Uncategorized

Lịch sử Giáo Hội qua 100 trình thuật

…Hồng-y Joseph Ratzinger là một giáo-sĩ ưa tranh-luận song cũng bị lắm chỉ-trích, đặc-biệt nơi quê-hương ông. Tuy nhiên, nhiều nhận-định và phân-tích trước đây của ông giờ đây đã thành sự thật, đúng cả tới những chi-tiết. Và hiếm có ai đau lòng ý-thức về những mất-mát và thảm-kịch của Giáo-hội trong thời hiện tại cho bằng vị Hồng-y thông-minh xuất thân từ vùng đồng ruộng bang Bayern này.

…Hồng-y Joseph Ratzinger là một giáo-sĩ ưa tranh-luận song cũng bị lắm chỉ-trích, đặc-biệt nơi quê-hương ông. Tuy nhiên, nhiều nhận-định và phân-tích trước đây của ông giờ đây đã thành sự thật, đúng cả tới những chi-tiết. Và hiếm có ai đau lòng ý-thức về những mất-mát và thảm-kịch của Giáo-hội trong thời hiện tại cho bằng vị Hồng-y thông-minh xuất thân từ vùng đồng ruộng bang Bayern này.

Một lần tôi hỏi ông, có bao nhiêu con đường dẫn tới Chúa. Tôi thật-sự không biết ông sẽ trả lời như thế nào. Có thể câu trả lời của ông sẽ là: chỉ có một – hoặc nhiều – con đường. Không cần suy-nghĩ lâu, Hồng-y bình-thản trả lời: Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường. Munich, ngày 15 tháng 8 năm 1996
Peter Seewald (Dẫn nhập MUỐI CHO ĐỜI)

 

MUỐN HIỂU ĐƯỢC PHẦN NÀO CUỘC ĐỜI – SUY TƯ – SỰ NGHIỆP – TRĂN TRỞ CỦA ĐƯƠNG KIM GIÁO HOÀNG HIỂN TRỊ BIỂN-ĐỨC XVI,
KHÔNG THỂ KHÔNG ĐỌC TÁC PHẨM NẦY CỦA PETER SEEWALD
BTGH SẴN SÀNG GỬI ĐẾN NHỮNG AI ĐÃ KHÔNG THEO DÕI ĐƯỢC TRONG CÁC SỐ BTGH.
 

 

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư

Phạm Hồng-Lam

 

 

LỜI NGỎ

Đã có rất nhiều tác giả và nhóm tác giả nghiên cứu và trình bày LỊCH SỬ GIÁO HỘI một cách toàn diện, đầy đủ và phong phú, dưới nhiều góc độ khác nhau : khi làm tài liệu tham chiếu cho Khoa Giáo Hội học (Ecclesiology); khi song hành với Lịch Sử Kitô giáo (Christianisme) nhưng chuyên sâu hơn về nghiên cứu sự kiện, thời đại, mang tính bác học, trong khi lịch sử Kitô giáo thiên về suy tư, củng cố nhận thức về nguồn gốc, ý nghĩa và ‘sứ mệnh” của Giáo Hội và của Kitô hữu, đặc biệt là tín hữu Công giáo. Josef Holzer thì khác: ông chọn lựa trong kho tàng đồ sộ những biến cố, những sự kiện, những sự việc trong dòng lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội, những cái mà ông xét là có thể tóm gọn một khuynh hướng, một trào lưu, một nội dung liên quan hoặc có thể móc nối, liên kết với những sự kiện, biến cố tương tự, rồi ông “kể” cho người đọc nghe và suy nghĩ. Mỗi câu chuyện không chỉ như một trình thuật, mà như một cuốn phim sống động, dẫn người đọc như nghe nhìn (thính thị) được những gì trước đây ta tưởng là phức tạp, lộn xộn và chẳng mấy gắn kết nhau, do khác nhau về thời gian và không gian. Tóm tại, Ông có công trong việc xâu chuỗi các sự kiện, biến cố, con người, để qua 100 TRÌNH THUẬT, giúp người đọc bình thường nhất cũng nắm được những gì xảy ra trong và với Giáo Hội qua mọi thời đại, qua hai ngàn năm, VỀ MỘT VẤN ĐỀ đã từng (và ngày nay cũng như trong tương lai) ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của Giáo Hội xét về mặt “hữu hình” (cơ cấu) lẫn vô hình (Nhiệm Thể Chúa Kitô và là Bí Tích) và hoàn toàn có khả năng tái diễn. Xét về bố cục, chắc chắn đây là một cách làm mới mẻ, có thể không được một số người đồng tình với tên gọi “long trọng” Lịch sử Giáo Hội, mà cho rằng đúng hơn nó giống như tập hợp những chuyện tản mạn trong lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội. Nếu khắt khe,thì cũng có thể đưa ra những nhận định như thế, nhưng khi gấp sách lại, chúng ta mới nhận ra rằng kiến thức đầy những lỗ hổng lớn về Giáo Hội, về lịch sử Giáo Hội trước nay đã được lấp đầy, nhiều vùng tối đã được soi sáng và nhiều thắc mắc đã tìm được đáp số. Vì thế, BTGH quyết định chọn cuốn sách nầy và giới thiệu đến bạn đọc. BTGH kính mong nhận được những hồi âm của người đọc về cuốn sách nầy và/hoặc về từng chương.

Để tiện theo dõi, xin xem MỤC LỤC dưới đây:

1 Các hoàng-đế Rô-ma bách-hại đạo
2 Thử lửa lần cuối
3 Giáo-hội trong cơn lốc quyền-lực
4 Công-đồng Ni-xê-a giải-quyết mâu-thuẫn tín-lí
5 Nhà giảng-thuyết trên cọc gỗ
6 Những đan-sĩ đầu tiên
7 An-tịnh (Augustinus): một cuộc trở lại khó-khăn lâu dài
8 Am-brô-si-ô giải-thoát Giáo-hội khỏi vòng tay hoàng-đế
9 Mọi người đợi chờ tận-thế
10 Đế-quốc hoàn-vũ sụp-đổ
11 Biển-đức (Benedikt) lập nền cho Tây phương
12 Clovis vào đạo và tương-lai Giáo-hội
13 Văn-hoá đức gián-tiếp ảnh-hưởng lên Giáo-hội
14 Người Anh truyền đạo ở nước Đức
15 Đại giáo-chủ Grê-gô-ri-ô trong thời buổi khó-khăn
16 Islam đe-doạ Giáo-hội khắp nơi
17 Mô-ha-mét, "tiên-tri" của Allah
18 Đại-đế Karl "truyền giáo" đất Sachsen
19 Đại-đế Karl trở thành hoàng-đế Rô-ma
20 "Vinh-danh luật Chúa"
21 Quốc-Gia Giáo-hội, một nhu-cầu giai-đoạn
22 Ki-tô giáo tiến lên miền cực bắc
23 Người sla-vơ vào Ki-tô giáo
24 Phân-rẽ phương đông
25 Giáo-hội trong thế-kỉ X "đen"
26 Những biểu-hiện xuống cấp khác
27 Từ canh-tân tu-viện thành canh-tân Giáo-hội
28 Grê-gô-ri-ô, một "Khổng-lồ của giáo-triều"
29 Tranh-chấp năng-quyền
30 Âu châu đánh lại quân Hung-nô
31 Cuộc thánh chiến đầu tiên
32 Thánh Bernard và cuộc thánh chiến thứ hai
33 Cơn giận của Saladin
34 Kết-thúc một lầm-lẫn bi-thảm
35 Dòng Hiệp-sĩ – hoa-trái của thánh chiến
36 Thomas Becket chết vì tự-do cho Giáo-hội Anh
37 Giáo-hội bị "kẻ lạc đạo" đe-doạ
38 Đa-minh (Dominikus) thử con đường mới
39 Phong-trào khó nghèo mới làm nẩy sinh giáo-phái mới
40 Phan-sinh (Francisco) ở lại trong Giáo-hội
41 Phan-sinh không muốn dòng có luật
42 Tội nặng – đánh đau
43 Anh sáng và bóng tối thời trung-cổ
44 Những nhà tư-tưởng đầu tiên thời trung-cổ
45 Các nhà thần-học lập nền cho khoa-học tự-nhiên
46 Một thua cuộc cần-thiết
47 Kẹt trong lưới nhện
48 Đức-quốc chống lại giáo-triều
49 Về lại Rô-ma
50 Âu châu chia thành hai phe
51 Công-đồng Konstanz tái lập thống-nhất
52 Gio-an Hus bị thiêu vì tội rối đạo
53 Cô gái thành Orleans bị nạn
54 Giáo-chủ đối đầu cuối cùng,
một con rối của chủ-trương ưu-quyền công-đồng
55 Người Thổ tấn công
56 Phục-hưng: Tái-sinh và sáng-tạo
57 Dàn hoả lại bừng cháy
58 Giáo-hội trong lực hút phục-hưng
59 Giáo-hội trước phong-trào cải-cách
