Uncategorized

Lễ Phục Sinh Ở Quê Tôi

Phục Sinh với những nghi thức kỉ niệm cuộc khổ nạn của Chúa, thứ sáu ăn chay kiêng thịt, ngày thứ bảy đi các nhà thờ trong vùng viếng xác Chúa, mầu tím nhạt và hương soan dìu dịu, nhất là những nắm nổ thơm, ngọt từ lúa mới đã làm tôi không bao giờ quên được!

 

 

Phục Sinh với những nghi thức kỉ niệm cuộc khổ nạn của Chúa, thứ sáu ăn chay kiêng thịt, ngày thứ bảy đi các nhà thờ trong vùng viếng xác Chúa, mầu tím nhạt và hương soan dìu dịu, nhất là những nắm nổ thơm, ngọt từ lúa mới đã làm tôi không bao giờ quên được!

 

 

Lễ Phục Sinh ở quê tôi khi xưa là những gì thật đáng nhớ. Cách nay khoảng hai phần ba thế kỉ, nghĩa là trước vụ đói tháng Ba năm Ất Dậu (1945), khi ấy còn thời Pháp thuộc, tôi đang cắp sách đi học trường làng ngày hai buổi, ngây thơ và hồn nhiên với lũy tre xanh, với những sinh hoạt bình thường trong xứ đạo, với những phiên chợ thật đông người, súc vật và hàng hóa và với những ngày hội của làng, của tổng, của ngôi chùa làng cổ kính thỉnh thoảng có một cuộc rước linh đình.

Bọn trẻ chúng tôi không biết mùa chay bắt đầu từ ngày nào, khi cha mẹ, ông bà bữa đó bảo, thứ tư này lễ Gio (Tro), thứ sáu này chúng mày phải ăn chay, kiêng thịt đấy nhé thì cứ thế mà làm.

Cả gia đình ăn chay, từ ông cụ bà cụ 70, 80 cho đến đứa cháu 7, 8 tuổi. Chỉ những đứa bé ba, bốn, năm tuổi hoặc ốm yếu, đang bị bệnh hay người đàn bà đang phải dùng sữa mẹ nuôi con thì mới được nhưng trừ mà thôi.

Ăn chay dạo đó thế này.

Thay vì sáng ra ăn cơm thì phải nhịn, nhịn mà làm việc thì cũng hơi khó nên phải cố gắng.
Những việc nặng nề như cày, bừa, cuốc đất, gánh đội v.v…không làm vào những ngày thứ sáu đó mà lựa những việc nhẹ nhàng hơn như cào cỏ, săn sóc vườn tược, phát bụi tre, sửa chuồng gà, chuồng lợn… để có thể làm được với cái bụng trống không từ buổi sáng đã quen ăn trước khi ra đồng.

Mười hai giờ trưa, khi chuông nhà thờ đổ một hồi dài, cả nhà quây quần ăn bữa cơm chính trong ngày, được ăn no.

Vùng quê tôi, bữa trưa này người ta thường nấu canh khoai, một loại môn, có loại hơi ngứa nên cũng gọi là khoai ngứa, nhưng cũng có loại không ngứa. Khoai nấu với cá hoặc tôm, tép và mắm tôm, mắm tép. Củ khoai đã đành mà nấu cả lá non, nõn khoai.

Mấy chị tôi thường phải ra bờ sông, nơi có những mảnh đất bề ngang khoảng 1 mét rưỡi, bề dọc là suốt thổ đất của nhà, dọc theo sông, để cắt, đào những cây khoai. Xong mấy chị đưa lại bến đá dùng dao cắt củ ra củ, cây ra cây. Củ thì gọt vỏ xong bổ đôi, bổ bốn; rọc tức cây thì bỏ những chỗ hư, hay lá vàng, cắt khúc xong rửa sạch sẽ đem về, nấu.

Có bữa mấy chị không kêu nhưng có bữa kêu ngứa tay quá vì nhựa khoai ăn vào tay. Khi nổi lửa lên để đun nấu, các chị hơ tay vào lửa cho bớt ngứa chứ càng rửa nước lạnh càng ngứa, gãi không chịu nổi. Nồi cơm và nồi canh khoai ngứa đều to để cả nhà, thường cả chục người, ăn cho đủ no. Thức ăn mặn thì tùy theo cái gì có hoặc đi mua: cá rô, cá diếc kho, tôm tép kho…miễn không phải là thịt và một đĩa giưa cải bẹ nén chua hoặc cà nén…Thỉnh thoảng bị một nồi canh khoai, ăn xong ngứa “rách cả mép” tức cái giống khoai ngứa dữ dằn.

Nếu không nấu canh khoai, mẹ tôi nấu một nồi canh chua, có cá lác, bắp cải, cà chua, lá me đất cho vị chua cộng thêm ngò gai, rau ngổ khi canh đã chín. Cá lác nhỏ bằng ngón tay trỏ, chỉ có một cái xương sống, thịt nhiều và thơm. Thứ canh này nấu với cá lác rất hợp. Mùa này đã có nhiều nhót, mẹ tôi còn cho thêm vào nồi canh dăm quả nhót, cho chất chua rất ngon. Có khi canh chua lại ăn chung với rau diếp. Ba, bốn luống rau diếp mẹ và các chị tôi trồng, gọi là rau diếp mỡ, được tưới nước đều đặn, lá xanh non trông rất mỡ màng mềm mại chứ không khô cứng, lá giải ra che kín cả luống đất, hái những lá to ở bên dưới nhưng cây vẫn còn lại để lớn thêm cho thêm lá, rau diếp mỡ ăn với canh chua cùng với ngò, húng quế, ngon tuyệt vời mà lại thanh.

Ở Sàigòn 21 năm kể từ 1954 nhưng tôi không nhìn thấy một quả nhót.

Nhót khi chín mầu đỏ như cà chua, hình bầu dục, nhỏ như trái trứng gà con so; khi ăn phải cà nó vào tay áo hay khăn mặt khô cho những cái lấm tấm trên vỏ bung ra, bóp quả nhót cho mềm đều, xong mới ăn. Mấy người đàn bà có thai thích ăn trái nhót vì nó chua chua giốt giốt rất ngon. Cây nhót lớn hơn cây hoa nhài, cành mềm la đà trên mặt đất, rất sai trái. Vùng Ninh Cường (nơi có trường La-tinh) có nhiều vườn nhót. Mùa chay là mùa nhót chín, đứng ngoài nhìn vào các khu vườn, lúc trời nắng lại đang khát nước, thèm được ăn một quả nhót chín làm sao!

Nông dân ăn xong bữa cơm trưa, nghỉ ngơi vài chục phút rồi lại bắt tay vào làm cho đến chiều khoảng 5 giờ thì có một bữa nhỏ nữa. Bữa này người lớn được ăn một bát (chén ăn cơm), trẻ con non một bát với chút rau luộc, giưa nén, tép kho … Ăn xong là đứng lên mặc dù cái bụng còn đói nguyên. Nước chè tươi, chè khô được uống thả dàn. Sau đó mặc quần áo đến nhà thờ đọc kinh tối.

Đám con gái, nhỏ lớn gì đi nhà thờ cũng áo dài, quần dài. Còn bọn trẻ con trai chúng tôi, dù còn nhỏ tí nhưng cũng phải mặc cái áo chùng (dài) thâm bằng vải phin đen, cái quần dài nâu đã nhuộm kĩ cho bền, cho chắc. Ấy vậy mà quần nhiều thằng bạn tôi lúc đó, do chúng lê la lắm, cái đũng quần cũng mòn đi nên người ta thường bảo mài đũng quần trên ghế trường tiểu học. Bên trong cái áo chùng tất nhiên có cái áo cộc (cánh) cũng nhuộm nâu. Vải đã dầy lại nhuộm nâu nhiều nước, nó càng dầy mo lên, khi mặc, những chỗ da non bị sướt ra vì vải thô, nhám quá mà người ta thường ví “chó cắn gẫy răng”. Nếu là lễ hội hoặc tết nhất, vải áo quần sang hơn, đắt tiền hơn. Đó là cái áo chùng đen bằng the, cái quần trắng bằng vải phin hay vải trúc bâu, hàng nhập cảng từ Pháp, vải đẹp, mềm, sờ cứ mát lạnh cả tay. Áo phụ nữ bằng phin nõn thì quá đẹp và mềm rồi. Lụa và sồi bằng tơ tằm thì chỉ nhà khá giả mới dám sắm để mặc khi đi đình đám lễ hội xong về nhà cởi ra liền, treo lên mắc. Chẳng vậy ông bác họ tôi mặc cái áo the dài cả ba mươi năm, vải chỉ sờn các đường chỉ chứ không rách và đến một lúc, tự nó mủn ra như bánh đa gặp mưa.

Các thứ sáu trong mùa chay đều như thế, thứ tư Lễ Tro là bắt đầu ăn chay, kiêng thịt. Có nhiều người ở Hoa Kỳ hiện nay, ăn chay sướng hơn ăn mặn. Ăn mặn thì thịt gà khoảng một đô-la một pound, có khi chỉ 50-60 cents. Kiêng thịt, quay ra ăn cua “king crab” hoặc tôm hùm, khoảng 10 đô/pound, hay cá salmon cũng phải 5-7 đô/pound. Ăn như thế, theo tôi, có lẽ không nên gọi là ăn chay. Ăn chay bên Phật giáo, người ta chỉ đậu hũ, tương chao, rau muống luộc. Thời Chúa khi xưa, kiếm mấy con cá thì dễ mà kiếm miếng thịt bò, thịt gà thì khó nên mới buộc không được ăn thịt vì thịt cao cấp hơn. Chứ nếu kiêng thịt để ăn tôm hùm, “Alaska king crab”, cua Canada và cá thu sốt chua ngọt thì ăn thịt gà 7-8 chục cents/pound mà lại đánh xác hơn! Chúng ta nên để ý điều đó!

Riêng tuần Thánh, mọi sinh hoạt phụng vụ đều khởi sắc rõ rệt.

Chiều thứ năm, chúng tôi đi dự lễ Rửa chân, thường cha xứ chủ sự lễ này với tông đồ là mười hai vị trùm trưởng cao niên, vị vọng trong giáo xứ. Khi nào thầy tôi về thăm quê vào dịp Phục sinh, thầy tôi cũng được mời mặc áo tấc tím, đội khăn xếp chữ nhân, quần trúc bâu trắng, đi giầy Gia định để làm một ông thánh tông đồ của Chúa khi xưa.

Dạo ấy, nhìn nghi lễ này, bọn trẻ chúng tôi chỉ có ý nghĩ là Giáo hội muốn nhắc lại những gì xưa Chúa Jesus Christ đã làm cho các tông đồ và cộng đoàn của Ngài. Nhưng sau này, khi lớn lên, đầu óc đã trưởng thành, tôi mới thấy ý nghĩa đích thực của Lễ Rửa chân.

Cái ý nghĩa sâu xa, theo tôi nghĩ, là Chúa muốn cho ta tập đức khiêm nhường. Một người cao trọng, quyền năng, thông thái xa vời như Ngài, ngay với Cộng đoàn và các tông đồ của Ngài, lại quì xuống rửa từng bàn chân lấm láp của môn đệ mình. Phải có một tấm lòng khiêm nhường thế nào mới làm được điều đó!

Ngài cũng cho mọi người biết rằng, nếu Ngài có thể rửa chân cho mọi người thì mọi người cũng nên rửa chân cho nhau, hay là phục vụ nhau như Ngài đã phục vụ mọi ngưòi. Khi đã rửa chân cho nhau thì “cái ta” kênh kiệu, kiêu căng, phách lối, làm tàng, kể công, ỷ thế không còn nữa hoặc sẽ về cực tiểu mà tất cả chỉ còn là thương yêu và bình đẳng bởi mọi hố ngăn cách, chia rẽ, đố kị, ngay cả hận thù đã được san bằng.

Chính khi con người làm việc rửa chân cho bạn hữu, nhất là cho những người xa lạ chưa hề quen biết mà con người thấy một niềm vui vô tả trong lòng là đã ăn ở khiêm nhu, trọng người khác và yêu thương người khác như người thân của mình (tôi không dám nói như chính bản thân mình, như Chúa dạy, vì nó cao quá, khó khăn quá.)

Ngày nay con người thiên về vị kỉ, thần thánh hóa chính mình, quá yêu chiều mình và bắt những người thuộc quyền phải tôn thờ mình, tôn thờ cả những cái ngu dốt, độc ác và độc đoán của mình, cả những cái kiêu căng phách lối hợm hĩnh của mình. Mọi người, kể cả vua chúa, chức quyền đời, đạo, tôi nghĩ, nên học thuộc câu phương ngôn Pháp:

Cái tôi là cái đáng ghét. (Le moi est haissable – The self is hateful)

Lễ Rửa chân của Chúa chính là một bài học cho chúng ta và cho những người đó bởi khiêm nhu là nhân đức rất khó tập thành nhưng kiêu ngạo thì lại rất dễ. Có những người, từ trong máu đã có bệnh kiêu ngạo, coi người khác như rơm như rác, còn cái gì của mình đều là ngọc là vàng. Từ đó, chúng ta cũng có thể nói:

Kiêu căng là cái đáng ghét – The arrogance is hateful.

Nhất là những kẻ kiêu căng tầm ruồng không có đức tính gì quí đáng để cho người ta học hỏi mà chỉ may mắn được ở ngôi vị cao.

Tôi cũng nghe một vài tín hữu nói:

“Chúa bảo phải tha thứ cho mọi người. Tôi sẵn lòng tha hết nhưng cái tên đó……thi không bao giờ tha được!” Cái tên đó, khi tôi tìm hiểu thì chỉ vì đã phê bình ông này một vài lần vì tiền bạc không sòng phẳng của giáo xứ!

Trở lại với tuần thánh ở quê tôi, thỉnh thoảng chúng tôi cũng sang tận tòa Giám mục Bùi Chu dự lễ Rửa chân do chính vị Giám Mục địa phận chủ sự. Từ nhà tôi đi Bùi cũng khoảng 6-7 km nhưng lúc đó, ở thôn quê đi đâu cũng cuốc bộ, giầu cũng như nghèo, nên coi là xa.

Ngày thứ sáu, buổi tối, ở mỗi nhà thờ có ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu. Người ta thiết lập một cái bàn cao phủ vải tím, đồng mầu với màn treo trong nhà thờ. Một bục cao hai, ba bậc khoảng 1m để người lên ngắm trèo lên đứng trên đó, cuốn sách ngắm đã mở sẵn, nhìn vào sách mà đọc, mà ngân nga theo đúng âm điệu của “ngắm đứng” (cũng gọi là ngắm nhân tài) cho đến hết bài ngắm.

Phía sau cái bàn này là một cụ già hoặc trùm trưởng trong xứ thạo về ngắm đứng, hễ nghe một âm điệu hay thì điểm một tiếng trống con thưởng cho người đang ngắm như kiểu trống chầu trong các nhà cô đầu. Người nào có nhiều tiếng trống thưởng có nghĩa ngắm hay. Khi nghe người ngắm đọc tiếng Amen nghĩa là bài ngắm đã dứt thì cả trống con, trống cái nổi lên một hồi râm ran nghe rất vui, bọn trẻ chúng tôi rất phấn khởi. Và phía phụ nữ trong nhà thờ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng (không có Sáng danh) để nhân tài chuẩn bị bài ngắm kế tiếp.

Bên ngoài nhà thờ không thiếu gì người ngồi, đứng, trò chuyện từng nhóm. Họ cầm trí ở trong nhà thờ cả tiếng nay phải ra ngoài xả hơi một chút, nói chuyện nhỏ nhỏ, kiếm nước uống rồi lại vào nghe ngắm tiếp. Đám thanh nam khá đông, còn đàn bà chỉ những người có con nhỏ, chúng khóc đòi ra chứ không có bóng dáng các cô gái. Phụ nữ Việt khi xưa vẫn được tiếng là hiền thục, ngoan ngoãn hầu hết. Không hiểu ngày nay ra sao với trào lưu mới, có còn giữ được nếp cũ của truyền thống tốt đẹp khi xưa?

Người lớn ăn chay nhưng trẻ con nhỏ nhỏ chúng đâu có chịu ăn chay ăn vỏ gì. Xung quanh nhà thờ vẫn có những hàng bánh kẹo, như bánh chưng, bánh dầy giò, xôi, bánh dầy đỗ, bánh rán, kẹo bột, kẹo gừng, kẹo vừng, sâu dâu v.v…có khi cả phở, mấy bà mẹ muốn con không quấy để suy ngắm bắt buộc phải mua vài hào cho chúng ăn mới yên.

Đêm thứ sáu, khoảng 10 giờ hay 11 giờ, nghi thức đóng đinh Chúa sau khi 15 ngắm đã xong. Giáo dân tập họp cả trong nhà thờ, đông kín không còn một chỗ trống. Vị Linh Mục đọc hoặc nói lại sự tích Chúa bị đóng đinh. Rồi ở đàng sau bức màn nơi cung thánh, người ta nghe những tiếng búa nện trên đinh như thiệt. Sau đó sáu, bảy người ăn mặc theo lối La Mã khi xưa, dựng cây thập tự lên, trên đó Chúa, máu me đầy mình và mạo gai trên đầu, đã bị đóng đinh. Vì xứ tôi có nhiều nhà gọt tượng gỗ và đúc tượng thạch cao, người ta làm tượng chịu nạn này to gần như người thật.

Có những tiếng khóc nhỏ nhỏ ở bên dưới vì thương Chúa chịu khổ hình vì tội loài người.
Các khu trong giáo xứ phân chia giờ giấc để luôn luôn trong nhà thờ lúc nào cũng có một nhóm đọc kinh hoặc suy ngắm những sự thương khó Chúa cho đến sáng mai.

Ngày thứ bảy là ngày đi hôn chân Chúa. Người lớn, trẻ con rủ nhau đi từng nhóm đến nhà thờ giáo xứ và các nhà thờ trong vùng đọc kinh và lên hôn chân Chúa, thường đặt nằm trong cỗ quan tài, để hai chân với tư thế bị đóng đinh ra cho giáo dân hôn vào ngay chỗ vết đinh, trên đó đã có xức dầu thơm và nhất là xung quanh Chúa, người ta lấy hoa soan và nả bỏ đầy.

Hoa soan mầu tím nhạt, cùng họ với hoa dạ hương, mùi thơm tuyệt vời, nhẹ hơn mùi dạ hương, dùng ướp xác Chúa thì không còn thứ hoa nào hợp hơn. Ngoài hoa soan, người ta cũng còn rang thóc, gọi là nổ (nả), hay bắp rang, bỏ vào xung quanh Chúa cùng với hoa soan. Trẻ con lên hôn chân Chúa, sau khi hôn xong, thế nào cũng phải bốc một bốc nổ thật to, xong bái quì rồi mới quay ngang ra rút lui, nhường chỗ cho người khác đang quì và lâm râm đọc kinh ở đàng sau. Nhiều lần lên hôn chân như vậy, không biết vì trẻ thuơng Chúa thực hay vì những hạt nổ, hạt bắp rang rất hấp dẫn? Dù sao, phải có trẻ con lễ Phục Sinh mới vui và trẻ con đã thật vui với những kỉ niệm dễ thương và khó quên đó.

Chiếu thứ bảy, giáo xứ nào cũng rước Thánh giá đi đường kiệu xung quanh. Một giải khăn trắng quấn vài vòng vào thanh ngang cây Thánh giá tượng trưng cho sự tang chế, chết chóc, cây Thánh giá cô đơn cho biết Chúa đã được môn đệ táng trong động đá, cửa động một hòn đá khổng lồ đã lấp kín. Vừa đi cung nghinh Thánh Giá, giáo dân vừa ngắm bảy sự đau đớn của Đức Mẹ.

Tùy nơi, khoảng 8 hoặc 9 giờ tối thứ bảy, giáo dân tụ họp tại nhà thờ và nghi thức Phục Sinh bắt đầu. Ở Bùi Chu, nhà thờ chính tòa, Giám Mục làm phép nước, lửa, dầu thánh, cây nến Phục Sinh, nghi thức thật dài. Sau đó là Chúa sống lại, giáo dân hân hoan kiệu Chúa Phục Sinh xung quanh nhà thờ. Ngày Chủ nhật Phục Sinh, màn tím đã được tháo hết, nhà thờ được trang hoàng bằng cờ hội thánh, hoa tươi thật đẹp và đèn nến sáng choang.

