Uncategorized

Kinh nghiệm giải phóng Kitô

Nếu đức tin là đề tài nổi bật trong bốn chương đầu thư gửi giáo đoàn Roma, thì trong các chương 5-8 nó không chiếm chỗ nổi bật nữa, mặc dầu vẫn được thánh Phaolô tiếp tục nhắc tới.

 

Nếu đức tin là đề tài nổi bật trong bốn chương đầu thư gửi giáo đoàn Roma, thì trong các chương 5-8 nó không chiếm chỗ nổi bật nữa, mặc dầu vẫn được thánh Phaolô tiếp tục nhắc tới.

 

Thật ra, đề tài trong phần hai này của các chương trình bầy giáo thuyết thần học là sự sống. Từ chương 5 tới chương 8 thánh Phaolô đã đề cập tới sự sống dưới hình thái danh từ và động từ tất cả 19 lần: 12 lần danh từ (5,10.17.18.21; 6,22.23; 7,10; 8,2.6.10.38) và 7 lần động từ (6,2.10.11.13; 7,9; 8,12-13). Do đó chúng ta có thể nối liền các chương nói về sự sống này với lời trích sách ngôn sứ Khabacúc chương 1,17: ”Ai ”công chính” nhờ đức tin sẽ được sự sống”.

 

Trên bình diện cụ thể sự sống mà thánh Phaolô nói tới ở đây có ý nghĩa gì, hay đâu là các nội dung của nó? Sự sống ở đây vừa ám chỉ tình trạng mới của cuộc sống ơn thánh, mà tín hữu có được và đang sống nhờ đức tin, vừa diễn tả ơn cứu độ cuối cùng, vĩnh viễn mà tín hữu hằng trông đợi và hy vọng. Nói cách khác, nó là thực tại đối nghịch với tình trạng sống trong qúa khứ và là kết qủa của một tiến trình giải phóng triệt để, tận gốc rễ trong cuộc sống đức tin. Thật vậy, dưới cái nhìn và quan niệm của thánh Phaolô, cuộc sống con người ngoài Chúa Kitô là cuộc sống bị thống trị bởi các lực lượng tha hóa tiêu cực của Tội Lỗi, luật lệ, ”xác thịt” và Cái Chết. Nhưng tín hữu nào tin vào Chúa Kitô và tín thác nơi sáng kiến của Chúa, sẽ được giải thoát khỏi cuộc sống nô lệ tha hóa đó. Trong nghĩa chính xác sau đây: cái năng động nền tảng cuộc sống của họ không còn phải tuân phục quyền bất khả kháng của guồng máy tồi bại tôn thờ cái tôi toàn năng là Tội Lỗi nữa. Cái tôi toàn năng đó tồi bại tới độ xử dụng cả các đòi buộc, tức lề luật của Thiên Chúa như dụng cụ phục vụ nó, và giam cầm con người trong cái vòng luẩn quẩn, trong con ngõ cụt của các lựa chọn ích kỷ và tội lỗi, nghĩa là sống theo xác thịt, và như thế kết án nó phải hư mất đời đời, tức dẫn đưa nó tới Cái Chết. Nhưng kỳ công giải phóng được hiện thực với và nhờ Chúa Kitô. Ngài là mẫu gương của nhân loại mới được hòa giải với Thiên Chúa và là gương mặt đối nghịch với gương mặt của Adam, mẫu gương của nhân loại cũ nô lệ Tội Lỗi và phải chết. Thánh Phaolô đã miêu tả thực tại liên đới của gia đình nhân loại, trong sự dữ và sự thiện, cũng như biến cố Chúa Kitô giải phóng con người khỏi Tội Lỗi, Sự Chết và Lề Luật trong chương 5,12-21 như sau:  ”Vì một người duy nhất, mà Tội Lỗi đã xâm nhập trần gian, và Tội Lỗi đã gây nên Sự Chết, như thế, Sự Chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có Tội Lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Adam đến thời Môshê, Sự Chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Adam đã phạm. Adam là hình ảnh Đấng sẽ tới. Nhưng sự sa ngã của Adam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu qủa do một người phạm tội đã gây ra. Qủa thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xử án để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy! Qủa vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.

 

Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

 

Lề Luật đã xen vào để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

 