60 Martin Luther tâm hồn bất an
61 Luther xa lìa giáo-huấn Giáo-hội
62 Cải-cách thay vì canh-tân
63 "Xin Chúa giúp con ! Amen !"
64 Zwingli "cải-cách" trong vùng Thuỵ-sĩ nói tiếng đức
65 Cải-cách quá-khích của Calvin
66 Giáo-chủ thú-nhận: Chúng ta tất cả đều lầm đường
67 Nước Anh xa rời Giáo-hội Công giáo
68 I-nhã (Ignatius) trở thành đối cực của Luther
69 May thay cuối cùng mọi chuyện lại tốt đẹp !
70 Giáo-hội bung ra khắp thế-giới
71 Các giáo-chủ trong thời phục-hưng và canh-tân
72 Công-nhận Tin lành
73 Canisius và Borromeus thực-thi nghị-quyết Công-đồng Trentô
74 Têrêxa đất Avila, người đàn bà bí-nhiệm và năng-nổ
75 Pi-ô V "nhặt với mình và với mọi người"
76 Xung-đột với người Thổ và người Anh
77 Vinh-sơn ở Paul, hăng-say vì lòng đạo
78 "Này nước Đức, bà mẹ của quá nhiều phù-thuỷ, hãy coi chừng!"
79 Cả đàn ông con trẻ cũng bị thiêu vì "phù-thuật"
80 "Trường-hợp Gallilê"
81 "Trường-hợp Gallilê" và nguyên-do
82 Islam kết cuộc bị chận đứng ở Wien năm 1683
83 Các quốc-gia dân-tộc nổi lên chống giáo-chủ
84 Dẹp dòng Tên, một chiến-thắng của Anh sáng
85 Chủ-trương của Joseph ở Áo: Một Giáo-hội tự trị
86 Cách-mạng Pháp diệt Ki-tô giáo
87 "Đả-đảo giáo-chủ !"
88 Napoleon Bonaparte và Giáo-chủ Pi-ô VII
89 Quốc-Gia Giáo-hội chấm dứt
90 Pi-ô IX chỉ còn là một giáo-chủ
91 "Hoan-hô Giáo-chủ không sai lầm !"
92 Người công giáo cổ tách khỏi Rô-ma
93 Người công giáo chống lại chủ-nghĩa tự-do
94 Giáo-hội và "vấn-đề xã-hội"
95 Thần-học bị chao-đảo
96 Pi-ô XI lột mặt chủ-nghĩa Quốc-xã và chủ-nghĩa cộng-sản
97 Cuộc bách-hại Ki-tô giáo lớn nhất trong 2000 năm lịch-sử
98 Gio-an XXIII mở công-đồng Vatican II
99 Bước vào tương-lai bằng những con đường mới
100 Giáo-hội hoàn-vũ năm 1978

Mục-lục Tên người, Tên đất và Sự-việc
Thư-mục

 

 

TRÌNH THUẬT 1

 

CÁC HOÀNG ĐẾ LA MÃ BÁCH HẠI ĐẠO

 

Giáo-hội là "đoàn dân lữ-hành“, luôn trên đường, không bao giờ toàn-hảo. Trong quá-trình lịch-sử 2000 năm, Giáo-hội đã nhiều lần đi xa đường Tin Mừng, nhưng dù vậy Giáo-hội cũng đã đạt đích của mình. Và dù có bị bách-hại một cách tàn-bạo hay bằng những lệnh án thâm-độc, Giáo-hội cũng đã không vì thế mà bị tiêu-vong. Đặc-biệt Giáo-hội đã không suy tàn vì bị truy-nã. Lịch-sử Giáo-hội thời sơ-khai đã minh-chứng điều đó.

