Uncategorized

Linh Mục, Người Là Ai?

Nếu hỏi một người không công giáo câu hỏi này thì thông thường câu trả lời sẽ là: Mấy người đi tu sống ở trong nhà thờ.

 

Nếu hỏi một người giáo dân bình thường thì câu trả lời đa phần sẽ rõ hơn một tí: Là cha sở và cha phó ở trong nhà xứ của mình.

 

Đơn giản thế thôi.

 

Nếu hỏi một người không công giáo câu hỏi này thì thông thường câu trả lời sẽ là: Mấy người đi tu sống ở trong nhà thờ.

 

Nếu hỏi một người giáo dân bình thường thì câu trả lời đa phần sẽ rõ hơn một tí: Là cha sở và cha phó ở trong nhà xứ của mình.

 

Đơn giản thế thôi.

 

Còn nếu hỏi một Tân Linh Mục trong ngày chịu chức câu hỏi này thì chắc sẽ có cả chục câu trả lời: Linh mục là ngôn sứ, là tư tế, là mục tử…là một Chúa Kitô khác, là alter Christus…là người đã được xức dầu hiến thánh với ba lời khấn: khó nghèo, vâng lời, và độc thân (all in one) hay rộng hơn nữa là… người của muôn người, homme des hommes, homme mangé…vân vân.

 

Còn nếu hỏi một một ‘cha già’ trong nhà hưu dưỡng thì sao?

 

Tôi vẫn nhớ nghĩa phụ của tôi lúc gần 60 tuổi và bắt đầu đau yếu bênh hoạn đã có lần nhắc tôi: “Đời Linh Mục dài lắm con ạ. Suy nghĩ cho kỹ trước khi bước lên”. Ấy, đừng vội nghĩ nghĩa phụ của tôi là bi quan mất hướng, mà hãy cho Ngài một ‘cờ-rê-đít’ lớn vì đã chân thực nói lên một phần(một phần thôi) thân phận… Linh Mục. Chính Chúa Giêsu khi mới qua tuổi 30 cũng đã có lúc than thở:”… con chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu…” cơ mà. Vả lại trong tự điển Thần Học cũng đã có từ ‘Người Tôi Tớ Đau Khổ của Ya-Wê’. Nếu các sứ giả của Chúa lúc nào cũng ‘hơ-rơ’ thì làm gì có từ này.

 

Từ ngày cha Giuse Vũ Đình Trác qua đời, tôi không trở lại nhà hưu dưỡng này cho đến ngày hôm nay. Chắc cũng phải đến ba năm rồi. Căn nhà nằm lọt vào khu dân sinh mà tôi đoán là vào loại trung bình. Tôi không nhớ số nhà, nhưng cây thánh giá trước mái hiên kia là địa chỉ không ai có thể nhầm được. Một chiếc xe cũ đậu bên ngoài garage, hình như đã lâu ngày không ai xử dụng và chẳng biết còn chạy được hay không. Căn nhà nhìn chung thì vẫn như xưa, nhưng không còn những bụi phong lan ở hành lang và ở trong phòng khách nên tôi có cảm tưởng nó cũ đi rất nhiều. Một điều chắc là căn nhà này bây giờ trầm lặng hơn vì mấy năm trước có đến bốn cha hưu dưỡng ở đây, bây giờ chỉ còn lại hai: Cha Tú và cha Khấn. Nhìn hình cha Trác và hình cha Huynh ở trên tường mà nhớ quá. ‘Các Ngài đã yên nghỉ trong Chúa’ cả rồi.

 

Mới ngày nào đây, cha Huynh còn nhanh nhẹn lau bàn lau ghế rồi hớn hở chạy xuống bếp tắt nồi rau muống luộc để nấu nước pha trà ‘mời’ chúng tôi là các học trò cũ đến thăm. Ngài lăng xăng vui vẻ như một anh chàng độc thân khi có bạn gái đến thăm: vừa phục vụ khách vừa kể truyện vui. Còn cha Trác thì dẫn chúng tôi đi ăn thịt heo rừng nướng vỉ ở một nhà hàng trên đường Westminster. “Hôm nay, tôi đãi các anh một bữa cơm”. Cha Trác lúc nào cũng phong cách nho nhã và nói năng từ tốn trọn vẹn như thế đấy. Trong bữa ăn trưa hôm ấy, chúng tôi bàn về truyện khoa học cloning. Vì chờ mong cha Trác, một Linh Mục tương đối khá uyên bác Đông Tây Kim Cổ, phát biểu về hiện tượng cloning này nên tôi đưa một câu khẳng định: “Con nghĩ nếu được cloning thì ‘con người mới’ sẽ có một linh hồn mới”. Cha Trác nhìn vu vơ rồi nói: làm sao có truyện ấy được. Khó hiểu quá”.

 

Bây giờ trên Thiên Đàng chắc Ngài đã có câu trả lời.

 

Cha Khấn ra đón Tuyến và tôi:

– Mình mới từ Việt Nam về hôm qua nên hơi mệt và nhà cửa còn lôi thôi lắm., nhưng thôi cứ vào phòng mình cho biết.

– Cha về Viêt Nam bình yên vui vẻ chứ?

– Vâng. Rất vui khi gặp lại bạn bè và các người quen thân…

Và vì coi chúng tôi, các học trò, như người trong nhà nên Ngài bộc bạch luôn:

– Vui nhưng hao lắm các anh ạ. Có nhiều dịp mình không thể không chi tiền được. Bây giờ về đây từ từ trả nợ vậy.

Lần đầu tiên tôi nghe một cha già tâm sự về tiền bạc. Sao giống chúng tôi ở ngoài đời quá. Tôi vẫn tưởng các cha, nhất là các cha già thì được hưởng ‘luật trừ’ khi về Việt Nam, nhưng hóa ra không. Thì ra lòng bác ái không phân biệt tuổi tác. Tôi thấy thương Ngài quá. Đã có lần Ngài tâm sự: “ mình không còn lái xe được nữa nên chẳng đặng đừng giáo dân mới đón đi làm lễ hoặc ban phép bí tích thôi. Họ đến với mình khi không còn tìm được cha nào khác. Cũng chẳng mấy ai lui tới nhà này đâu anh ạ…”

 

Phòng của cha Khấn đã nhỏ lại còn nhỏ hơn nữa khi bốn bề là sách vở và báo chí. Chỉ có một lối đi nhỏ ở giữa cái giường twin size và cái bàn viết. Tôi không ngờ một linh mục đã 80 tuổi, hằng đêm phải đi tiểu gần 10 lần vì con bệnh ‘tường đè’(1) mà vẫn còn mê sách vở và vẫn tiếp tục trau dồi kiến thức. Bây giò tôi hiểu vì sao các bài giảng của Ngài rất cập nhật và khá hấp dẫn. Lượng đường trong máu của cha lên xuống rất thất thường, lại mới trở về sau chuyến đi dài, trông cha Khấn có vẻ mệt mỏi, nhưng vẫn như mọi lần gặp gỡ, cha Khấn luôn tươi cười vui vẻ, hồn nhiên, và thân tình. Ngài không bao giờ than thở về bệnh tình của mình. Ngài bảo: “Cứ coi như một đêm phải dậy đi tiểu 10 lần là truyện bình thường của một người thì nó sẽ bình thường ngay.”

 

Phải công nhận là cha Khấn có cái net độc đáo: đẹp trai, đẹp lão, đẹp trong áo dân sự, đẹp trong áo dòng, và đẹp cả trong linh hồn nữa. Nhìn tấm hình trắng đen đuợc phóng lớn và dán băng keo (dán băng kep chư không phải lộng kính) sau cánh của, Tuyến hỏi:
– Chắc đây là hình lúc cha mới mặc áo dòng?

– Không, lúc tôi 40 tuổi đấy.

– Cha và thầy Nguyến Tấn Văn học cùng lớp với nhau, vậy ai đẹp trai hơn?

Không trả lời câu hỏi, nhưng nhân nói đến thầy Văn, cha Khấn liền lấy sấp hình thầy Văn ở trên bàn tặng cho chúng tôi và bắt đầu kể truyện ở bên Pháp người ta đang vận động phong chân phước cho thầy. Cha rất hồ hởi về việc này, nhưng xem ra không phải hồ hởi vì thầy Văn là bạn thân của mình mà vui mừng vì trong thời đại này vẫn có những vị anh hùng tử đạo theo kiểu mới.

 

Chúng tôi vừa bước ra phòng ăn thì cha Tú cũng từ trong phòng đi ra:

– Kính chào cha. Cha khỏe không?

– Lằng nhằng vậy.

Cha Tú thích từ ‘lằng nhằng’ từ xưa rồi. Đã có lần tôi đã đùa: ‘Cha thì lúc nào cũng ‘lăng nhăng’”. Ngài chỉ cười rồi ‘ừ’ một tiếng. Cha Tú có thói quen cười, nhiều khi không thành tiếng, trước khi trả lời, và hay trả lời rất ngắn gọn. Ông cụ không văn hoa, nhưng lại thâm thúy. Dễ thương là ở chỗ ấy.

 

Nhìn thấy cái bàn ăn bằng gỗ khá cũ trên ấy có dăm ba chai lọ to nhỏ không mấy ngăn nắp, tôi nói đùa:

– Nhà các cha cần người giúp những công việc vặt như lau nhà, dọn bàn…. Cha có muốn con tìm cho cha một người không?

