Uncategorized

Không Ai Ðến Ðược Với Cha Mà Không Qua Thầy

Atlanta ngày 26 tháng 3, năm 2014

Bạn Thân Mến,

Tựa đề bức thư này là đề tài mà tôi muốn chia xẻ với bạn. Ðây là một đề tài gây nhiều thắc mắc, nhiều nhầm lẫn, và ngay cả nhiều xung đột đức tin.

Atlanta ngày 26 tháng 3, năm 2014

Bạn Thân Mến,

Tựa đề bức thư này là đề tài mà tôi muốn chia xẻ với bạn. Ðây là một đề tài gây nhiều thắc mắc, nhiều nhầm lẫn, và ngay cả nhiều xung đột đức tin.

Nhiều thắc mắc vì lắm người tự hỏi, không biết số phận của những người không đi trên con đường của Chúa Giêsu sẽ như thế nào? Những người đã ra đi trước khi có Ðạo Công Giáo, họ đã đi về đâu? Nhiều nhầm lẫn vì không biết bao nhiêu kẻ cho rằng phải đến với Chúa Cha bằng cách này, không đến được với Chúa Cha bằng cách kia. Thôi thì đủ đường, đủ lối, rối loạn lung tung beng, làm cho những ai muốn đến với Thiên Chúa cũng không biết đến từ chỗ nào. Nhiều xung đột đức tin vì ai cũng cho là mình đúng, không ai chịu ai rồi sinh ra tranh luận, cãi vã, và ngay cả chén giết nhau nữa. Sau cùng ai nấy rút vào cái vỏ ốc rất tiêu cực của mình là cái vỏ ‘đường ai nấy đi’ , ‘hồn ai nấy giữ’. Dân Chúa chia trăn xẻ ngàn. Chỉ có Satan là đắc chí.

Bạn thân mến, theo Phúc Âm Thánh Gioan 14:6, Chúa Giêsu phán: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua thầy.”  “I am the way, the truth, and the life. No one comes to the Father except through me.”  Vậy không ai đến được với Cha mà không qua thầy nghĩa là gì? Thưa nghĩa là chúng ta có đến được với Chúa Cha hay không hoàn toàn  là do quyền hành, do sự định đoạt của Chúa Giêsu chứ không phải là do quyền hành hay do sự định đoạt của bất cứ một người nào khác. Chúa Giêsu đã thể hiện quyền hành này của Người cách rõ ràng khi Người phán với phạm nhân cùng bị đóng đanh với Người, “Quả thật, Ta bảo ngươi, nội hôm nay ngươi sẽ ở cùng Ta trên thiên đàng.” Phạm nhân này được vào nước thiên đàng có phải vì ông ta đã theo hay giữ một đạo giáo nào không? Thưa không! Ông ta là một người tội lỗi. Chính ông ấy xưng thú như vậy, và ông được vào nước trời vì Chúa Giêsu cho ông vào chứ không phải vì ông đã theo hay giữ một đạo nào. Bạn hãy nghĩ xem, trong ngày phán xét chung, khi mọi người phải đứng trước mặt Chúa Giêsu mà trả lẽ cho mọi việc làm của mình; lúc ấy, nếu như Chúa Giêsu nói với người tội lỗi này, ngươi vào thiên đàng; rồi với người tội lỗi khác, Ta tha thứ cho ngươi, thì có ai cự Chúa Giêsu được không? Nhất định là không! Nhưng như thế chắc bạn sẽ nói là Chúa Giêsu bất công? Không có gì là bất công hết đâu bạn ạ! Vì cho ai vào nhà của bạn là quyền của bạn thì Chúa Giêsu lại không có quyền cho bất cứ ai vào thiên đàng là nhà của Người theo ý Người muốn hay sao? Thêm vào đó, nếu hai người phạm cùng một tội trong hoàn cảnh và mọi điều kiện giống nhau mà một người được vào nước trời, người kia lại phải sa địa ngục thì như thế, đối với chúng ta mới là bất công. Còn nếu như hai người cùng phạm tội giống nhau, nhưng một người thì ăn năn thống hối, kẻ kia lại ngoan cố; hoặc một người biết việc mình làm là có tội nhưng vẫn làm, người kia phạm tội nhưng không biết việc mình làm là có tội thì như vậy là có sự khác biệt. Chỉ có quan án tối cao là Chúa Giêsu  mới có thể thẩm định giá trị của sự khác biệt này. Ðiều chắc chắn là Thiên Chúa không bất công. Người rộng rãi, giàu lòng xót thương, và hay tha thứ thì có. Vậy nếu như bạn thấy Thiên Chúa có xử cách ‘bất công’ với ai mà cho người đó được vào nước trời thì ngoại trừ bạn là người công chính, còn nếu bạn cũng là người tội lỗi như tôi thì tốt hơn là bạn hãy sấp mình xuống mà xin Chúa Giêsu cũng xử ‘bất công’ với bạn như vậy. Bạn có nhớ dụ ngôn những người làm công trong vườn nho theo Thánh Matthêu chương 20 không? Bạn muốn được trả lương cách ‘bất công’ như vậy hay bạn muốn được lãnh tiền công cách sòng phẳng? Tôi thì chẳng những là tôi rất muốn mà tôi còn cầu xin được Thiên Chúa xử với tôi cách ‘bất công’ như vậy. Còn nữa, trong dụ ngôn bữa tiệc cưới theo Thánh Matthêu chương 22 và Thánh Luca chương 14, thì những người được vào dự tiệc cưới là những người không được mời, và họ được vào dự tiệc cưới là do quyền của người mời chứ không phải vì họ là những người quan trọng, mà cũng không phải vì họ là những người xứng đáng. Thực ra thì họ thuộc đủ mọi hạng người, tốt cũng như xấu. Mat 22:8-10, (8) Then he said to his servants, ‘The feast is ready, but those who were invited were not worthy to come. (9) Go out, therefore, into the main roads and invite to the feast whomever you find.’ (10) The servants went out into the streets and gather all they found, bad and good alike, and the hall was filled with guests. (8) Rồi ngài nói với các gia nhân của mình, ‘Bữa tiệc đã dọn xong, nhưng những người được mời là những người không đáng được dự. (9) Các ngươi hãy đi ra ngoài các công lộ chính và mời bất cứ ai mà các ngươi tìm gặp.’ (10)  Các gia nhân đi ra mọi đường phố và tập họp hết mọi người mà họ tìm được, người tốt lẫn kẻ xấu, và sảnh đường đầy khách. Thành ra “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” là như vậy; là do quyền hành của Chúa Giêsu chứ không do quyền hành của một người nào khác.