 

Một thí-dụ: Các vị tử-đạo ở Xi-li

Ngày 17.07.180 lính rô-ma ở Karthago mang đến trước mặt Thống-đốc (Prokonsul) Satunius bảy tù nhân nam và năm tù nhân nữ, bị bắt vì tội theo Ki-tô giáo.

 

Hồ-sơ toà-án ghi:

Thống-đốc Saturnius nói: "Các ngươi sẽ được hoàng-đế ta tha nếu chịu trở về với lẽ phải.“ – Speratus, đại-diện đám tù nhân ki-tô, trả lời: “Chúng tôi chưa bao giờ làm điều trái hoặc có hành-động xấu. Chúng tôi không bao giờ chửi-bới, song vẫn luôn nói cám-ơn khi bị đối-xử bất công. Chúng tôi cũng luôn kính trọng hoàng-đế của chúng tôi“. Ông thống-đốc đối lại: “Chúng tôi cũng có lòng đạo. Tôn-giáo chúng tôi đơn-giản. Chúng tôi thờ thần Genius của hoàng-đế chúng tôi và luôn cầu cho ngài được sự lành. Các ngươi cũng phải làm như thế“. – Speratus trả lời : “Nếu ngài chịu bình-tĩnh nghe, tôi sẽ giải-thích cho ngài về mầu-nhiệm đơn-thành của chúng tôi “. – Saturnius: “ Ta sẽ không nghe nếu ngươi nói xấu về đạo của ta. Tốt hơn, nên thờ Genius, thần hoàng-đế !“. – Speratus: “ Tôi không công-nhận đế-thần ở trần-gian này. Nhưng chỉ phục-vụ một Thiên-chúa mà chưa con mắt người trần nào nhìn thấy. Tôi chưa bao giờ trộm cắp. Khi tôi mua gì, tôi trả thuế. Bởi tôi tin Chúa tôi, đấng có quyền trên cả mọi vua trần-thế“. Saturnius quay sang nói với những người khác: “ Hãy bỏ dị-đoan đi !“ – Speratus trả lời: “ Chỉ dị-đoan nào xúi người ta giết người và làm chứng gian thì mới xấu.“ – Ông thống-đốc lại quay sang những người khác: “ Các ngươi đừng để dây mình vào cái ngớ-ngẩn đó! “ – Zittinus trả lời: “Chúng tôi chẳng sợ ai ngoài Chúa chúng tôi ở trên trời. “ – Donata thêm: “ Chúng tôi kính trọng Xê-da (hoàng-đế), nhưng chỉ kính sợ Thiên-chúa. “ – Vestia thú-nhận: “ Tôi là một ki-tô hữu! “ -Sekunda nói: “ Điều tôi đã tin, tôi sẽ giữ mãi! “ – Ông thống-đốc quay sang Speratus: “ Anh cũng giữ mãi là ki-tô hữu như thế?“ – Speratus: “ Tôi là ki-tô hữu!“ – Và tất cả cùng đồng tuyên-xưng theo. Thống-đốc hỏi: “ Các ngươi có cần ít thời-gian để suy-nghĩ nữa không? “ – Speratus trả lời: “Việc quang-minh như thế chẳng cần chi phải suy-nghĩ! “ – Saturnius: “Các ngươi mang gì trong túi kia ? “ – Speratus: “ Sách và thư của Phao-lô , một người công-chính“. – Saturnius: “ Ta triển hạn cho các ngươi 30 ngày nữa. Hãy suy-nghĩ kĩ đi! “ – Speratus lại nói: “ Tôi là ki-tô hữu! “ – Những người khác đồng xưng theo. Thống-đốc liền tuyên-đọc bản án từ tấm bảng: “ Speratus, Nartzalus, Zittinus, Donata, Vestia, Secunda và đồng bọn đã xác-nhận chúng sống theo nghi-lễ của những người ki-tô. Dù có cơ-hội trở về với tôn-giáo Rô-ma, chúng vẫn cứng đầu không chịu. Vì vậy ta quyết-định và tuyên án: Xử tử bằng gươm“. – Speratus thốt lên: “ Chúng con đội ơn Chúa“.