Tuy nhiên, tiến trình thay đổi số phận của con người như tả trên đây không xảy ra một cách thần thoại, mà dựa trên sự tham dự riêng tư cá nhân của con người qua đức tin và trong dấu chỉ của bí tích rửa tội. Đây là điều sẽ được thánh Phaolô trình bày trong chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma. Cuộc đổi đời đó cũng không phải chỉ thuần túy là một sự thay đổi luân lý, mà là việc tạo dựng một thụ tạo mới, với sự quyết định tự do cá nhân của đương sự. Bởi vì Thiên Chúa ban cho tín hữu Chúa Thánh Thần, nguyên lý của sự tự do giúp họ không sống cho chính mình, nhưng sống cho tha nhân trong tình yêu thương trải dài tới vô tận như tình yêu thương của Thiên Chúa. Đề tài này sẽ được khai triển trong chương 8. Cuộc sống mới mà Chúa Kitô tạo dựng cho tín hữu qua Chúa Thánh Thần khiến cho họ vứt bỏ con tim bằng đá chai lì, để thay thế vào đó một con tim bằng thịt, biết rung động, nhậy cảm và có các quyết định dứt khoát, cụ thể, phù hợp với cuộc sống của một thụ tạo mới, thụ tạo được công chính hóa. Tắt một lời, sự giải thoát mà Chúa Kitô đem lại cho những kẻ tin và tín thác nơi Ngài, vựơt xa các thể hiện bề ngoài để đi sâu vào tận gốc rễ của bản ngã con người, nghĩa là đơn vị hiệp nhất sâu thẳm và kín nhiệm nhất của con người.

 

Nói một cách khác, trong các chương 5-8 thánh Phaolô miêu tả kinh nghiệm mà kitô hữu có đối với toàn cuộc sống của mình dưới cái nhìn của đức tin. Sự kiện này tỏ lộ ngay trong kiểu dùng từ ngữ. Thánh Phaolô dùng các đại danh từ ”chúng ta”, ”anh em”, và ”tôi” để ám chỉ các kitô hữu thành phần của cộng đoàn dân Chúa là những người được hưởng ơn thánh cứu độ qua tiến trình biến đổi để trở thành các thụ tạo mới nhờ lòng tin vào Chúa Kitô. Tuy nhiên, họ không phải là nhóm kitô hữu ưu việt, và lịch sử cứu độ của họ cũng không phải là lịch sử riêng rẽ. Thật ra, các kitô hữu chỉ là những người ý thức rằng lịch sử cứu độ bao trọn toàn nhân loại, trong đó họ là thành phần, như được thánh Phaolô trình bầy trong chương 5,12-21 và trong chương 7. Nhưng qua họ và cuộc đời họ, thánh Phaolô nhìn thấy số phận của mọi người trong gia đình nhân loại, bởi vì đức tin khiến cho các tín hữu đi trọn các chặng ý nghĩa nhất của lịch sử.

 

Một cách cụ thể, thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta một miêu tả tổng hợp liên quan tới con đường cuộc sống của tín hữu gồm qúa khứ, hiện tại và tương lai liên hệ mật thiết với nhau. Điểm khởi hành là thái độ dứt bỏ đoạn tuyệt với qúa khứ. Nó ghi dấu sự công chính hóa hay sự hòa giải với Thiên Chúa. Điểm tới của con đường cuộc sống kitô là sự vinh quang hay ơn cứu độ toàn vẹn và vĩnh viễn Thiên Chúa sẽ trao ban cho họ. Giữa hai mốc qúa khứ và tương lai đó là thời gian hiện tại, mà họ đang sống trong niềm an bình với Thiên Chúa, trong chiều kích của ơn thánh, theo cái lý luận của sự nhưng không, trong sự tự do hay khả năng yêu thương. Đây là con đường thay thế cho con đường đầy các giấc mộng tha hóa tự thần thánh hóa mình và thống trị tha nhân. Dĩ nhiên, sự phân biệt này hơi có tính cách giả tạo, nhưng nó nhằm giúp trình bầy một thực tại thống nhất và rất súc tích. Đồng thời nó cũng đưa ra ánh sáng sự kiện ơn cứu độ là một biến cố trong lịch sử nhân loại và là một biến cố vĩ đại cứ tiếp tục phát triển mãi cho tới khi thành toàn vào ngày thế mạt.

 

Nếu đây là hướng tiến của đề tài, thì phải chia kết cấu các chương 5-8 như thế nào? Xem ra chương 5,1-11 là bức tranh đầu tiên miêu tả kinh nghiệm sống của những người đã được công chính hóa. Kinh nghiệm đó gồm hai thực tại nổi bật là sống trong ”an bình với Thiên Chúa” và sống trong niềm hy vọng vào ơn cứu độ vĩnh viễn cuối cùng ngày sau hết. Thánh Phaolô sẽ khai triển hai thực tại này trong chương 8 và sẽ định nghĩa nó là cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần. Chương 5,12-21 là bức tranh thứ hai cho thấy Chúa Kitô đã can thiệp ra sao trong cuộc sống của người tín hữu để đập tan các sức mạnh của Tội Lỗi và Cái Chết. Chương 6 xác định cách thức người tín hữu được giải thoát khỏi các sức mạnh của Tội Lỗi và Cái Chết, bằng cách lãnh bí tích rửa tội, dìm mình trong nước, chết đi cho tội lỗi và tham dự vào sự hữu hiệu do cái chết của Chúa Giêsu Kitô đem lại. Chương 7 bổ túc toàn đề tài và khẳng định rằng cuộc sống mới trong Chúa Kitô cũng giải thoát tín hữu khỏi ảnh hưởng của Lề Luật, đã bị Tội Lỗi sử dụng như dụng cụ để thống trị con người.

 

LINH TIẾN KHẢI

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.