Đầu năm nay, dân Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đã chờ đợi bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng Thống Obma để xem Hoa Kỳ sẽ có đường lối như thế nào trong việc giải quyết những khó khăn của nước Mỹ và của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, sau khi nghe bài diễn văn của ông, nhiều người đã không hài lòng, vì chỉ thấy một số định hướng được đưa ra chứ không thấy các giải pháp cụ thể.
VUI BUỒN NHẬN CHỨC
Điều II của Hiến Pháp Hoa Kỳ quy đinh: Trước khi nhậm chức, Tổng thống phải tuyên thệ như sau:
"Tôi trân trọng tuyên thệ (xác định) rằng tôi sẽ giữ chức vụ Tổng Thống Hợp Chúng Quốc với lòng trung thành và bằng tất cả khả năng của mình, duy trì, giữ gìn và bảo vệ Hiến Pháp Hợp Chúng Quốc."
Sau lời tuyên thệ, các vị tân tổng thống thường đọc thêm "So help me God" (Vậy xin Chúa giúp con) để kết thúc lời tuyên thệ. Tổng Thống Obama cũng đã làm như vậy.
Tổng Thống Obama đọc lời tuyên thệ,
Bà Michelle Obama cười!
Trước năm 1937, Tổng Tống Mỹ tuyên thệ nhận chức vào ngày 4 tháng 3. Kể từ năm 1937, ngày nhận chức được quy định là 20 tháng giêng. Nhưng năm nay vì ngày 20.1.2013 là ngày Chúa Nhật nên ngày nhận chức được dời lại ngày 21.1.2013. Trong lịch sử nước Mỹ đã có 5 lần xẩy ra như vậy.
Bài diễn văn nhận chức của tân tổng thống có khi rất ngắn và cũng có khi rất dài. Bài diễn văn nhận chức của Tổng Thống William Henry Harrison ngày 4.3.1841 dài đến 90 phút, đã trở bài diễn văn nhận chức dài nhất trong lịch sử của nước Mỹ. Nhưng ông đã phải trả một giá quá đắt. Đứng đọc diễn văn và đi diễn hành giữa trời giá tuyết, ông từ chối đội mũ và mặc áo khoác, nên sau đó ông bị cảm lạnh và bị viêm phổi. Ông đã qua đời 32 ngày sau đó.
Bài diễn văn của Tổng Thống Obama năm nay gồm 2137 từ và đọc trong 15 phút, được coi là vừa phải.
Trong bài diễn văn nhận chức đọc ngày 4.3.1861, Tổng Thống Abraham Lincold đã nói rằng lời tuyên thệ của ông “đã được đăng ký trên Thiên Đàng” (registered in Heaven). Trong bài diễn văn năm nay, Tổng Thống Obama đã nói:
“Đồng bào thân mến, lời tuyên thệ tôi đã đưa ra trước đồng bào hôm nay, giống như lời tuyên thệ đã được đưa ra bởi những người phục vụ tại điện Capitol, là một lời thề đưa ra với Thượng Đế và đất nước, không đưa ra với đảng hoặc phe nhóm; do đó, chúng ta phải thực thi một cách trung thành lời thề đó trong suốt thời gian chúng ta phục vụ.”
Trong bài diễn văn nói trên, ông Obama đã nhắc đến chữ “God” (Thượng Đế) 5 lần. Cuối bài diễn văn, ông đã kết thúc như sau:
“Xin cảm ơn, cầu xin Thượng Đế ban phúc lành cho mọi người, và xin Ngài mãi mãi ban phúc lành cho Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.”
MỘT SỐ NGUYÊN LÝ CĂN BẢN
Như chúng tôi đã nói ở trước, bài diễn văn năm nay của Tổng Thống Obama không cho chúng ta thấy rõ những kế hoạch mà Hoa Kỳ sẽ thực hiện trong bốn năm tới để giải quyết những khó khăn hiện tại và đưa nước Mỹ đi lên. Điều này cho thấy cuộc mặc cả giữa ông và các nhà đại tư bản Mỹ chưa ngã giá.
Trước hết, ông nhìn lại quá khứ, mục tiêu và truyền thống của Hoa Kỳ, từ đó ông nói đến viễn tượng mà Hoa Kỳ sẽ đi tới.
