DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam
TRÌNH THUẬT 20
"VINH-DANH LUẬT CHÚA“. KARL LẬP ĐẠI-QUỐC THỨ BA
Là một hoàng-đế được Giáo-chủ xức dầu và là "Người bảo-vệ Giáo-hội", đại-đế Karl có vị-trí quan-trọng trong lịch-sử Giáo-Hội. Ông đã giúp Giáo-Hội trải rộng ra gần khắp Âu châu. Uy-quyền và ảnh-hưởng ông vươn tới đâu thì uy-quyền và ảnh-hưởng giáo-chủ và Giáo-Hội ra tới đó. Cả hai quyện lẫn vào nhau. Đại-quốc của ông bao gồm toàn bộ đất Pháp và Đức cho đến gần hết Ý, chỉ trừ lại chút đất ở tận cùng phiá nam nước này. Có thể đọ sức ngang-ngửa với hai đế-quốc thời đó là Đại-quốc Byzantin và Đại-quốc Islam. Để bảo-vệ đất-đai, Karl lập ra những quận biên-giới, chẳng hạn như Quận-đông, sau này trở thành nước Áo và Quận Tây-Ban-Nha, sau khi đánh đuổi quân của Mô-ha-mét chạy sang bên kia dãy núi Pyrénee. Uy-quyền của Đại-đế bao trùm cả xứ Boehmen, Hung-gia-lợi cho tới bờ biển Dalmatin. Sẽ không có hoàng-đế trung-cổ nào thống-hợp được nhiều sắc dân và đất-đai như đại-đế Karl.
Mục-tiêu của ông là "Nước Chúa“
Đại-đế Karl hoàn-chỉnh việc thống-nhất phương Tây vào một văn-hoá Kitô giáo chung và đặt nền-móng cho một Âu châu tương-lai. Tiêu-đích của ông là thiết-lập một "Nước Chúa“ theo lý-tưởng của Thánh Augustinô, thực-hiện một "Nước Cha trị đến“ giữa trần-gian. Đối với ông, Giáo-Hội không phải chỉ lo chuyện "trên trời“, để nhường "dưới đất“ cho kẻ khác lo. Vì vậy "Nước Chúa“ của ông cần phải sát cánh làm việc với giáo-quyền Rô-ma. Nhưng việc sát cánh này sẽ đưa tới nhiều mâu-thuẫn quyền-hành, cụ thể khi khai-triển những chi-tiết công-việc hay khi thực-hiện một ý-tưởng, ngay cả một ý-tưởng tốt.
Ngày nay nhìn lại, ta thấy năng-quyền bị lẫn lộn khi Giáo-chủ xức dầu cho hoàng-đế và khi hoàng-đế lập giáo-phận, bổ nhiệm giám-mục, triệu-tập và chủ-toạ họp hội-đồng (Synode) hay khi ông này can-thiệp vào những cuộc tranh-cãi về đạo, dù mình chẳng hiểu chút gì về thần-học.
Tuy nhiên, những "can-thiệp“ của Karl đưa lại nhiều thuận-lợi cho Giáo-Hội. Chẳng hạn như khi ông buộc các giám-mục "của mình“ phải trông coi kỹ sinh-hoạt giáo-phận, phải giảng kinh-sách một cách có lương-tâm, không rời giáo-phận quá lâu, tránh xa những lôi-cuốn thế-gian và sống làm gương cho giáo-dân. Karl cho tập-hợp một số bài giảng mẫu để giúp các linh-mục có một huấn-luyện chung về đạo.
Giáo-dục cho mọi người
Công-lao lớn nhất của Đại-đế là ở lãnh-vực giáo-dục. Ông cho lệnh lập trường-học xuống tận làng xã dưới sự chỉ-đạo của linh-mục quản xứ và tất cả mỗi người dân thường ít nhất phải thuộc lòng được kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và các công-thức rửa tội. Luật hoàng-đế: "Ai không thuộc những kinh đó, bị phạt roi hoặc chỉ được uống nước lã, cấm uống mọi thứ nước giải-khát khác“.
