Thuật ngữ “đức tin” có nguồn gốc trong Hi Lạp (pi´stis), nghĩa là tin quyết với tinh thần phó thác trong sự tin tưởng vững vàng. Tùy theo nội dung, nó có thể được hiểu là “trung tín”, “chung thủy” hoặc “trung kiên”.
Tôi gặp lại một một anh Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn với niềm tin “Tất thắng” vào Đảng lãnh đạo ngày xưa; tôi hỏi anh trước tình hình ảm đạm của đất nước hiện nay:
-Trung với nước, hiếu với dân…câu nói cửa miệng của hàng ngũ Đảng viên các đồng chí nay thực hiện đến đâu rồi ?
Khác với những năm trước, anh nhúng vai tỏ vẻ chán chường rồi nói trong sự rã rời:
-Thôi bác đừng có nhắc đến hai tiếng “đồng chí” mà tôi buồn nôn, kêu nghe muốn lượm cả giọng; còn hai chữ “Trung” và “Hiếu” đừng có bao giờ nhắc tôi nghe – nghe mắc cở làm sao! Đó chỉ là những từ ngữ để gạt cái đám trẻ con của bọn chúng mà thôi!
Tôi thầm cảm thông cho người bạn trong suốt hơn 30 năm qua vì “Đàn ông sợ nhất là chọn sai lý tưởng!” Ở tuổi thanh thiếu niên, con người dễ có lý tưởng thật cao, tâm huyết thật đầy với những người cùng chí hướng, lòng nhủ lòng, tay trong tay quyết tâm trung kiên với lý tưởng. Nhưng thời gian trôi đi, niềm xác tín của anh đã được nhận ra theo thời gian là một niềm tin mù quáng thì đã phá tan đi bao ước mơ của tuổi thanh xuân.
Thật vậy, xác tín và tin tuyệt đối vào Đảng Cộng Sản của thế hệ trẻ Việt Nam từ 1945-1954 và sau này đã trở thành mù quáng khi “Quốc Tế Cộng Sản Đảng” sụp đổ ở Liên Xô và các nước ở Đông Âu và sự hình thành lai căn của cơ chế mới “độc Đảng, độc tài và độc ác” ở Trung Quốc mà Việt Nam suốt gần hơn nữa thế kỷ qua vẫn luôn là bản sao chép. Trong đời người, nếu có những lúc chúng ta quyết định thực hiện, theo đuổi, và trung thành với một giá trị hay một chọn lựa nào đó mà tất cả dẫn đến mê muội hoặc mê tín chứ không phải là trung tín thì hy vọng thế hệ trẻ Việt Nam có thể nhận ra mà sớm canh tân đất nước.
Trung tín chắc chắn không thể là “phương tiện” để con người đạt “mục đích” mà nó mong muốn. Trung tín tự nó có trong tâm, trong tim của con người, vì con người mong ước được nâng cao phẩm chất, và nhân bản của mình. Vì thế người trung tín không thể là con người xấu, và có những hành vi bất trung. Con người không trung tín thì có tâm tình bội bạc, có sự phản nghịch với chính lòng mình, và nhân phẩm của mình. Trở mặt với chính mình để chối bỏ điều hay lẽ phải mà mình đã quý trọng. Người bất trung phần nhiều lương tri tê liệt, thiếu tự trọng và độc ác.
Người trung tín thường có ý chí mạnh, để chịu đựng gian khổ hầu giữ vững lời hứa trong những thời điểm thử thách. Khi ta trung tín, trí tuệ ta sáng suốt, lòng yêu thương sâu đậm, nhờ đó mà lòng quyết tâm thêm vững mạnh và tự nó đã đưa đến bản chất đẹp, nâng cao giá trị của con người có nó và giữ gìn nó không bị chao đảo bởi tiền tài, danh vọng hay đam mê bất chính. Như vậy, nguyên tắc để thăng tiến trên bất cứ một công việc nào – đó là thái độ trung thành phải có trong lòng mỗi người.
Chuyện kể rằng, có một ông tuổi toan về già, sau khi trải qua giải phẫu 3 chỗ trong cơ thể của ông. Đang từ một con người đầy sinh động, chơi golf, đi bơi, đi bộ hàng tuần đều đặn, cũng như đi ăn ngoài thường xuyên cùng người vợ đã cùng nhau chung sống gần hơn 40 năm. Khi ông trở thành người yếu đuối, chậm chạp, thì vợ ông có lẽ quá mệt mỏi vì ông, nên đã nói lời chia tay để vui đời sống mới bỏ lại ông trong nổi cô đơn và đau khổ.
