Bạn đã vô tình hay cố ý làm buồn lòng một người nào bao giờ chưa? Nếu có, bạn cảm thấy thế nào khi nhận được sự cảm thông và tha thứ từ người mà mình đã gây đau khổ cho họ?
Bạn đã bị người nào đó vô tình hay hữu ý làm bạn phải đau khổ, nhục nhã, hoặc thiệt thòi bao giờ chưa? Nếu có bạn cảm thấy thế nào khi chính bạn nói lời tha thứ, hòa giải?
Cả hai trường hợp trên, người nhận sự tha thứ và người nói lời tha thứ đều có cùng một cảm giác, đó là niềm vui, bình an và sự nhẹ nhàng trong tâm hồn. Cảm thấy thoải mái và thấy được nét đẹp cũng như giá trị cuộc đời. Nhưng ở một góc độ nào đó, người nói lời tha thứ cảm nghiệm được phần thưởng tinh thần nhiều và sâu đậm hơn người nhận sự tha thứ.
Trong cả hai trường hợp như vậy, để nói lên lời tha thứ cũng như để đón nhận sự tha thứ thì cả hai đều cần phải có một số điều kiện. Một trong những điều kiện ấy đòi hỏi thái độ tự hạ. Từ ngữ tâm linh gọi là khiêm tốn, khiêm nhường, và từ ngữ tâm lý gọi là thật với mình. Thiếu yếu tố này, người tha thứ không dễ chấp nhận tổn thương và phần thiệt thòi về phía mình để sẵn sàng tha thứ. Cũng vậy, người được tha thứ cũng không dễ dàng nhận mình có lỗi để nói lời xin lỗi và chấp nhận để người khác tha thứ.
Nếu có một hôm nào đó, một ai đó làm bạn cảm thấy bị xúc phạm một cách nặng nề, bạn sẽ phản ứng thế nào? Trong trường hợp này, việc đòi lại sự công bằng, lấy lại danh dự của bạn là điều cần và nên làm. Ai cũng nghĩ như vậy. Nhưng phản ứng này thường lại hay dẫn đến hậu quả tiêu cực. Có nghĩa là sẽ có những người ủng hộ quan điểm của bạn. Mặt khác, cũng có những người không đồng quan điểm với bạn. Kết quả, câu chuyện có thể là bé bỗng bị xé ra to, hiểu lầm, gây tranh cãi ngay giữa những người thường ngày vẫn là bạn thân của bạn. Và tự ái không cho bạn dừng lại, bạn muốn sự việc được đánh giá công bằng đối với bạn. Tóm lại, bạn lại phải đi tìm những giải pháp khác để phục hồi danh dự…
Nhưng trong khi bạn lục lọi ký ức để tìm những lý luận vững chắc, những chứng cớ để đòi lại sự công bằng, có bao giờ bạn nhớ lại lời kinh mà Chúa Chúa Giêsu đã dạy về tha thứ không: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Đúng vậy, đây không chỉ là những đòi hỏi mang ý nghĩa tâm linh mà trong thực tế nó rất ứng dụng trong phạm vy tâm lý: Tâm lý sống.
Chúng ta tất cả đều là con nợ của Thượng Đế: Từ hư vô trở thành hiện hữu. Từ tinh thần đến vật chất. Từ thân xác đến tâm hồn. Quá khứ, hiện tại và tương lại. Tất cả chúng ta đều là con nợ của Thượng Đế, vậy mà Thượng Đế vẫn tha tất cả cho chúng ta, với chỉ một điều kiện nhỏ là chúng ta phải tha cho nhau.
“Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Tha như Chúa tha. Tha một cách dễ dàng. Tha không tính toán. Tha không đo đếm và giới hạn số lượng: “… không phải bẩy lần, nhưng bẩy mươi bẩy lần bẩy” (Mt 18: 22). Vậy liệu chúng ta có thể làm được không? Vì nếu không thì điều kiện để được tha của chúng ta bị gặp trở ngại.
Thật ra, Thượng Đế rất hiểu con người. Ngài hiểu chúng ta là con người có hồn, có xác, nên Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta một tâm lý tha thứ, đó là tâm lý yêu chính mình: “Không ai ghét mình bao giờ” (Eph 5:29). Vì yêu mình là một thứ tình yêu thiêng liêng, cao cả phát xuất từ tình yêu của chính Thiên Chúa. Thánh Gioan đã định nghĩa, “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8).
Do đó, tâm lý yêu mình dưới một góc nhìn tích cực, trưởng thành không cho phép chúng ta làm khổ mình. Mà một trong những nỗi khổ gậm nhấm, nghiền nát tâm can chính là mối hận thù, giận hờn không tha thứ. Nó đến từ hành động yêu cái tôi của mình mà không yêu chính mình, từ đó dẫn đến thù nghịch, bất an, và nuôi dưỡng tâm lý trả thù. Như vậy khi chúng ta tha cho một ai đó, trước hết là tha cho chính mình, và sự bình an từ nội tâm của mình trào ra bằng tư tưởng, lời nói và việc làm tha thứ cho người làm mất lòng mình.
Tình yêu không phải chỉ là một cảm xúc, nhưng nó còn là một hành động. Không phải chỉ là với cái nhìn tâm linh hay tâm lý, ứng dụng thực tế trong cuộc sống cũng đã diễn tả điều này:
“Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa người
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi phải ra đi
Ôi muộn làm sao nói lời tạ ơn
Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa đời
Đừng đợi ngày mai biết đâu tôi nằm im hơi
Tôi chẳng làm sao tạ lỗi cùng người
Có nhớ thương tôi thì đến với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai lúc mắt tôi khép lại
Đừng đợi ngày mai có khi tôi đành xuôi tay
Trôi dạt về đâu, chốn nào tựa nương
Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao mà biết lụy người.”
(Nếu có yêu tôi – Trần Duy Đức)
Thánh Gioan viết: “Nếu ai nói yêu Chúa mà ghét anh em mình là người nói láo” (1 Gioan 4:20). Nếu chỉ ghét anh chị em mình còn bị kết tội “nói láo” thì ghét chính mình còn nặng tội như thế nào?!
“Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, lời cầu cần thiết dẫn đến hành động tha thứ. Theo thánh Phansicô Assisi, “chính khi thứ tha là khi được tha thứ”. Nhưng trước hết, để tha cho người khác, chúng ta phải tự mình cảm nhận sự yếu đuối và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi, và không đủ can đảm để buông bỏ mối hận thù đang trói buộc tâm hồn mình.
Views: 0