 

Họ chết vì là ki-tô hữu

Những vị tử-đạo tiên-khởi này có lẽ là người ở Xi-li thuộc Phi châu, vùng thuộc-điạ của Rô-ma, với thủ-đô là Karthago. Cái chết của họ làm hưng-chấn giáo-hội Phi châu. Hồ-sơ trên được người ta chép lại nhiều bản và đọc lên trong thánh-lễ ngày tưởng-niệm họ. Nhờ vậy mà tài-liệu được lưu giữ tới nay. Một nguyện đường lớn đã được xây trên các mộ họ. Ở đó, sau này Thánh An-tịnh (Augustinus) đã nhiều lần giảng về “ Những đưá con đầu lòng của các chứng nhân bằng máu thuộc đất Phi châu“ (Tertullian).

Dụ của hoàng-đế Trajan

Hành-động của thống-đốc kiêm quan toà Saturnius xét ra ngay-thẳng và nhân-đạo, vì ông đã cố giúp cứu ki-tô hữu. Tuy nhiên, ông đã thi-hành đúng lệnh của hoàng-đế Trajan (98-117) về việc xét xử người ki-tô.

Hoàng-đế Trajan là hậu-duệ của thực-dân rô-ma ở Tây-ban-nha và được kể là một trong những toàn-quyền Rô-ma nhân-đạo nhất. Đế-quốc Rô-ma bung rộng nhất dưới thời ông cai-trị. Trajan được Plinus trẻ, khâm-sai ở Bithynien vùng Tiểu-á, yêu-cầu cho biết ý-kiến dứt-khoát về vấn-đề người theo đạo Ki-tô. Trong thư Plinius gởi Trajan, ông cho hay ki-tô hữu ở vùng ông cai-quản đã khá đông và nói rằng họ thường gặp nhau vào những ngày nhất-định, trước khi mặt trời mọc, để hát đối nhau về Chúa của họ, sau đó cùng thề với nhau “nhưng không phải cùng nhau phạm tội ác“ mà là “thề-hứa không trộm cắp, không cướp giật, không bỏ vợ bỏ chồng, cũng như không lừa-dối, và sẽ trao-trả sòng-phẳng đồ-đạc kẻ khác gửi“. Họ thường tụ-họp “để ăn với nhau những của ăn thông-thường“.

Plinius viết cho Hoàng-đế cách-thức ông đối-xử với những ki-tô hữu bị tố-giác: “Tôi hỏi họ có phải là ki-tô hữu không. Nếu họ trả lời phải thì tôi hỏi lại một, hai lần nữa và doạ sẽ ra án tử nếu không thay-đổi ý-kiến. Nếu như họ tiếp-tục cứng đầu thì tôi cho đem đi giết. Vì dù sao, theo tôi, riêng tội cứng đầu cũng đủ để phải lãnh án tử rồi“.

Điều người Rô-ma cho là cứng đầu, đối với ki-tô hữu lại là trung-thành với Chúa họ. Vì vậy mà Galenus, một y-sĩ đồng thời với các tù nhân Xi-li đã viết: “ Uốn thẳng lại một cái đà cong còn dễ hơn là bắt người theo Ki-tô thay-đổi ý-kiến“. Tertullian, một luật-gia ở Karthago, theo Ki-tô giáo từ năm 190, cũng đã viết: “Khi một ki-tô hữu bị tố-cáo, họ vui mừng. Khi bị xử, họ không biện-minh. Khi bị chất-vấn, họ tự thú. Khi bị kết-án, họ cám-ơn“.

