Uncategorized

Lịch sử Giáo Hội 4

 DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 6

 

NHỮNG ẨN-SĨ ĐẦU TIÊN

 

An-tôn và cuộc sống ẩn-dật

 

 DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 6

 

NHỮNG ẨN-SĨ ĐẦU TIÊN

 

An-tôn và cuộc sống ẩn-dật

 

Cậu nông-dân An-tôn sinh năm 252 ở làng Kome mạn nam Ai-cập, trong một gia-đình giàu-có. Cậu mất bố mẹ năm lên 20 tuổi. Cũng như ông Simeon đứng trên cột, đời An-tôn chuyển hướng là nhờ Phúc-âm. Với cậu, câu sau đây của đức Giê-su đã đánh động cậu mạnh nhất : « Ai muốn trọn hảo, hãy về bán hết gia-sản đi, tặng cho người nghèo rồi tới theo ta. » Sau khi An-tôn lo đầy-đủ cho em gái, cậu vào sống trong một túp lều ở bìa làng. Ít lâu sau, cậu vào sống dưới một vách đá trong sa-mạc Ly-bi, trước khi quyết-định dứt-khoát vào ẩn trong một thành bỏ hoang của người Rô-ma.

Nhưng càng sống cô-độc, những cám-dỗ và chống trả nơi An-tôn càng dữ-dội. Vì thế, có những hoạ-sĩ như Hieronymus Bosch toàn vẽ những cảnh cám-dỗ khi trình-bày cuộc sống của Thánh-nhân, làm như thể cả cuộc đời ngài chỉ dệt bằng cám-dỗ mà thôi.

 

Tuổi trẻ vào sa-mạc

 

Hai mươi năm sau, khi về lại thành, theo lời kể của bạn ông là Athanasius, giám-mục giáo-phận Alexandria, An-tôn được tiếng là « kẻ đã vén được nhiều màn bí-mật cao-siêu » và là « người đầy ơn Chúa ». Khi ông trở lại sa-mạc, nhiều thanh-niên vào theo. Những nhóm ẩn-dật đầu tiên xuất-hiện. Họ tuy sống gần nhau, nhưng lúc đó chưa quyết-định lập cộng-đoàn chung, mỗi người tự sống theo lối riêng của mình.

Khi hoàng-đế Maximinus Daja (310-313) bắt đầu bắt đạo, An-tôn về lại Alexandria để thăm viếng và an-ủi đồng đạo trong các nhà ngục. Maximinus Daja, người kế vị Galerius từ năm 311, muốn lập một Giáo-hội lương-giáo để chống lại Giáo-hội ki-tô.

Giám-mục Athanasius lại một lần nữa gọi An-tôn từ hoang-địa về thành, lần này là để nhờ ông giúp chống lại những lập-luận của Arius. Chính Athanasius có lần đã vào hoang-địa sống với An-tôn một thời-gian dài, khi ông phải trốn khỏi Alexandria. An-tôn giữ liên-lạc với những kẻ cao cấp nhất của chính-quyền đế-quốc, có thư-từ qua lại với hoàng-đế Konstantin và các vị kế nhiệm ông. Ngài mất năm 356, thọ 104 tuổi.

 

Pachomius lập tu-viện đầu tiên

 

Thánh Pachomius lập tu-viện đầu tiên vào khoảng năm 300. Pachomius có bố mẹ là người ngoại-giáo, lớn lên trong thiếu-thốn và thất học. Bị bắt đi quân dịch và đưa xuống tàu theo sông Nil chở về Alexandria. Trên tàu, anh bị một số chỉ-huy và bạn đối-xử tàn-tệ, trong khi đó những người ki-tô trong đám lính lại tỏ ra thân-tình với anh. Cuộc gặp-gỡ này đã chuyển hướng đời anh. Hết hạn lính, anh không trở về nhà, nhưng vào sống trong một ngôi đền bỏ hoang. Anh nhận phép rửa từ tay nhà ẩn-dật Palamon, người mà anh đã gặp và làm quen được trong sa-mạc. Anh theo Palamon. Nhưng, vì thấy lối sống của bạn quá khắt-khe một cách bất-nhân, anh đã lập cho mình một nhà kín riêng trên đảo Tabennisi giữa sông Nil, tu-viện đầu tiên trong lịch-sử Giáo-hội . Các phòng ở của tu-sĩ được bao quanh bằng một bức tường kín, vì vậy nên mới gọi là « nhà kín » (claustrum = đóng kín, bao kín).