Ðiểm kế mà tôi muốn chia xẻ với bạn là như thế này. Chúa Giêsu phán, Gioan 10:7, “Thầy bảo thật các con: Thầy là cổng cho đoàn chiên.”  “I am telling you the truth: I am the gate for the sheep.”  Vậy bạn hãy tưởng tượng như tất cả chúng ta cùng đứng trên một mặt phẳng và cùng nhìn về một hướng. Trước mặt chúng ta là một bức tường mà không ai vượt qua được. Bên kia bức tường là thiên quốc có Chúa Cha ngự trị; còn xa xa sau lưng và hai bên chúng ta là vực sâu u tối, là những gì không thuộc về Thiên Chúa. Những ai muốn vào thiên quốc, muốn đến với Chúa Cha thì người ấy phải đi qua một cái cổng duy nhất; cái cổng đó là Cổng Giêsu. Thời gian chúng ta có để tìm và đi đến hay đi xa khỏi Cổng Giêsu là cuộc đời chúng ta. Phát xuất từ Cổng Giêsu, chạy về phía chúng ta là một con đường, con đường duy nhất, con đường sự thật, con đường sự sống; con đường đó là Ðường Giêsu. Nhưng tuy Ðường Giêsu là đường duy nhất phát xuất từ Cổng Giêsu, có phải hễ ai muốn đi hướng về Cổng Giêsu thì người đó bắt buộc phải đi trên Ðường Giêsu không?  Thưa không! Vì ngoài Ðường Giêsu còn có nhiều đường khác cũng hướng về Cổng Giêsu. Ngoài những đường hướng về Cổng Giêsu này lại có hằng ngàn đường khác nữa; đường thì đi ngược, đường khác đi song song, đường khác nữa lại đi thẳng góc hoặc xéo góc với Ðường Giêsu. Bạn đồng ý chứ? Vâng, tôi biết bạn đồng ý, mà thực ra thì bạn phải đồng ý mới đúng. Vậy bây giờ xin bạn nhìn lại ‘bức tranh’ mà tôi vừa vẽ. Trên ‘bức tranh’ này, đi trên đường ngược chiều với Ðường Giêsu là những người chống lại Thiên Chúa. Những người này, càng đi họ càng xa cách Chúa, và rồi họ sẽ đi vào chốn không thuộc về Thiên Chúa. Ði trên những đường song song với Ðường Giêsu nhưng hướng về Chúa Cha, là những người đi tìm hoặc hướng về những sự tốt lành. Việc làm của họ tốt, nhưng sau cùng thì họ đụng phải bức tường không vượt qua được. Ði trên những đường thẳng góc hoặc xéo góc với Ðường Giêsu là những người, tùy theo hướng đi, hoặc họ sẽ đụng phải bức tường, hoặc họ sẽ đụng Ðường Giêsu, hoặc họ sẽ đi vào chốn không thuộc về Thiên Chúa. Ðặc biệt nhất là những con đường hướng về Cổng Giêsu. Những con đường này, tuy là hướng về Cổng Giêsu, đường nào rồi cũng phải đụng vào và ngừng lại tại chỗ nó gặp Ðường Giêsu. Sở dĩ như vậy vì Chúa Giêsu là cái cổng, Người cũng là con đường phát xuất từ cái cổng này nên Ðường Giêsu và Cổng Giêsu là một. Và vì là một nên ở chỗ Ðường Giêsu và Cổng Giêsu gặp nhau thì không có kẽ hở nào, và ta có thể ví như cái cổng là miệng chai và con đường là cái nút đậy miệng chai, nhưng cái nút này chạy dài về phía chúng ta cho đến ngày tận thế. Vì vậy, ai đi trên những con đường hướng về Cổng Giêsu thì họ chỉ có thể đi tới Ðường Giêsu chứ không thể đi tới cái cổng, mà cũng không thể đi xuyên qua cái Cổng Giêsu được. Chỗ gần nhất với Cổng Giêsu mà những người này có thể đến được là chỗ Cổng Giêsu và Ðường Giêsu gặp nhau, nhưng dù vậy, họ vẫn chỉ ở ngoài và xung quanh cái cổng chứ họ không thể đứng trước cổng được. Bạn có thấy điều này không? Họ không thể đứng trước cổng được vì chỗ đó là Ðường Giêsu. Nếu họ muốn đứng trước cổng để có thể đi xuyên qua cổng mà đến với Chúa Cha thì họ phải bước sang Ðường Giêsu. Bạn thấy chưa? Không ai đến được với Cha mà không qua thầy là như vậy. Là chúng ta phải đi trên Ðường Giêsu, qua cái Cổng Giêsu mà đến với Chúa Cha.

Bạn thân mến, như tôi đã giải thích, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy nghĩa là chúng ta có đến được với Chúa Cha hay không là do quyền hành của Chúa Giêsu chứ không do quyền hành của một người nào khác. Tôi lại cũng giải thích, không ai đến được với Cha mà không qua thầy nghĩa là chúng ta phải đi trên Ðường Giêsu, qua cái Cổng Giêsu mà đến với Chúa Cha chứ không có con đường nào khác, và như vậy có phải là tôi trước sau bất nhất không? Thưa không! Vì người được vào nước trời nhờ vào quyền hành của Chúa Giêsu thì họ cũng phải đi qua Chúa Giêsu chứ có qua ai khác đâu? Dù sao cũng có sự khác biệt lớn lao giữa những người này và những người đi trên Ðường Giêsu mà vào nước trời. Ði trên Ðường Giêsu là những người tin vào Chúa Giêsu, và vì tin mà họ được công chính hóa và được cứu; còn những người được Chúa Giêsu cho vào nước trời là những người được chuộc, là những người tin vào Chúa Giêsu nhưng cuộc sống đức tin của họ chưa được toàn thiện, là những người sống cuộc sống hướng về những sự tốt lành, là những người thiện tâm, là những người yêu thương và chứng tỏ tình yêu của họ đối với tha nhân qua những công việc bác ái. Họ là những người đụng vào bức tường hoặc chết trên đường hướng về mọi sự thánh thiện. Họ là những người đã không có cơ hội, không có điều kiện giúp họ tìm thấy Ðường Giêsu, và số phận của họ hoàn toàn là do Chúa Giêsu định đoạt. Chỉ có những người đi trên những con đường đụng vào Ðường Giêsu là đặc biệt. Ðặc biệt vì những người này là những người có cơ hội, có điều kiện; họ đã gặp và được mời bước sang Ðường Giêsu để được đồng hành với Chúa Giêsu. Họ có được vào nước trời hay không cũng là do quyền hành của Chúa Giêsu.

Tóm lại, được Chúa Giêsu cho vào nước trời và đi trên Ðường Giêsu để được vào nước trời là hai vấn đề khác nhau. Xin bạn đọc Thư Gởi Bạn Hiền 7. Ðể vào nước trời, ai cũng phải đi qua một cái cổng duy nhất, đó là Cổng Giêsu. Nhưng nếu bạn muốn tìm một con đường, con đường cứu độ, con đường sự thật, con đường dẫn đến sự sống thì chỉ có một con đường duy nhất, đường đó là Ðường Giêsu.

Nhưng làm sao chúng ta biết được đường nào là Ðường Giêsu? Thưa đơn giản lắm vì có nhiều đường, nhiều đạo không tin vào Chúa Giêsu nên những đường này, hiển nhiên, không phải là Ðường Giêsu. Ai đi trên những đường này, cho dù là họ có tin vào Thiên Chúa, nếu họ không tin vào Chúa Giêsu thì đường họ đi vẫn không phải là Ðường Giêsu. Hồi Giáo (Islam) là một thí dụ. Còn lại là những đường tin vào và hướng về Cổng Giêsu nên để phân biệt những đường này với Ðường Giêsu, ta chỉ cần xét dựa trên hai yếu tố này:

1.      Ðường Giêsu thì phát xuất từ Cổng Giêsu. Nói cách khác, đạo của Chúa Giêsu thì do Chúa Giêsu thiết lập. Cũng một lẽ ấy, đạo của ai thì phát xuất từ người đó.
2.      Ðường Giêsu thì phải liên tục chạy dài từ Cổng Giêsu về phía chúng ta. Sự liên tục này là sự liên tục trong việc lưu truyền trách nhiệm chăn giắt theo thể thức tông truyền.

Vậy muốn biết đường nào là Ðường Giêsu thì bạn chỉ cần hỏi: Ðường này, đạo này phát xuất từ ai? Nếu đường này phát xuất từ Martin Luther, John Calvin, Joseph Smith, Henry VIII, hay bất cứ một người nào khác thì bạn biết ngay đường đó không phải là Ðường Giêsu hay đạo đó không phải là đạo do Chúa Giêsu thiết lập. Rồi cứ thế, bạn loại dần, loại dần những đường không phải là đường do Chúa Giêsu thiết lập cho đến khi bạn tìm được đạo, tìm được đường mà khi thành lập thì Chúa Giêsu phán: “Phêrô, con là đá, và trên nền tảng đá này (on this rock foundation) ta sẽ xây giáo hội ta." (Mat 16:18). Dễ quá phải không bạn? Vâng dễ lắm, và đó mới là xét theo yếu tố thứ nhất. Yếu tố thứ hai là sự liên tục trong việc lưu truyền trách nhiệm chăn giắt theo thể thức tông truyền. Ðây là yếu tố gây nhiều lầm lẫn vì đạo nào, đường nào cũng tiếp tục hiện diện nhờ việc liên tục lưu truyền trách nhiệm chăn giắt giáo hội của mình. Ðạo Lutheran chẳng hạn. Từ khi Martin Luther thành lập Giáo Phái Lutheran cho đến nay thì những người tiếp tục dẫn dắt giáo phái này sau ông là những người kế vị ông theo thể thức tông truyền. Các giáo phái Tin Lành khác cũng thế; giáo phái nào cũng được chăn giắt bởi những người liên tục kế vị nhau theo thể thức tông truyền. Vậy xét về hình thức, thể thức tông truyền của Ðạo Công Giáo và của các giáo phái Tin Lành khác giống nhau. Sự khác biệt, khác biệt rất lớn lao, là ở chỗ, trong Giáo Hội Công Giáo, thể thức tông truyền bắt đầu từ khi Chúa Giêsu phán với Thánh Phêrô: “Phêrô, con là đá, và trên nền tảng đá này (on this rock foundation) ta sẽ xây giáo hội ta." Còn thể thức tông truyền của giáo phái Lutheran bắt đầu từ Martin Luther và mãi đến năm 1517 mới có. Như vậy, tuy Ðường Lutheran là đường hướng về Cổng Giêsu, từ năm 1517 ngược về đến năm mà Chúa Giêsu phán: “Thầy bảo thật các con: Thầy là cổng cho đoàn chiên.” thì không có đường này; mà đã không có đường thì làm sao để chúng ta đi tới cổng cho được? Rõ ràng hơn là thể thức tông truyền của giáo phái Lutheran chỉ có và liên tục từ năm 1517 cho đến nay chứ còn từ năm 1517 trở về cho đến ngày Chúa Giêsu lập giáo hội của Ngài thì không có. Vì vậy mà Ðường Lutheran chỉ là một đoạn đường ở ngoài Ðường Giêsu và đoạn đường này không thể dẫn bạn đến Cổng Giêsu được. Tất cả các giáo phái Tin Lành khác đều như vậy. Anh Giáo (The Church of England) phát xuất từ Henry VIII và đã không có cho mãi đến năm 1534, Calvanism phát xuất từ John Calvin và mãi đến năm 1536 mới xuất hiện. Còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ có thể trưng dẫn ba thí dụ này để giúp bạn phân biệt đường nào là đường thật, đường nào là đường đưa bạn đến sự sống muôn đời, đường nào là đường đưa bạn đến Cổng Giêsu.

Câu hỏi kế tiếp là: Có phải tất cả những ai đi trên Ðường Giêsu đều tự động được đi qua Cổng Giêsu mà đến với Chúa Cha không? Thưa không! Vì có người đi ngược chiều, lại có người đi ngang, đi tách ra khỏi Ðường Giêsu tức là có người đi lạc. Ba vị giáo chủ mà tôi nêu ra ở trên là những thí dụ. Cả ba đều đã là người Công Giáo. Họ đã đi trên Ðường Giêsu, nhưng họ đã đi ngang, đi ngược, đi tách ra khỏi Ðường Giêsu. Thật đáng tiếc!

Vậy làm sao để những ai đi trên Ðường Giêsu không bị lạc? Thưa đường nào cũng có những bảng, những mốc chỉ cho ta biết phải đi hướng nào, còn bao xa, chỗ nào nguy hiểm, v.v., và Ðường Giêsu cũng vậy; cũng có Giáo Lý Công Giáo, có 10 điều răn Ðức Chúa Trời, và các điều răn dạy khác của Hội Thánh. Người đi trên Ðường Giêsu còn được nâng đỡ, ủi an, dưỡng nuôi, và thêm sức bằng bảy phép bí tích, đặc biệt là Phép Mình Thánh Chúa, và Phép Giải Tội. Nhờ Phép Mình Thánh Chúa mà người đi trên Ðường Giêsu được kết hợp với chính Chúa Giêsu ngay khi còn ở đời này. Nhờ Phép Giải Tội mà người đi trên đường Giêsu có thể trở lại khi đi lạc, khi lầm lẫn, khi sa ngã. Thêm vào đó, qua lời cầu nguyện và những việc lành, ngay khi còn tại thế, người đi trên Ðường Giêsu còn được hiệp thông với toàn thể triều thần thiên quốc và các linh hồn trong lửa luyện tội. Còn nhiều nữa, nhưng điều duy nhất chỉ có trên Ðường Giêsu mà làm cho những ai đi trên đường này không thể đi lạc được đó là nếu người ấy bắt chước ba nhà thông thái xưa, đi theo sao dẫn đường mà tìm đến với Chúa Giêsu. Ngôi sao dẫn đường này là Ngôi Sao Maria Trinh Khiết Vẹn Toàn. Vậy bạn thấy ngôi sao này ở đâu thì chỗ ấy thực sự có Chúa Giêsu. Hay ngược lại, chỗ nào thực sự có Chúa Giêsu thì chỗ ấy phải có Mẹ Thánh Người. Nếu bạn đi trên Ðường Giêsu mà bạn không nhìn thấy Ngôi Sao Maria thì bạn đi lạc đường rồi. Hãy mau mau quay trở lại. Xin Chúa chúc phúc và gìn giữ bạn cùng mọi người trong gia đình bạn.

Thân ái kính chào trong Chúa và Mẹ Maria,

Giuse Phạm Văn Tuyến

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.