1.- Về giải phóng con người
Ông nhắc lại ý niệm quyền con người được ghi rõ trong bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ hai thế kỷ trước đây để giải thích những chương trình cải tổ mà ông đang theo đuổi, đó là tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Đấng Tạo Hóa ban cho một số quyền bất khả xâm phạm, trong số đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Tuy nhiên, mặc dù các chân lý đó có thể là hiển nhiên, chúng chưa bao giờ tự thể hiện được, và rằng mặc dù tự do là một ân sủng của Thượng Đế, con dân của Ngài phải tranh đấu để có được tự do trên trái đất này.
2.- Về sự lãnh đạo đất nước
Ông xác định rằng những người yêu nước năm 1776 đã không tranh đấu để thay thế sự tàn bạo của một nhà vua bằng những đặc quyền của một thiểu số hay bằng quyền cai trị của một đám đông. Họ cung hiến cho chúng ta một nền Cộng Hòa, một chính phủ của dân, do dân và vì dân, và giao cho mỗi thế hệ nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho tín điều lập quốc của chúng ta.
Ông nói thêm:
“Qua xương máu đã đổ ra vì roi vọt và đao kiếm, chúng ta đã hiểu được rằng không có liên minh nào được xây dựng trên các nguyên tắc tự do và bình đẳng có thể sống còn với tình trạng một nửa nô lệ và một nửa tự do. Chúng ta đã tự làm mới chúng ta, và quyết tâm cùng nhau tiến lên phía trước.”
3.- Một số mục tiêu đi tới
Từ những nhận định như vậy, ông đi đến những mục mục tiêu mà ông đang nhắm tới:
“Cùng nhau, chúng ta đã xác quyết rằng một nền kinh tế hiện đại đòi hỏi phải có các đường hỏa xa và các xa lộ để đẩy nhanh sự đi lại và thương mại; phải có các trường ốc và đại học để đào tạo công nhân của chúng ta.
“Cùng nhau, chúng ta đã nhận ra rằng một thị trường tự do chỉ có thể thịnh vượng khi có các quy luật để bảo đảm sự cạnh tranh và công bằng.
“Cùng nhau, chúng ta đã xác quyết rằng một đất nước vĩ đại phải chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương, và bảo vệ người dân tránh được những rủi ro và bất hạnh tệ hại nhất trong cuộc sống.”
THAY ĐỔI KHI TÌNH THẾ THAY ĐỔI
Về nhu cầu phải thay đổi cho phù hợp với tình thế mới, trước hết ông xác định rằng qua tất cả mọi biến cố, chúng ta chưa bao giờ từ bỏ sự hoài nghi của chúng ta về quyền lực trung ương, chúng ta cũng chưa bao giờ bị rơi vào ảo tưởng cho rằng mọi căn bệnh của xã hội đều có thể được một mình chính phủ chữa trị. Ông cho rằng những yếu tố hằng cửu trong bản chất của người Mỹ đặt trọng tâm vào sự lao động cần cù và trách nhiệm cá nhân. Ông vinh danh những sáng kiến và kinh doanh.
Nhưng ông nói rằng khi thời buổi thay đổi thì chúng ta cũng phải thay đổi và sự trung thành với các nguyên tắc kiến tạo của người Mỹ đòi hỏi phải có những cách đáp ứng mới cho những thách thức mới. Các khả năng của nước Mỹ là vô hạn, nước Mỹ có tất cả các phẩm chất mà thế giới không biên cương này đòi hỏi: tuổi trẻ và sự thúc đẩy; sự đa dạng và cởi mở; khả năng vô hạn chấp nhận rủi ro và biệt tài làm mới.
Người Mỹ hiểu rằng đất nước này sẽ không thể thành công khi số người làm ăn rất khá giả ngày càng ít, trong khi một số người phải chật vật để kiếm sống ngày càng đông. Ông tin rằng “sự thịnh vượng của nước Mỹ phải được đặt trên những đôi vai rộng của giới trung lưu ngày càng đông.” Ông nhấn mạnh:
“Chúng ta trung thành với tín điều của chúng ta rằng khi một em bé gái sinh ra trong cảnh nghèo khó nhất biết rằng em cũng có cơ may thành công như bất cứ ai khác, bởi vì em là người Mỹ, em được tự do, bình đẳng, không phải trong mắt Thượng Đế mà cả trong mắt của chính chúng ta.