Trường xã thời đó tương-đương với tiểu-học ngày nay, trường của các tu-viện tương-đương với trung-học. Một tu-sĩ ở St. Gallen ghi lại buổi thăm viếng trường của Karl: "Khi vua Karl chiến-thắng trở về sau thời-gian dài vắng mặt, ngài cho gọi các em bé trai tới để đọc văn thơ của các em làm cho ngài nghe. Văn thơ của các em con nhà tiện-dân hay không ngờ, của con nhà sang-trọng thì lại tầm-thường. Karl, vị hiền-vương hành-xử theo gương thầy Thẩm-phán muôn đời. Ngài để những em có bài hay đứng bên phải mình và nói: ‘Cám-ơn các con. Các con đã cố-gắng hết mình thi-hành lệnh Ta cho lợi-ích của các con. Giờ hãy cố-gắng để hoàn-thiện và Ta sẽ trao cho các con cả những giáo-phận và tu-viện tuyệt-vời nhất và các con luôn mãi cao-trọng trước mắt Ta. Rồi ngài cực chẳng đã quay về phiá các em bên trái, nhìn chòng-chọc mà nói: Này con-cái xinh đẹp của các nhà cao-sang, quyền-quí, hằng ỷ-lại vào gia-đình và tài-sản mình! Đã chẳng nghe lời Ta và không màng chi tới danh-vọng mình, đã bê-trễ việc đèn-sách cho vui chơi, chẳng làm gì cả và hoang-phí thì-giờ !… Nếu không thật nhanh bỏ lười-biếng mà cố-gắng học thì đừng hòng mong chờ gì tốt-đẹp nơi ông Karl này!“
Câu chuyện học hát dưới đây do Johanes Diaconus viết năm 873 cho thấy lòng ham học của người dân thường gốc Đức thời đó:
"Trong các nước Âu châu, dân Đức ham học hát không biết mệt. Nhưng họ đã rơi vào lầm-lỗi là làm biến-cải bài hát. Họ thêm bài của họ vào các bài nhạc đạo (gregorien). Lại còn pha giọng rừng-rú của họ vào nữa. Nhờ thân-thể to-lớn nên giọng họ sang-sảng. Họ không thể lặp lại câu hát được một cách nhẹ-nhàng. Họ hát như hét, nghe như tiếng xe ngựa đang đổ từ trên núi xuống, khiến người nghe điếc tai hơn là cảm được bài hát.“
Mọi văn-hoá xuất-phát từ giáo-sĩ
Một cách chung, có thể nói được rằng nếu không có tu-viện thì ngày nay đã không có văn-hoá âu châu. Các tu-viện không những là nôi huấn-luyện thần-học, nhưng đồng thời cũng là trung-tâm bảo-dưỡng mọi nghành khoa-học thời đó. Tu-sĩ gần như là những nhà thông-thái duy nhất và những nghệ-nhân giỏi nhất.
Bên cạnh "tiểu“ và "trung-học“, thời đại-đế Karl cũng đã có "đại-học“ (Pfalzschulen). Các đại-học này "do người Đức điều-khiển, được nuôi-dưỡng bằng văn-hoá la-tinh và sống-động với đức tin “ (K. Koch). Hai nhà thông-thái nổi tiếng nhất trong cung đại-đế Karl là Einhard và Alkuin. Einhard là người viết tiểu-sử của Hoàng-đế và là giáo-dân hoạ-hiếm giữa dàn giáo-sư giáo-sĩ. Nhưng sau này ông cũng làm linh-mục và trở thành viện-phụ. Alkuin là một tu-sĩ nguời Anh và là viện-trưởng "đại-học“ Aachen. Ông được coi là một thứ "Bộ-trưởng giáo-dục“ của Hoàng-đế.
Vì đại-đế Karl không có hoàng-cung nhất-định, phải rày đây mai đó khắp nước, nên ông đã cho xây nhiều "Dinh“ (Pfalz). Đó là những thành-phố nơi ông dừng chân, do một Dinh-bá-tước (Pfalzgraf) cai-quản (khác với Biên-bá-tước = Markgraf, cai-quản các quận biên-phòng). Aachen là dinh thích nhất của Đại-đế; đó cũng là nơi ông mất và mai-táng.
Con người đại-đế Karl
Ông sinh năm 742. Cha ông là Pippin mất lúc Karl 26 tuổi, để lại hai con trai. Mẹ Karl là bà "Bertha chân to“, con gái của Bá-tước đất Laon. Không rõ sinh-quán, chỉ biết ông sinh ra trên đất Đức. Vì bố-mẹ mãi tới năm 749 mới cưới nên ông được kể là con ngoại hôn. Pippin mất, trao chia nước lại cho hai con. Nhưng sau khi Karlmann, em ông, mất sớm lúc 20 tuổi, Karl nắm luôn phần đất của em.
Đại-đế Karl không phải là một ông khổng-lồ với bộ râu dài rậm, như trong bài hát Roland tả. Theo bức tượng nhỏ ở Louvres, Pháp, được khắc vào thế-kỉ thứ 9 và hình trên kính màu trong nguyện đường Lateran, Rô-ma, thì ông người tầm-thước với khuôn mặt tròn và bộ ria dài. Karl có lẽ rất khoẻ, vì ông có thể dang tay ôm nhiều người thẩy lên cao. Không chỉ cuộc đời chính-trị, mà cả cuộc sống tư cũng sống-động. Theo quan-niệm thời đó, Karl được kể là người ngoan đạo. Rất ham ăn nhưng cũng giữ chay và kinh-hạt đều-đặn. Đọc Thánh Kinh và hăng-hái hát lễ mỗi ngày.
Bên cạnh các tính tốt khác, Karl rất nhạy-bén sự công-bình. Ông thường ra lệnh cho quần-thần "phải xét thật kĩ và báo cho ông hay khi thấy có điểm nào trong luật trái với lẽ công-bình“. Và các sứ-thần cũng phải cho kiểm-tra cẩn-thận "khi bất cứ ai ở đâu phàn-nàn người khác gây bất công cho họ.“ Sự nhạy-bén này cũng được Alkuin đề-cập trong thư gởi tổng-giám-mục giáo-phận Salzburg: "Tôi biết lòng tốt của ngài Hoàng-đế. Ngài rõ-ràng muốn công-bình được thực-hiện trong Vương-quốc Chúa đã trao cho ngài, nhưng bên cạnh ngài có ít người giúp hơn là kẻ phá công-bình, có ít kẻ-giảng hơn người ăn-hại, có nhiều người tìm theo mục-tiêu họ hơn kẻ tìm theo ý Chúa.“
Chính đại-đế Karl coi bổn-phận hoàng-đế mình, theo lời ông, là "người thay Chúa để vinh-danh lề-luật của Ngài.“
Đại-đế mất
Einhard viết: "Gần cuối đời, khi gánh tuổi và bệnh đã nặng, ngài cho gọi con trai là Ludwig tới và, sau khi đã có sự đồng ý của các vương-công, long-trọng công-bố trước các nhân-vật quan-trọng trong khắp Vương-quốc Franken việc chuyển quyền lại cho con. Ông cầm vương-miện đội lên đầu con và xuống lệnh cho mọi người gọi Ludwig là hoàng-đế và Augustus. Sau khi hết lễ, ngài theo thói thường ra khu rừng gần Aachen săn-bắn, dù lúc đó tuổi đã cao. Ngài ở đó hết mùa thu và về lại Aachen vào đầu tháng mười một. Ngài muốn qua mùa đông tại đây. Nhưng vào tháng giêng ngài bị cảm nặng liệt gường. Ngài bỏ ăn vì vẫn thường nghĩ rằng nhịn ăn thì bệnh cảm sẽ chóng khỏi hoặc ít ra sẽ giảm. Nhưng vì bệnh cảm, thêm vào đó đau hông và nhịn đói, ngài uống rất ít, nên đã tắt thở sau bảy ngày đau, sau khi đã rước Thánh-thể, vào tuổi bảy mươi hai.“ Đó là ngày 28.01.814.
TRÌNH THUẬT 21
QUỐC-GIA GIÁO-HỘI,MỘT NHU-CẦU GIAI-ĐOẠN
Khi người Langobarden năm 753 kéo xuống vùng lãnh-thổ do giáo-chủ cai-quản qua sự ủy-quyền của hoàng-đế Đế-quốc Rô-ma Phía Đông và vây-hãm Rô-ma, giáo-chủ Stê-pha-nô II, cũng như vị tiền-nhiệm của ngài là đại giáo-chủ Grê-gô-ri-ô 160 năm về trước đã làm, kêu-gọi dân cầu-nguyện và chính ngài đi chân không dẫn đầu đoàn rước vòng quanh khắp thành. Đồng thời ngài kêu-gọi viện-binh của Pippin (cha của đại-đế Karl sau này). Pippin đã được giáo-chủ Xa-ca-ri-a, vị tiền-nhiệm của Stê-pha-nô II, giúp nắm quyền cả Đại-quốc Franken. Pippin sẽ có dịp trả ơn này.
"Quà-tặng Pippin“, nguồn-gốc của Quốc-Gia Giáo-Hội
Giáo-chủ Stê-pha-nô II thân chinh băng qua dãy Alpes đến Franken gặp vua Pippin ở Ponthion. Pippin ra đón Giáo-chủ, quỳ rạp xuống đất. Đoạn ông cầm cương ngựa của Giáo-chủ dắt đi một đoạn đường – một nghi-lễ của triều-đình phương đông nói lên sự qui-phục. Tài-liệu nước Franken không nói đến chuyện Pippin quỳ, mà viết rằng Giáo-chủ đã rạp mình xuống chân Pippin van-xin ông cứu-giúp.
Pippin hứa tiếp-cứu. Giáo-chủ liền xức dầu cho Vua một lần nữa ở St. Denis và tặng ông tước "Người bảo-vệ Giáo-Hội“. Sau khi trao-đổi với các đại-vương trong vương-quốc, Pippin trao cho Giáo-chủ một văn-bản tặng đất. Tiếc thay văn-bản này đã sớm bị thất-lạc.
Giữ lời, Pippin kéo quân tới Ý và đánh bại quân Langobarden. Ông tặng cho Giáo-chủ phần đất chiếm được, theo như nội-dung đã bàn ở Ponthion. Phần đất tặng được gọi là "Tài-sản (lãnh-thổ) thánh Phê-rô“. Cùng với phần đất vốn có của Giáo-Hội, Giáo-chủ lập ra Quốc-Gia Giáo-Hội.
Pippin đặt chìa-khoá sáu thành chiếm được (kể cả Ravenna) và bản văn tặng đất trên mộ thánh Phê-rô năm 756. hoàng-đế ở Kon-stan-ti-nôp phản-đối, vì đất tặng trên lí-thuyết vẫn thuộc lãnh-thổ của ông. Nhưng Pippin trả lời là "ông không vì một người nào, cũng không vì hoàng-đế (Kon-stan-ti-nôp) để tới đây chiến-đấu, mà chỉ là vì lòng sùng-kính thánh Phê-rô, tới để xin ngài tha-thứ tội đã phạm.“ Chuyện tới đó đối với Pippin kể như xong. Hơn nữa hoàng-đế Phía Đông cũng đã chẳng làm gì để bảo-vệ các thành mình chống lại quân Langobarden.
Việc kết-nghĩa giữa Giáo-chủ và vua Pippin xứ Franken, nghĩa là với một thế-lực ngoại-quốc, và việc tôn ông này lên làm "Người bảo-vệ Giáo-hội“, một tước mà lúc đó chỉ dành cho hoàng-đế Kon-stan-ti-nôp, nói lên cuộc chia-tay dứt-khoát từ nay giữa Rô-ma và Kon-stan-ti-nôp. Vì thế việc tặng phần đất vốn thuộc hoàng-đế Phía Đông cho Giáo-chủ cũng chẳng có gì là vô lí. Qua sự-kiện tặng đất này, các giáo-chủ về sau có lệ-thuộc vào vua chúa Franken và sau này là các hoàng-đế Đức, nhưng đối lại các ngài được độc-lập với Kon-stan-ti-nôp. Việc độc-lập với phương đông này quan-trọng hơn sự lệ-thuộc phương tây.
Kể từ năm 781 các chỉ-dụ của giáo-chủ không còn phải ghi ngày tháng theo năm trị-vì của hoàng-đế Đế-quốc Phương Đông nữa, nhưng là theo năm bắt đầu sứ-vụ của giáo-chủ.
"Quà-tặng Konstantin" là tài-liệu giả.
"Quà-tặng Pippin" bắt nguồn từ một tài-liệu giả vừa được mạo ra trước đó mang tên "Quà-tặng Konstantin". Theo tài-liệu này, đại-đế Konstantin khi chuyển-giao điện Lateran cũng đã trao cho giáo-chủ Sil-ve-stô I một văn-bản tặng một phần đất của Đế-quốc Rô-ma "thành Rô-ma và tất cả các tỉnh nước Ý cùng cả phần đất phương tây thuộc quyền giáo-chủ."
Năm 1150, Arnold ở Brescia lần đầu tiên đưa ra nghi-vấn về tài-liệu này. Nhưng phải đợi tới hồng-y người Đức Nikolaus ở Kues (1401-1464) mới chứng-minh được sự giả-mạo . Ai là tác-giả bản văn, không rõ. Thời-gian xuất-hiện có lẽ vào khoảng giữa năm 752 và 850 (Laepple). Mục-đích của nó có lẽ nhằm giúp giáo-chủ thoát khỏi sự lệ-thuộc các hoàng-đế nước Đức, cũng như "Quà-tặng Pippin" có lẽ cũng nhằm giúp các giáo-chủ thoát vòng lệ-thuộc hoàng-đế ở Kon-stan-ti-nôp.
Định-chế bảo-vệ độc-lập
Một quốc-gia riêng sẽ giúp các giáo-chủ độc-lập trong các chính-sách chính-trị và tài-chánh cần-thiết. Lợi-nhuận từ phần đất này dĩ nhiên không hẳn là sở-hữu riêng của giáo-chủ, mà còn phải nuôi giáo-triều, xây-dựng và bảo-trì nhà thờ, bệnh-viện, nhà tế-bần, viện mồ-côi… Khi cần, còn phải nuôi binh bảo-vệ Rô-ma, như dưới thời đại giáo-chủ Grê-gô-ri-ô. Hoàng-đế ở Kon-stan-ti-nôp vẫn lấy thuế các vùng đất này, nhưng chả làm gì cho dân chúng ở đây cả.
Quốc-Gia Giáo-hội kéo dài được 1200 năm, đáp-ứng một nhu-cầu giai-đoạn. Nó chấm dứt ngày 11.02.1929 dưới thời giáo-chủ Pi-ô XI, sau khi vị này ký với chính-quyền Ý các hiệp-ước Lateran qui-định quyền tự-chủ và độc-lập của Vatican.
Tư-tưởng về "Nước Chúa" (Quốc-Gia Thiên-chúa)
Khi giáo-chủ Xa-ca-ri-ô chuẩn-nhận tước vua của Pippin và giáo-chủ Stê-pha-nô II xức dầu đưa ông lên ngai vua ở St. Denis, thì đó là lần đầu tiên có chuyện thần-quyền chính-thống-hoá quyền-hành của thế-quyền. Việc giáo-chủ Lê-ô III đội mũ hoàng-đế cho Karl càng làm chặt thêm quan-hệ tròng-chéo giữa thần và thế-quyền. Dù quan-hệ này hình thành do những đưa-đẩy của hoàn-cảnh lịch-sử, nó chắc-chắn bắt nguồn từ một nền-tảng lí-thuyết, đó là hình-ảnh về một "Nước Chúa" của Thánh Augustinô. Đại-đế Karl không phải là người thích đọc sách, nhưng cuốn "Nước Chúa" của Thánh Augustinô được ông đọc đi đọc lại nhiều lần.
Tư-tưởng về "Nước Chúa" bắt nguồn từ quan-niệm Giáo-Hội và quốc-gia đều do Chúa lập, nên phải kết-hợp với nhau. Thế-quyền cũng do Chúa mà ra, như Phao-lô đã viết cho tín hữu Rô-ma: "Mọi người phải vâng-lời kẻ cầm quyền, vì không một quyền-năng quốc-gia nào mà không xuất-phát từ Chúa. Vì thế, ai chống lại chính-quyền, kẻ đó chống lại trật-tự Thiên-Chúa." Chính Đức Kitô cũng không đặt vấn-đề về quyền-hành của hoàng-đế Rô-ma ("Hãy trả cho hoàng-đế những gì thuộc hoàng-đế"), bởi vì một trật-tự chưa hoàn-chỉnh, dù sao, cũng còn hơn vô trật-tự.
Đại-đế Karl là người sùng đạo, nên ông thiết-tha chuyện "Nước Chúa". Lá thư Karl viết (trước khi lên ngai hoàng-đế) cho Lê-ô III nhân dịp vị này được bầu làm giáo-chủ nói lên quan-điểm của ông về vị-trí mình đối với Giáo-Hội: "Bổn-phận của tôi là, nhờ ơn Chúa, đối ngoại phải dùng vũ-khí bảo-vệ Giáo-hội thánh khỏi sự chen-chân của dân ngoại và sự phá-hoại của người vô đạo, đối nội phải làm vững (lãnh-thổ) bằng cách mở rộng đức tin ki-tô giáo. Nhiệm-vụ của Đức Thánh-Cha là đưa tay lên, như Mai-sen xưa, xin Chúa bảo-vệ chúng tôi; qua lời cầu của Cha và nhờ sự hướng-dẫn cùng ơn Chúa mà ki-tô hữu đã nhân danh Ngài để chiến-thắng kẻ thù…"
Quan-niệm nhà-nước thần-quyền, một cách nào đó, đã có nơi người Rô-ma, khi hoàng-đế của họ đồng thời cũng là người đứng đầu tôn-giáo và chủ-trì việc thờ-cúng. Các Vương-quốc Hồi giáo cũng thuộc loại nhà-nước thần-quyền. Nhà-nước thời Cựu-Ước lại càng không phân-biệt giữa thần và thế-quyền. Trong Sách Thánh, luật tôn-giáo cũng là luật nhà-nước. Ai chống lại luật nhà-nước cũng là chống lại Chúa và tôn-giáo.
Thời trung-cổ "Nước Chúa" đã có dịp thực-hiện. Quan-trọng ở đây là cả chính-quyền lẫn dân chúng đều cùng một niềm tin tôn-giáo và chính-quyền sẵn-sàng từ-chối làm những chuyện trái với tôn-giáo.
"Hoàng-đế và Đệ-nhất Giám-mục"
Trong "Nước Chúa" thời trung-cổ, giáo-chủ không những là một giáo-sĩ mà còn là vị nguyên-thủ quốc-gia: Quốc-Gia Giáo-hội. Còn đối với vua, qua việc xức dầu, ông được nâng lên khỏi hàng giáo-dân. Việc xức dầu này cũng tương-tự như xức dầu phong chức giám-mục. Một giám-mục viết vào khoảng năm 900 rằng không có sự khác biệt giữa việc xức dầu cho vua và cho giám-mục, bởi "cả hai đều được xức cùng một thứ dầu". Do đó, hoàng-đế Heinrich III đã có lý khi nói với giám-mục giáo-phận Luettich: "Tôi cũng giống như anh, cũng được xức dầu thánh và nhờ vậy trở thành kẻ lãnh-đạo người khác kể cả các giám-mục". Qua việc xức dầu, vua và hoàng-đế trở thành "kẻ được Chúa xức dầu". Càng ngày các vua Đức càng nhúng tay vào nội-bộ Giáo-hội (vì họ cho rằng họ cũng đã được xức dầu!) cho nên người ta mới nghĩ đến việc sửa đổi nghi-thức xức dầu, bằng cách không xức trên đầu vua nữa, mà xức ở tay và vai; cũng không dùng dầu xức phong linh-mục và giám-mục, mà chỉ dùng dầu rửa tội để xức vua. Điều đó có nghĩa là vua từ nay không phải là đầu Giáo-hội, mà chỉ là cánh tay bảo-vệ Giáo-hội, trách-nhiệm này ông vác trên vai.
Công-thức đọc khi xức dầu thì vẫn giữ nguyên, vua vẫn có quyền "cai-quản" Giáo-Hội. Các hoàng-đế nhà Salier (Franken) còn được gia-nhập hàng giáo-sĩ. Chỉ sau cải-tổ của các giáo-chủ chịu ảnh-hưởng tu-viện Cluny thì phẩm-chức linh-mục nơi vua mới mất. Hoàng-đế từ đây chỉ còn là một giáo-dân, không có quyền cai-quản Giáo-hội nữa. Theo thoả-ước Wormser, hoàng-đế không còn được nhận gậy và nhẫn nữa, là hai biểu-tượng quyền cai-quản Giáo-hội.
Tuy nhiên những cải-tổ đó đã không ngăn được tranh-chấp quyền-lực giữa hoàng-đế và giáo-chủ. Những tranh-chấp này bắt nguồn từ quan-niệm về "Nước Chúa".
(Còn tiếp nhiều kỳ)
Views: 0