Rải rác trong tất cả mọi kinh điển của Thiên Chúa giáo, người ta thấy có rất nhiều lời chúc dữ được ghi lại. Trải qua dòng lịch sử của dân Chúa, hầu như các vị tiên tri và các nhà lãnh tụ ai cũng có những lời chúc dữ. Lời chúc dữ không những nhắm vào kẻ thù, kẻ tội lỗi, mà còn để răn đe dân lành.
Chẳng hạn: “Ta lấy chính danh ta mà thề… và chúc dữ cho những thành quách của nó trở nên điêu tàn muôn đời” (Giê 49:13). Hoặc “Thiên Chúa giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác” (CN 3:33). Nhiều học giả nhận định rằng lời chúc dữ, chẳng qua, chỉ là phong cách phát ngôn đặc thù thuộc loại ngôn sứ. Cùng một luận điệu, các vị tôn sư Đông Phương thường dùng trực ngôn như dao bén đâm thẳng vào tim óc người nghe. Vì đó là cách họ phá vỡ vỏ bọc “cái tôi” để đánh thức tâm linh đệ tử.
Tuy nhiên không phải tất cả những lời chúc dữ chỉ có tính cách sư phạm theo phong hóa thời cổ. Nghiêm trọng hơn thế, đã có những sự cố thật sự xảy ra đúng như lời chúc dữ tuyên án. Sách Sáng Thế ghi lại vào thủa mù mờ khởi đầu lịch sử loài người, Thiên Chúa đã chúc dữ cho con rắn và tổ phụ mẫu Ađam-Avà. Hậu quả của bản án đã thật sự xảy ra và vẫn còn kéo dài cho đến mãn thời. Tuy nhiên có điều cần phải soi sáng. Trong mọi lời chúc dữ của Thiên Chúa đều ẩn tàng ân sủng cứu độ, nhưng người ta chỉ có thể nhìn ra điều này trong ánh sáng mặc khải. Một mẩu truyện kỳ lạ được thánh Mátthêu ghi lại là truyện Đức Giêsu chúc dữ cho cây vả. Có lẽ biến cố kỳ dị này là một “mẫu chúc dữ” rõ ràng nhất giúp chúng ta thấy rõ bản tính Thiên Chúa và tình yêu sâu đậm của Người.
Lời Chúc Dữ Cho Cây Vả Không Trái
Có một lần kia trên đường nắng gắt từ Bêthania đến Giêrusalem, Đức Giêsu mệt mỏi trong cơn đói và khát. Từ xa Người thấy một cây vả to mọc bên sườn đồi. Hình dáng nó đẹp đẽ cành lá xanh tươi che rợp cả một vùng. Người tiến đến tìm một trái vả nhấm nháp cho đỡ khát, nhưng Người chẳng thấy một trái nào. Đức Giêsu lên tiếng mắng nó, “Cho đến muôn đời, mày sẽ không còn sinh ra được một quả nào nữa.” Sau đó các môn đồ của Người kinh ngạc kêu lên khi thấy cây vả bỗng nhiên bị chết khô (Mat 21:18-19).
Đây là một sự kiện kỳ diệu hiếm có. Kỳ diệu ở chỗ Đức Giêsu phơi bày trước mắt đệ tử một khoảng thời gian tích tắc của biến dịch—từ hưng thịnh đến suy tàn. Khoảng thời ngắn ngủi ấy đã bao hàm mọi giáo lý của Đạo trời. Trước khi cây vả rơi vào cõi chết, nó có cơ hội trình ra một trái cây, dù chỉ một trái. Khoảng thời gian ấy là ranh giới giữa thất vọng và hy vọng. Ai chứng kiến cây vả chết khô mà không bừng tỉnh thoát khỏi cái tôi cao ngạo rỗng tuếch, để thấy rõ chân thân của mình. Nhưng họ sẽ vui mừng vì nhìn ra niềm hy vọng sống còn. Họ sống chẳng phải vì họ có tài tránh né cái chết, nhưng chính nhờ tình thương của Thiên Chúa.