Khoảng 20 năm sau, Pachominus đã có 9 tu-viện nam và 2 tu-viện nữ. Em gái của anh làm bề-trên tu-viện nữ. 9 nhà nam với tất cả 9000 tu-sĩ. Khoảng năm 450 có tổng-số độ 50.000 người. Chữ « tu-sĩ » (tiếng đức Moenche) phát-xuất từ tiếng hi-lạp « monachoi », có nghĩa là « những người sống một mình ». Từ « nữ tu » (tiếng đức Nonne) xuất-phát từ tiếng ai-cập và có nghĩa là « sự tinh-khiết ».

Pachomius mất ngày 14.05.346 vì dịch tả. Trước khi mất, ông còn kịp dặn anh em không để cho ai biết nơi chôn cất mình.

 

Pachomius lập nội-qui cho phong-trào

 

Nhờ kinh-nghiệm lúc đi lính, Pachomius rất chú-ý đến luật của tu-viện mình lập. Luật của ông chẳng phải là lí-thuyết cao-xa, mà chỉ là những qui-tắc ứng-xử thường ngày. Những qui-tắc đó đã ảnh-hưởng trên đời sống tu-viện nhiều trăm năm sau.

Khi nhập tu-viện, Pachomius đặt cho mỗi người một tên mới và một số. Cứ 24 người lập thành một nhóm, có một anh / chị trưởng đứng đầu. Các tu-sĩ tự canh-tác mà sống. Việc làm ưa-chuộng nhất là đan rổ cùng dệt chiếu và mền. Cuối tuần, sản-phẩm được tập-trung về tu-viện chính, giao cho tu-sĩ đặc-trách kinh-tế mang ra bán ngoài chợ tỉnh. Công-việc trí-óc bị khinh-chê, nhưng Pachomius buộc mọi tu-sĩ ít nhất phải đọc được Sách Thánh. Pachomius từ-chối làm linh-mục. Vì thế tu-sĩ của ông đều ở bậc giáo-dân. Điểm này được người đời coi là một « dấu-chỉ » phản-kháng lại « Giáo-hội phẩm-trật ».

Thật ra, quan-hệ của dòng lúc đầu đối với Giáo-hội không được trôi-chảy. Nhưng không phải vì thế mà bảo rằng các tu-sĩ trong hoang-địa chống Giáo-hội. Cáo-buộc này ít nhất hoàn-toàn không đúng đối với An-tôn, người đã luôn giữ quan-hệ mật-thiết với giám-mục Athanasius. Và Athanasius cũng đã viết về cuộc đời An-tôn để quảng-bá lí-tưởng đan-tu cho quảng-đại quần chúng. Truyện đời tu thời đó có lẽ bán chạy như tôm tươi, nên tu-viện mọc rất nhanh. Chính Athanasius là người đã mang hai tu-sĩ đông phương sang Rô-ma để họ lập các tu-viện đầu tiên (340) bên đất Đế-quốc Phía Tây. Năm 388 ở Rô-ma đã có 12 tu-viện. Phong-trào xuất-phát từ một vách đá trong sa-mạc, nhờ Pachomius, cuối cùng đã lan xuống thành-phố, nơi những người ẩn-tu đã một lần ra đi.

 

Công-đồng chống lại những biến chất

 

Trong thế-kỉ thứ 5, vô số đan-sĩ sống rải-rác đầy trong sa-mạc Ai-cập. Viện-phụ Schenute (mất 466) nghe nói có tới 2200 nam tu và 1800 nữ tu. Schenute là viện-phụ đầu tiên buộc tu-sĩ mình phải tuyên-hứa một cách long-trọng. Những lời hứa này còn được lưu-trữ trong thư-khố tu-viện. Nhưng vì nhận thấy có nhiều biến chứng không tốt trong đời tu, công-đồng Can-xê-đôn trong phiên nhóm thứ 15 ngày 31.10.451 đã quyết-định : « … không ai được xây tu-viện hay nhà thờ khi chưa có phép của giám-mục thành-phố. Thứ nữa, tu-sĩ thuộc vùng hay tỉnh nào phải thuộc quyền quản-lí của giám-mục địa-phương đó. Họ cứ việc sống thanh-thản, chỉ buộc ăn chay, cầu-nguyện và bám trụ ở những nơi họ được gởi tới mà thôi. » Ngoài ra, Công-đồng cũng lệnh cho các giám-mục phải « coi-sóc cẩn-thận » các tu-viện, miễn quân dịch cho các thầy, cấm các thầy không được nhận trách-vụ đời và buộc họ phải giữ đời độc-thân.
Cuộc sống khép kín và thiếu chiều sâu đã làm cho các tập-tục tốt biến chất một cách đáng ngại và cuối cùng đã là nguyên-nhân làm sụp-đổ cả phong-trào tu ở Ai-cập. Tuy nhiên, trong thời-gian đó, phong-trào đã toả kịp ra các miền khác : bán-đảo Sinai, Palestin (thánh Hieronymus) và Sy-ri. Khi Konstantin mất, kinh-đô Kon-stan-ti-nôp đã đếm được 15 tu-viện, từ năm 340, như đã nói, tu-viện đã xuất-hiện ở Rô-ma.

Ngày nay, Giáo-hội nói tiếng hi-lạp chỉ còn có mỗi một dòng Basilius mà thôi. Basilius (329-379) là người lập dòng ở phương đông lớn thứ hai sau Pachomius. Công-đồng Can-xê-đôn và các luật dòng của Pachomius và Basilius đòi buộc một cuộc sống nhiệm-nhặt quá lẽ (có khi tu-sĩ tự giam mình trong một buồng xây kín ).

Về đại-thánh Basilius (Basilius der Große), phải nói thêm là ông đã cho cất ở Caesarea miền đông Tiểu-á cả một thành-phố bác-ái với nhiều nhà trọ, nhà thương, nhà tế-bần, một nhà nguyện và một nơi dung thân cho những người bị bỏ rơi. Nếu không có Ki-tô giáo, thì cái nhìn tích-cực đối với người nghèo và người bệnh đã không thể có trên phần đất cựu thế-giới.
Một trong những thầy tu phương tây đầu tiên là thánh Martin (336-397), sinh quán gần Steinamanger ở Hung-gia-lợi. Là con trai vị sĩ-quan tham-mưu phó binh đoàn Rô-ma, Martin theo gia-đình tới Gallien (nay là Pháp) lúc 16 tuổi. Khi qua Amiens, cậu thấy một người rét lạnh bên đường liền cắt ngay một nửa áo choàng cho người đó. 18 tuổi, nhận phép rửa tội. Khoảng năm 360 Martin lập một trong những tu-viện đầu tiên gần Poitiers, phía bắc dẫy núi Alpes. Ông mất lúc đang làm giám-mục giáo-phận Tours. Bởi phần áo choàng còn lại của thánh-nhân được lưu giữ trong một phòng cạnh cung thánh nhà thờ chính-toà Tours, nên người ta gọi phòng đó là « Capella » (tiếng la-tinh : cappa = áo choàng). Cũng từ đó, có từ « Kapelle » (đức), « Chapelle » (pháp) để chỉ phòng nguyện phụ trong nhà thờ hay một nhà nguyện nhỏ.

 

« Muối » của Giáo-hội

 

Khi Giáo-hội, nhờ những đặc-ân của đại-đế Konstantin, bắt đầu thoả-hiệp và thi-thố vinh-quang quyền-lực với đời, thì Pachomius lập những tu-viện đầu tiên với sự hình thành những « đạo binh » tu-sĩ được tổ-chức chặt-chẽ. Các tu-sĩ muốn lấy cái « chết không đổ máu » của họ để nói lên rằng bản-chất đích-thực của Giáo-hội không phải là quyền-lực và uy-danh. Tu-sĩ thời đó là « muối » Tin Mừng của thế-giới, mà cũng là của Giáo-hội. Lối sống của họ là một lời mời-gọi tha-thiết nhắn-nhủ ki-tô hữu đừng bán mình cho những quyến-rũ thế-gian. Phải công-nhận rằng dòng tu thời đó là sức mạnh của Giáo-hội. Nhưng cũng không vì thế mà giản-lược vào chỉ một lối sống đó mà thôi. Bởi mệnh-lệnh của Chúa là « Hãy đi khắp thế-giới, giảng đạo và rửa tội cho mọi người ». Một sứ-mạng mà mọi dòng tu ngày nay đều ý-thức thực-thi.

 

TRÌNH THUẬT 7

 

AN-TỊNH (AUGUSTINUS) –
MỘT CUỘC TRỞ VỀ KHÓ-KHĂN LÂU DÀI

 

Đang ghé chơi nhà bạn ở gần Milano, An-tịnh nghe vọng từ vườn nhà bên cạnh tiếng một em nhỏ : « Cầm lấy ! Đọc đi ! » Ông giáo-sư Aurelius An-tịnh cố nặn óc xem đó là trò chơi gì. Nghĩ mãi chẳng ra. Bỗng ông chợt nhớ tới chuyện nhà ẩn-tu An-tôn. Athanasius thuật lại rằng An-tôn chỉ vì một câu trong Sách Thánh mà biến-cải cuộc đời. An-tịnh liền bước tới cầm cuốn Sách Thánh, dở ra gặp ngay đoạn của tông-đồ Phao-lô : « Chúng ta đừng sống trong ăn-uống say-sưa và cãi-vã, nhưng anh em hãy tới với đức Giê-su Ki-tô và đừng để xác-thịt làm cớ cho những ham-muốn của mình ! »

« Tôi chẳng muốn và cũng chẳng cần đọc tiếp nữa », An-tịnh sau này viết lại như thế trong tập « Confessiones » của mình, bởi vì « vừa đọc xong câu đó, hồn tôi bỗng sáng lên và vững tin, và mọi bóng đêm ngờ-vực tan biến. » Sách Thánh, bao lâu nay ông chẳng coi ra gì vì ngôn-ngữ « tầm-thường » của nó, cuối cùng đã thấm vào tâm ông.

Con đường trở về thật dài, khó-khăn và đầy lạc lối. An-tịnh lúc đó 32 tuổi, đang thả mình giữa một cuộc sống thật sôi-nổi. Ngày nay, ông là một trong những vị thánh lớn nhất của Giáo-hội. Ông là người ảnh-hưởng quyết-định trên thần-học và Ki-tô giáo trong những thế-kỉ tới.

 

Thông-minh, nhưng vô kỉ-luật

 

An-tịnh sinh ngày 13.11.354, con trai một gia-đình khá-giả ở Tagaste xứ Numidien (nay là Algerie), bắc Phi châu. Cha cậu Patrizius là người ngoại-giáo, sống đời phóng-túng, làm khổ bà vợ Monika không ít. Mẹ cậu là một tín hữu ki-tô với cá-tính mạnh. Tuy vậy, trong gia-đình không có không-khí đạo, vì lòng mộ đạo của Monika bị cả hai bố con coi thường. An-tịnh coi niềm tin của mẹ không hơn một thứ chuyện thần-thoại của bà vú nuôi.

An-tịnh rất thông-minh, nhưng hoàn-toàn vô kỉ-luật. Cậu là học-trò giỏi nhất của trường Tagaste và Madaura gần đó. Khi bố mẹ hết tiền, phải thôi học, cậu nhập đám phá-phách làm loạn cả vùng. Nhưng một mạnh thường quân đã giúp cậu tiếp-tục trở lại trường.

 

« Sương mù dâng lên… »

17 tuổi, An-tịnh vào đại-học ở Kathargo. Cậu học thơ, hình-học, nhạc, luận-lí và triết-học. Đó là các môn học căn-bản của mọi ngành nghề đại-học thời đó.

Karthago, nơi năm 180 các vị tử-đạo phải ra trước toà-án, là một trong năm thành-phố lớn nhất của Đế-quốc Rô-ma, bên cạnh Rô-ma, Kon-stan-ti-nôp, Ê-phê-sô và Alexandria.

 

Karthago thời đó là nơi quần tụ của đĩ-điếm và nhà chứa, triết-gia và giáo-phái, người có đạo và vô đạo. Cậu thanh-niên 17 tuổi đã tìm được đúng đất sống. Cậu có ngay một cô bồ tên là Melanie, và lúc 18 tuổi có con đầu lòng, đặt tên là Adeodatus.

An-tịnh viết về thời náo-động ấy trong « Confessiones » : « Sương mù dâng lên từ vũng lầy ham-muốn xác-thịt và từ nhựa sống căng trào của tuổi thanh-niên, chúng như mây che kín tâm tôi. » Và một chỗ khác : « Kẻ thù kìm-hãm ý-chí tôi, nó như một dây xích cuốn chặt lấy tôi. Bởi ngược lại ý-chí là đòi-hỏi nhục-dục, đáp-ứng nó, nó trở thành thói quen, không chống lại, thói quen trở thành trói-buộc. »

Những nhắn-nhủ đạo-đức của mẹ chóng trôi theo cuộc sống. Mối tình với Melanie kéo dài mười năm. Sau này, An-tịnh vẫn không coi mối tình đó là một trọng tội, vì Giáo-hội kết án chuyện đa thê tương-đối trễ và vẫn coi việc « sống chung lâu-dài với một người » gần như tương-đương với một cuộc hôn-nhân. Nhưng trái lại, việc lấy trộm mấy trái lê cho bồ lại không ngừng cắn rứt lương-tâm cậu, vì cậu cho rằng lúc đó « mình chỉ muốn làm điều bất-chính »…

 

Đi theo giáo-phái

 

Bà mẹ khóc hết nước mắt, không phải vì cuộc tình bất-chính của con, nhưng vì An-tịnh gia-nhập giáo-phái Ma-ni-kê. Cậu đi theo tổ-chức đó sau khi đọc « Hortensius », một tác-phẩm hiện đã thất-lạc của triết-gia Ci-cê-rô người Rô-ma. Cuốn sách của nhà triết-học ngoại-giáo đã làm An-tịnh thắc-mắc : vũ-trụ đến từ đâu và vì sao nó hiện-hữu. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong cuộc sống sôi-động An-tịnh có dịp nhìn lại mình và nghĩ tới một hướng đi mới. Câu hỏi đã được đặt ra, nhưng : Ai sẽ trả lời ? Vì không tin vào lòng đạo đơn-sơ của mẹ, nên cậu đã hướng về Ma-ni-kê, là giáo phái lúc đó đáp-ứng được các bộ óc thông-minh và tuổi trẻ. Nhà lập đạo Mani, gốc người Iran, dạy rằng, từ đời-đời đã có một nguyên-lí xấu hiện-hữu song hành với nguyên-lí tốt và hai nguyên-lí đó luôn chống nhau. Mani khẳng-định, con người chỉ có thể tự cứu bằng cuộc sống tiết-dục, vì nhờ đó họ mới tách ra khỏi được « chất xấu ».

Chín năm đi theo tổ-chức, An-tịnh luôn chỉ là « người nghe », chứ chưa bao giờ lên được cấp « tuyển chọn » hay « hoàn-hảo », bởi vì muốn đạt cấp đó phải từ bỏ hôn-nhân và tình-dục. Có lẽ lời cầu sau đây của cậu phát-xuất trong thời-điểm phấn-đấu đó : « Xin cho con lòng chay-tịnh và tiết-dục, nhưng đừng cho con lúc này. »

Đường tới Ki-tô giáo

 

Bà mẹ giận con theo tà-giáo, nên ngày nọ cấm cậu bước về nhà. An-tịnh phải trọ nhà bạn. Ban đầu, đây là dịp cậu được tự-do mặc sức đấu lí với bạn-bè. Nhưng rồi người bạn thân nhất chết. Vấn-nạn trên kia lại trở về với cậu.

Năm 375, cậu An-tịnh 21 tuổi lập một trường hùng-biện ở Karthago, nhưng không thành-công lắm. Hơn lúc nào hết, bà mẹ cố thúc con vào đạo. Bà nhờ một giám-mục vận-động con mình, nhưng giám-mục từ-chối.

Để bớt bực mình và tránh nghe mẹ càu-nhàu, cậu trốn về Rô-ma, mang theo Melanie và Adeodatus, để mẹ ở lại.

Ở Rô-ma, nhờ sự bảo-trợ của Ma-ni-kê, An-tịnh được một chức giáo-sư ở Milano, lúc đó là kinh-đô của vương-quốc. Cậu dùng xe ngựa nhà-nước tới Milano. Bà mẹ tìm tới, dứt khoát bắt cậu đuổi Melanie và cưới vợ đàng-hoàng. Bà tìm cho cậu một cô con nhà giàu, nhưng còn thiếu hai tuổi nữa mới tới tuổi thành-hôn. Trong lúc đó, An-tịnh cặp bồ mới.

Ở Milano, một lần An-tịnh vào nhà thờ chính-toà để nghe nhà thuyết-giảng nổi danh Am-brô-si-ô. Cậu « chỉ muốn thử nghe ông ta giảng ra sao … nhưng bỗng dưng », sau này An-tịnh nhớ lại, « không những tiếng nói dễ thương mà cả nội-dung lời giảng thấm vào trí tôi. » An-tịnh bắt đầu đọc Sách Thánh với cặp mắt mới, và cuối cùng cậu đã khám-phá ra điều cậu vẫn tìm : lời giải cho vấn-nạn về ý-nghĩa vũ-trụ và con người.

Nhưng cậu vẫn không tài nào quyết-định bước tới được, cho đến khi nghe tiếng trẻ trong khu vườn nhà bên cạnh : « Cầm lấy ! Đọc đi ! » Trong đêm Phục-sinh năm 387 An-tịnh nhận phép rửa từ tay giám-mục Am-brô-si-ô, lúc 32 tuổi.

 

Bước vào cuộc sống mới

 

Sau khi nhận phép rửa, An-tịnh chẳng màng gì nữa tới hôn-nhân và bạn gái. Từ-bỏ hẳn cuộc sống theo bản-năng. Hướng ý-chí về một chân trời mới. Dứt khoát. Vì nếu không dứt khoát, thì không thể trở thành một ki-tô hữu, dù mình có thông hiểu giáo-lí đến đâu chăng nữa. Một cuộc đổi đời toàn-diện. 44 năm còn lại sau ngày nhận phép rửa, thời-gian đủ để An-tịnh chuyển cuộc sống bản-năng vào con đường thánh-thiện.

Chỗ đứng xứng đáng của An-tịnh trong lịch-sử Giáo-hội không chỉ là thành-công chống lại những lạc-thuyết đương thời, nhưng còn là nỗ-lực nối-kết lòng tin với triết-thuyết ngoại-giáo. Bởi vì ông muốn « không chỉ tin suông, mà phải hiểu những gì mình tin », mà không « để mất khả tín những gì lí-trí chưa chiếu sáng được. »

Một tác-phẩm quan-trọng của An-tịnh là cuốn « Quốc-Gia Thiên-chúa » (« De civitate Dei »). Ông viết tác-phẩm này sau trận cướp-phá Rô-ma của quân Alarich năm 410 để trả lời việc dân Rô-ma tố-cáo tín hữu ki-tô đã tạo ra biến-cố vô phúc đó vì sự « vô thần » của họ. An-tịnh khẳng-định rằng sự giàu-có và uy-tín của Rô-ma hoàn-toàn không phải bắt nguồn từ tín-ngưỡng ngoại-giáo của họ, nhưng từ những chiến-thắng của các đạo binh Rô-ma và nhất là từ chính-sách bất-nhân, sẵn-sàng tiêu-diệt cả những dân-tộc hoà-bình. Phần triết-lí chính-trị ki-tô giáo ông đề-cập trong sách đó, nói chung, phù-hợp với giáo-huấn của Giáo-hội thời trung-cổ.

Sau khi rửa tội, An-tịnh ở lại Milano cho hết bán niên học, rồi về lại Phi châu. Mẹ ông mất vì bệnh cảm và được chôn ở Ostia gần Rô-ma. Cha mất sớm, nên khi về tới nhà, ông bán hết gia-tài cha mẹ để lại và vào chung sống với bạn ba năm trong một tu-viện. Ngày nọ, khi ông bước vào nhà thờ của Hippo Regius, dân đang tập-trung ở đó liền suy-cử ông lên làm giám-mục. Ông hốt-hoảng, nhưng cuối cùng đã chấp-nhận. Năm 395, làm giám-mục phó cho vị giám-mục già Valerius, năm 42 tuổi lên giám-mục giáo-phận. Ông mất năm 430, lúc 76 tuổi, giữa khi quân Vandalen đang vây thành-phố ông.

 

(còn tiếp nhiều kỳ)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.