Uncategorized

Khóa Nazareth: Hồng ân hay phép lạ?!!

“Mỗi Khóa Nazareth là một hồng ân và là một phép lạ”. Khẳng định như vậy có quá đáng không! Có thể là quá đáng nếu ta nhìn vào những gì đã xảy ra trong các Khóa Nazareth.

“Mỗi Khóa Nazareth là một hồng ân và là một phép lạ”. Khẳng định như vậy có quá đáng không! Có thể là quá đáng nếu ta nhìn vào những gì đã xảy ra trong các Khóa Nazareth. Thật ra, đây chỉ là một nhận xét cá nhân thôi, bởi vì mỗi lần đến với các Khóa Nazareth, ai cũng cho biết mình bị thao thức bởi hai ý tưởng: “Tại sao những anh chị em trong Ban Tổ Chức lại vất vả đến như vậy? Họ được gì?”, và : “Tại sao vẫn có những người tham dự khóa?” Vì tham dự khóa là một quyết định vô cùng phức tạp và khó khăn, không khéo còn tạo ra những chia rẽ trầm trọng ngay giữa vợ chồng…

 

Hồng ân:

 

Trước hay sau mỗi lần tổ chức khóa, anh chị em trong ban tổ chức hoặc các ban, ngành đều tâm sự với nhau: “Cái kiểu ăn cơm nhà, vác ngà voi này không mấy khấm khá.”

 

Mà thật vậy, nó chẳng có gì vui và cũng chẳng lợi lộc gì cho ai cả, nhiều lúc còn mệt mã, căng thẳng, và tốn kém nữa. Nó hoàn toàn khác hẳn với những tiếng xì xèo, đồn đãi tiêu cực về những việc làm đầy phức tạp, khó khăn và đòi hỏi hy sinh này. Thí dụ, có tiếng đồn cho rằng làm như vậy là mong muốn tạo cho mình được sự chú ý của người này, người khác; hoặc để được nổi nang.

 

Về phương diện vật chất như vừa trình bày, những anh chị em khi làm việc này không những vừa hao tốn thời giờ, mà còn hao tốn cả công sức và tiền của nữa. Tại sao họ lại không tự thưởng cho mình, cho gia đình mình những cuối tuần hạnh phúc bên nhau trong một nhà hàng, một vũ trường, hoặc một chuyến du lịch đây đó, mà lại chấp nhận vất vả ngày đêm cho một sinh họat mà nhiều người vẫn chưa chấp nhận; hoặc không cho đó là quan trọng!

 

Nhưng có lẽ cái vất vả hơn của những anh chị em này là nỗi băn khoăn, lo lắng làm thế nào để mỗi anh chị em tham dự khóa khi ra về không phải trắng tay. Có nghĩa là không nhận được một cái gì ý nghĩa cho cuộc đời hôn nhân của họ.

 

Nhiều người trong các anh chị em này còn chấp nhận nhiều hy sinh, mang vác các đau đớn thể xác lẫn tinh thần để mong gom góp thành những bông hoa hy sinh cầu cho khóa học.

 

Những hy sinh âm thầm ấy như những rễ cây chìm sâu trong lòng đất, bị che khuất, và phải hứng chịu những sức ép nghiệt ngã của mặt nổi. Nhưng chính nhờ những chiếc rễ cây ấy mà nhựa sống được chuyển lên thân cây và làm cho cây lá xanh tươi, sinh hoa, kết trái. Đó là số phận của những ai hăng say và nhiệt tình với sinh họat Gia Đình Nazareth.

 

Tuy nhiên, gọi đó là hồng ân vì chính đây lại cơ hội mà Thiên Chúa ban tặng để những ai yêu mến Ngài được dịp cộng tác với Ngài. Bên bờ giếng Giacóp, Chúa Giêsu đã chẳng xin với thiếu phụ Samaritanô rằng: “Cho tôi uống với” (Gio 4:7) đó sao? Chúa khát, cơn khát các linh hồn, cơn khác hạnh phúc các gia đình. Và ta có thể nghe như Ngài đang tâm sự với mỗi người:

 

“Này con! Cha khát hạnh phúc các gia đình biết bao. Các con hãy mang lại cho Cha các cặp vợ chồng đang đau khổ. Các cặp vợ chồng đang gặp những khó khăn trong cuộc sống. Các cặp vợ chồng mà đời sống hôn nhân của họ đã trở thành địa ngục trần gian. Và cả các cặp vợ chồng đang hạnh phúc. Cha muốn ôm gọn tất cả vào lòng. Cha muốn sưởi ấm, chữa lành, và ban muôn hồng ân cho chúng.

 

Cha đã sinh ra từ một gia đình có cha, có mẹ. Và đã đã thực hiện phép lạ đầu tiên vì hạnh phúc các gia đình.

 

Nhưng hỡi con! Ngày nay các gia đình đang gặp nhiều thử thách và đau khổ bởi sự ghen tương của Satan. Bởi cơn ác mộng, hoang mang vì hít thở không khí của nền văn hóa sự chết. Chính vì vậy, Cha cần con. Con hãy cho cha uống.”

 

Hoặc như Phanxicô d’Assi, Chúa đã chẳng dùng những anh chị em này như những khí cụ bình an của Ngài để sửa đổi và đem lại bình an cho các gia đình hiện nay sao? “Lạy Chúa! Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”.

 

Và đó chính là hồng ân. Hồng ân cho những anh chị em đang thao thức hạnh phúc gia đình cho những anh chị em mình.

 

Phép lạ:

 

Nhìn vào thành quả của các khóa Nazareth, điển hình là Khóa Nazareth II vừa qua tại Seattle, ai dám bảo rằng ơn Chúa đã không thấm đẫm và trào dâng trong tâm hồn các tham dự viên.

 

Những ai đã có mặt trong Khóa này đều không thể cầm nổi xúc động khi nghe những tiếng khóc nức nở, những giọt nước mắt chân thành lăn dài trên gò má. Những giọt nước mắt của yêu thương, tha thứ. Những giọt nước mắt vui mừng của các tham dự viên.

 

Bạn sẽ hỏi, làm gì có ai câm bỗng nói được, què đi được, điếc nghe được, mù lòa thấy được, phong cùi được lành sạch, và chết sống lại trong Khóa mà gọi là phép lạ! Nói và nghĩ như vậy là bạn quên một câu nói quan trọng của Chúa Giêsu khi đề cập đến những dấu lạ đó là: “Người nghèo khó được nghe giảng Tin Mừng” (Mat 11:5).

 

Tin Mừng ở đây chính là “tái khám phá và phục hồi những giá trị và vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân gia đình”. Nhờ sức mạnh của Lời Chúa, tác động của Thần Khí, và nhờ đến với Chúa qua khóa học, tất cả các anh chị em tham dự khóa đã có dịp nhìn lại chính mình, nhìn lại vợ, chồng, con cái mình để chợt nhận ra mình đang có những tặng vật vô cùng quí giá Thiên Chúa trao ban, mà bấy lâu nay mình đã không nhận ra và không trân quí. Để rồi khi đã nhận ra thì có những thay đổi từ nội tâm.

 

Làm sao và có ai chuyển đổi được một trái tim băng giá, khô cứng. Trái tim không còn biết yêu thương, hoặc chỉ yêu thương chính mình?

 

Làm sao và có ai thay đổi được tầm nhìn của một người chỉ nhìn chồng hay vợ mình bằng những ánh mắt hằn học, giận hờn và đầy căm hờn? Ánh mắt rực lửa căm thù, khác hẳn ánh mắt yêu đương mà họ đã bắt gặp và đã nhìn nhau trước đây.

 

Làm sao và có ai chuyển hướng được một khối óc mà lúc nào cũng tự kiêu, tự mãn, cho rằng chỉ có mình là nhất mà không hề khuất phục hay lắng nghe bất cứ ai? Không bao giờ nhìn thấy sự thật, cái đẹp, và cái đáng yêu nơi vợ, chồng của mình.

 

Làm sao và có ai khải dẫn được một tâm lý ích kỷ, tham lam, một tâm lý tự ty và tự tôn lúc nào cũng co cụm và bao che cho chính mình. Một tâm lý chỉ biết sống cho mình mà không hề biết sống vì người khác dù người đó là vợ, là chồng hay là con cái của chính mình.

 

Nhưng những điều mà con người tự nhiên không làm được ấy thì đã xảy ra trong những Khóa Nazareth, và đặc biệt trong Khóa Nazareth II vừa qua tại Seatlle.

 

Và như vậy không gọi là “phép lạ” thì gọi bằng gì?!!! Theo Tôma Tiến Sỹ, hoán chuyển được một tâm hồn còn khó hơn làm cho mặt trời mọc ban đêm. Nếu Chúa đã chẳng mở tai, mở mắt, mở trái tim, và mở trí óc của những người tham dự thì làm gì họ có thể nhìn, nghe, hiểu và thổn thức được với những thao thức của vợ hay chồng mình.

 

Nếu Chúa chẳng nâng họ dậy, chẳng lau sạch những vết phong cùi tâm hồn, thì làm gì họ có nghị lực để đứng lên, để tiến lại gần chồng, gần vợ họ, đồng thời nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời nơi món quà yêu quí mà Thiên Chúa đã ban tặng cho họ.

 

Tóm lại, mỗi lần đến với Khóa Nazareth là lãnh nhận thêm hồng ân và có dịp chứng kiến những phép lạ. Hồng ân cho những người hy sinh mở khóa, giúp khóa. Phép lạ đối với những người tham dự khóa. Và đó cũng là lý do mặc dù có những khó khăn về mọi mặt, các Khóa Nazareth vẫn được mở ra, và ở đó, Thiên Chúa tuôn đổ muôn hồng ân. Là nơi Ngài thực hiện những phép lạ vỹ đại, vì Ngài yêu thương các gia đình.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.