Cặp hôn nhân nào cũng một lòng nguyện hứa với nhau, yêu thương kính mến đến cùng, và ăn ở với nhau trọn đời. Nhưng rồi “nền văn minh cao” và “đời sống thiên về vật chất” đã đưa những lời hứa trong hôn nhân hầu như bị lãng quên, vì con người không trung tín giữ lời thề và lòng trung tín với nhau. Thời nay lúc vui vẻ, mạnh khỏe thì có nhau. Lúc buồn lo, đau yếu, thì mạnh ai nấy sống. Một cảm giác thật buồn và hoang vắng đến trong tâm hồn mỗi người khi sống không trung tín với nhau hay sống không trọn niềm tin vào nhau.
Tôi thầm cảm thông cho ông trong những năm còn lại vì “Đàn bà sợ nhất là chọn sai chồng !” Trong số những cuộc hôn nhân tan vỡ, bao nhiêu cái “tại” cái “vì” được nêu ra, được nhấn mạnh. Chẳng ai chịu nhận là mình bất trung bất tín cả.
Đức Khổng Tử nói : “Nhân vô tín bất lập”, có nghĩa là người không trung tín không đứng được ở đời. Đã không trung tín trong tình nghĩa vợ chồng, thì cũng chẳng mong gì trung tín trong mọi việc khác…
Dù có làm việc ở đâu trong cuộc sống hằng ngày, việc đạo hay việc đời, con người bao giờ cũng ở trong một tập thể. Tập thể có thể lớn hàng trăm hàng nghìn con người, cũng có thể nhỏ chỉ vài ba người. Ở trong quần thể xã hội, bao giờ cũng có những người lãnh đạo và là người chịu trách nhiệm chính. Những người lãnh đạo cũng không phải là hoàn toàn tự do, mà họ lại cũng ở dưới quyền lãnh đạo của những người khác nữa. Nhưng có một nguyên tắc để một con người được tôn trọng, đánh giá và cất nhắc trong công việc, cũng là cơ sở để con người đó có thể trưởng thành, phát triển đi lên trong quần thể xã hội hay cộng đoàn đó là thái độ trung thành phải có trong lòng mỗi chúng ta.
Thánh Kinh viết: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn. Vậy nếu các ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi? Nếu các ngươi không trung tín về của người khác, ai sẽ cho các ngươi được của riêng mình?” (Lc 16:10-12).
Lòng trung tín của người chồng đối với vợ.
Sự chung thủy chịu đựng của các bà mẹ trong thời tao loạn.
Hy sinh, cung cúc tận tụy và cống hiến trong trong mọi công việc vì tương lai gia đình và vì phát triển xã hội giàu mạnh.
Xây dựng một niềm tin vào xã hội công bằng, bác ái của Thiên Chúa giáo, Phật Giáo…v…v…
Có thể chẳng có ai nhìn thấy công việc mà bạn đang làm; có thể chẳng có ai ghi nhận lòng sốt sắng và sự trung tín mà bạn đang dành cho công việc và chức vụ của bạn, và cũng có thể chẳng có cơ quan tổ chức nào trao ban phần thưởng cho những thành tựu và kết quả mà bạn đã mang lại. Nhưng bạn đã xây dựng một niềm xác tín vào sự chân thật, thành tín đến từ một Đấng toàn năng.
Trái đất này rồi cũng sẽ qua đi, con người nhiều tiền của tới mức nào, danh vọng cao là bao nhiêu, hay đắm chìm trong đam mê tội lỗi rồi cũng qua đi, nhưng tin sự thật và vào Đấng tối cao bạn cũng chẳng mất đi phẩm chất hay danh giá gì của mình khi cuộc sống bạn qua đi. Tin vào Ngài, Ngài nhìn thấy tất cả, Ngài biết rõ lòng bạn, Ngài đếm và ban thưởng cho từng giọt mồ hôi của bạn. Dù bạn đang sốt sắng hay hay nản lòng với những gì bạn đang cố gắng ở thế gian bao u mê này thì “Lòng Trung Tín” vào Đấng toàn năng sẽ là niềm xác tín xây dựng cho bạn một “Đức Tin” và là một khích lệ lớn dành cho bạn.
Views: 0