Đức Giêsu “xuống thế làm người” là vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu chính là trung tâm điểm của mọi khát vọng cho con người. Khát vọng được yêu thương. Khát vọng được an ủi. Khát vọng được chữa lành.Và nhất là khát vọng về một cuộc sống trường sinh bất tử.
Ba năm thực thi sứ vụ. Tuy không phải là một thời gian quá dài. Nhưng cũng đủ cho Đức Giêsu để lại nơi tâm thức mọi người thế nào là giá trị, là cứu cánh của cuộc sống.
Từ trên đỉnh núi cao. Đức Giêsu với tất cả mối ưu tư. Ngài đã cho mọi người biết đâu là giá trị và cứu cánh của cuộc sống. Giá trị và cứu cánh của cuộc sống không chỉ là đói-được-cho-ăn; khát-được-cho-uống; rách-rưới-được-cho-mặc; tù-đày-được-thăm-viếng.
Giá trị và cứu cánh của cuộc sống còn là ở sự-công-chính; sự-từ-bỏ; lòng-xót-thương… là : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Với những lời giảng dạy như thế. Không có gì ngạc nhiên khi Đức Giêsu từ chối một cuộc “dàn xếp” liên quan đến “thói đời”.
Chuyện kể rằng : “Có người trong đám đông” đến gặp Đức Giêsu. Có lẽ anh ta nghĩ rằng Đức Giêsu là bậc thầy về luật lệ. Có lẽ anh ta đã nghe đồn rằng mấy thầy “thông luật” mà còn phải “xếp re” trước những lý lẽ của Đức Giêsu. Vì thế anh ta không ngần ngại đến ngỏ lời với Đức Giêsu; xin Ngài ngồi ghế thẩm phán và ký án lệnh yêu cầu “anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12,13).
Không biết cái “người trong đám đông” này có đến hội đường ngày sabát không ! Không biết anh ta có nghe Đức Giêsu đọc Sách Thánh trong hội đường lần nào không ! Nếu anh ta có đến và nghe. Anh ta sẽ hiểu vai trò và sứ mạng của Đức Giêsu. Ngài không “mặc lấy xác phàm” để làm “thầy cãi”. Ngài đến thế gian là để : “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18).
Vâng, nếu hiểu được vai trò và sứ mạng của Đức Giêsu. Chắc hẳn anh ta sẽ không thất vọng bởi lời từ chối khéo của Đức Giêsu : “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện, hay người chia gia tài cho anh ?”(Lc 12,14).
Kết thức buổi “không hẹn mà gặp”. Đức Giêsu – qua dụ ngôn “người phú hộ thu tích của cải cho mình” – Ngài đã để lại một bài giáo huấn rất sâu sắc với lời cảnh tỉnh rằng : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15).
Một chút tâm tình…
Không một nông gia nào lại không muốn “Ruộng nương của mình sinh nhiều hoa lợi”. Không có nhà vườn nào lại không lo “tích trữ hoa màu” phòng những năm tháng hạn hán mất mùa.
Vấn đề mà Đức Giêsu trách cứ “nhà phú hộ” chính là những ẩn-ý-xấu trong những “siêu dự án” của ông ta…
Ông ta đã quá “tự mãn” lẫn “tự kiêu” qua những lời phát biểu mang đầy tính thách thức : “mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm”… Kệ !!! Sống chết mặc bay !!! “Cứ ăn uống vui chơi cho đã !”
Đức Giêsu đâu có lên án việc “thu tích của cải cho mình…”. Điều Ngài lên án… Vâng, điều Đức Giêsu lên án là : “Không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. (Lc 12,…21).
Một phút suy tư…
Là một Kitô hữu; chắc hẳn ai trong chúng ta cũng hiểu thế nào là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”.
Làm giàu trước mặt Thiên Chúa… Phải chăng là “(cứ) xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” !! (Hc 4,31).
Làm giàu trước mặt Thiên Chúa… Phải chăng là “ ăn mặc lụa là gấm vóc; ngày ngày cứ yến tiệc linh đình” còn những kẻ nghèo khổ, khố rách áo ôm thì cứ mặc-kệ-nó !!
Thưa không ! Làm giàu trước mặt Thiên Chúa chính là phải có một “tâm hồn nghèo khó”; phải biết “khát khao nên người công chính”; phải có “lòng xót thương người” và phải có “một tâm hồn trong sạch” (Mt 5, 1-8).
Làm giàu trước mặt Thiên Chúa – theo lời tông đồ Phaolô nói – chính là “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.”(Cl 3,2).
Hãy nhớ rằng : “những người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ” (Gv 5, 9) đã bị Đức Giêsu lên án rằng: “Đồ ngốc !”. Và cũng đừng “thu tích” những gì thuộc về hạ giới : “ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam” (Cl 3, 5).
Hãy nhanh chóng “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Ngộ nhỡ “Nội đêm nay” !!! Vâng, nhỡ đêm nay chúng ta phải đứng trước mặt “thẩm phán Giêsu” !!!
Gia tài của Chúa để lại cho chúng ta là cái gì !!! Một vùng “Đất Hứa (là Trời Mới Đất mới) làm gia nghiệp” hay là “lại (bị) đuổi về tay trắng”.
Câu trả lời dành riêng cho mỗi chúng ta.
Petrus.tran
Views: 0