổng Hội Chợ Tết, mọi người rất thú vị khi được dàn chào bởi 2 hàng quân lính thú đời xưa với phẩm phục và gươm giáo đàng hoàng. Sau phần nghi lễ khai mạc, đoàn rước kiệu gồm vua, hoàng hậu (được che lọng) và đoàn tùy tùng đông đảo gồm có nhiều nhóm sinh viên mặc phẩm phục lính thú đời xưa, hoặc nữ sinh mặc áo dài, áo bà ba…đi vòng quanh khu Hội Chợ trình diện với bà con. Nhưng tôi thích nhất là nhóm Nữ sinh mặc áo dài tím, đội nón lá nhìn dễ thương và mang đậm đà tính dân tộc truyền thống.
Sau đó nhóm Du Ca quyết định dời vào trong khu lối vào có mái che để tổng dợt lần cuối. Mọi người cố gắng hát hết mình cho đúng vì không còn giờ nhiều. Dù chúng tôi đã cố gắng hát thật to, đàn thật “khủng” luôn, nhưng tiếng pháo đốt khai mạc hội chợ kéo dài đã át cả tiếng hát chúng tôi. Nhưng dù có khó khăn thì tinh thần Du Ca là không được chùn bước mà phải vượt qua, nên sau 1 giờ tập dượt, chúng tôi cũng đã hoàn tất và chuẩn bị ra sân khấu “Làng Việt Nam” (ngoài trời) để "Hát cho đồng bào tôi nghe". Đúng là làng Việt Nam nên ghế cho khán giả ngồi ở dưới là những băng ghế làm bằng rơm. Theo tinh thần Du Ca là hát tập thể, không có khoảng cách giữa khán giả và du ca viên nên bà con ngồi ở dưới cũng được phát bài hát và mời gọi hát theo chúng tôi. Theo truyền thống Du Ca bài hát mở đầu luôn là bài “Đoàn Ta Ra Đi”:
“Đoàn chúng tôi, đem tình thương đến gieo cho muôn người
Cùng khắp nơi, chân dừng bên khắp bờ non nước
Quyết chí ra đi, mưa nắng không nề chi.”
Khi hát đến bài “Việt Nam, Việt Nam” của Phạm Duy, một bài hát mà gần như dân VNCH ai cũng thuộc nằm lòng, nên bà con ở đưới hăng hái hát theo rất nhiệt tình:
“Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.”
Giọng hát của mọi người bỗng trở nên tha thiết hơn: “Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời”. Dù chúng ta đang sống ở một đất nước thanh bình, với một đời sống vật chất đầy đủ, nhưng Ngày Tết lòng mọi người vẫn chùng xuống để nhớ về quê hương yêu dấu bên kia bờ dại dương. Đến những câu cuối của bài hát thì hùng khí như dâng lên cao, mọi người vừa vổ tay vừa hát thật to như muốn cùng nhau khẳng định rằng:
“Việt Nam (muôn năm, muôn năm). Việt Nam (muôn năm, muôn năm).
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời.”
Từ sân khấu nhìn xuống tôi thấy một cụ già đầu bạc trắng, cụ vừa hát, vừa dùng cái gậy trong tay nện thật chắc, nhịp nhàng xuống đất mạnh mẽ như muốn cùng bày tỏ chung với mọi người niềm tin sắt đá: “Đúng! Việt Nam sẽ còn tồn tại đến muôn đời, sẽ không bao giờ bị mất vào tay bọn giặc Tàu bá quyền xâm lược, dù chúng có trăm mưu, ngàn kế…”. Minh họa cho niềm tin đó là bao chiến công hiển hách của tổ tiên ta đã từng chiến thắng phương Bắc nhiều lần. Mới hôm qua mồng 5 tết, chúng ta đã long trọng kỷ niệm Quang Trung đại phá quân Thanh.
Bài hát tiếp theo là “Mùa Xuân Du Ca” của Phạm Duy, bài hát tha thiết mong tiếng hát du ca sẽ lan rộng khắp nơi từ miền biển cát trắng cho tới ruộng đồng xa xôi với niềm hy vọng đất nước rồi sẽ đổi thay:
“Tiếng du ca vang lên từ miền cát trắng
Tiếng du ca vang lên từ miền ruộng vàng
Tiếng du ca dâng lên đồng bào trong nước
Tiếng du ca rưng rưng hoà nhịp quê hương.”
