Khi chiêm ngắm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, bản thân tôi đang gặp nhiều đau thương trong cuộc sống hiện tại.
Thân xác tôi bị bầm dập với những thương tích rất cụ thể.
Hai chân vẫn còn sưng lên, nhức về chiều rồi kéo dài mãi đến tận đêm sâu. Sự bài tiết đã không còn tự kềm chế mỗi khi đêm về như một trẻ nhỏ còn măng sữa. Chưa hết, tôi còn bị dồn dập thêm những thứ đau đớn về tâm linh. Đứa con trai duy nhất lười biếng học hành, lao vào trò chơi điện tử trên mạng gây ra tiếng to, tiếng nặng, chửi bới từ người mẹ. Rồi trong công việc xã hội của vợ, những ghen tương đố kỵ, hất cẳng nhau đã xào xáo gia đình tôi như mớ bòng bong khó vượt thoát nổi. Những khi phải đối diện với những tang tóc sầu não như thế, tôi thường lặng thinh và tìm sâu vào nội tâm lòng mình.
Khi vào phòng đóng cửa lại rồi, hình ảnh thường chợt đến trong trí tôi. Đó là câu hỏi rất hồn nhiên của một cháu trai bị ung thư xương: “Tại sao Chúa Giêsu lại phải chết nhục nhã như thế?” Cháu là bệnh nhân ngoại đạo mà tôi gặp trước đây và chỉ sau vài lân gặp gỡ, cháu đã ngỡ ngàng đặt nghi vấn như trên. Trước câu hỏi bất ngờ này của cháu, tôi đã lúng túng nhưng rồi tôi cũng chỉ còn biết khơi gợi như là câu đáp trả cho chính tôi vậy: “Chỉ khi nào cháu có trái tim biết đồng cảm yêu thương người tội lỗi và khốn khổ khác, cháu mới hiểu thấu được cái chết đau thương của Chúa Giêsu như cháu đã đặt ra cho cháu và với chú. Hy vọng ngày nào đó, cháu sẽ có trái tim như Ngài!”
Khi nhớ lại biến cố cùng lời đáp trả trên và trước những vấn nạn của riêng mình, tôi thường tự nhủ: “Tôi đã có trái tim như Chúa Giêsu đã thể hiện ra trong Cuộc Khô Nạn của Ngài chưa?” Mỗi lần gặp đau khổ, mỗi lần tự soi rọi lại như thế, Thần Khí Lời Chúa luôn dẫn tôi đi sâu vào hình ảnh đau thương trên thập giá và lời cầu xin của Ngài như trong bài Tin Mừng Thương Khó Luca: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34)
Lúc đau khổ nhất trên thập tự, thế mà Chúa Giêsu đã không nghĩ đến nó. Chúa không thu về mình mà hoàn toàn chỉ biết nhìn đến nỗi đau thương của người khác. Mà lại là những người toa rập rồi hãm hại giết chết Ngài. Chúa đã yêu thương họ, bởi sự dữ đã trói cột tâm hồn trái tim của họ lại. Chúa yêu thương họ vì họ là những con người bất tòan tội lỗi, bởi chính Ngài đã mặc khải: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2, 17) Và một khi nghĩ đến những xúc phạm đáng thương của họ, Chúa mới cất tiếng cầu xin cùng Chúa Cha tha cho họ. Hơn thế nữa, Ngài còn bào chữa cho họ, “vì họ không biết việc họ làm” và lại còn chịu đựng đau đớn vì như cô đơn cùng cực trước sự vô tình đối với tình yêu bao la mà Ngài đem đến cho nhân loại: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? “ (Mc 15, 34)
Ôi! Một trái tim chỉ toàn là yêu thương và tha thứ!
Đây cũng chính là lời sấm ngôn của Đức Chúa mà ngôn sứ Gêrêmia đã ghi lại cũng như thư Do Thái trích dẫn:
“Đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán: “Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng chúng Lề Luật của Ta.” (Dt 10, 16)
Lề Luật Thần Khí này được thánh Phaolô diễn tả: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật, vì đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại.” (Rm 13, 10)
Một khi đã có trái tim tòan là yêu thương tha thứ thì, như Đức Chúa phán: “Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa.” (Dt 10, 17)
Chiêm ngắm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, thánh Tông Đồ Dân Ngoại đã xác tín: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 8-9)
Nhờ biết thinh lặng nội tâm cùng chiêm ngắm không chán nản tình yêu thập giá mà tôi đã không còn nghĩ đến những đối xử tệ bạc của con trước lo toan vun đắp của mình, đến những phiền muộn bao quanh cuộc đời đầy gai góc của mình nữa. Nhờ nhận ra tình yêu thập giá và cầu nguyện cùng Chúa Giêsu mà tôi tiếp tục gánh vác, đón nhận những khổ đau trong thân xác như được thông phần với Ngài. Bởi chưng, lời nói của tên gian phi biết ăn năn đã giúp tôi tiếp tục thu về mình những mất mát thua thiệt vì: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.” (Lc 23, 41)
Chính nhờ nhìn vào nội tâm xấu xa yếu hèn của mình mà người trộm lành cũng như tôi đã van xin: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23, 42). Để rồi với lòng đại lượng bao la, Chúa Giêsu đã không ngần ngại tha thứ cho anh ta và cho chính tôi: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23, 43)
Quả là, trên bình diện công bình của xã hội, người trộm lành đã bị kết án vì những quá khứ tồi tệ của anh và cũng vì để ngăn ngừa những sai phạm, những hành vi tác hại của anh gây ra cho môi trường sống xung quanh. Nhưng đức công bình của Thiên Chúa, thì hoàn toàn nằm ở chiều sâu thăm thẳm mà chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Phàn Xét thật sự. Để tha thứ cho kẻ có tội, Đức Công Bình của Người chỉ cần một thay đổi muốn trở về nào đó là đủ. Như vậy, ít ra, ai đã quay lại với Đức Kitô thì người ấy nhìn thấy được Người Tôi Tớ Đau Khổ đã cao thượng, đã quảng đại đến như thế nào! Còn mình chỉ là kẻ bủn xỉn, nhỏ nhen và ích kỉ.
Trải qua kinh nghiệm cuộc sống và cảm nghiệm lắng đọng thâm sâu khi chiêm ngắm thập giá Đức Kitô, thánh Phaolô đã xác tín mạnh mẽ: “Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô Giêsu thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết. . . .” vì “ khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống thân xác chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình.” (Rm 8, 1-3)
Nhờ vậy mà Ngài đã tuyên xưng vô cùng cao cả và đã thấm sâu vào lòng tôi: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 19b-20)
Lạy Cha yêu thương,
Con xin cảm tạ Cha đã cho con đón nhận những đau thương trong tâm hồn và thân xác con.
Xin cho chúng con luôn biết chiêm ngắm thập giá của Chúa Giêsu, Con Cha, để chúng con nhận ra Thần Khí Yêu Thương của Cha đã đổ tràn trên chúng con từ Trái Tim Bị Đâm Thâu.
Và khi có được trái tim chỉ toàn là tha thứ như Con Cha, chúng con mới dễ dàng lướt thắng được những nghịch cảnh khổ đau trong cuộc lữ hành trần gian này, để rồi với niềm cậy trông chúng con cũng sẽ được sống trong cõi vĩnh hằng Thiên Đàng là cung lòng yêu thương của Cha. Amen.
CN Lễ Lá, 28/03/2010
Phêrô Vũ văn Quí CVK64
Email: peterquivu@gmail.com
27/03/2010
Views: 0