Hai Lúa độ này bận lu bu công chuyện không có mặt thường xuyên trong Khóa 14 nên anh chị Gia Trưởng Lê Mừng và Marie Lan nhờ Hoàng Ngự Tửu viết thế.
Thú thật khi nhận lời viết về Khóa Nazareth 14 này, Tửu tôi đã để ý ngay đến các anh chị trong Ban Tổ Chức, Ban Nội Dung, Ban Ẩm Thực, Ban Khánh Tiết và Tiếp Tân. Theo Hoàng Ngự Tửu, các khóa Nazareth không riêng gì khóa này, các anh chị ấy là những người vất vả nhất, mệt mã nhất. Những hy sinh của các anh chị như những sợi chỉ mầu ẩn sau chiếc huy chương thành quả mà các khóa đạt được. Thí dụ như Khóa 14 chẳng hạn, gần đến ngày khai mạc rồi mà còn họp bàn, phân nhiệm hết ngày này đến ngày khác. Cảm động nhất là gia mẫu Marie Lan vào cuối tuần trước ngày Khóa khai mạc lại bị bệnh vậy mà vẫn gắng gượng lo thức ăn, thức uống cho các anh chị em tới nhà hội họp. Đúng là:
… Lan huệ sầu ai lan huệ héo
Lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi…
(Ca dao)
Còn gia trưởng thì được gia mẫu sai chạy như cờ lông công, chạy vắt chân lên cổ. Đã vậy, là gia trưởng nên còn có nhiệm vụ phải ở lại đêm với anh chị em khóa viên nữa: “Mình phải ngủ lại đêm để canh chừng mấy chị, mấy cô dự khóa độc thân hay đi một mình.” Tưởng nói chơi, ai dè gia trưởng nói thật, có điều là đã xin phép gia mẫu trước khi phát biểu, chứ ai dại gì mà xâm mình nói năng vớ vẩn cho vạ miệng.
Tiếp đến là cặp Hòa – Khánh Thi và Sơn – Mai Phượng. Ôi chao. Chỉ còn 2 hôm trước ngày khai mạc khóa mà tài liệu, sách vở ấn loát vẫn còn loạn lên. Thay tên đổi họ, thêm chữ này, bỏ chữ kia… Do mấy đêm mất ngủ để lo cho tài liệu sách vở mà Hòa trông rất thê thảm. Bù lại được lời an ủi của các anh chị em trong Ban Tổ Chức là: “Có gì đâu. Cũng là cách giúp giảm cân thôi. Coi Hòa lúc này thấy nhẹ cân, xuống ký!”
Viết về Ban Tổ Chức mà không viết chút đỉnh về Ban Nội Dung thì kể như thiếu sót. Thực sự, Ban Nội Dung ở khóa này cũng được một phen xách dép mà chạy. Bởi vì Khóa 14 cũng là khóa đầu tiên thí nghiệm khóa viên ngủ hay không ngủ lại ở địa điểm tổ chức, và nhất là nội dung được thu gọn lại gồm 2 ngày Thứ Bẩy và Chúa Nhật. Bài bản phải dàn trải ra sao. Giờ giấc phải xếp đặt như thế nào. Ôi! Có trăm thứ để lo đến bạc đầu!
Rồi, bây giờ Hoàng Ngự Tửu xin trở lại với những cảm nhận về Khóa 14 Nazareth. Và sau đây là những điểm mà chỉ Khóa Nazareth 14 mới có:
1-Đức Cha Mai Thanh Lương, Nguyên Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange đã đến với Khóa và ban lời giảng huấn. Bài chia sẻ của Đức Giám Mục ngắn gọn nhưng mang nhiều ý nghