Uncategorized

Linh mục “củ khoai”

Trần Mỹ Duyệt

 

Trong lịch sử của Giáo Hội, Thánh Gioan Vianney (1786-1859), cha sở họ Ars, nước Pháp được biết đến với biệt danh là ông cha “ăn khoai”. Biệt danh này do ma quỉ đã đặt ra và chế nhạo ngài, vì hầu như suốt đời, ngài chỉ sống bằng mấy củ khoai. Mỗi ngày, ngài luộc một nồi khoai và treo trên bếp. Sau những giờ phút mệt nhọc với mục vụ, đặc biệt là thời gian ngồi tòa, ngài vào bếp lấy mấy củ khoai mà dùng. Bực tức vì không làm gì nổi ngài, chúng đã chế nhạo: “Mày là thằng ăn khoai”. Trong thời đại mới, hình ảnh này được nhìn qua một lăng kính khác. Nhiều giáo dân muốn  linh mục, cha xứ của mình trở thành những “củ khoai”.

Chuyện xảy ra sau quyết định thay đổi nhân sự đã khiến vợ chồng chị rất bất mãn, khó chịu và trở thành thù nghịch với linh mục chính xứ. Người chồng bỏ nhà thờ. Người vợ tuy còn đến nhà thờ, nhưng không thèm nhìn mặt cha xứ mỗi khi tham dự thánh lễ. Tại sao lại bỏ nhà thờ? Tại sao đi nhà thờ mà lại không nhìn mặt vị linh mục mỗi khi dự lễ? Đã có nhiều lời khuyên hai vợ chồng nên tìm cách giải hòa để tìm lấy sự bình an và nuôi dưỡng đức bác ái, tuy nhiên, kết quả vẫn là “không bao giờ”. Bởi vì, họ cho rằng không thấy cha xứ thay đổi. Cha xứ không có dấu hiệu “phục thiện”!

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra cho một tông đồ khác rất nhiệt thành với những công tác phục vụ bàn thánh và cung thánh. Cũng là do hiểu lầm đã dẫn đến cách ứng xử không tế nhị, nóng nảy và thiếu kiên nhẫn của vị linh mục, và hậu quả là “đoạn tình”. Cha thì bực tức, khó chịu và lớn tiếng. Con không thèm nhìn mặt và cũng bỏ luôn nhà thờ, bỏ phục vụ cung thánh, bỏ phục vụ bàn thánh.

Những chuyện như trên có lẽ là những chuyện “ngàn lẻ một” xảy ra giữa các linh mục và giáo dân mà kết quả không chỉ đưa đến những phản ứng nhất thời, nhưng còn kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều câu nói và nhận xét hết sức tiêu cực từ phía giáo dân về các giáo sỹ, về ơn gọi tu hành đã được thêu dệt. Người ta thì thầm, bàn tán, nhận xét, phê bình cách này, cách khác. Đại khái cho rằng các ngài tự tôn, tự phụ, thiếu tôn trọng người khác, không biết cách cư xử, không hòa đồng, và không biết lắng nghe, đón nhận ý kiến của giáo dân… Thế nhưng khi có ai đó hỏi lại: “Ông hay bà có thấy cha ấy thế này thế khác như ông hay bà vừa nói không?” Hoặc “Anh hay chị đã có dịp trao đổi và góp ý với các linh mục về những điều anh chị quan tâm không?” Câu trả lời chung chung là: “Làm gì cho mệt. Mình có góp ý, có đóng góp cũng nước đổ lá môn. Nói làm gì cho người ta ghét!”  Và như vậy là không công bằng với các linh mục. Giáo dân sẽ cảm thấy thế nào khi nghe một linh mục tâm sự: “Làm linh mục cũng như làm dâu trăm họ!”

Trở lại trường hợp của người tông đồ vừa nhắc đến trong câu chuyện bên trên. Tôi đã nói với anh: “Nếu bảo là không giận gì cha, thì hãy bỏ qua cho lòng mình bình an, nhẹ nhõm. Không buộc anh phải tham dự thánh lễ tại nhà nguyện cũ. Tạm thời, anh có thể dự lễ do cha khác dâng, hoặc nếu không, anh tham dự thánh lễ ở một nhà thờ khác, việc phòng thánh và bàn thờ để người khác lo chờ cho tâm hồn bình an, sự tha thứ đủ lớn để nói chuyện lại với cha vẫn chưa muộn”. Với vợ chồng giáo dân kia thì sao? Cũng tương tự như thế, theo tôi, tạm thời họ nên thôi rêu rao, bêu xấu cha xứ của mình. Đừng để cho sự giận hờn nung nấu tâm hồn nữa. Hãy tự hỏi nếu cha xứ nghe được những gì mà vợ chồng chị đã nói, đã phê bình và đã bất mãn với mình thì cha xứ có đau lòng không? Có cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương không? Có chứ. Linh mục cũng là con người mà!

Một điều mà ai cũng biết là, các linh mục dù có bực tức cách mấy cũng không hoặc ít khi buông lời phê bình giáo dân một cách công khai như giáo dân vẫn làm với các linh mục. Đây chính là nỗi khổ của kẻ “làm dâu trăm họ”. Người ta coi thường mình, vu khống cho mình thì mình phải âm thầm chịu, và được cho là chuyện bình thường. Ngược lại, nếu mình có bất cứ phản ứng nào dù là trong chỗ riêng tư đều bị lên án là bất bình thường, thiếu nhân đức!

Xét về mặt tâm lý xã hội, cung cách ứng xử như vậy được xem như những hiểu lầm, thiếu thông cảm và chia sẻ với nhau. Nhưng những bất công và vô lý như vậy đến từ ít nhất hai lý do: Tâm lý tự cao của giới tu hành và tâm lý tự ty của phía giáo dân.

Lịch sử cho thấy bắt đầu từ thời Trung Cổ, địa vị của giới tu hành Công Giáo đã được các hoàng đế La Mã mặc cho những chiếc áo quyền lực. Do thể chế xã hội, đặc ân của giới quý tộc và lãnh đạo thời đó đã làm nảy sinh truyền thống “Giáo Sỹ Trị.” Giới tu hành tự cho mình là những người có quyền. Quyền bính bao trùm cả về phía dân sự, xã hội, và tâm linh từ Roma đến các xứ đạo hẻo lánh. Nhiều câu chuyện thần thánh về giới tu hành đã được truyền tụng. Trong thực hành, giáo dân coi “cha như Chúa.” Cha nói là Chúa nói. Phạm đến cha là phạm đến Chúa. Khúm núm trước mặt các linh mục, giám mục, hồng y, giáo hoàng. Hôn tay, hôn chân, hôn nhẫn các vị để được ân xá. Một làn ranh vô hình đã được hình thành.

Một bên vì thấy vai trò và quyền lợi của mình được đề cao, trọng vọng, nên mặc nhiên coi đó là xứng đáng mà không quan tâm đến trong nhiều trường hợp “ngôn hành tương phản”, khiến giáo dân coi thường, dị nghị. Một bên mang mặc cảm tự ty, thấy mình bị coi là thấp kém nên nảy sinh tâm lý bất mãn. Ma quỉ, kẻ thù của Giáo Hội đã khai thác kẽ hở này, và không ngừng lợi dụng tâm lý hai phía trong trận chiến ơn gọi, giữa bậc sống tu trì và bậc sống người Kitô hữu Giáo Dân. Ngày nay những phong trào linh mục có gia đình, người có gia đình làm linh mục, phụ nữ làm linh mục, và phong trào tố giác giới giáo sỹ lạm dụng tình dục… là những đợt sóng ngầm tiềm ẩn, gây rạn nứt bên trong lòng Giáo Hội. Giáo dân không còn tin tưởng vào các giáo sỹ, giới tu hành nữa. Coi ơn gọi thánh hiến mà giới tu hành đề cao như một địa vị, một chỗ đứng biệt đãi trong giáo hội và xã hội.

Để có một cái nhìn trung thực về vấn đề, trước hết, chúng ta hãy đơn giản nhìn các người tu hành như những người mang một trọng trách riêng biệt, một ơn gọi và bậc sống riêng biệt. Cũng như giáo dân có những vai trò, trách nhiệm và bậc sống riêng biệt. Với cái nhìn như vậy, chúng ta kính, chúng ta trọng, chúng ta yêu, chúng ta mến, và chúng ta hỗ trợ các ngài đúng với địa vị và ơn gọi của các ngài. Đừng ảo tưởng để tạo ra một suy nghĩ “Giáo Dân Trị” để đối đầu với “Giáo Sỹ Trị” một cách vô vọng. Giáo Hội ĐỒNG TRÁCH NHIỆM và còn CÓ PHẨM TRẬT. Trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, chúng ta nên dành cho các giáo sỹ, linh mục sự tôn kính qua vai trò tư tế, ngôn sứ, và cử hành các bí tích. Kính trọng các ngài, coi trọng không gian, cung cách các ngài trong khi thi hành thiên chức. Thí dụ, trong thánh đường, trên bàn thờ, nơi tòa giảng, trong tòa giải tội, tại các buổi lễ và các cuộc cử hành phụng vụ.

Ngoài những điều trên, hãy nhìn các ngài như những con người. Dĩ nhiên, con người tự nhiên mang tất cả hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, và dục. Mỗi người có nhân cách riêng, có tâm tính riêng, có cách hành xử riêng, có những nhu cầu và suy nghĩ riêng. Chúng ta không được quyền va chạm vào nhân cách ấy, tâm tính ấy, và cách hành xử ấy, bởi lẽ nó thuộc về một người và là cá tính, bản chất của mỗi người. Nếu chúng ta không ưa, không chấp nhận, hoặc không hài lòng đó là quyền của chúng ta. Phần chúng ta, qua cách sống và suy nghĩ trưởng thành không khúm núm, lạy lục, tâng bốc, thần thánh hóa, nhưng hãy dành cho các linh mục, giáo sỹ, tu sỹ sự kính trọng xứng đáng với ơn

gọi, nhân cách, và vị trí của các ngài. Tóm lại giáo dân không có quyền gọt giũa các linh mục như đẽo, gọt một củ khoai. Nếu trong giáo xứ mà có 10, 20, 50 hay 100 người muốn đẽo, muốn gọt củ khoai ấy theo ý mình thì sợ rằng, một ngày nào đó, củ khoai này không biết sẽ như thế nào và mang hình thù gì?! Hãy nhớ rằng linh mục, cha xứ của bạn không phải là củ khoai.

Trong những CHUYỆN VỂ TẬP SÁCH “DẪU VẬY THÌ VẪN CỨ TIN” CỦA TÁC GIẢ JOSEPH MOINGT S.J. được Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp chuyển dịch sang tiếng Việt, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời rất cởi mở với mọi người đang băn khoăn về đời sống Giáo Hội, trong đó có một ý thật đơn sơ nhưng đầy khôn ngoan và thuyết phục: “Các bạn sẽ không thể thay đổi thế giới khi sống tự cô lập mình – ai nấy trong góc riêng… Và bởi vì bạn muốn sống như những Kitô hữu, bạn hãy nghĩ đến chuyện thay đổi Giáo Hội, chính vì vậy, hãy giữ liên lạc với Giáo Hội… (tức là đừng rời bỏ Giáo Hội)”.

Trần Mỹ Duyệt

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến