Uncategorized

Lịch sử Giáo-hội 3

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 4

 

CÔNG-ĐỒNG NI-XÊ-A GIẢI-QUYẾT MÂU-THUẪN TÍN-LÝ

 

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 4

 

CÔNG-ĐỒNG NI-XÊ-A GIẢI-QUYẾT MÂU-THUẪN TÍN-LÝ

 

Công-đồng chung đầu tiên được triệu-tập ngày 20.05.325 tại Ni-xê-a thuộc Tiểu-á. Các giám-mục nghị-phụ họp trong điện muà hè của hoàng-đế. Eusebius ghi lại: "Khi tất cả các bậc vị-vọng an-toạ, nghị-trường lặng-im chờ hoàng-đế. Khi hiệu báo hoàng-đế tới nổi lên, tất cả đứng dậy. Và Hoàng-đế như một thiên-thần từ trời xuống bước vào giữa hội-trường, áo bào đỏ sáng rực lên với những kim-tuyến vàng và đá quí . Mọi con mắt ngỡ-ngàng đổ dồn vào ngài. Nhưng ngài dịu-dàng và thân-thiện nhìn họ rồi nói với một giọng nhẹ-nhàng: Thưa các bạn, mong-muốn cao-cả nhất của trẫm là được chung vui với hội-nghị của các bạn. Đối với trẫm, tranh-chấp nội-bộ trong Giáo-hội Chúa nguy-hiểm hơn mọi trận chiến ghê-gớm ngoài đời khác, nó làm đau-khổ hơn bất cứ một trận chiến nào khác ngoài đời…“
Không phải Giáo-chủ, nhưng chính Hoàng-đế chưa rửa tội đã đích thân gởi giấy mời các giám-mục về họp công-đồng chung thứ nhất này. Đồng thời, ông cũng ra lệnh cho tất cả những ai về họp được quyền sử-dụng thư hoàng-đế và họ được đối-xử như những công-chức cao cấp. Khoảng 220 giám-mục đáp lời mời về dự. Từ Phương đông có giám-mục của Sy-ri, Ki-li-ki, Phơ-ni-ki, Ly-bi và Thê-bai. Giám-mục Thê-ô-đo-ret cho biết , trong số họ, có Paulus ở Nê-ô-xê-sa-rê-at với hai bàn tay liệt, vì ngón bị cắt bằng sắt nung đỏ trong thời bách-hại. Cả giám-mục Paphnutius cũng tới, ngài bị đâm hư một mắt trong "thời bất hợp pháp“. Và cả nhiều người khác nữa "mang dấu thương-tích của Chúa trên thân-thể mình". Từ Phương tây chỉ có 5 giám-mục tới, một từ Tây-ban-nha. Giáo-chủ Silvestê vì tuổi già không tới được, cử hai linh-mục Vitus và Vinzenz đại-diện.

 

Mục-đích Công-đồng

 

Trong diễn-văn khai-mạc hoàng-đế Konstantin cho hay mục-đích của Công-đồng là để giải-quyết chuyện Arius, người đã làm Giáo-hội phân thành hai phe.

Đó là thời Giáo-hội cần kiện-toàn tín-lí. Những cuộc thảo-luận thần-học đã trở nên cần-thiết, vì càng ngày càng có nhiều triết-gia và học-giả vào đạo và họ muốn đặt lại vấn-đề giáo-lí của Chúa Ki-tô. Giáo-hội thời đó đã kết án hơn chục "lạc thuyết“. Nhưng không có thuyết nào thách-đố Giáo-hội trong các thế-kỉ đó cho bằng thuyết của Arius.

Thuyết Arius là một "tổng tấn công của lí-trí“ (Château-briand) trên Ki-tô giáo. Cuộc đấu-lí về thuyết này trong thế-kỉ thứ tư không chỉ làm rối-loạn Giáo-hội, mà còn khiến Konstantin điên đầu. Konstantin lúc này một mình trị-vì toàn đế-quốc cả Đông lẫn Tây. Ông không muốn đế-quốc của ông bị vỡ vì mấy nhà thần-học. Vì vậy mà có công-đồng Ni-xê-a.

Chính Konstantin cũng chẳng hiểu gì nhiều về ý-nghĩa thần-học của vụ tranh-cãi. Nội-dung thư mời họp của ông nói lên điều đó. Trong thư có đoạn viết: "Đối với một số vấn-nạn, chẳng cần hỏi phải nên trả lời như thế nào. Có mấy ai hiểu được những chuyện cao-xa như thế hoặc góp ý được gì về những chuyện đó. Tựu trung thì qúi bạn đều nghĩ như nhau. Quí bạn có thể dễ-dàng đạt tới một xác-tín chung.“ Với Arius và đối-thủ của ông là Athanasius, Hoàng-đế viết: "Trẫm đã suy-nghĩ về nguyên-nhân và nội-dung tranh-cãi của hai bạn và trẫm tin rằng đó là chuyện trẻ con, chẳng tí nào đáng phải làm ầm lên như vậy.“

 

Arius: gần như một vị thánh

 

Khi chuyện nổ ra, Arius đã khoảng 60 tuổi. Ông là linh-mục coi-sóc một quận trong thành Alexandria ở Ai-cập. Gốc người Ly-bi, tới Alexandria du-học lúc còn trẻ. Một người rất thông-minh và đạo-hạnh. Một nhà khổ-tu. Gần như một vị thánh.

Trước khi họp Công-đồng, khoảng 100 giám-mục đã họp ở Alexandria để thảo-luận và phỏng-vấn Arius. Khi Arius bắt đầu đi vào nội-dung chính của thuyết mình và khẳng-định rằng đức Giê-su cũng có thể phạm tội, các giám-mục gầm lên phản-đối. Arius phải bỏ nhiệm-sở và rời Ai-cập.

Thuyết Arius có thể tóm-tắt như sau: Đức Giê-su chỉ là một thụ-tạo của Chúa, một thụ-tạo gần gũi Chúa hơn bất cứ một ai khác. Ngài giống Chúa, nhưng không phải là Chúa. Vì Ngài không phải Chúa, nên Ngài không hiện-hữu đời-đời. "Đã có một thời“, một trong những câu kinh của thuyết Arius, "không có đức Giê-su.“

 

Athanasius: Ki-tô là Chúa

 

Athanasius là thư-kí của giám-mục Alexandria, người đã tuyệt-thông Arius. Ông sinh vào khoảng năm 295 trong một gia-đình có đạo, 25 tuổi nhận chức phó-tế. Với tư-cách phó-tế, ông tháp-tùng giám-mục tham-dự công-đồng. Năm 328 trở thành giám-mục Alexandria và giữ trách-vụ đó 45 năm dài, cho tới khi mất vào năm 373. Athanasius tư-chất thông-minh, chiến-đấu không mệt-mỏi và là một nhà thần-học có hạng.

Giáo-thuyết của ông: Đức Ki-tô đến để cứu rỗi con người, để con người được trở nên "như Chúa“. Athanasius tự hỏi, nếu đức Ki-tô không phải là Chúa thì Ngài làm sao giúp con người trở thành được như Chúa? Không ai cho cái mình không có. Tội là lỗi phạm đến Chúa. Vì thế chỉ có Chúa, chứ không phải con người, mới tha được tội. Tóm lại, đức Ki-tô là Chúa chứ không phải chỉ là một tạo-vật. Vụ Arius, như vậy, không phải là một tranh-cãi về những chi-tiết tiểu-sử của đức Giê-su, cũng không phải về bản-tính Thiên-chúa của Ngài, nhưng là về giáo-lí "cứu-rỗi“.

Arius đích thân bảo-vệ quan-điểm mình ở Ni-xê-a. Thoạt tiên, có 17 giám-mục đứng về phiá ông. "Nhưng sau nhiều bàn-thảo, nhiều đấu-tranh và đắn-đo phân-tích“, như Eusebius kể, lập-luận chung của Giáo-hội đã thắng thế. Ngày 19.06.325 Công-đồng chấp-nhận "Bản tuyên-xưng Ni-xê-a“ Hai linh-mục đại-diện Giáo-chủ đặt bút kí trước nhất. Arius và hai giám-mục không kí bị vạ tuyệt-thông và lưu-đày. "Bản tuyên-xưng“ được hoàng-đế Konstantin cho công-bố như là luật nhà-nước. Công-đồng bế-mạc ngày 25 tháng 7. Trước đó, Hoàng-đế đã tiếp các giám-mục nhân dịp kỉ-niệm 20 năm đăng-quang của ông và căn-dặn họ đừng nên cấu-xé nhau. Nhưng ông đã lầm khi nghĩ rằng vụ mâu-thuẫn này đã được giải-quyết ổn-thoả.

 

"Chúa bởi Thiên-chúa“

 

Kết-quả quan-trọng nhất của công-đồng Ni-xê-a là xác-định được lời tuyên-xưng về thần tính của đức Giê-su: "Chúng tôi tin… một Chúa Giê-su Ki-tô, con Thiên-chúa, con một của Chúa Cha, nghĩa là được sinh ra từ bản-thể của Chúa Cha, Chúa bởi Thiên-chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Chúa thật bởi Thiên-chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản-tính với Cha…“

"Bản tuyên-tín tông-đồ“ trước đó, ở thế-kỉ thứ 1, chỉ xác-định: "Tôi tin … Giê-su Ki-tô, con một của Người.“

Dù bản tuyên-tín đã định nghĩa khá rõ về thần tính của đức Giê-su, Công-đồng cũng đã thêm vào câu sau đây:

"Những ai bảo rằng đã có một thời không có Con Thiên-chúa, và Ngài đã không hiện-diện trước khi được sinh ra, và Ngài từ không mà có hay từ một bản-tính nào khác mà thành, cũng như bảo Con Thiên-chúa có thể biến-đổi: kẻ đó sẽ bị đuổi khỏi Giáo-hội.“

Lời tuyên-xưng đã trở thành một "khoa-học“ ở Ni-xê-a, một xác-tín của các vị tử-đạo về sau và ngày nay thành một "môn học“ trong các đại-học.

Hoàng-đế Konstantin chủ-toạ công-đồng Ni-xê-a. Có lẽ Giáo-hội thời đó không đủ khả-năng tổ-chức một cuộc họp cho tất cả các giám-mục. Trước đây, Giáo-hội gặp nguy vì những bắt-bớ của các hoàng-đế. Nay, với những giúp-đỡ và bao-che của Konstantin, cái nguy đó cũng không giảm đi, vì càng ngày Giáo-hội càng lệ-thuộc vào "lượng hồng-ân của Hoàng-đế“. Có người vui mừng với biến-cố Konstantin, cho rằng nhờ đó Giáo-hội được tự-do hành đạo và tự-do đem Tin Mừng gieo khắp thế-giới. Có người lại lo cho cảnh tục-hoá của Giáo-hội và lí-tưởng sống đơn nghèo và khiêm-nhượng đang biến mất khỏi Giáo-hội. Sau này, khi nhìn lại cảnh đạo đời quyện lẫn làm một thời Konstantin, những nhà cải-cách coi đó là một "phản-bội“ lại giáo-lí của Chúa. Hồng-y E. Suhard (Paris) đã có một kết-luận về giai-đoạn lịch-sử Giáo-hội thời đó trong lá thư luân-lưu (1947): "Giáo-hội sẽ giải-quyết được khủng-hoảng, nếu nó từ-chối ôm lấy chuyện đời. Giáo-hội sợ Konstantin hơn Neron.“

 

Được một người phái Arius rửa tội

Hoàng-đế Konstantin sống như một ki-tô hữu và con cái ông được giáo-dục theo lẽ đạo. Trước khi mất, ông nhận phép rửa ở Helenopolis năm 337, qua tay một người theo phái Arius, giám-mục Eusebius ở Nikomedia.

Thời Konstantin, ra mặt chống lại các quyết-nghị công-đồng Ni-xê-a là điều nguy-hiểm, nên những giám-mục chống-đối thường hay dùng đòn lén để chơi lại các đồng-nghiệp khác quan-điểm mình. Đứng đầu nhóm chống-đối là giám-mục Eusebius. Ông vì thế bị Hoàng-đế thất sủng, sau nhờ can-thiệp của em gái Hoàng-đế nên được trả lại danh-dự và trở thành giám-mục của kinh-đô. Giám-mục Eusebius rửa tội không những cho Konstantin, mà còn phong Wulfila làm giám-mục "của các ki-tô hữu trong xứ Goten“ năm 341. Qua Wulfila, dân Tây-Goten sau này đã vào đạo, nhưng thuộc phái Arius.

 

 

 

TRÌNH THUẬT 5

 

NHÀ THUYẾT-GIẢNG TRÊN CỘT GỖ

Một người trong đám chay-tịnh

 

Giám-mục Thê-ô-đo-ret viết trong cuốn "Lịch-sử các thầy tu": Simeon, với biệt hiệu "Người trên cột gỗ", là một người khắp Đế-quốc Rô-ma đều biết, bởi vì những điều ông làm "vượt khỏi khả-năng tự-nhiên con người". Chẳng hạn, vì số người tìm tới nghe và xem ông càng ngày càng đông và họ cố sờ vào áo choàng để "được ơn lành", ông nghĩ tới việc dựng cọc cao đứng trên đó. Ban đầu cọc cao độ sáu sải (sải = 60 – 80 cm), sau lên 12 rồi tới 20 sải. Cuối cùng đạt tới 36 sải. Cao như thế "là vì ông muốn thoát khỏi những ham-muốn trần-tục để bay bổng lên trời."

Để đứng vững, ông buộc vào cọc một thanh gỗ để tựa rồi lấy dây cuốn mình vào đó và ở riết trên đó suốt 40 ngày. Tuy nhiên, "để được ơn trời nhiều hơn nữa", ông quyết-định ở thêm 40 ngày nữa, mà "chẳng ăn uống gì cả, chỉ sống nhờ lòng cậy tin và ơn Chúa". Thê-ô-đo-ret kết bài tường-thuật : "Ngày đêm Simeon đứng trên đó, mọi người nhìn ngắm: một trò ảo-thuật mới và lạ-lùng cho thế-giới."

 

Sống độc thân, một lí-tưởng của giáo-dân

 

Simeon sinh khoảng năm 390 ở một làng giáp ranh xứ Sy-ri. Thuở nhỏ đi chăn cừu cho cha. Cậu bé có được giáo-dục đến nơi đến chốn hay không, không thấy đâu nói tới. Người ta nói rằng cậu đi lễ chủ-nhật và nghe bài giảng các mối phúc của Chúa. Cậu bị đánh động và quyết-định đi theo các thầy "chay-tịnh" .

Các cộng-đoàn đan-sĩ là bước khởi đầu của các dòng tu, đã có từ thế-kỉ thứ hai, thời còn bị bách-hại. Lối sống trốn đời, chối-từ tiêu-thụ, đề cao chay-tịnh thể-xác đã là một sáng-kiến của giáo-dân, chứ không phải của hàng giáo-phẩm. Lí-tưởng chung của người chay-tịnh (đan-sĩ) là để được trọn-hảo theo tinh-thần Phúc-âm.

Qua cuốn "Về cách ứng-xử của các trinh nữ" (249) của thánh Cy-pri-a-nô ở Karthago, chúng ta biết được trong giáo-đoàn của ngài đã có những hội thanh-nữ hứa đời độc-thân, nhưng không sống chung thành cộng-đoàn với nhau. Trong sách này, Cy-pri-a-nô chê thói thích làm đẹp lòng người khác và thích quét dọn quá đáng nơi một vài trinh nữ và khuyên họ tốt hơn nên lập gia-đình.

Các hội trinh nữ kiểu đó được thành lập tại Tây-ban-nha bởi quyết-nghị hội-đồng (Synode) ở Elvira, ở Tiểu-á và Sy-ri bởi hội-đồng ở Ankyra. Hai hội-đồng chỉ-trích nhiều về những sai-lạc của các hội trên. Dù vậy, cũng không thiếu những gương anh-hùng trong nhóm những người này. Một sai-lệch điển-hình xuất-hiện vào thế-kỉ thứ 3 là việc sống chung của các thanh-niên nam nữ qua những kết-ước "thần-hôn". Hội-đồng ở Antiochia (268) cho hay có nhiều giáo-sĩ vào hội và bị tai-tiếng. Cy-pri-a-nô yêu-cầu giải-tán ngay, hội-đồng ở Ankyra cấm các cộng-đoàn thiếu minh-bạch này không được tiếp-tục sinh-hoạt.

 

Chết vẫn không chừa

 

Sau hai năm, Simeon bỏ cộng-đoàn chay-tịnh, vào tu trong một tu-viện gần Antiokia, thủ-phủ của Sy-ri, và ở đó 10 năm. Ở đây, anh sớm bị để-ý vì những lối hãm mình quá đáng. Cuối cùng, bề-trên đã phải đuổi anh, khi thấy anh buộc dây trong người quá chặt đến nỗi máu rỉ ướt áo. Simeon rời tu-viện đến làng Tellnesin, nằm dưới chân ngọn núi mà sau này anh dựng cọc ở trên đó. Anh ăn chay suốt 40 ngày. Việc làm này trước đó đã được một linh-mục khuyên không nên. Sau 40 ngày, người ta tìm thấy anh nằm bất tỉnh trong một căn lều. Ba năm sau, anh lên núi dựng hàng rào sống trong đó, xích người vào một tảng đá. Giám-mục ép mãi anh mới bỏ lối hãm xác này. Sáng-kiến cuối cùng là dựng cọc, cao khoảng 20 mét, mặt đỉnh cọc rộng 2 mét vuông. Người đương thời bảo ông sống trên đó tới 40 năm. Điều chắc-chắn là ông đã ở đó cho tới lúc chết.

Cuộc đưa xác ông về thủ-đô Antiochia diễn ra như một đám rước khải-hoàn. Linh-cửu được vị tổng-chỉ-huy quân-đội của hoàng-đế và nhiều binh-sĩ đưa đón. Một năm sau ngày Simeon mất (459), người ta cất một nguyện đường ngay tại nơi có cọc gỗ. Nguyện đường dài 100 mét, rộng 88 mét, là một trong những nhà thờ lớn nhất thời cổ và là một trung-tâm rộn-ràng khách hành-hương.

 

Không ai biết được nguyên-do thật

 

Simeon là một thí-dụ quá đặc-biệt về cách hiểu và sống phúc-âm của người thời đó. Trong khi Athanasius băn-khoăn làm sao có thể đặt nền-móng cứu-độ bằng tín-lí, Simeon lại tìm tới thiên-đàng bằng cách hành xác. Dù sao, bài giảng trên núi, trước hết, đã tạo nơi ông lòng ngoan đạo. Có thuyết cho rằng ông làm thế là để đền tội cho thành Antiochia, lúc đó có tiếng sa-đoạ. Một trong những "sa-đoạ" là hình-ảnh khiêu dâm. Sử-gia dòng Tên Alfred Laepple gọi Simeon là một thí-dụ sống-động, kình chống lại lối sống xa-hoa, tục tắm chung, tôn thờ thể-xác và lòng nguội đạo thời đó. Có kết-luận khác lại bảo rằng, chúng ta không thể biện-minh được lối hành đạo của ông, nhưng dù sao, đó cũng là một dấu-chỉ nói lên khả-năng của một con người "quên mình, vì họ đã được đong đầy tình yêu Chúa". Đâu là nguyên-do thật khiến ông có cuộc sống lạ-lùng kia, tới nay vẫn không ai tìm ra. Thê-ô-đo-ret cho rằng đó là cách ông chạy trốn những người ngưỡng-mộ. Nhưng nếu trốn thì có nhiều cách, mà cách thông-dụng thời đó là vào hoang-địa, chứ đâu lại dựng cọc như thế !

Một anh khùng ?

 

Ngày nay, ta có cảm-tưởng Simeon là một "anh khùng". Nhưng khùng thì sao lại có thể vấn-an, khuyên-nhủ cho người thập phương nườm-nượp kéo tới ! Ông thuyết-giảng, nói tiên-tri và đưa nhiều người trở về cùng Chúa. Các hoàng-đế và giám-mục trọng ông. Thật ra, nhiều người ban đầu tới vì tò-mò. Nhưng rồi, như giám-mục đương thời Thê-ô-đo-ret viết, họ "trở về nhà với Chúa trong lòng". Người ta đến từ Sy-ri, Ả-rập, Per-sê (Iran), Ar-mê-ni, Rô-ma, Gallien (Pháp) và từ Tây-ban-nha, nước thời đó được coi là "điểm cuối địa-cầu". Nếu quả để được thấy một anh khùng thì người ta đã không nhọc công lặn-lội từ xa như thế.

 

Một cơ-hội lớn

 

Ta không hiểu được nguyên-do Simeon dựng cọc. Nhưng việc ông sống trên cọc đó quả là một thành-công lớn cho việc tông-đồ của ông, vì nhờ vậy ông mới có thể tiếp chuyện được với nhiều khách thập phương. Ảnh-hưởng của phương-tiện đó có thể ví được như truyền-hình thời nay. Nếu như ông chết như một vị thánh đơn-độc trong sa-mạc, thì những đám đông kia đâu có cơ-hội trực-tiếp gặp-gỡ ông. Ai muốn được biết đến, thì bằng cách này hay cách khác phải có một cái gì để người ta chú-ý. Cách gây chú-ý của Simeon là việc ở và giảng trên cọc. Và sáng-kiến lạ-lùng của ông đã là "một phép lạ hoàn-vũ" (Thê-ô-đo-ret), một thành-công thực sự, chứ không hẳn là việc làm của một người điên.

 

Các nhà ẩn-dật

 

Bên cạnh cộng-đoàn chay-tịnh, một bước đầu khác nữa của các dòng tu sau này, là lối sống ẩn-dật. Người ta thấy chỉ chay-tịnh không thì chưa đủ, mà còn muốn xa lìa luôn môi-trường và xã-hội sa-đoạ chung quanh. Lúc đầu, chỉ có đàn ông vào ẩn trong sa-mạc Thê-bai miền nam Ai-cập, nơi lối sống dễ-dãi của thực-dân Rô-ma chưa thấm nhập.

Những người đầu tiên vào sa-mạc là để chạy trốn bách-hại của hoàng-đế Decius. Hết nguy-hiểm, họ vẫn tiếp-tục ở lại, vì thấy nơi đó quả là lí-tưởng cho đời sống cầu-nguyện và xét mình.

Hai khuôn mặt ẩn-dật nổi bật thời đó là thánh Phao-lô ở Theben và đại thánh An-tôn (có người dịch là An-tôn Cả). Phao-lô trốn vào hoang-địa lúc còn trẻ và, theo truyền-thuyết, sống trong đó tới năm 113 tuổi. Sau bao năm tìm kiếm, An-tôn gặp được Phao-lô trước khi vị này mất. Ông nói với An-tôn: "Xem này, người mà anh bỏ bao nhiêu công tìm kiếm, giờ chân tay đã mỏi tóc đã bạc. Người đó nay mai sẽ trở về với cát bụi. Nhưng ta xin anh hãy vì tình thương nói cho ta hay, người đời lúc này ra sao? Các thành-phố cũ có xây thêm nhà-cửa không? Ai trị-vì thiên-hạ lúc này ? Có còn người sống trong lầm-lạc của ma-quỉ nữa không?" Có lẽ Phao-lô mất năm 341, nghĩa là sau ngày đại-đế Konstantin mất, và như thế sau khi Ki-tô giáo đã được Đại-đế giải-phóng.

Theo tài-liệu của thánh Hieronymus, tài-liệu duy nhất về cuộc đời Phao-lô ở Thê-bai, thì Phao-lô sinh năm 228 ở miền Thê-bai hạ, con của một gia-đình giàu-có và trốn vào hoang-địa trong cơn bắt đạo của Decius. Vì người em rể hám của doạ tố-cáo anh với chính-quyền về tội theo đạo, nên anh đã vào trốn ở đó, sống trong một hang núi 90 năm dài.

 

(còn tiếp nhiều kỳ)

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.