Uncategorized

Lịch sử Giáo Hội 15 & 16

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 34
CHẤM DỨT MỘT LẦM-LẪN BI-THẢM

 

DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam

 

TRÌNH THUẬT 34
CHẤM DỨT MỘT LẦM-LẪN BI-THẢM

 

Cuộc viễn-chinh này thất-bại, người ta lại nghĩ tới cuộc khác tiếp theo. Bảy năm sau ngày thánh chiến trẻ-con kết-thúc thê-thảm, lại có một đoàn tiến về Ai-cập và chiếm lũy Damiette trên cửa sông Nil. Nhưng đã không giữ Damiette được lâu, vì – theo như người ta nói – vua Friedrich II đã không tới. Ngày tấn-phong vua, Friedrich hứa sẽ tham-gia đoàn quân, nhưng cuối cùng ông đã ở lại. Chỉ tới năm 1227 ông mới thực-hiện lời hứa, bởi trong lễ tấn-phong hoàng-đế, ông đã chấp-nhận điều-kiện nếu thất-hứa lần nữa thì bị tuyệt-thông.

Cuộc viễn-chinh lạ-lùng của Friedrich II

Friedrich II chào đời năm 1194 ở Sizilien. Sau khi vua cha là Heinrich VI mất sớm vào năm 1197, ông được dân Palermo thay nhau chăm-sóc. Năm 1212 chàng thanh-niên 18 tuổi, cháu của Barbarossa, được hai lần phong vua nước Đức, lần đầu ở nhà thờ chính-toà Mainz, lần sau ở Aachen. Giáo-chủ Hô-nô-ri-ô III đội mũ hoàng-đế cho ông năm 1220. Friedrich II đã giao-tiếp nhiều với người Do-thái và Hồi giáo tại Sizilien. Ông hiểu họ nên cảm thấy khó chịu trước việc dân Pháp và Đức hăng-say thánh chiến. Ông đã rất chần-chờ đáp lại tiếng gọi lên đường. Hẳn ông cũng đã biết ki-tô hữu và người hồi có thể sống chung hoà-bình với nhau được, như đã xẩy ra ở Tây-ban-nha. Sử-gia Erdmann viết: "Các vua và chúa miền bắc Tây-ban-nha trong thế-kỉ thứ mười vẫn thường xuất-hiện trong cung các đạo-chủ hồi giáo ở Cordoba, và vào thế-kỉ mười một đã có sự sống chung thân-mật, có thể nói là như anh em, giữa người ki-tô và người hồi.“ Vậy thì tại sao lại không tạo được sống chung ở Đất Thánh ? Ngay đạo-chủ Ai-cập trong lần thánh chiến đầu tiên cũng đã cho các hiệp-sĩ hay: "Nếu các anh tới Giê-ru-sa-lem với gậy hành-hương và túi lương-thực thì các anh sẽ được đón tiếp trong danh-dự. Các anh sẽ kiếm được trong khắp phố-xá ở đây đầy đủ thức ăn và tự-do. Nhưng nếu các anh nghĩ tới việc chiếm đóng thành bằng bạo-lực, thì các anh sẽ thấy sức mạnh của vua Babylon và dân nước Ba-tư.“

Năm 1227, để giữ lời hứa, Friedrich xuống thuyền ở Brindisi (Ý) với 60.000 quân. Điều này không có nghĩa là ông nhất-quyết muốn chiếm Giê-ru-sa-lem bằng bạo-lực. Nhưng, khi tất cả đã sẵn-sàng trên thuyền, thì xẩy ra nạn dịch, khiến Hoàng-đế phải rời thuyền. Giáo-chủ Grê-gô-ri-ô IX, vì nghĩ rằng ông này mượn cớ "nạn dịch“ để tìm cách thất-hứa, nên ra vạ tuyệt-thông. Friedrich cảm thấy nhục qua hành-động này. Sau khi khoẻ lại, để cho thấy là Giáo-chủ đã lầm, ông tiếp-tục cất quân, mặc dù theo lẽ đạo, ông không còn tư-cách lãnh-đạo đoàn quân nữa, vì đã bị tuyệt-thông.

Friedrich II cập bến Akkon ở Đất Thánh năm 1228. Nhưng không đánh, mà thương-thuyết. Thành-công lớn. Qua hiệp-ước Jaffa (1229) lãnh-tụ Alkamin đồng ý nhượng cho ông trong vòng 10 năm thành Giê-ru-sa-lem, Bet-lê-hem, Na-za-rét và rẻo đất dọc theo bờ biển. Sau cuộc thương-thảo thành-công, Friedrich vào thánh đường Giáng-sinh, tự tay đội lên đầu vương-miện vua thành Giê-ru-sa-lem. Hoàng-đế lạ-lùng này không cần nhát gươm nào mà đã đạt được nhiều hơn các vua trước đây với vô số quân-binh.

Giê-ru-sa-lem lại thuộc Hồi giáo

Cuộc sống chung kéo dài được 15 năm, thì lại một ông hoàng "ki-tô“ nữa xé hiệp-ước khiến người hồi nổi giận. Nhưng để chắc-ăn, lần này thủ-lãnh Alkamin nhờ một rợ dân đánh dùm. Rợ này bị quân hung-nô đánh đuổi. Họ phá sạch mọi thứ chướng-ngại trên đường chạy. Năm 1244 họ chiếm được Giê-ru-sa-lem, giết quân ki-tô trú-đóng không còn một mạng. Thành Thánh lại rơi vào tay người hồi. Những ai sáng-suốt giờ đây đều hiểu rằng việc giải-phóng Thành Thánh là chuyện không thể được, phần vì xa-cách Âu châu, phần vì trở-ngại khí-hậu bất-thường và nhất là vì tinh-thần chiến-đấu của người hồi. Nhưng vua Pháp là thánh Louis IX không nghĩ như vậy. Ông tiếp-tục tổ-chức viễn-chinh.

Khác với hoàng-đế Friedrich II, Louis IX muốn đánh và chiếm thành. Ông cho hay sẽ mang lại chiến-thắng mà các vua chúa khác đã không đạt được. Và kết-quả đã không như ông nghĩ.
Sở dĩ Louis quyết-tâm thánh chiến, là vì một lời thề trong cơn bệnh thập tử nhất sinh. Mẹ ông và tổng-giám-mục Paris chống lại lời thề đó. Khi được tổng-giám-mục cho hay thề trong lúc bệnh ngặt-nghèo là vô giá-trị, ông đã lặp lại lời-thề đó sau ngày lành bệnh.

Một người ngoan đạo

Louis hành-động vì đức tin. Điều này thể-hiện qua những chuẩn-bị trước lúc viễn-hành. Để được thanh-thả lương-tâm và sạch tội ra đi, ông cho người rảo khắp nước gom góp tất cả những phê-bình chỉ-trích của dân chúng muốn đạo-đạt tới vua. Louis muốn qua đó xoá sạch tội không những của mình mà cả của cha ông mình, trước khi lên đường. Một việc làm có một không hai trong lịch-sử thế-giới ! Vua Anh Henri III thấy vậy, liền yêu-cầu Louis xét lại đất-đai mà trước đây Pháp đã chiếm của Anh. Louis cho xét vụ-việc, nhưng mẹ ông đã không tán-đồng việc trả đất.

 

Đức tin không quí hơn tình yêu

Chuyện thánh chiến, Louis IX cũng phạm lầm-lỗi như những người đi trước, khi cho rằng đức tin là tiên-quyết và tất cả mọi phương-pháp bảo-vệ nó đều được phép. Ngày nay, chúng ta nghĩ khác, như thánh Phao-lô trong thư gởi tín hữu Kô-rin-tô: "Nếu như tôi có mọi sức mạnh đức tin và có thể dời non, mà không có tình thương, thì tôi chẳng có gì.“ Do đó mà chúng ta quả ngạc-nhiên về gương Phan-sinh; thánh-nhân cũng muốn trở thành hiệp-sĩ, nhưng đã sớm hiểu rằng đức tin không thể quí hơn tình thương. Ý-kiến của ngài về những cuộc viễn-chinh là không phải để tiêu-diệt người hồi, nhưng là để đưa họ về với đạo mình. Năm 1219 đích thân Phan-sinh sang Ai-cập để giảng Kinh-thánh cho lãnh-tụ nước này. Vị lãnh-tụ tiếp đón và nghe Phan-sinh cẩn-trọng rồi nói: "Hãy cầu Chúa để Ngài mạc-khải đạo Ngài cho tôi, theo cách Ngài thấy hay nhất.“ Điều đó minh-chứng rằng có thể nói chuyện đạo được với người Hồi giáo, nếu như người ta ngay từ đầu đừng mang gươm xông vào đất họ.

Hoả-ngục ở Damiette

Ngày 25.08.1248 vua Louis cho 1800 chiến thuyền nhổ neo. Chỉ 700 trên số 2800 hiệp-sĩ tới được Ai-cập để từ đó cùng với bộ-binh tiến vào Đất Thánh. Như một phép lạ, họ chiếm được thành Damiette. Nhưng, thay vì khai-triển chiến-thắng này thì họ lại đâm ra sa-đoạ, hãm-hiếp phụ-nữ và ăn nhậu ngày đêm. Đêm đến, quân hồi lén vào thành cắt cổ từng loạt hiệp-sĩ đang say mèm, mang về cho lãnh-tụ để lãnh thưởng, cứ mỗi đầu được thưởng một thẻ vàng. Có đêm 300 tới 400 đầu được mang về. Một số còn lại chết vì dịch bệnh.

Khiếp-đảm, quân viễn-chinh xin trả thành để được rút đi, nhưng không được. Vua cùng nhiều quân bị bắt và tra-tấn. Chỉ sau khi chấp-nhận giao thành và trả một triệu thẻ vàng, Vua và những người sống sót mới được thả đi.

20 năm sau, Louis lại tổ-chức thánh chiến lần cuối cùng và kết-thúc cuộc đời trong cuộc viễn-hành đó. Ngài mất vì dịch-bệnh ngày 25.08.1270 ở Tunis, lúc 56 tuổi. Sau khi ngài mất, những người sống sót kéo nhau trở lại Sizilien. Tại đó, một cơn bão đã giật đứt neo làm 18 chiến thuyền va vào nhau chìm lỉm, mang theo người, ngựa và lương-thực. Kết-thúc cuộc thánh chiến cuối cùng.

 

Chúa "không muốn thế“

Đối với Phan-sinh, tình yêu là đức-tính trên hết của một ki-tô hữu. Nhưng với vua Louis và dân Đức, đức-tính quí nhất của một người nam là dũng-cảm trên chiến-trường. Và theo họ, cái cao-cả nhất của một tín hữu là dùng dũng-cảm này để bảo-vệ đức tin. Giới-răn "yêu-thương kẻ thù“ hình như xa lạ hay không được quan-tâm đối với dân thánh chiến cho tới thời Louis. Vì vậy mà ngay từ đầu, khẩu-hiệu của thánh chiến là "Chúa muốn thế!“ Một lầm-lẫn bi-thảm, để đến nỗi cả một vị thánh như Louis cũng chết vì nó. Cái bi-thảm không phải ở chỗ thánh chiến thất-bại, nhưng ở chỗ nó hoàn toàn sai với thần-học. Cả như nếu thánh chiến thành-công tốt-đẹp, thì nó cũng đã làm một chuyện bất-công. Ngày nay, những ai quan-niệm dùng bạo-lực để đạt tới một ý-hệ nào đó, kẻ đó cũng đang rơi vào lầm-lẫn của các hiệp-sĩ thời xưa.

 

 

TRÌNH THUẬT 35
DÒNG HIỆP-SĨ: HOA TRÁI CỦA THÁNH CHIẾN

 

Phong-trào thánh chiến không đạt mục-tiêu chính-trị và tôn-giáo, nhưng nó đã chặn được bước tiến của người Thổ vào Âu châu lùi lại hàng thế-kỉ và mang lại ảnh-hưởng lớn cho nền kinh-tế và văn-hoá âu châu. Ngoại-thương âu châu có được một thị-trường mới, khoa-học đạt được những kiến-thức quí và nghệ-thuật cũng được giàu thêm. Về mặt tôn-giáo – Giáo-hội, thánh chiến là cơ-hội hình thành các dòng Hiệp-sĩ.

 

Hiệp-sĩ, lối sống và văn-hoá của họ

Ngay đầu thời trung-cổ, các vua chúa đã có hiệp-sĩ giúp việc để chống lại những cuộc tấn công của người Ả-rập và Hung-nô. Từ vai-trò "hộ-vệ", giới này từ-từ tách khỏi các thành-phần xã-hội khác và biến dần thành một giai-tầng quí-tộc cha truyền con nối gọi là Hiệp-sĩ. Khi lên bảy, con trai của một hiệp-sĩ vào sống trong dinh lãnh-chúa để học làm Hiệp-nhi (Page) (học sống theo lối hiệp-sĩ). Lên 14, làm Hiệp-sinh (Knappe), học sử-dụng vũ-khí qua các cuộc săn-bắn và các buổi huấn-luyện. Năm 21 tuổi, sau khi ăn chay cầu-nguyện, chàng Hiệp-sinh được gia-nhập hàng Hiệp-sĩ. Trong thánh-lễ gia-nhập trọng-thể, anh phải thề trung-thành phục-vụ vua và vương-quốc, bảo-vệ đức tin, bảo-vệ phụ-nữ goá và trẻ mồ-côi, phải can-đảm, chính-trực, khiêm-nhu và từ-tốn. Thời thánh chiến, giai-tầng hiệp-sĩ có tầm quan-trọng đặc-biệt. Hết thời viễn-chinh, khuôn-mẫu lí-tưởng tôn-giáo của hiệp-sĩ cũng chìm dần vào hậu-trường. Thay vì chiến-đấu cho đức tin, giờ người ta chạy theo những phiêu-lưu tình-cảm. Các ngài hiệp-sĩ trở thành những công-tử mê-say xem hát dạo để giết thì-giờ nhàn rỗi. Bên cạnh các đề-tài đạo và chính-trị, chủ-đề chính của những bài hát dạo thường vẫn là tình yêu đối với một người nữ – không hiếm khi với một người đã có chồng -, nên môn giải-trí này thường gây ra cảnh đổ-vỡ gia-đình. Lối hát tình-tứ đó chứa nhiều yếu-tố gợi dục, nên đã góp phần trau-chuốt những phong-tục tập-quán của các Vương-quốc người Đức.

Một trong những ca-sĩ hát dạo nổi tiếng là Walther vùng Vogelweide (khoảng năm 1200). Môn hát dạo (Minnesang, Troubadoure) có lẽ xuất-phát từ những người Tây-ban-nha gốc Ả-rập truyền qua Pháp vào Đức, bởi vì nó hoàn toàn không ăn-nhập gì với truyền-thống và văn-hoá đức.

Sau thời thánh chiến cũng nẩy sinh một loại "Hùng-ca cung-đình" (hoefische Epos). Một thí-dụ điển-hình của loại này là bài "Parzival" của Wolfram đất Eschenbach., một quí-tộc xứ Bayern (mất năm 1220). Parzival là một hiệp-sĩ, đã kinh qua lầm-lẫn và tội-lỗi để trở thành một gương sống lí-tưởng và cuối cùng thành vua một xứ thánh, biểu-tượng cho sự cứu-rỗi và cuộc sống đời-đời, mà không ai có thể đạt tới bằng tự sức mình.

 

Các dòng Hiệp-sĩ

Hình-thành trên Đất Thánh trong thời thánh chiến. Ngoài ba lời khấn thanh-bần, khiết-tịnh và vâng-lời như tu-sĩ của các dòng khác, tu-sĩ của dòng có thêm lời hứa thứ tư là bảo-vệ khách hành-hương. Dòng, như vậy, là nơi kết-hợp đời sống tu-trì và tinh-thần hiệp-sĩ. Dòng Hiệp-sĩ không chấp-nhận nguyên-tắc của thánh Biển-đức, rằng tu-sĩ chỉ có một thứ "quân dịch tinh-thần" duy nhất phải làm mà thôi, nhưng họ tâm-đắc với khẩu-hiệu mới của thánh Bernard: "Người chết cho Chúa có phúc hơn người chết trong Chúa."

Thành-phần trong một dòng Hiệp-sĩ gồm có hiệp-sĩ – những người võ-trang bảo-vệ khách hành-hương -, linh-mục để dâng lễ và tu-sĩ để chăm-sóc người bệnh và kẻ thương-tật.

 

Dòng Gio-an (Johaniter), cũng gọi là Malteser

Trước thời thánh chiến, người Ý (các thương-gia ở Amalfi) đã tổ-chức tiếp đón ở Giê-ru-sa-lem những khách hành-hương bị bỏ rơi, bệnh-tật hoặc đói-rét. Họ dựng gần bên Mộ thánh một tu-viện với một bệnh-xá. Vì họ chọn tên thánh bảo-hộ cho nhà nguyện tu-viện là Gio-an nên người ta gọi họ là dòng "Gio-an“. Họ cũng được gọi là "Các thầy y-tế“ vì sinh-hoạt bệnh-xá của họ.

Trong thời thánh chiến, dòng anh em giáo-dân này được giáo-triều chuẩn-nhận. Khi Đất Thánh mất, dòng chuyển về đảo Cyprus (1291), rồi Rhodos (1310) rồi về Malta vào năm 1530, do đó dòng mới mang thêm một tên mới "Malteser“. Lãnh-đạo dòng là một đại-sư (Großmeister) với tước hồng-y. Từ năm 1834 dòng có cơ-sở liên-lạc tại Rô-ma. Ngày nay dòng vẫn tiếp-tục công-tác bác-ái. Y-phục của dòng là áo choàng đen với thập-giá trắng tám mũi nhọn.

 

Dòng Hiệp-sĩ Đức (Deutschherren)

Trong thời-gian cuộc thánh chiến thứ ba, người Đức ở Luebeck và Bremen dựng lên trước thành Akkon một trạm-xá và kết với nhau thành một Hội anh em giúp việc bệnh-xá, về sau mang tên "Dòng Hiệp-sĩ Đức“, văn-phòng đặt tại thành Montfort gần Akkon. Y-phục dòng là áo choàng trắng với thập-giá đen.

Đất Thánh mất, dòng chuyển về Venezia và cuối cùng về Đức.

Khi Ba-lan bị dân ngoại Phổ (Pruzzi) đánh tan-tành vào năm 1161 thì đất này đã là một nước ki-tô giáo. Các tu-sĩ Xi-tô giờ bắt tay vào việc truyền đạo cho dân Phổ, nhưng không thành. Vì vậy quận-công Konrad đất Masowien chuyển giao sứ-mệnh truyền giáo sang tay dòng Hiệp-sĩ Đức với thượng-sư (Hochmeister) lúc đó là Hermann đất Salza. Quận-công kí thoả-ước Kruswica năm 1230 cho phép dòng lập điểm ở Ba-lan để đi tới với dân Phổ. Hoàng-đế đã công-nhận thoả-ước này và nâng vị thượng-sư lên hàng lãnh-chúa. Từ đó, công-việc rao-giảng tiến mạnh. 90 điểm với tu-viện hẳn hoi đã là những trung-tâm chắc-chắn đưa tu-sĩ dòng tỏa ra khắp nước. Cuối thế-kỉ 15, nước "Phổ" của dòng Hiệp-sĩ Đức đã có 60 thành-phố lớn và trên dưới 19.000 xã. Nhưng khi dòng tiến tới sông Riga và cắt Ba-lan khỏi biển thì dân này chống lại; chiến-tranh kéo dài nhiều năm. Năm 1457 quân Ba-lan chiếm Marienburg, thủ-phủ của dòng. Thượng-sư phải chạy sang Koenigsberg và lập dinh mới ở đó. Năm 1566 Đông-Phổ trở thành một lãnh-địa (Lehen) của Ba-lan. Thế-kỉ 16, vị thượng-sư cuối cùng là Albrecht đất Brandenburg-Ansbach biến phần đất thuộc dòng còn lại thành một quận-quốc (Herzogstum) cha truyền con nối và đặt dưới quyền bảo-hộ của Ba-lan. Và ông bỏ Công giáo theo Tin lành.

Năm 1809 Napoleon giải-tán dòng Hiệp-sĩ ở Đức. Chỉ ở Áo, vì công-lao to-lớn của dòng về phương-diện lịch-sử, hoàng-đế Franz Joseph I đã giữ lại và cho cải-tiến dòng. Đứng đầu mỗi nhánh là một quận-công với tước "Thượng-sư“ (Hoch- und Deutschmeister). Ngày nay, nhánh linh-mục của dòng Hiệp-sĩ Đức còn tồn-tại ở Áo.

 

Dòng Hiệp-sĩ Đền-thờ (Tempelritter)

Được các quí-tộc Pháp thành lập năm 1119. Sở dĩ mang tên này là vì dòng nằm gần vùng Đền Thánh cũ ở Giê-ru-sa-lem. Dấu-chỉ khó nghèo của dòng thuả ban đầu là hai hiệp-sĩ chia nhau một con ngựa. Y-phục dòng là áo choàng trắng với thập-giá đỏ.

Nhờ của thừa-kế và thành-viên giàu-có nên dòng đã trở thành một yếu-tố kinh-kế quan-trọng tại Pháp. Cũng vì vậy mà dòng ở đây đã gặp nạn và bị xoá tên.

 

Màn đầu cho những phiên-án phù-thủy sau này

Tài-sản đồ-sộ của dòng Đền-thờ đã làm vua Pháp Philippe IV để ý. Thời-cơ chiếm-đoạt đến với ông khi vị giám-mục giáo-phận Bordeaux dễ bảo được bầu làm giáo-chủ, Clê-men-tô V, vào năm 1305.

Cũng như những phiên-án phù-thủy sau này, người ta chỉ cần tố dòng tội rối đạo và sa-đoạ là đủ kết án họ. Ngày 13.10.1307 Philippe ngang nhiên cho tống ngục trên dưới 2000 tu-sĩ của dòng và tịch-thu tài-sản họ. Rồi áp-lực giáo-chủ ra lệnh giải-tán dòng. Dù có tới bốn phần năm nghị-phụ hiện-diện chống lại lệnh giải-tán, công-đồng chung (thứ 15) Vienne tại Pháp (1311/1312) đã không rút lại được quyết-định trên.

Các tu-sĩ đã bị tra-tấn để "thú nhận“ có thờ một loại phiếm-thần tên là Baphomet, có phạm tội đồng tính luyến-ái và là thành-viên của một âm-mưu sa-tăng quốc-tế.

Giáo-chủ hi-vọng các tu-sĩ chỉ phải án chung-thân mà thôi nên đã khuyên họ "nhận tội“. Đại-sư Jacob đất Molay nghe lời Giáo-chủ nhận tội để mong thoát chết, nhưng ông đã bị xử tử. 54 tu-sĩ bị đốt sống trong một ngày. Tài-sản dòng được Giáo-chủ giao cho dòng Gio-an, nhưng Philippe đã kịp thời đưa ra một bản chi-phí toà-án kếch-xù mà tổng-số ngang bằng tài-sản dòng. Philippe đã đạt mục-tiêu trọn-vẹn.

Năm sau, khi cả Giáo-chủ lẫn Vua đều chết, thì ở Paris người ta kể rằng Đại-sư lúc đang hấp-hối trên dàn-hoả đã mời cả hai ra trước toà phán-xét của Chúa…

 

 

TRÌNH THUẬT 36
THOMAS BECKET CHẾT CHO TỰ-DO CỦA GIÁO-HỘI TẠI ANH

Cũng như các vua Đức trong vụ "tranh-chấp năng-quyền", William (với biệt-danh "Kẻ chiếm đoạt“) ở Anh với tư-cách là vua đã thu-tóm các giáo-phận thành thuộc-địa của mình. Con ông, William II, còn bắt các giáo-phận nộp tiền mới được phong chức. Các chức vụ trong giáo-hội trở thành mua bán và nhiều chỗ không được bổ nhiệm. Thánh Anselm ở Canterbury cực lực chống lại, và cuối cùng vua Henri I đã phải chấp-nhận từ-bỏ quyền phong chức trong giáo-hội. Môn-đồ của thánh-nhân gọi Anselm là "người dễ thương nhất thời đó và trên khắp thế-giới“. Về chuyện thánh chiến, quan-điểm của Anselm là nên đối-thoại với người hồi và cố-gắng bằng mọi cách tránh đổ máu. Là nhà thần-học, ngài chủ-trương làm sao cho đức tin ki-tô giáo được thẩm-thấu một cách dễ hiểu, vì vậy được người đời coi như là kẻ mở đường cho kinh-viện. Nhưng lối "chứng-minh có Thiên-chúa" của ngài ngày nay xem ra quả có vấn-đề. Anselm mất năm 1109 khi đang làm tổng-giám-mục Canterbury.

Sau một thời-gian quan-hệ đạo đời tốt-đẹp, năm 1154 Henri II, cha của vua Richard Loewenherz, lên ngôi lúc 21 tuổi. Henri II chủ-trương kiểm-soát giáo-hội, và ông hi-vọng rằng Thomas Becket sẽ giúp ông trong việc đó. Với Henri II, nước Anh có một vị vua người Pháp, không nói được chút tiếng anh nào cả.

Bước đầu bạn thân

Cha mẹ Thomas Becket là thương-gia từ miền Normandie (Pháp) sang định-cư ở Luân-Đôn và sinh Becket ngày 21.12.1117 tại đó. Thiếu-thời, Becket được các tu-sĩ an-tịnh giáo-dục, sau sang du-học tại Paris. Khi về lại Anh, Becket gặp tổng-giám-mục Canterbery là Theobald và được vị này chú-ý. Năm 1154 Theobald đề-nghị vua Anh để Becket làm đổng-lí văn-phòng, người có quyền thứ hai sau vua. Trong vị-thế đó, Becket cho quyét sạch các băng trộm-cướp khắp nước và tấn công chiếm được ba thành địch, mà cho tới lúc đó vẫn được kể là an-toàn tuyệt-đối. Thomas thích những buổi ăn uống và vui chơi hoang-phí. Ông kết bạn chí-thân với Vua. Sách tiểu-sử của Thomas viết rằng: "Chưa bao giờ trong thời-đại ki-tô có được một đôi bạn đồng tâm đồng chí như thế“.
Tình bạn kéo dài, cho đến khi vị tổng-giám-mục mất và Thomas được Vua chỉ-định lên thay thế. Henri hi-vọng, Becket trong vai-trò tổng-giám-mục sẽ giúp ông thực-hiện ý-định của mình.

Thay-đổi một sớm một chiều

Sau khi nhận chức linh-mục và giám-mục, Thomas Becket bỗng dưng hoàn toàn thay-đổi. Ngay cả Vua cũng ngạc-nhiên. Thomas khoác vào người áo dòng với một nịt đền tội. Trong tư-cách tổng-giám-mục Canterbury, ông trở thành viện-phụ của dòng. Bốn giờ sáng dâng thánh-lễ, xong dành giờ tiếp đều-đặn 13 người nghèo và rửa chân cho họ. Sau đó ngồi xử các vụ tranh-chấp trong giáo-phận; thì-giờ còn lại dành cho người nghèo và bệnh. Thomas trở thành một nhà khổ-tu và đấu-tranh không nhân nhượng cho quyền-lợi giáo-hội.

Lúc đầu, Thomas không muốn chức tổng-giám-mục, vì ông thấy rõ hệ-quả của chỗ đứng mới này, nhất là nó sẽ gây khó-khăn cho tình bạn giữa ông và Vua. Thomas lúc đó thưa với Vua: "Tôi biết, ngài sẽ yêu-cầu tôi một số điều mà lương-tâm của một tổng-giám-mục sẽ không cho phép tôi thi-hành, đặc-biệt những điều liên-quan tới quyền-lợi giáo-hội“. Nhưng khi Thomas xin từ chức đổng-lí, Vua hiểu rằng Thomas sẽ rất quan-tâm tới nhiệm-vụ mới trong giáo-hội.

Mâu-thuẫn với Vua

Tình-hình trở nên căng-thẳng, khi Vua muốn văn-bản-hoá các tập-tục đang được áp-dụng trong nước và yêu-cầu các giám-mục kí vào văn-bản đó. Thoạt tiên là mấy điểm sau: đánh thuế giáo-sĩ, linh-mục phạm tội sẽ bị đưa ra xử trước toà-án đời, cũng như không có phép vua, giám-mục không được rời nước, như thế có nghĩa là không có phép vua, giám-mục không được đi viếng giáo-chủ hoặc đi hành-hương. Cuối cùng, không một tín hữu nào được phép kêu-cứu giáo-triều khi bị đối xử bất-công.

Năm 1164, trong đại-hội Vương-quốc ở Clarendon, vua Henri II đưa ra trước các ông hoàng đạo và đời bản văn 16 khoản và yêu-cầu chấp-nhận. Thời đó, giám-mục cũng là những ông hoàng phần đạo, nên Vua nghĩ mình có quyền đòi-hỏi họ chấp-thuận; lại nữa đây cũng chỉ là chuyện văn-bản-hoá các tập-tục đương hành mà thôi, chứ không có gì mới được thêm vào. Điều ngạc-nhiên là chỉ một giám-mục đã không kí: Thomas Becket, tổng-giám-mục Cante

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.