Uncategorized

Lịch sử Giáo Hội 18

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 46
MỘT THUA CUỘC CẦN-THIẾT

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 46
MỘT THUA CUỘC CẦN-THIẾT

Đã hai năm Giáo-hội không có giáo-chủ. Năm 1294, nhà ẩn-tu đạo-đức Peter ở Murrone được bầu lên ghế giáo-chủ, hiệu là Xê-le-sti-nô V, đóng dinh ở Napoli. Nhưng 5 tháng sau, ngài từ chức, vì nhận ra rằng chỉ có lòng đạo không thì chưa đủ để điều-hành một Giáo-hội trần-thế. Và thời của ngài cũng là lúc tình-cảm quốc-gia dân-tộc trổi dậy, không nước nào còn muốn qui-phục giáo-chủ nữa. Người ta bảo Xê-le-sti-nô đạo-đức như "thiên-thần", nhưng hoàn-toàn không có khả-năng làm giáo-chủ. Không hơn không kém, ngài chỉ là một quả banh của các thế-lực.

CẢ BÔ-NI-FA-XI-Ô VIII CŨNG THẤT-BẠI

Bô-ni-fa-xi-ô kế vị Xê-le-sti-nô. Cho tới lúc này người ta coi trọng việc nhất-trí trong việc bầu giáo-chủ. Nhưng Bô-ni-fa-xi-ô chỉ thắng với đa-số hai phần ba. Ngay từ đầu, ông là một người thiếu thân-thiện. Cái tài lớn nhất của ông là tạo kẻ thù. Khinh người, hợm-hĩnh, bất-nhân, thoải-mái cười chọc ngay cả trên những yếu-đuối thể-lí của người khác. Nhưng thân-nhân mình thì lại được ngài tuôn đầy tiền bạc. Sau khi được bầu mấy ngày, có tin đồn ngài chết. Thế là cả thiên-hạ hân-hoan vui mừng. Vậy sao lại được bầu ?

Sỡ dĩ bầu là chỉ vì lúc đó người ta đang cần một nhân-vật dám chơi lại vua Philippe IV, đang trị-vì Pháp từ 9 năm nay. Và Bô-ni-fa-xi-ô xem ra được nhất, vì là người cứng-rắn, quyết-tâm, say quyền, dứt khoát hành-động và có nhiều kiến-thức về luật, một kiến-thức lúc đó khá cần. Ngài thường hành-động không suy-nghĩ. Đặc-biệt vì ngài đã không nhận ra chính-trị là một "nghệ-thuật của cái khả-thi" và thế-giới từ In-nô-xen-xô III trở đi đã không còn như xưa, nên rút cuộc ngài cũng đã thất bại như Xê-le-sti-nô, dù đi một con đường khác.

Một trong những quyết-định đầu tiên của ngài là cho nhốt cựu giáo-chủ Xê-le-sti-nô V vào luỹ gần Agnani, để tránh đe-doạ phân-li. Chuyện sợ này không phải là vô cớ, vì Xê-le-sti-nô dù từ chức nhưng vẫn còn nhiều tay chân, kể cả trong các hồng-y giáo-triều. Bô-ni-fa-xi-ô cho hay muốn để Xê-le-sti-nô trong luỹ để cụ già được yên-tịnh, nhưng Xê-le-sti-nô hiểu thâm ý nên tỏ ra rất đau-khổ. Và ngài mất ngày 19.05.1296 khi vẫn còn bị hãm trong luỹ.

Quốc-gia mạnh nhất Âu châu lúc đó là Pháp. Vua Philippe IV – cháu của vua thánh Louis – cũng đang muốn thống-trị thiên-hạ như Bô-ni-fa-xi-ô. Trong một thông-tư nhà-nước Pháp lúc đó có ghi, giáo-chủ "sẽ là một thượng-phụ ăn lương của người thống-trị thế-giới tương-lai là Philippe". Philippe dứt khoát sẽ không để cho Bô-ni-fa-xi-ô ngồi trên đầu mình.

THỬ LỬA ĐẦU TIÊN

Cuộc chiến giữa Anh và Pháp là dịp đầu tiên để hai mãnh-hổ thử tài. Cả hai nước lúc đó đều cho lệnh đánh thuế chiến-tranh trên giáo-sĩ và tài-sản Giáo-hội. Dĩ nhiên, giáo-chủ không đồng ý. Ngài yêu-cầu rút lại quyết-định, nếu không sẽ ra vạ tuyệt-thông. Pháp phản-ứng bằng lệnh cấm xuất vàng, bạc, tiền và vật quí sang Rô-ma. Không có tiền vào, Rô-ma sẽ gặp khó-khăn tài-chánh. Đối lại, không đánh thuế Giáo-hội, Pháp sẽ không có khả-năng nuôi chiến-tranh. Như vậy xét cho cùng, không phải vua và dân Pháp quyết-định tiếp-tục cuộc chiến, nhưng chính là giáo-chủ. Nhưng Philippe cho như thế là "ngoại-quốc can-thiệp vào nội-bộ quốc-gia" nên cực lực phản-đối.

Khi Philippe chính-thức ra lệnh đóng cửa xuất-cảng, giáo-chủ xuống nước. Philippe vì vậy cũng tỏ ra sẵn-sàng nhượng-bộ. Nhưng tất cả chỉ là một cuộc ngưng chiến, chứ hoà-bình thật-sự đã không xẩy ra.

NĂM THÁNH LÔI-KÉO SỰ CHÚ-Ý

Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300. Biến-cố làm tăng uy-tín giáo-chủ, vì người ta hi-vọng trong năm sẽ có tới 2 triệu khách hành-hương về Rô-ma. Mỗi ngày có khi có tới 200.000 khách đổ về. Bô-ni-fa-xi-ô VIII qui thành-công to lớn đó về mình. Nhưng thật ra khách hành-hương về là vì "ơn đại-xá" và vì tin rằng hành-hương dịp mở đầu thế-kỉ sẽ đem lại nhiều "may-mắn" cho cả năm. Vì thế nên các bậc vua chúa chẳng ai đến. Chỉ toàn là dân thường. Xem tiền cúng thì rõ, chỉ có rặt tiền lẻ bằng đồng.

GIÁO-CHỦ ĐƯA VUA RA TOÀ

Dựa vào thành-công Năm Thánh, Bô-ni-fa-xi-ô liều thử lửa một lần nữa. Nhân việc Philippe cho lệnh bắt giữ sứ-thần Rô-ma, Giáo-chủ yêu-cầu vua này ra điều-trần trước một cuộc họp hội-đồng tại Rô-ma. Hẳn nhiên Philippe chẳng đoái-hoài gì đến yêu-cầu. Trái lại, ông cho tạo một tài-liệu giáo-chủ "giả", trong đó Giáo-chủ đòi buộc Vua phải phục-tùng ngài cả đạo lẫn đời, nhằm kích-động tinh-thần quốc-gia dân Pháp. Philippe cấm hàng giáo-phẩm Pháp không được sang Rô-ma họp. Ông cho bịt các đường bộ và hải-cảng đi Rô-ma. Dù vậy, cũng có 4 tổng-giám-mục, 35 giám-mục và 6 viện-phụ thoát đi được. Philippe ra lệnh tịch-thu tài-sản những vị đó.

ĐÃ QUA RỒI THỜI TRUNG-CỔ

Hội-đồng ở Rô-ma đã ra một tài-liệu tai-tiếng "Unam sanctam", một trong những sắc-chỉ (Bulle) lạ-lùng nhất. Nội-dung tài-liệu không mới. Nhưng việc giáo-chủ đòi-hỏi dứt khoát nắm luôn cả thế-quyền hoàn-vũ lần đầu tiên đã tạo chống-đối lớn. Lẽ ra Bô-ni-fa-xi-ô phải hiểu rằng các quốc-gia dân-tộc nay không cần và không muốn sự "giám-hộ" của Giáo-hội nữa. Nếu như ngài đã hiểu mà kịp thời trao trả trách-nhiệm chính-trị lại cho các vua chúa thì hay biết mấy.

Thuyết "hai gươm" trong sắc-chỉ đã chẳng hợp thời. Thuyết này bảo rằng Thiên Chúa ban cho Giáo-hội hai thanh gươm: gươm đạo, do giáo-chủ nắm và gươm đời, do giáo-chủ trao lại cho thế-quyền và thế-quyền chỉ được hành-xử gươm này theo ý của giáo-chủ mà thôi. Điều này có nghĩa là thế-quyền phải phục-tùng thần-quyền, và sự phục-tùng này là cần-thiết để được rỗi.

Bernard ở Clairveaux là người đầu tiên đề-cập tới tư-tưởng trên và giáo-chủ In-nô-xen-xô đã là người có thể áp-dụng tư-tưởng đó. Sắc-chỉ không phải là tín-điều phải tin, nhưng chỉ có các hoàng-đế, chứ không phải vua, mới là người có quyền kháng lại nó. Dù vậy, vua Phlippe đã dám chống lại.

Giáo-chủ Lê-ô XIII trong thư "Immortale Dei" năm 1885 đã chính-thức chối-từ quyền làm chủ thế-quyền của thời trung-cổ này.

 

PHILIPPE SĂN BẮT GIÁO-CHỦ

Philippe phản-ứng kịch-liệt chống lại "Unam sanctam". Ông tính triệu-tập một công-đồng để truất Bô-ni-fa-xi-ô về tội ma-thuật và tội sống như một con "quỉ ". Thêm nữa, theo Philippe, Bô-ni-fa-xi-ô còn mang các tội khác như mưu-toan giết Xê-le-sti-nô V, coi loạn-luân không phải là tội và chính giáo-chủ là người lạc đạo vì không công-nhận sự bất-tử của linh-hồn. Hẳn nhiên Bô-ni-fa-xi-ô VIII có nhiều yếu-đuối, nhưng không đến nỗi như Philippe đổ tội nhằm truất chức ngài.

Philippe IV đòi mở công-đồng để chống lại giáo-chủ. Như vậy, ông chủ-trương quyền công-đồng cao hơn giáo-chủ. Tiền-đề sai-trái này về sau còn gây cho Giáo-hội nhiều khó-khăn.
26 giám-mục và nhiều viện-phụ người Pháp đáp-ứng lời kêu-gọi mở công-đồng của Philippe. Cả Âu châu có tới 700 thư đồng ý gởi về. Nhưng công-đồng đã không xẩy ra.

Trong lúc đó, tại nơi sinh-quán Anagni, Bô-ni-fa-xi-ô cho soạn thư tuyệt-thông Philippe. Thư dự-định sẽ công-bố ngày 08.09.1303. Nhưng một ngày trước đó, nhờ sự nội-ứng của dân thành, Anagni đã bị chiếm đóng bởi thủ-tướng Pháp là Nogaret và thủ-lãnh Sciarra Colonna, một dòng họ mà Bô-ni-fa-xi-ô ghét cay ghét đắng. Hai người tấn công vào tư-dinh giáo-chủ. Khi Colonna cầm gươm lao tới thì Bô-ni-fa-xi-ô trong y-phục giáo-chủ, tay phải cầm thập-giá, đứng thẳng trước mặt ông mà nói: "Đây là cổ ta, đây là đầu ta!" Nhưng Nogaret đã kịp thời can-thiệp và cho giam Giáo-chủ vào một căn phòng. Nogaret muốn mang Giáo-chủ về Pháp để xử . Nhưng dự-tính này đã không thực-hiện được, vì chỉ hai ngày sau, dân Anagni hối-hận, đã giải-thoát và mang Bô-ni-fa-xi-ô về Rô-ma. Ngày 12 tháng 10 năm đó người ta thấy Bô-ni-fa-xi-ô nằm chết trong phòng riêng ở Rô-ma.

Ưu-quyền chính-trị của giáo-chủ trên thế-quyền ở Âu châu – một địa-vị lẽ ra các giáo-chủ không bao giờ có quyền có – chấm dứt cùng với cái chết của Bô-ni-fa-xi-ô. Việc thua cuộc của Bô-ni-fa-xi-ô là điều cần-thiết cho Giáo-hội, vì nó giúp Giáo-hội trở lại con đường đúng của mình.

 

TRÌNH THUẬT 47
KẸT TRONG LƯỚI NHỆN

 

Kế nhiệm Bô-ni-fa-xi-ô là Biển-đức XI. Sau khi Biển-đức XI mất, xẩy ra một trong những cuộc bầu-cử giáo-chủ khó-khăn nhất trong lịch-sử Giáo-hội. Sau 8 tháng ở ghế giáo-chủ, Biển-đức XI mất ở Perunia, một thành-phố miền trung nước Ý. Và theo thông lệ thời đó, người kế vị sẽ được bầu ở nơi vị tiền-nhiệm mất. Cuộc mật-nghị (các hồng-y họp để bầu giáo-chủ) ngày 17.07.1304 mang tầm quan-trọng lớn, vì nó mở màn cho bi-kịch "lưu-đày Avignon".

 

HAI PHE NGANG NGỬA

19 hồng-y tham-gia cuộc bầu ở Perugia. Sau 11 tháng nhóm bàn, 4 trong số đó phải rời họp vì bệnh, chỉ còn lại 15.

Ngay từ buổi họp đầu, các hồng-y chia thành hai phe ngang-ngửa nhau. Nhóm chung quanh hồng-y Matteo Orsini đòi phải phạt nặng các tay thủ-lãnh chiếm Anagni và cả vua Philippe IV, bởi vì ông này mà Bô-ni-fa-xi-ô VIII bị giam-giữ. Hồng-y Napoleon Orsini, cháu của Mateo Orsini, lãnh-đạo nhóm kia, trái lại là một người của Philippe.

Vì hai bên không lựa được ai nên dịp Giáng-sinh năm 1304 họ đồng ý sẽ chọn một người bên ngoài đoàn hồng-y. Thế là Napoleon Orsini thắng, bởi giám-mục giáo-phận Bordeaux, người do ông đề-nghị, đã đạt được đa-số phiếu 2/3. Giáo-chủ mới lấy hiệu là Clê-men-tô V.

 

LỄ ĐĂNG-QUANG Ở LYON

Khi hay tin lễ đăng-quang không cử-hành ở Rô-ma, mà là ở Lyon, ngay cả những người theo Clê-men-tô cũng ngạc-nhiên. Vua Pháp quá mừng về kết-quả bầu-cử nên đích thân tới dự lễ. Khi đoàn rước đang tiến vào nhà thờ, một bức tường sập làm chết nhiều người, làm Giáo-chủ té ngựa khiến viên kim-cương quí nhất trên mũ giáo-chủ (Tiara) văng mất. Nhiều người cho đó là điềm gỡ cho tân Giáo-chủ.

Clê-men-tô V lúc đầu không tính ở lại Pháp, nên vẫn cho giữ kho-tàng giáo-chủ ở Assisi và giáo-triều vẫn ở Rô-ma. Nhưng vua Pháp đã tìm mọi cách ép ngài – một người bản-tính rất sợ-sệt – ở lại để tiếp-tục ảnh-hưởng.

Vua Philippe, trước đó, đã được giáo-chủ Biển-đức XI giải vạ tuyệt-thông. Biển-đức XI nguyên là vị hồng-y đã có mặt bên cạnh giáo-chủ Bô-ni-fa-xi-ô khi ngài bị Nogaret bắt và bị Sciarra Colonna đấm nắm tay sắt vào mặt. Nhưng vạ của Nogaret thì vẫn chưa được giải. Philippe giờ yêu-cầu Clê-men-tô giải vạ cho Nogaret và lên án Bô-ni-fa-xi-ô. Giáo-chủ thi-hành những điều vua muốn, trừ việc kết án vị tiền-nhiệm.

 

LẬP LẠI TÌNH-TRẠNG CŨ

Hồng-y Napoleon Orsini, người đề-cử giáo-chủ mới, đã được vua Philippe tưởng-thưởng bội-hậu. Philippe đã không thất-vọng về giáo-chủ mới. Vị này ngoan-ngoãn thi-hành những gì Philippe muốn. Ngài lập lại tình-trạng trước khi có sắc-thư "Unam sanctam", xác-nhận việc giải vạ tuyệt-thông cho Vua, cho phép Vua đánh thuế Giáo-hội pháp trong vòng 5 năm, rút lại tất cả những gì các vị tiền-nhiệm đã ra từ 1300, xác-nhận hành-động của Vua đối với giáo-chủ Bô-ni-fa-xi-ô trước đây chỉ là một sự "đố-kị đáng khen" chứ không phải lỗi lầm đáng luận-phạt, giải vạ cho Nogaret và phong cho 9 người Pháp làm hồng-y, trong số đó 4 vị là cháu của ngài và vị linh-hướng của Philippe. Cho tới lúc đó, người Ý luôn nắm đa-số trong đoàn hồng-y, từ nay đa-số chuyển qua tay người Pháp.

Việc cuối cùng, luận tội Bô-ni-fa-xi-ô, Clê-men-tô cho triệu-tập công-đồng để cứu-xét. Ngài làm như thế để tránh trách-nhiệm cho mình, trong trường-hợp Bô-ni-fa-xi-ô thật-sự bị kết án.

 

CÔNG-ĐỒNG VIENNE

Ngày 16.10.1311 khai-mạc công-đồng tại Vienne. Clê-men-tô trong y-phục giáo-chủ cùng các nghị-phụ tiến vào nhà thờ chính-toà. Giáo-chủ ngồi vào ghế trên cung thánh, các nghị-phụ trong phẩm-phục và mũ giám-mục, ngồi thành ba hàng mỗi bên ở gian giữa. Có 114 giám-mục và viện-phụ hiện-diện. Chỉ những ai có sự đồng ý của Philippe mới được mời. Khi tất cả vào chỗ, Giáo-chủ ban phép lành. Các nghị-phụ phủ-phục xuống nền nhà rồi đứng dậy. Giáo-chủ đọc kinh Chúa Thánh Thần: "Lạy Chúa, chúng con họp nơi đây vì danh Chúa. Hãy tới với chúng con, hãy ở lại với chúng con…". Sau đó, nghị-phụ lại quỳ xuống đọc kinh cầu các Thánh. Hồng-y Napoleon Orsini hát đoạn Phúc-âm nói về việc Chúa sai 70 môn-đồ ra đi (Luca 10, 1-16). Sau bài hát "Xin Chúa Thánh Thần hãy đến" (Veni Creator), Giáo-chủ đọc diễn-văn khai-mạc, trong đó ngài đề-cập tới các nghị-trình quan-trọng nhất của công-đồng là vụ dòng Hiệp-sĩ Đền-thờ, việc tái chiếm Đất Thánh, việc cải-tổ phong-tục Giáo-hội và tự-do của Giáo-hội. Chuyện phán-xét Bô-ni-fa-xi-ô cũng được đề-cập. Bô-ni-fa-xi-ô đã được công-đồng tuyên-bố vô tội trong mọi khoản cáo-trạng và được công-nhận là một giáo-chủ chính-thống hợp pháp. Vì thế, xác ngài đã không bị bới lên để đốt, như Philippe yêu-cầu. Philippe hài-lòng với quyết-định của công-đồng, vì thực ra, với ông chuyện giáo-chủ không quan-trọng bằng chuyện tiền bạc.

 

DẸP DÒNG HIỆP-SĨ ĐỀN-THỜ

Philippe biết rõ số tài-sản to lớn của dòng này ở nước Pháp. Và vì tài-sản này mang tính-cách thiện-nguyện và trực thuộc quyền sử-dụng của giáo-chủ, nên ông tính nhờ tay Clê-men-tô để chiếm-hữu. Ngày 13.10.1307, khi Philippe cho lệnh tống giam hai ngàn tu-sĩ và tịch-thu tài-sản của dòng và doạ đem vụ Bô-ni-fa-xi-ô ra xử lại, Clê-men-tô liền ra lệnh đóng cửa dòng ngày 22.03.1312, với lí-do "không còn phục-vụ các mục-tiêu nguyên-thuỷ nữa". Hai ngày trước đó, đích thân Philippe tới Vienne để "xem cho ra lẽ". Dòng bị giải-tán, dù công-đồng sau khi điều-tra cẩn-thận đã nhận thấy tội loạn-luân và "âm-mưu quốc-tế của Sa-tăng" chỉ là chuyện vu oan giá hoạ.

 

MỘT GIÁO-CHỦ TỪ TỈNH LẺ

Clê-men-tô V thuộc dòng quí-tộc pháp. Sau khi làm giáo-chủ, ngài vẫn là giám-mục của giáo-phận. Các giáo-chủ thế-kỉ 13 không hẳn lúc nào cũng ngụ tại Rô-ma, nhưng ít ra các ngài đều ở trong địa-hạt Quốc-Gia Giáo-hội, nghĩa là đóng dinh tại Anagni, Perugia, Viterbo hay Orvieto. Clê-men-tô trái lại, sau khi lên ngai, đã ngụ lại nơi sinh-quán của mình là Poitiers 16 tháng, làm như đã chẳng có gì đổi-thay trong cuộc sống mình. Rồi bốn năm liền, ngài đi lại khắp miền nam nước Pháp để tìm một địa-điểm hợp cho sức khoẻ. Năm 1309, ngài đến định-cư tại Avignon, vì địa-điểm này gần Vienne, nơi họp công-đồng. Song cũng chẳng sống trong Avignon, mà ngụ ở một vùng nào đó bên sông Rhone. Rất hiếm khi tiếp khách. Chỉ có bốn người cháu được thăng hồng-y có quyền lai-vãng bên ngài. Chung quanh ngài chỉ toàn là thân-nhân trong gia-đình; tất cả ra sức lợi-dụng ông bác của mình. Tắt lại, Clê-men-tô là người bệnh-hoạn, hay lo, tâm-lí chao-đảo. Vậy làm sao mà có thể đương-đầu với Philippe ?

Ở đây phải nói tới một điểm có tầm quan-trọng quyết-định cho thời đó và về sau: Nhờ khoa-học phát-triển nên các luật-gia chiếm giữ những vai-trò chủ-chốt trong điện vua Philippe. Bản-chất Philippe không phải là người chống Giáo-hội, nhưng các nhà luật đã cung-cấp luận-chứng cho ông đánh Giáo-hội. Chẳng bao lâu sau, hội-đồng tư-pháp hoàng-gia cũng đã lên tiếng khẳng-định, chính vua mới là kẻ nắm quyền cả đạo lẫn đời chứ không phải giáo-chủ. Họ cũng lí-luận rằng các giáo-chủ về sau này không còn được trao quyền của thánh Phê-rô nữa.

Clê-men-tô V mất ngày 20.04.1314 ở Carpentras gần Avignon. Ngài để lại một Rô-ma đổ nát và một Giáo-hội hoàn-toàn nằm trong tay người Pháp. Cùng năm đó Philippe IV mất.

 

NAPOLEON ORSINI HẲN PHẢI BIẾT

Không lâu trước khi Clê-men-tô mất, hồng-y Napoleon Orsini, thuộc dòng quí-tộc quyền-thế Orsini ở Rô-ma, viết cho vua Philippe một lá thư, trong đó cho hay Clê-men-tô là một trong những giáo-chủ tồi nhất, bởi vì ngài đã làm đổ-vỡ Rô-ma và Quốc-Gia Giáo-hội. Napoleon Orsini, như vậy, là người vô tội ư? Có lẽ ông phải mang trách-nhiệm lớn hơn, vì đã đề-cử Clê-men-tô như là nhân-vật duy nhất thích-hợp cho ghế giáo-chủ. Ông đã khẳng-định với các hồng-y mật-viện rằng, Clê-men-tô là đệ-tử trung-thành của Bô-ni-fa-xi-ô VIII, bởi vì chính Bô-ni-fa-xi-ô đã khoác cho ngài mũ hồng-y, và rằng ngài không phải là người của Pháp thật-sự, vì thành-phố giáo-phận Bordeaux của ngài năm 1303 đã bị người Anh chiếm. Napoleon Orsini phải nhận trách-nhiệm trước lịch-sử, vì ông đã đưa một người không xứng lên ghế giáo-chủ. Chuyện đó hẳn ông phải biết.

 

(còn tiếp nhiều kỳ)
 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.