“Chúng ta hiểu rằng các chương trình cũ mòn của chúng ta không còn thích hợp để đáp ứng các nhu cầu của thời đại chúng ta.
“Nhưng trong khi các phương tiện có thay đổi, thì mục tiêu của chúng ta vẫn bền vững: đó là một quốc gia biết tưởng thưởng cho nỗ lực và quyết tâm của mỗi một người dân Mỹ. Đó là điều mà giờ phút này đòi hỏi. Đó là điều đem lại ý nghĩa thực sự cho tín điều của chúng ta.”
NHỮNG VẤN ĐỀ RẮC RỐI
Như chúng ta đã biết trong 8 năm cầm quyền, từ 2000 đến 2008, Tổng Thống Bush đã giảm thuế cho nhà giàu khoảng 3.000 tỷ USD và mở hai cuộc chiến hao tốn khoảng 3.000 tỷ USD nữa, khiến ngân sách của chính quyền liên bang đi tới gần như phá sản. Làm sao để cứu vãn tình thế này?
Trong truờng hợp xẩy ra sự thâm thủng ngân sách, biện pháp thông thường là giảm chi và tăng thuế. Nhưng nhóm bảo vệ 1% nhà giàu thuộc Đảng Cộng Hoà ngăn cản việc tăng thuế và bắt chính phủ phải cắt giản tối đa các khoản về an sinh xã hội và y tế. Sau nhiều cuộc tranh luận, Đảng Cộng Hoà phải chấp nhận bắt những người có lợi tức từ 400.000 trở lên, phải chịu mức thuế bình thường thay vì được giảm như 12 năm về trước, nhưng các khoản về an sinh xã hội và y tế của những người lãnh tiền hưu dưỡng và những người kém may mắn sẽ bị cắt rất nhiều trong 10 năm tới đây. Vì thế, trong bài diễn văn nhậm chức Tổng Thống Obama đã nói:
“Chúng ta phải có những chọn lựa khó khăn là giảm thiểu chi phí về chăm sóc y tế và mức thâm hụt ngân sách. Nhưng chúng ta bác bỏ niềm tin cho rằng nước Mỹ phải chọn lựa giữa việc chăm lo cho thế hệ đã xây dựng đất nước này và việc đầu tư cho thế hệ sẽ xây dựng tương lai của đất nước…”
“Những điều chúng ta cam kết với nhau – qua các chương trình Medicare, Medicaid và An sinh Xã hội – những thứ này không làm hao mòn sáng kiến của chúng ta; mà thật ra chúng đem lại sức mạnh cho chúng ta. Chúng không biến chúng ta thành một đất nước của những người chỉ biết dón nhận; chúng khai phóng chúng ta để chấp nhận những rủi ro giúp làm cho đất nước này vĩ đại.”
VAI TRÒ CỦA NƯỚC MỸ
Tiếp theo, ông đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề an ninh của nước Mỹ và an ninh thế giới. Đây là những vấn đề ít bị tranh cãi hơn. Ông nói:
“Nước Mỹ sẽ vẫn là trụ cột của những liên minh hùng mạnh tại mọi nơi trên địa cầu; và chúng ta sẽ đổi mới các thể chế đã mở rộng khả năng của chúng để xử lý khủng hoảng ở nước ngoài, bởi vì không một ai có lợi ích trong một thế giới hoà bình nhiều hơn là quốc gia mạnh nhất trên thế giới này. Chúng ta sẽ ủng hộ nền dân chủ từ châu Á cho đến châu Phi; từ châu Mỹ cho đến Trung Đông, bởi vì các quyền lợi của chúng ta và lương tâm của chúng ta đòi hỏi phải hành động nhân danh những người mong muốn tự do.”