Vũ trụ vốn dĩ là hư vô. Duy chỉ có Thiên Chúa là Hữu. Không có gì có trước Hữu, nên Thiên Chúa là Đấng tự Hữu Tuyệt Đối. Từ điểm tựa Hữu Tuyệt Đối đó mà muôn vật được tạo ra. Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật từ hư vô. Nghĩa là mọi vật từ hư vô nhờ Hữu, qua Hữu mà được thành hữu thể. Vì từ Hữu mà ra, nên mọi hữu thể đều thuộc về Hữu, và hiện tính của Hữu có trong mọi hữu thể. Nói một cách giản dị Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi. Trong Thiên Chúa Ngôi Hai và nhờ Ngôi Hai mà mọi sự trên trời, dưới đất, hữu hình và vô hình, vương quyền hay tối uy, nguyên lý hay quyền lực được tạo thành. Mọi vật được sinh ra từ Người và vì Người. Người là Đấng tối thượng có trước vạn vật. Đức Giêsu Nazarét là tượng hình của Thiên Chúa Ngôi Hai vô hình. Trong Người và vì Người mà vạn vật kết hợp với nhau. Tất cả mọi sự nhờ an trú trong Người mà được hoàn mỹ trong viên mãn (1Cô 1:15-19).
Khi Thiên Chúa, Đấng tự Hữu Tuyệt Đối, không nâng đỡ hữu thể thì sự gì sẽ xảy ra? Khi Đức Giêsu không muốn kết hợp với cây vả nữa thì nó tức khắc không còn sự sống. Đức Giêsu đã phơi bày nhãn tiền rõ ràng như thế. Thực là một mạc khải siêu việt vượt khỏi sự tưởng tượng của trí óc con người. Điều này chứng tỏ rằng Thiên Chúa hằng nâng đỡ sự hiện hữu của vạn vật. Nếu thiếu sự nâng đỡ này cả vũ trụ sẽ trở lại hư vô. Trái lại khi Đức Giêsu kêu gọi ai, để ủy thác một việc nào đó. Hữu thể ấy bỗng vượt khỏi vị thế bình thường để có năng lực thần quyền. Một thí dụ điển hình khi Đức Giêsu kêu gọi môn đồ đi giảng đạo, tự nhiên họ có quyền năng trên các thần ô uế và có quyền lực chữa mọi bệnh hoạn và tật nguyền (Mat 10:1).
Mầu Nhiệm Phép Lạ Của Thiên Chúa
Kinh Thánh mang bản tính linh thiêng vì chứa đựng những hướng dẫn về ân sủng. Vì vậy những trình thuật siêu việt trong Thánh Kinh không dừng lại ở sự kiện lịch sử, nhưng mang dấu chỉ mạc khải. Chúng không thể hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, mà phải hiểu qua ánh sáng thần học. Trong khi giới phê bình sử học thắc mắc câu truyện đã xảy ra thế nào thì thần học chỉ chú tâm đến ý nghĩa của câu truyện là gì.
Thiên Chúa không tạo ra cây vả trong lỗi lầm để rồi phải tẩy xóa nó đi. Cũng không phải Đức Giêsu hủy bỏ sự sống của nó trong cơn tức giận, vì nó không có trái cho Người giải khát. Tất cả mọi người ở Giêrusalem đều biết cây vả không thể có trái vào lúc trái mùa, khi cây đầy lá. (1) Đức Giêsu khiến nó chết khô vì một lý do siêu việt khác. Người muốn mạc khải cho chúng ta biết về số mệnh của con người. Do đó biến cố cây vả chết khô phải được nhìn là một phép lạ.
Kitô Giáo là tôn giáo duy nhất trên trần gian gắn liền với phép lạ. Kitô Giáo tự bản thể đã là một phép lạ cả thể. Lịch sử Kitô Giáo là những chuỗi phép lạ nối tiếp nhau theo dòng thời gian. Khởi đầu là phép lạ Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ từ hư vô. Rồi phép lạ Thiên Chúa nhập thế. Rồi phép lạ Đức Giêsu phục sinh tiêu diệt sự chết cho nhân loại. Các đệ tử của Đấng Kitô, như thánh Padre Pio, vẫn tiếp tục ban phép lạ. Nhận định về sự khác biệt giữa Kitô Giáo và các tôn giáo khác, C. S. Lewis, trong tác phẩm The Grand Miracle, cho rằng các tôn giáo khác không có phép lạ, nhưng tốt hơn là như vậy. Bởi vì phép lạ sẽ làm đảo lộn những gì mà giáo lý họ rao giảng. Trái lại phép lạ chỉ làm rõ nghĩa hơn giáo lý của Thiên Chúa Giáo.
Sư tốt tươi của cây vả chỉ để lòe mắt người nhìn nó từ đàng xa. Nó mang một giá trị giả hình. Nếu cây vả không có giá trị thật, nó sống có ích gì. Đức Giêsu đã làm phép lạ qua lời chúc dữ để mạc khải cho chúng ta biết nếp sống giả hình ấy không được Thiên Chúa chấp nhận. Nếu có một người/một hội đoàn/một giáo xứ… đạo đức siêng năng cử hành những nghi lễ phụng vụ ồn ào vang dội. Danh thế của họ to lớn đẹp đẽ. Uy tín của họ lan rộng như bóng cây che phủ một vùng. Nhưng thực chất những việc làm này chỉ có tính cách trình diễn xã hội và đề cao bè phái. Ngoài ra trong đời sống thật, họ không có một quả phúc nào. Dù chỉ có một quả với chút nước làm Chúa mát lòng cũng không có. Họ chỉ là những cây vả đẹp bề ngoài nhưng vô phúc bên trong.
Lời Chúc Dữ Cho Con Người
Trong thời gian rao giảng tin mừng, Đức Giêsu đã nhiều lần chúc dữ qua những dịp khác nhau. Người đã chúc dữ cho dân thành Khôrazin và Betsaiđa sống ở ven hồ. Người cũng đã chúc dữ cho nhóm Biệt phái, nhóm Sađóc, nhóm luật sư, nhóm ký lục… Lời chúc dữ cho con người xem ra còn nặng hơn cho cây vả. Đức Giêsu đã chúc rằng, “Khốn cho các ngươi Khôrazin và Betsaiđa, các ngươi sẽ phải nhào xuống hỏa ngục.” Người cũng đã nói, “Còn ngươi Caphênaum, ngươi ắt phải hạ xuống tận Âm phủ.” Với nhóm Biệt Phái và Ký Lục, Người mắng, “Khốn cho các ngươi, Ký Lục và Biệt Phái giả hình. Đồ mãng xà, nòi rắn độc. Làm sao các ngươi lọt khỏi án phạt hoả ngục?” (Mat 11:20-22).
Khi Đức Giêsu chúc dữ cho cây vả thì nó chết khô. Nhưng khi Người chúc dữ cho con người thì chẳng có ai hề hấn chi. Như vậy Đức Giêsu đã đối đãi với con người khác với cây cối. Thật sự Người yêu thương con người đến mức chịu chết vì họ. Tuy nhiên không phải Thiên Chúa cần có con người để bầu bạn hay để có ai đứng bên cạnh ca tụng. Thiên Chúa không hạnh phúc hơn hay vinh hiển hơn, vì Người vốn hằng trọn vẹn đầy đủ.
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là tạo ra một thế giới dở dang để con người có cơ hội hợp tác với Thiên Chúa trong cuộc sáng tạo. Đó là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Do đó vũ trụ không im lìm nhưng biến dịch. Con người, tuy sinh ra với bản thể tự nhiên, nhưng có tiềm năng tiến hóa. Lời chúc dữ hay ân sủng của Thiên Chúa không làm tiêu hủy bản thể tự nhiên của con người. Lời chúc dữ hay ân sủng chỉ đánh thức tâm linh con người, giúp con người ý thức sự hiện hữu của Thiên Chúa. Con người không toàn mỹ nhưng có khả năng tiến hóa. Vì vậy tiến hóa là sứ mệnh của con người.
Thiên Chúa không muốn con người phải chết, dù họ là kẻ tội lỗi. Người ban cho họ thời gian để cải thiện. Họ có thể bước qua ranh giới giữa chết và sống. Lời chúc dữ cho cây vả là một bản án tử hình tại chỗ vì nó không có khả năng cải thiện. Lời chúc dữ cho con người chỉ là lời mách bảo sự lựa chọn. Bản án của lời chúc dữ có xảy ra hay không tùy ở sự lựa chọn của con người. Dù bị chúc dữ, nhưng con người không bị mất một ân sủng nào. Trong mọi thời, con người có toàn quyền tự do chọn lựa sự đáp ứng. Nhân chứng Gioan đã nói, “Tôi, Gioan, nghe tiếng nói với tôi, ‘Thật vậy! Ta sẽ đến. Ta mang theo sự bồi hoàn cho từng người tùy theo công đức của người ấy. Ta là Alpha và Ômêga, đầu tiên và sau hết, khởi đầu và tận cùng’” (KH 22:12-14). Tiếng nói mà thánh Gioan nghe thấy là lời phán của Đức Giêsu. Chính con người, nhất là những ai bị chúc dữ, sẽ bị thiệt thòi nếu không nghe lời cảnh tỉnh của Thiên Chúa.
Thiên Chúa Gửi Đến Cho Con Người Niềm Hy Vọng
Khi ấy, các môn đệ của Đức Giêsu sững sờ nhìn cây vả chết khô. Thấy các đệ tử quá chú tâm đến bề mặt của vấn đề, Đức Giêsu đã làm giảm sự quan trọng của hiện tượng. Người nói, “Quả thật ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin, thì chẳng những làm được điều như ta đã làm cho cây vả mà còn hơn thế nữa. Các ngươi bảo hòn núi này: ‘Hãy cất mình lên gieo xuống biển’ thì nó cũng phải tuân theo.” Sau đó Đức Giêsu hướng dẫn tâm hồn các đệ tử ra khỏi không gian u ám của cây vả. Người kết luận, “Vậy bất cứ mọi điều gì các ngươi xin trong khi cầu nguyện, hễ tin, chắc chắn sẽ nhận được hết cả.”
