DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam
TRÌNH THUẬT 26
NHỮNG DẤU-HIỆU SUY-ĐỒI MỚI
Đấy là một thời-kì xuống cấp trầm-trọng. Không những giáo-chủ bất xứng, mà cả giám-mục, linh-mục, tu-sĩ cũng trong tình-trạng hư-đốn. Ám-sát, chém-giết không còn là chuyện lạ trong giới giáo-sĩ. Trong một lá thư giáo-chủ A-le-xan-drô II kể chuyện những linh-mục giết nhau và giết cả giám-mục, chuyện các viện-phụ tra-tấn hoặc giết tu-sĩ mình.
Vợ giáo-sĩ hoang-phí tài-sản Giáo-hội
Chuyện linh-mục lập gia-đình là cả một chương của lịch-sử Giáo-hội thời đó. Tục này quá phổ-biến đến trở thành đương-nhiên. Một hậu-quả của tục này là linh-mục cha thường tìm cách để con cũng làm linh-mục, hầu bảo-vệ bổng-lộc cho gia-đình mình. Chẳng cần biết ông con đó có xứng-đáng chịu chức hay không. Chẳng hạn như giám-mục Regimbald trao nhà thờ thánh Martin "của ông" cho cháu chắt mình "người này tiếp người kia giữ cho đến tận-thế, trừ trường-hợp vì tội-lỗi mà dòng-họ bị tuyệt-tự sớm." Bên cạnh đó, các bà vợ linh-mục sống rất hoang-phí. Trong một số thành-phố tại Ý vợ chồng các linh-mục chánh-sở nhà thờ chính-toà xài tan luôn cả tài-sản giáo-phận.
Hậu-quả thứ hai là tài-sản nhà thờ bị trưng dụng cho việc cưới-xin của con cháu. Vì "ngoài khoản đó ra họ chẳng có gì cả", như lời xác-nhận của giáo-chủ Biển-đức VIII tại công-đồng cải-cách Pavia năm 1022. Giám-mục Otto ở Vercelli, một người đồng thời, kể thêm: để có thể nuôi gia-đình, các linh-mục đâm ra "ham-hố, cướp-bóc, cho vay lãi cắt-cổ, tham-lam, nạnh-kẹ và lừa-lọc." Giáo-chủ A-le-xan-drô II viết về giáo-sĩ thời đó: "Ngay cả bàn thờ họ cũng không từ, như những tên trộm và bọn phá-hoại đền thờ họ chụp bàn tay tham-lam lên tất cả. Tiền-lễ và của-lễ quyên được để giúp người nghèo và để xây nhà thờ họ cuỗm sạch."
Mua bán chức tước (mại thánh)
Một lí-do làm băng-hoại phong-tục là nạn mua bán chức tước, từ-ngữ tây phương gọi là Simonie. Chữ này phát-xuất từ tên của một ông Simon nào đó. Tân-ước kể (Apg 8, 18-24) ông này đã đút-lót các Tông-đồ để được các vị đặt tay ban năng-quyền thánh-linh cho mình. Giám-mục Wido ở Ferrara (thế-kỉ 10) coi Simonie là cội-nguồn của mọi cái xấu và là "cái lạc đạo lớn của thời-đại", vì từ đó mà bất cứ ai có tiền đều có thể trở thành linh-mục, giám-mục và cả giáo-chủ. Tiền là trên hết, chẳng cần đòi-hỏi học-hành, tu luyện gì nữa cả.
Nạn mua bán nặng nhất ở Ý. Một giám-mục kể lại: "Tôi vừa được Tổng-giám-mục phong chức giám-mục, phải tốn mất 100 đồng (Soldi). Nếu tôi không có khoản đó thì giờ này đâu đã có mũ gậy. Nhưng tiền tôi sẽ không mất. Tôi sẽ lấy lại qua việc phong linh-mục. Phong phó-tế cũng có bạc. Các chức tước khác ở nhà thờ và tu-viện cũng moi ra tiền." Và khi giám-mục Mezzobarba mua được ghế giám-mục giáo-phận Firenze năm 1062, nghe đâu bố ông đã khoe: "Tôi nói có thánh Syrus làm chứng. Trong nhà chủ tôi vua cũng còn mua được rẻ như chơi, huống hồ là một giáo-phận ! Chỉ 3000 đồng đặt trên cái cơi này là xong!"
Các giáo-chủ cũng không thoát nạn đó. Người ta công-khai tố giáo-chủ Gio-an XII phong chức giám-mục để lấy tiền. Sử cho hay giáo-chủ Biển-đức IX bán ghế giáo-chủ cho Grê-gô-ri-ô VI với giá 1000 thẻ vàng. Chuyện này do chính Grê-gô-ri-ô thú-nhận công-khai. Bỏ tiền mua, theo ngài, là vì muốn giải-thoát Giáo-hội khỏi Biển-đức IX.
Chức nào có giá nấy rõ-ràng. Trợ-phó-tế giá 12, phó-tế 13 và linh-mục 24 thẻ vàng.
Nạn mua bán phổ-thông đến nỗi chẳng cần xưng tội nữa, vì chả tìm đâu ra linh-mục sạch! Ở Milano (Ý) có không đầy 5 trong tổng-số 1000 linh-mục là sạch, không mua chức. Linh-mục không còn là thiên-chức, mà là chuyện mua bán.
Mầm ung-thư thứ ba: thế-quyền bổ nhiệm giáo-sĩ
Bên cạnh nạn mua bán chức tước và giáo-sĩ có vợ, có đào, còn thêm vấn-đề giáo-dân – đặc-biệt là vua – có quyền bổ nhiệm giám-mục (Laieninvestitur). Nhiều giám-mục có nhiệm-sở nhưng đâu đã được chịu chức. Có vị bán giáo-phận để tiếp-tục sống đời lãnh-chúa. Lệ này bắt đầu có từ thời đại-đế Karl. Ông này bổ nhiệm và giao cho các giám-mục chức tước ngoài đời. Sang thời đại-đế Otto (936-973) lệ này trở thành một công-cụ của chính-sách nhà-nước. Otto sợ quyền-hành ngày càng lớn của các lãnh-chúa đời, nên đã nâng các giám-mục lên hàng quận-công, bá-tước và trao cho họ lãnh-địa riêng (Regalien), trao quyền phân-xử, thuế-má, tiền-bạc và họp chợ để giúp ông giữ nền thống-nhất quốc-gia. Giao quyền lãnh-đạo cho các giám-mục tin-tưởng hơn, bởi họ không có con cháu; vì thế sau khi họ chết, lãnh-địa lại trở về tay Đại-đế.
Trong thế-kỉ 13 có tất cả 93 lãnh-địa do giáo-sĩ nắm. Các lãnh-địa này tồn-tại tới năm 1803.
Hại lớn cho Giáo-hội
Chính-sách của Otto là một hại lớn cho Giáo-hội. Vì giám-mục trở thành lãnh-chúa quí-tộc, nên hệ-thống tổ-chức phong-kiến của xã-hội dân German (Đức) đã xâm-nhập vào cơ-chế Giáo-hội. Mẫu-mực của thánh Phao-lô về một Giáo-hội trong đó "không ai là thầy không ai là tớ" chẳng còn nữa.
Khi khoác vào người bộ áo lãnh-chúa, nhiều giám-mục bị uy-quyền đời làm tối mắt. Chỉ một số rất ít còn dung-hoà được hai vai-trò đạo đời của mình, chẳng hạn như các thánh Gebhard ở Bregenz (Áo), Wolfgang ở Regensburg (Đức), Adalbert ở Praha (Tiệp), Bruno (em của Otto) ở Koeln (Đức) và Ulrich ở Augsburg (Đức). Tổng-giám-mục Friedrich ở Mainz (Đức) vì thế đã than-thở với Otto: Hoàng-đế đã đặt lên vai tôi gánh quá nặng; tôi chỉ là giám-mục, ngoài ra chẳng là gì nữa cả.
Người ta nói, cá thối từ đầu. Điều đó đúng, khi những vị vua cuối cùng của nhà Merowing đã kéo tất cả dân chúng vào ngõ cụt của mình. Câu tục-ngữ kia cũng lại một lần nữa đúng, khi các vua chúa cuối cùng của dòng Karoling (hậu-duệ của đại-đế Karl) tỏ ra mất hết khả-năng lãnh-đạo. "Giờ tàn của phương Tây" vì thế đã đến, khi dòng họ Sachsen chiếm được quyền-hành ở nước Đức. Sachsen là một giống dân thiện-chiến, kỉ-luật mà đại-đế Karl đã tốn bao nhiêu sinh-mạng và thời-gian để thuần-hoá và đưa vào đạo.
Một người Sachsen làm vua Đức
Sau khi đại-đế Karl mất, Đại-Quốc Franken năm 843 bị chia thành ba nước: Pháp, Đức và Vương-quốc độc-lập Lothringen nằm giữa hai nước. Vua Đức gốc Sachsen đầu tiên là Heinrich I. Vợ ông, bà Mathilde – vẫn tự cho mình là hậu-duệ của Widukind – sinh hạ được ba con trai. Người con cả Otto nối nghiệp cha năm 936. "Sử Sachsen" của Widukind ở Corvey viết về lễ phong vua của Otto như sau:
"Bấy giờ, sau khi cha già dân-tộc Heinrich mất, vị vua lớn và tài-ba nhất trong các vua, toàn-dân Franken và Sachsen đưa con trai Otto lên làm vua. Và họ chỉ-định dinh Aachen làm nơi tổ-chức bầu-cử. Và khi mọi người đến đó, các quận-công và các bá-tước cấp cao nhất đưa vua mới lên ngai đã dựng sẵn ở đó, đưa tay ra cho vua nắm rồi cùng thề trung-thành và sẵn-sàng giúp-đỡ chống lại mọi kẻ thù. Otto được phong vua với tục-lệ truyền-thống đó của họ. Trong khi các quận-công và các công-chức cao-cấp hành lễ, thì linh-mục thượng-tế và giáo-đoàn cùng dân chúng chờ sẵn trong thánh đường.
Khi vua vào, tổng-giám-mục bước tới đón, tay trái ông chạm tay phải vua. Và ông bước tới giữa cung thánh, dừng lại rồi quay ra dân chúng đứng chung quanh và nói: Ta mang tới cho các ngươi tân-vương Otto, kẻ được Thiên-chúa chọn và đã được tiên-vương Heinrich chỉ-định và hôm nay được các lãnh-chúa phong vua. Nếu các ngươi bằng-lòng việc tuyển chọn này thì hãy nắm tay trái đưa lên và hô lớn chúc-tụng tân-vương.
Views: 0