 

Chưa có cuộc lùng bắt nào

Hoàng-đế Trajan trả lời khâm-sai Plinius là đừng lùng bắt người ki-tô và chỉ phạt một khi họ bị tố-cáo và mang ra trước công đường mà thôi. Và khi “ai chối đạo bằng lời nói và hành-động, chẳng hạn như chịu thờ thần của chúng ta, thì tha cho họ, cho dù trước đó họ tỏ ra không mấy đáng tin.“ Trong đoạn viết thêm, ông còn nhắc không xét những đơn tố vô danh, vì “đấy là những gương xấu không còn phù-hợp với thời-đại chúng ta nữa“. Trước thái-độ lập-lững của các hoàng-đế Rô-ma đối với ki-tô hữu, Tertullian sau này đã phải phê-bình: “Nếu người ta coi chúng tôi là người có tội thì họ phải lùng bắt chúng tôi. Bằng không lùng bắt thì phải tha chúng tôi chứ“.

 

Chúa của người ki-tô không được công-nhận

Thần Genius mà thống-đốc Saturnius nhắc tới trên đây không phải là một thần hộ-mệnh duy nhất. Người ta cho rằng mỗi người có một thần bản-mệnh riêng để kêu-cầu, hi-sinh và cúng-tế. Nhưng mọi công-dân Rô-ma đều bắt-buộc phải thờ Genius của hoàng-đế, bởi người Rô-ma tin rằng lời cầu chỉ có thể hiệu-nghiệm khi họ nhân-danh một chúa “của họ“ và cầu cho sự an-lành của hoàng-đế họ mà thôi. Việc cầu Chúa của người ki-tô vì thế không được chấp-nhận.

Trước toà-án, người ki-tô gọi Mark Aurel là “Xê-da“, bởi kể từ sau khi Julius Caesar (đọc Xê-da) bị ám-sát vào năm 44 (trước công-nguyên) trở đi, tất cả mọi hoàng-đế Rô-ma đều được gọi là Xê-da. Từ “Caesar“ có nghĩa là hoàng-đế.

Khi bắt các ki-tô hữu ở Xi-li, người ta cũng tịch-thu được một thùng cuộn giấy. Sau khi toà cho khảo-sát kĩ nội-dung thì đó là những bức thư của Phao-lô.

Bản án được viết trên một tấm bảng và đọc lên. Vị chánh-án hoặc phải tự tay viết bản án hoặc đọc lên cho thư-kí chép. Bản án dành cho ki-tô hữu ở Xi-li: Tử-hình bằng gươm. Và án được thi-hành ngay.

 

Di-tản cùng với các thương-gia

Khoảng năm 200, tại hầu hết các điểm cư dân lớn quanh biển Điạ-trung đã có các cộng-đoàn ki-tô. Trung-tâm Ki-tô giáo là Rô-ma và Karthago. Cũng đã có các giám-mục ở miền nội-điạ Âu châu, như ở Lyon, Vienne và Marseille (Pháp), ở Trier, Koeln, Xanten, Mainz và Augsburg (Đức), ở Lorch (Áo), ở York, London và Lincoln (Anh). Người ki-tô di-tản theo các thương-gia và binh-lính. Thiếu tài-liệu chính-xác về những cuộc di-tản thời đó. Nhưng người ta đoán vào khoảng năm 100 ở phiá tây Đế-quốc Rô-ma có độ vài ngàn tín hữu; năm 200 độ vài chục ngàn, năm 300 khoảng 2 triệu và năm 400 cỡ 4 tới 6 triệu. Phiá đông Đế-quốc năm 300 khoảng 5 tới 6 triệu và năm 400 cỡ 10 tới 12 triệu (Hertling). Tổng-số dân của Đế-quốc Rô-ma vào năm 200 sau công-nguyên khoảng 70 triệu, năm 300 khoảng 50 triệu. Ki-tô giáo so ra thật thiểu-số, nhưng không ngừng bành-trướng, ngay cả trong thời bị bách-hại. Cũng như nhà văn Tertullian đã viết: “ Máu tử-đạo là hạt giống ươm mầm Ki-tô giáo“. Các vị tử-đạo đã đóng-góp quyết-định cho sự lớn mạnh của Giáo-hội – được gọi là “ Giáo-hội công giáo“ kể từ thời Ignatius ở Antiochia (+ 110) trở đi, vì cái chết của họ là những bài giảng sống-động nhất. Có lẽ Giáo-hội sống còn là nhờ họ.

 

(còn tiếp nhiều kỳ)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.