Câu kết luận này, như lạc điệu, vì không dính dáng gì đến hiện tượng cây vả chết khô. Chính lối diễn đạt này là phương cách khai tâm kín đáo nhưng thâm sâu của Đức Giêsu. Trong bất cứ biến cố tối tăm nào, Người luôn luôn gắn liền nó với một lối mở của hy vọng giải thoát. Như đã nói ở trên, trong mọi lời chúc dữ của Thiên Chúa đều có ẩn tàng ân sủng cứu rỗi. Ở đây, Đức Giêsu hướng tâm hồn đệ tử đến tâm điểm của ơn cứu độ. Người đã dùng điểm tựa biến cố cây vả để liên kết môn đệ đến một chiều kích giải thoát sự chết bằng đức tin và cầu nguyện. Ý Người muốn nói là hãy nhìn cây vả để biết rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng làm chủ vạn vật. Vậy hãy vững tin vào Thiên Chúa mà cầu nguyện.
Sau này, hơn ai hết, thánh Phêrô đã có dịp chứng nghiệm ý nghĩa của lời dạy này, khi thánh đi trên mặt biển đang trong cơn gió bão. Tự thánh Phêrô không thể đi trên mặt nước phẳng lặng, huống chi mặt nước biển đang trong cơn bão tố, nhưng Thiên Chúa làm được. Điều này xảy ra chỉ vì Phêrô có đức tin (Mat 14:24-31). Đức Mẹ Mễdu (Medjugorje) cho biết, “Các con không biết sao, cầu nguyện có thể hoán chuyển luật vũ trụ.” Cho nên việc con người có thể làm là cầu nguyện trong đức tin. Thiên Chúa là Đấng sẽ làm cho sự việc xảy ra.
Khi Đức Giêsu tỏ lộ bản tính Thiên Chúa của mình với ai đó, Người hướng dẫn họ qua hai cấp độ. Trước hết Người trao cho họ một chủ đề để họ suy nghĩ. Kế đó Người khai tâm một cách ẩn kín như thể chính họ tìm ra lời giải. Có lần Đức Giêsu đưa ra chủ đề với các Tông Đồ: “Thiên hạ nói Ta là ai?” các Tông Đồ lần lượt đưa ra những nghị luận. Cuối cùng Thiên Chúa mạc khải cho Phêrô nói ra, “Thầy là Đấng Kitô” (Mat 16:13-17). Lần khác Đức Giêsu đưa ra chủ đề với anh mù ở Giêrikô, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp, “Thưa Thầy xin cho tôi được sáng mắt.” Đức Giêsu phán, “Hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh.” Lập tức anh ta nhìn thấy và đi theo Đức Giêsu (Mac 10:46-52). Như vậy sáng mắt là sự kiện phép lạ, nhưng sáng mắt tâm linh là khai tâm để thấy Đức Giêsu là Thiên Chúa và để đi theo Người. Đức Giêsu đưa ra chủ đề gì khi Người tạo ra biến cố cây vả? Các Tông Đồ chứng kiến ngày hôm ấy không ai thắc mắc tại sao Thầy lại tìm trái cây lúc trái mùa. Vì đó không phải là chủ đề Thầy trao cho họ. Họ chỉ để đến sự kiện cây vả chết khô vì trong lòng nó trống rỗng. Cây vả không thể có trái ngoài mùa gặt hái, nhưng con người thì không phải như vậy. Sự trống rỗng hay tràn đầy trong lòng con người không tùy thuộc vào thời gian. Đức Giêsu đưa ra lời giải: hãy lấp đầy tâm hồn bằng đức tin và cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ có ý xin ơn cho những nhu cầu hằng ngày, mà còn có ý xin vững lòng tin, hy sinh, phó thác, và chấp nhận mọi khốn khó. Cầu nguyện để hoán cải sự chết tâm linh thành sự sống. Lời hứa của Đức Giêsu và câu nói của Đức Mẹ Mễdu là phần thưởng dành cho những ai cầu nguyện trong đức tin.
________________
(1) Vào mùa Đông cây vả rụng hết lá. Cuối Đông cây có hoa. Qua Xuân cây có trái. Kế đó lá từ từ mọc ra. Đến khi lá đã mọc xum xê thì cây đã rụng hết trái.
Views: 0