Người giáo dân vùng quê tôi, địa phận Bùi Chu và cả giáo dân ở địa phận Phát Diệm có thói quen ăn mừng lễ Chúa Sống lại lớn lao nhất trong năm phụng vụ, lớn hơn lể Giáng sinh.
Người ta đánh cá dưới ao lên hay đánh đụng một con lợn, giết vài con gà hay có thể là một con cầy tơ. Bến sông toàn những người mổ cá, mổ chó, mổ gà, mổ ngan ngỗng. Có thể nhiều ngày tháng đã phải ăn uống đạm bạc nhưng đến lễ Phục Sinh, năm một lần, sau những ngày chay ép xác, người chủ gia đình muốn cho vợ con hưởng một chút thịt thà, cá mú, hoa quả ngon lành để cho lên tinh thần và lấy sức mà làm việc, những công việc đồng áng, nuôi tằm hái dâu nặng nề, thức khuya dậy sớm hoặc tất tưởi buôn chợ Đông bán chợ Tây, làm hàng xưng hàng xáo quanh năm.

Thầy tôi chỉ ở nhà được một tuần, tuần Phục Sinh. Trong tuần đó, ngoài những việc lễ lạy phụng vụ, thầy tôi đi kiếm những người chuyên lo về lấy và sao chế các vị thuốc Nam như trần bì, sài hồ, hoàng bá…rất nhiều vị khác tôi chỉ biết mặt nhưng không nhớ tên. Thày tôi mua lại họ để đem ra Hải Phòng hoặc Hà Nội, gia giảm với các vị thuốc Bắc (của Tàu) khi “cắt” thuốc cho bệnh nhân. Thầy tôi nói, nhiều vị thuốc Nam hay lắm nhưng người Việt mình không biết công dụng của nó nên coi thường. Người Tàu bảo: “Người Việt sống trên đống thuốc mà chết”. Thầy tôi biết cách dùng chúng nên nhiều khi thang thuốc không tốn tiền nhiều như toàn vị Bắc nhưng lại công hiệu hơn, bệnh nhân mau khỏi hơn.

Thầy tôi đi Hà Nội hôm trước thì hôm sau tôi xách cặp và lọ mực đi học với nắm cơm mẹ nắm bằng mo cau còn nóng hổi ở trong cặp với vài mảnh cá khô. Đó là tất cả bữa trưa của tôi trong suốt thời gian học tiểu học. Khi nào đổi bữa thì có mấy con tôm, con tép kho, lâu lâu mới có nhát giò ăn với xôi và quả cam sành hay quả na (mãng cầu dai) hái từ vườn nhà.
Sau buổi học chiều, khoảng 5 giờ, tôi lại cuốc bộ về. Khi nào trời nắng ráo còn khá, nếu mưa gió thì đường lầy lội, có chỗ lỗ lội sâu trên đầu gối, lọng ngọng té nằm xoài là bùn trát từ đầu đến chân, mất cả sách vở.

Ngày nay ở Hoa Kỳ, nhìn những bữa ăn điểm tâm và những bữa ăn trưa của học sinh tiểu học và trung học, tôi cảm thấy một nỗi buồn cho người Việt mình: nghèo quá! Cái khó nó bó cái khôn. Qua bao nhiêu thứ bệnh tật từ thủy đậu, lên sởi đến kiết lị do truyền nhiễm và ba, bốn cuộc chiến tranh khốc liệt, cá nhân tôi, chưa nói đến chuyện học hành, bằng cấp này kia, sống được đến ngày nay, lành lặn thế này là có diễm phúc lắm rồi!

Những bữa tối ăn chung với gia đình thật vui, canh, rau đầy đủ; trái cây chín như na, đu đủ, ổi, hồng, bưởi, cam, quýt, chuối, dứa, mít, mía… hái, chặt từ vườn nhà vào để bù lại những bữa trưa của tôi chỉ cốt ăn cho no, cho xong rồi học lớp buổi chiều. Thời đó, học trò được nghỉ ngày thứ năm mà chỉ học 4 ngày/tuần.

Lễ Giáng Sinh ở thôn quê không làm tôi nhớ lắm nhưng chính lễ Phục Sinh với những nghi thức kỉ niệm cuộc khổ nạn của Chúa, những thứ sáu ăn chay kiêng thịt, ngày thứ bảy đi các nhà thờ trong vùng viếng xác Chúa, mầu tím nhạt và hương soan dìu dịu, nhất là những nắm nổ thơm, ngọt từ lúa mới đã làm tôi không bao giờ quên được!

 

Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC
 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.