TRỞ LẠI VẤN ĐỀ CỦA NƯỚC MỸ
Sau khi nói qua về vai trò của nước Mỹ trên thế giới, ông lại trở lại những vấn đề của nước Mỹ đang gây tranh cãi. Tham vọng của ông trong hai nhiệm kỳ 8 năm là thay đổi vấn đề an sinh xã hội và y tế của nước Mỹ, hai vấn đề đã gây rất nhiều tốn kém cho nước Mỹ, nhưng vì những sự lạm dụng, nước Mỹ bị xếp vào hạng gần dưới cùng trong hàng ngũ các quốc gia tiên tiến. Nhiều vị tổng thống trước ông đã tìm cách giải quyết, nhưng không giải quyết được. Với một con người xuất thân từ dưới bùn đen đi lên, ông nói:
“Và chúng ta phải là một nguồn hy vọng cho những người nghèo khó, những người đau yếu, những người bị gạt ra ngoài lề, những nạn nhân của thành kiến – nhưng không phải chỉ vì lòng từ thiện, mà vì nền hòa bình trong thời đại của chúng ta đòi hỏi sự thăng tiến liên tục của những nguyên tắc mà tín điều chung của chúng ta mô tả: đó là sự dung chấp và cơ hội, nhân phẩm và công lý.
“Đã đến lúc thế hệ của chúng ta có nhiệm vụ thực hiện những gì những người đi tiên phong đã bắt đầu…
“Cuộc hành trình của chúng ta sẽ không hoàn thành cho đến khi tất cả các trẻ em của chúng ta, từ các đường phố của thành phố Detroit cho đến những ngọn đồi của dãy núi Appalachia, các con đường yên tĩnh của thị trấn Newtown, biết rằng họ đang được chăm sóc, yêu thương, và luôn luôn an toàn không bị nguy hiểm…
“Chúng ta phải hành động, vì biết rằng những thắng lợi của hôm nay sẽ chỉ là một phần, và chính những người sẽ đứng ở đây trong 4 năm, 40 năm tới, và 400 năm sẽ có nhiệm vụ thăng tiến tinh thần bất diệt đã được trao lại cho chúng ta từ một sảnh đường ở Philadelphia.”
CÒN TUỲ THUỘC VÀO CUỘC MẶC CẢ
Trong cuộc tranh luận giữa ông Obama và ông Romney trên truyền hình tại Denver hôm 3.5.2012, dân chúng Mỹ rất ngạc nhiên khi thấy ông Obama ngồi buồn xo, chỉ đỡ đòn chứ không phản công, mặc dù đối thủ Romney không có tài hùng biện bằng ông. Kết quả coi như ông Obama thua.
Nguyên tắc bầu cử ở Mỹ là “phù thịnh bất phù suy”, thấy ai có khả năng thắng cử là dồn tiền cho người đó. Vì thế, rất nhiều nhà tư bản đã dồn tiền cho ông Romney như American Crossroads $65,1 triệu, Restore Our Future, Inc. $64,5 triệu, v.v.
Nhưng lúc đó có nhiều nhà phân tích tin rằng các “siêu quyền lực” đàng sau hậu trường đã quyết định ông Obama tiếp tục làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa để giải quyết cái đống rác ông Bush đã để lại. Tuy nhiên, cuộc mặc cả giũa ông Obama và các “siêu quyền lực” về những vấn đề chính chưa ngã ngũ, nên ông làm reo để gây áp lực. Quả đúng như vậy. Sau khi có sự tương thuận, ông đã trở lại và vượt ông Romney quá xa khiến rất nhiều người ngạc nhiên.
Tuy các vấn đề chính đã có sự đồng thuận, nhưng khi đi vào từng chi tiết, các cuộc mặc cả vẫn còn rất gay go. Trước khi đuợc Đảng Cộng Hoà đại diện cho nhà giàu chấp thuận ngân sách 2013, ông Obama phải đồng ý dời mức đánh thuế cao từ 250.000 lên từ 400.000 USD, cắt tiền trả cho các bệnh viện 2%, hoản khoản cắt 26,5% tiền trả cho các bác sĩ đến năm 2014, v.v. Đây là những vấn đề sẽ được chúng tôi bàn trong một bài khác.
Nói tóm lại, kế hoạch cải tổ của ông Obama sẽ đi tới đâu còn tùy thuộc vào các cuộc mặc cả. Nhưng chúng ta tin rằng nước Mỹ có khả năng thay đổi để thích ứng với thời đại và vươn lên.
Ngày 24.1.2013
Lữ Giang
Views: 0