– Cóc cần.

Truyện trò một lúc rồi, tôi gợi lại một kỷ niệm: “Con nhớ mới ngày nào đây, cha phải vào emergency. Nằm trong nhà thương cha than thở: ‘không lẽ Chúa lại để mình chết non như thế này hay sao, mới vừa qua tuổi 50…’. Vậy mà đã gần 30 năm rồi. Cha sống thọ đấy. Bây giờ trên 80 rồi. Cóc sợ chết nữa phải không cha?

 

Cha Tú lại cười rồi ‘ừ’ một tiếng.

 

Tôi đang buồn truyện gia đình, nhưng khi đến thăm các cha già hưu dưỡng thì lại thấy vui vui. Các Ngài già yếu mà vẫn yêu đời. Các Ngài cô đơn mà vẫn không cô độc. Các Ngài cần rất nhiều thứ nhưng lại chẳng cần gì. Các Ngài như bị bỏ rơi, nhưng vẫn tin tưởng. Tôi thấy trong hai tiếng ‘cóc cần’ của cha Tú có cái hào hùng của một con người đã từ bỏ tất cả để hiến thân khi bước lên lãnh nhận chức Linh Muc. Vợ con: cóc cần. Độc thân: OK. Tiền bạc của cải: cóc cần. Khó nghèo: OK. Quyền lực danh vọng: cóc cần. Vâng lời: No problems!!!!

 

Ngoài cuốn kỷ yếu ‘Viết Về Cha’ mà cha Khấn mới đem từ Việt Nam về cho chúng tôi, Cha Khấn còn cho tôi cuốn ‘Muôn Dặm Đường Trường’ là tập kỷ yếu nhân ngày giỗ 30 năm của cha Giuse Nguyễn Văn Toàn là cha sở cũ của tôi ở Việt Nam nữa.

 

Về đến nhà, tôi đọc nghiến ngấu và ngụp lặn với những kỷ niệm trong ‘Muôn Dặm Đường Trường’, nhất là được biết nhiều hơn về cuộc sống thánh thiện và hào hùng của một Linh Mục đã là cha xứ của tôi. Phải nhận là hồi còn trẻ, tôi kính mến cha cố Toàn lắm, nhưng bây giờ nhìn lại thì thấy sự kính mến ấy cần phải tăng lên rất nhiều đối với một con người đầy tâm huyết và thánh thiện như Ngài. Qua bài viết của cha Phạm Văn Ái – “Lúc Khỏe Mạnh Cũng Như Khi Đau Yếu” – tôi biết về cha cố Toàn nhiều hơn. Tôi muốn cắt bài viết này ra để gởi cho các tờ báo vì qua bài viết này tôi thấy có một vị anh hùng và một vị thánh trong vị Linh Mục có tên là Nguyễn Văn Toàn, cha xứ của một xứ không tên tuổi. Vài chi tiết nhỏ trong bài viết ấy thôi cũng làm tôi khâm phục rồi: hai lần mổ ruột dư mà cha Toàn không cần đến thuốc mê, mà mổ theo lối xưa cách đây gần 100 năm chứ không phải bằng laser như bây giờ đâu…Một vài giờ trước khi qua đời vì bệnh ung thư bao tử, cha Toàn, 65 tuổi, còn bảo những người đến thăm: “chúng con cứ đi ăn uống cho thoải mái và ra phố chơi cho biết Saigon…”. Gần đến giờ chết rồi mà vẫn nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc của người khác hơn là đến mình.

 

Cha Khấn, cha Tú, cha Toàn đều là Linh Mục.

 

Vậy hỡi Linh Mục, người là ai? Chắc chắn tôi không thiếu những định nghĩa. Nhưng nếu chỉ nhìn trên bình diện một con người thì tôi muốn viết:

 

Linh Mục là người có cái HÙNG của Nam Nhi lúc còn trẻ.

Và Linh Mục là người có cái DŨNG của Thánh Nhân khi về già.

 

Linh Mục là người có cái CƯỜNG những lúc còn khỏe mạnh.

Và Linh Mục là người có cái KIÊN những khi đau yếu bệnh hoạn.

 

Thực ra đây cũng chẳng phải là điều gì mới lạ vì từ lâu đã có lời hát:

 

“Hoa huệ giữa bụi gai. Đau khổ chẳng nản.
Như người chiến sĩ muốn muốn gởi xác ở chốn sa trường.
Con Linh Mục, con muốn chết ở chân bàn thờ.”

 

Tuyệt vời qua. Hình như đây là bài nhạc của nhạc sĩ Tiến Dũng thì phải.

 

J Vu Cali. 06/04/2009

(1) Bệnh ‘tường đè’, nói ngược là ‘tè đường’. ‘tè đường’ là bệnh tiểu đường.

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.