Tinh thần của Du Ca là đi về nông thôn để làm thay đổi đời sống dân nghèo giúp họ đi lên từ những bước nhỏ. Do đó tôi rất vui mừng khi mới đây nghe được bản tin từ đài VOA: “Không gian đọc” bắt đầu lan tỏa ra khắp nhiều nơi, kể cả ở nông thôn. Khởi sự từ một số người yêu sách muốn phổ biến lòng yêu đọc sách tới mọi người nhất là giới trẻ. Bây giờ “Không gian đọc” đã có mặt từ nông thôn đến thành thị, dần dần được sự hổ trợ của các nhà hảo tâm tặng sách, có người cho mượn nhà làm địa điểm đặt tủ sách để người xem có thể ngồi đọc tại chỗ, hoặc mượn mang về đọc rồi trả lại (theo tinh thần tự giác). Quả là “Thư viện toàn dân” đúng nghĩa do người dân tự đóng góp và phát triển. Những đầu sách có giá trị về văn chương và học làm người càng ngày càng nhiều. Nguồn ánh sáng tri thức bắt đầu lan tỏa khắp nơi, khi dân có tri thức thì đất nước mới thoát khỏi cảnh tăm tối dày đặc như hiện nay. Đúng là cách làm thể hiện theo tinh thần du ca, “Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất để giới trẻ hướng về điều thiện ngay từ hôm nay”.
Nghe bản tin mà thấy vui vì “người tốt việc tốt” quanh ta vẫn còn nhiều. Bạn ơi! hãy cứ hy vọng vào tương lai. Báo chí nhiều khi chỉ thích đưa những tin tiêu cực làm người nghe thấy nản lòng. Hãy mở rộng tầm nhìn vào những điểm tích cực của giới trẻ trong nước. Các em đã âm thầm làm bao nhiêu việc tốt như những phong trào làm từ thiện của giới trẻ mỗi ngày, một gia tăng. Các em là những con người luôn hết lòng :
“ Biết cho hết đi, không toan tính gì
Để tim yêu mến, đến cùng con tim.” (NĐHiệt)
Lời hát khiến người nghe rất cảm động vì “Vòng tay nhân ái, tấm lòng sẻ chia” của các bạn trẻ. Có lẽ từ tinh thần đó, mà phong trào hát Du Ca đường phố ở các thành phố lớn như Hà nội, Saigon…cũng bắt đầu mở rộng. Nhờ vậy mới có cuộc thi sáng tác Du Ca Toàn quốc 2015 với hằng trăm tác giả tham dự, các bài hát nói chung đều bày tỏ tinh thần không ngại khó khăn vẫn quyết tâm đi tới. Để minh họa mọi người được mời hát một bài hát Du Ca mới tiêu biểu từ trong nước “Bên nhau hát vang” của Nguyễn Đức Hiệt , một trong những ca khúc đoạt giải Sáng Tác Du Ca 2015. Bài hát bày tỏ một tinh thần lạc quan dù hoàn cảnh vẫn còn đầy khó khăn:
“Hát vang khúc ca, khơi niềm hy vọng
Dù trong bảo tố, vẫn còn ước mong.
Dẫu muôn khó khăn, ta hằng vững lòng
Vượt cơn nguy biến, đến miền chờ mong.”
Những nguời dân trong nước dù khó khăn vẫn vững lòng, thì chúng ta những người ở hải ngoại càng cần phải vững lòng hơn hầu hổ trợ họ, để cuối cùng chúng ta sẽ cùng “Vượt cơn nguy biến, đến miền chờ mong”. Đó là lúc chúng ta:
“Hát vang khúc ca, xây đời thái hòa
Tự do tung cánh, công bình nở hoa.”
Một số du ca viên đã từ sân khấu bước xuống để cùng hòa nhịp hát chung với đồng bào, hình ảnh rất cảm động khi 1 du ca viên đã đến bên xe lăn để cùng mở tập hát, hát chung với một bà cụ.
Khán giả càng lúc càng kéo đến đông hơn, có cụ già, có em bé mặc áo dài, có các anh mặc quân phục VNCH. Có các anh chị hướng đạo, và có một nhóm các cô mặc áo dài rất duyên dáng đi du Xuân đã bị cuốn hút để ở lại hát Du Ca cho tới phút chót. Thật là một hình ảnh hòa đồng đẹp đẽ đầy tình người Việt Nam cùng hướng lòng về quê hương với niềm tin đổi mới trong những ngày đầu Xuân nơi đất khách quê người.
Để thay đổi không khí, anh N.B Thành đã lên xướng những điệu hò lơ đầy tình tự dân tộc và được mọi người đáp ứng rất nồng nhiệt. Ai nấy đều nghiêng vai, nghiêng đầu và vổ tay để cùng hát “Hò lơ, hó lơ, lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ. Hò lơ hó lơ…” tạo một bầu không khí ấm cúng vui tươi, thân mật giữa mọi người, vì chúng ta là “đồng bào” cùng chung “nòi giống Tiên Rồng” Việt Nam.
Ban hợp ca Du Ca nam đã xuất sắc khi diễn đạt bài hát “Vó câu muôn dặm” với khí thế mạnh mẽ hào hùng:
“Một đoàn trai đi khi xuân tới
Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi
Non nước tuy xa vời
Ta đã yêu thương đời
Đừng e nắng gió sương bạn ơi.”
“Đoàn trai” này có người đã gần 80, rồi đó các bạn ạ! nên cuối chương trình khi nghe Đoàn Trưởng Thiên Hương tiết lộ, khán giả đã ồ lên, vổ tay tán dương tinh thần hăng hái , trẻ trung của các anh. Có lẽ các anh đang mới “hơi già” theo tinh thần “lạc quan” như BS ĐHN đã viết: “Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép …thấy mình già, như trái chín cây, thấy mình đang chín trên cây. Bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất!”.
Tiếp theo là phần trình bày bài hát “Xuân Ca” ( Phạm Duy) của nhóm Du Ca nữ. Các chị đã nhẹ nhàng bày tỏ niềm yêu mến mùa xuân thiết tha của mọi người, dù tuổi đời có thể không còn trẻ nữa, có chị đã ngoài 7 bó nhưng vẫn hát hết lòng, vì:
“Xuân tôi ơi ! Sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm, có ta Xuân còn hỡi Xuân.”
Khán giả ở dưới với sự điều khiển cũa Thiên Hương đã hòa ca đáp lời thật dễ thương, như tha thiết kêu gọi nàng xuân hãy trở về cùng với mọi người: “ Xuân ơi Xuân ! Xuân ới Xuân ơi !”
Sau đó mọi người được mời hát chung bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm đình Chương, mà văn nghệ ngày Xuân không thể nào thiếu được. Đó là bài “Ly Rượu Mừng” vừa được chính quyền Cộng Sản trong nước sau 40 năm cấm hát, đã chính thức cho hát trở lại. Bài này có lẽ quá quen thuộc nên không cần nhìn giấy mọi người đều có thể hát to với nhau được:
“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…
á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui.”
Thật là một ban hợp ca “tuyệt vời” gồm đủ mọi bè từ già tới trẻ, từ giọng hùng hồn của các anh chị hướng đạo, tới giọng nhẹ nhàng duyên dáng của các cô gái. Từ giọng khàn khàn của các cụ già, tới giọng non nớt của các em bé làm thành một lời chúc nồng nàn, chân thành nhất, xuất phát từ con tim mọi người hướng về tương lai đất nước mến yêu:
“Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà…”
Thiên Hương giới thiệu bài hát “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” (Hùng Lân) đã từng nhiều lần được đề nghị làm bài Quốc Ca (Bài này đã được dùng làm Đài hiệu của Little Saigon Radio) và mời mọi người cùng hát. Giọng Nam vang lên hùng mạnh, tự hào, khẳng định:
Non sông như gấm hoa uy linh một phương
Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương.
Giọng Nữ tiếp theo tha thiết tỏ bày hào khí lịch sử nước Nam:
Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi
Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời.
Tiếp theo đó giọng hát của tất cả mọi người như vỡ bùng lên từ sân khấu tới người hát phía dưới:
“Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước
Hy sinh xương máu mong báo đền ơn nước.”
Mọi người hát mà nghe trong tim mình như rạo rực bầu máu nóng đang luân chuyển rần rật khắp châu thân để đưa ra lời cam kết:
“Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam.
Thề trọn đời trung thành với sơn hà nước Nam!”
Ôi! một bài hát tuyệt vời, đi vào con tim mỗi người Việt Nam còn yêu nước thiết tha.
Một giờ đồng hồ đã trôi qua nhanh chóng, theo thông lệ chương trình hát Du Ca bao giờ cũng được kết thúc với bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo nghễ” (Nguyễn Đức Quang), mọi người cùng hát thật to đầy khí thế:
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
Vừa hát, vừa nhìn nhau như cùng nhau nhắc nhở, nhớ đừng quên:
“Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam.”
Chương trình kết thúc với tiếng vổ tay vang dậy của mọi người. Những cái gật đầu đắc ý của các cụ già, những bàn tay với ngón cái đưa lên (biểu hiện # 1) của các bạn trẻ, những vẫy tay lưu luyến của các cô gái…làm chúng tôi quên bớt những mệt nhọc vì đứng lâu dưới trời nắng gắt, lại quá khát. Lúc nảy trước khi lên sân khấu TH cầm chai nước rót vô họng mổi người 1 ngụm nước nhỏ để thấm giọng mà hát, sau khi tổng dợt cả tiếng đồng hồ. Phía sau hội trường sân khấu tôi nghe đó đây những lời tâm sự : “Vợ chồng chị tới đây từ 11 giờ trưa, đúng riết mấy tiếng đồng hồ, 2 cái chưn nó mỏi muốn rụng luôn, chị cảm tưởng hình như bây giờ cái chưn nó không thuộc về mình nữa” . Một giọng khác nhỏ nhẹ cất lên: “Tối qua, em phải thức khuya tập hát 1 mình gần 2 tiếng, để hát cho đúng nhịp đó”. Một giọng Nam khàn khàn: “Nói thiệt để mấy cô thương, tui đang bịnh quá, vì thời tiết CA dạo này nóng lanh bất thường, tối qua tui phải nấu 1 nồi xông hơi, sáng nay tui phải "dứt" thuốc mấy đợt để có sức giữ lời hứa tới đón mấy cô đi hát Du Ca và tham gia với anh em dù giọng tui giống "vịt đực" – "Chao ôi, nghe sao tội nghiệp quá, để tui lục giỏ còn bao nhiêu viên mứt gừng dẽo tặng anh hết để về ngậm cho bớt đau cổ nha! Đó là chưa kể có những bạn ở xa phải lái xe cả hơn 1 giờ mới đến nơi…Thì ra đằng sau những đóng góp giọng hát Du Ca xem ra có vẽ "bình thường", đôi khi lại là những hy sinh thầm lặng, những chịu thương, chịu cực mà nào có ai hay! Xin cám ơn tất cả tấm lòng đáng trân quý của các bạn đối với Du Ca vì chúng ta đã quyết tâm:
“Cùng nhau ca vang khúc yêu đời
Hát lên cho niềm vui dâng khắp nơi.”
Ra về đứng ở trạm đợi xe chở ra parking, tôi bị thu hút bởi một tà áo dài Xuân quá đẹp, trên nền màu hồng xác pháo, là những cành Mai vàng rực rỡ làm lòng tôi bâng khuâng nhớ lại những mùa Xuân xưa ở Saigon với xác pháo hồng tươi, với những cành Mai vàng khoe sắc thắm. Chao ôi là nhớ Tết Xưa biết bao, lời kết bài hát Ly Rượu Mừng bỗng như một niềm khát khao vang vọng trong tim tôi cho Quê Hương dấu yêu:
“Uớc mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới.”
Xuân 2016
Phượng Vũ
Views: 0