Muốn hiểu biết Chúa Giêsu, chúng ta không thể có những trái tim khép kín, mà cần có những trái tim can đảm và biết hướng về phía trước. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh điều này trong bài giảng sáng nay tại nhà nguyện Thánh Mác-ta khi ngài mời gọi những người hiện diện hãy tự hỏi mình về đức tin nơi Chúa Kitô.
“Đức tin của tôi nơi Chúa Kitô ra sao?” Ngài mời gọi họ suy niệm, trong khi ngài dẫn giải về các bài đọc hôm nay.
Nhắc lại Phúc Âm theo Thánh Mác-cô, trong đó thuật lại phép lạ chữa lành một người bại liệt tại thành Capernaum, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “không ai có thể mua được đức tin.” Vì đó là một “quà tặng làm thay đổi đới sống.”
Cần khai mở trái tim
Ngài nhấn mạnh: Muốn thật sự biết Chúa Giêsu, chúng ta không thể có “trái tim khép kín”, mà cần phải bước theo con đường của sự tha thứ và khiêm tốn.
Để giải thích thế nào là thực sự có đức tin, Đức Thánh Cha nói về người dân thành Capernaum: họ đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đến gần được Chúa Giêsu, dám chấp nhận bất cứ hiểm nguy nào có thể xẩy đến cho họ. Vì họ hết sức tin tưởng vào Chúa và quyền năng chữa lành của Người, họ đổ xô tới và vây quanh căn nhà nơi Chúa sẽ chữa lành. Ngài lưu ý rằng cần phải trổ mái nhà ra mới đem người bại liệt xuống được.
Cần những trái tim cam đảm và hướng về phía trước
Đức Thánh Cha nói: “Họ có đức tin, cùng một đức tin giống như người phụ nữ xuất huyết, cũng trong đám đông, cố gắng tới gần để chạm được gấu áo Chúa Giêsu, khi Người đến nhà Giairô, để Chúa cũng chữa lành cho bà ta.” Ngài ghi nhận rằng đây cũng giống như đức tin của ông đội trưởng, cầu xin cho đầy tớ của mình được chữa lành.
Đức Thánh Cha nói: “Đức tin vững mạnh, can đảm hướng về phía trước, những trái tim biết đến với đức tin.”
Những trái tim khép kín không thể hiểu biết Chúa Giêsu
Trong câu chuyện của người bại liệt, Đức Thánh Cha nói: “Chúa Giêsu đã đi một bước xa hơn,” là không chỉ chữa lành mà còn tha thứ nữa.
“Có những người hiện diện ở đó có trái tim khép kín, nhưng công nhận – phần nào – rằng Chúa Giêsu là người thầy chữa được bệnh tật – Nhưng tha thứ tội lỗi thì thật là mạnh mẽ! Con người này đã đi quá trớn! Ông ta không có quyền nói như vậy, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha tội mà thôi.”
Đức Thánh Cha suy niệm, chỉ có Chúa Giêsu biết họ đang nghĩ gì, và Chúa nói: ‘Ta có phải là Thiên Chúa Không? – Không, Chúa không nói thế, “Tại sao các người nghĩ như thế? Vì các người biết rằng Con Người có quyền năng – đây là điều khiến cho Người khác biệt [It. è il passo avanti] – để tha tội ‘Hãy đứng lên vác chõng mà về.’
Đức Thánh Cha nhận định rằng ở đây, “Chúa Giêsu bắt đầu nói ngôn ngữ phần nào đã làm nản lòng dân chúng, và cả vài môn đệ đang đi theo Người – vì, lời Người khó nghe lắm, khi Chúa nói về việc ăn Mình Người để được cứu rỗi.”
Nghi ngờ: nhưng bạn có là một môn đệ ở lại hay bỏ đi?
Ngài khuyên các tín hữu hiện diện hãy suy nghĩ xem Chúa Giêsu có thực sự hoán cải đời sống họ không.
Khi Chúa Giêsu đã xuất hiện với một quyền năng to lớn hơn quyền lực của một con người. “Để tha thứ, để ban sự sống, để tái tạo nhân lọai, ngay các môn đệ Người cũng nghi ngờ [một số đã bỏ đi].” Chúa Giêsu hỏi một nhóm nhỏ, ‘Còn các anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”
“Đức tin nơi Chúa Giêsu: Đức tin của tôi nơi Chúa Giêsu ra sao? Tôi có tin Chúa Giêsu là Chúa, là Con Thiên Chúa? Và đức tin này có thay đổi đời sống tôi không? Đức tin của tôi có làm cho năm Thánh này, năm Thánh của sự Tha Thứ, có làm cho tôi tiến lại gần Chúa hơn không?”
Không ai xứng đáng với Đức Tin
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, ‘Đức tin là một quà tặng, không ai xứng đáng với đức tin và cũng không ai mua được đức tin. Vì thế, chúng ta phải luôn luôn khiêm tốn, thống hối và cầu nguyện: ‘Xin tha tội cho con, Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Thiên Chúa, Chúa có thể tha tội cho con.”
Đức Thánh Cha cầu xin Chúa Kitô “làm cho chúng ta tăng trưởng trong đức tin.”
Ngày ghi nhận, “dân chúng tìm đến với Chúa Giêsu vì họ muốn nghe lời Chúa, vì Người nói có uy quyền, không như các kinh sư ký lục.”
Ngài tiếp, họ cũng đi theo Chúa vì Chúa chữa lành và làm nhiều phép lạ – cuối cùng, “chính những người này sau khi đã chứng kiến phép lạ, đều ngạc nhiên thán phục. Họ đã ra đi tôn vinh Chúa.”
Ca tụng
“Ca tụng, là bằng chứng rằng tôi tin Chúa Giêsu Kitô là Chúa trong đời sống tôi, và Chúa được gửi tới để ‘tha thứ cho tôi.’ Nếu tôi có khả năng ca tụng Chúa. Hãy ca tụng Chúa. Vì ca tụng không tốn tiền.”
Ngài ghi nhận rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta cảm nhận này và khả năng để bầy tỏ điều này, là giúp chúng ta biết nói lên rằng: “Chỉ có Chúa là Chúa của con.”
Đức Thánh Cha kết thúc và cầu xin Thiên Chúa ‘làm cho chúng ta tăng trưởng trong đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúa là Đấng tha tội chúng ta, ban cho chúng ta một năm ân sủng – và xin cho đức tin này dẫn đưa chúng ta đến việc ca tụng Chúa.”
BH Thư
Người Đi Gieo Hạt Giống
Trong khi bước đi trên đường đời,
Nên thận trọng khi gieo hạt giống.
Vì khi hạt giống đã gieo rồi,
Nó sẽ mọc nhanh như gió thổi.
Lúc gặt hái sẽ khó khăn hơn nhiều,
So với lúc hạt được vãi gieo.
Có biết bao hạt được bỏ xuống,
Nhưng ngày gặt, hái được bao nhiêu?
Đừng gieo những hạt giống hồ nghi,
Hay những hạt tham lam ích kỷ.
Cần những hạt nhuần thấm tình yêu,
Lúc gặt hái sẽ ích lợi hơn nhiều.
Không bao giờ gieo hạt bừa bãi,
Phải luôn luôn ghi nhớ trong đầu.
Nếu được gieo với tình yêu vững chãi,
Không bao giờ thấy phí phạm đâu.
Cần gieo những hạt giống cảm thông,
Và những hạt kiên nhẫn hòa đồng.
Để mai sai, khi đến mùa gặt,
Sẽ có nhiều hoa trái đâm bông.
Bùi Hữu Thư
Views: 0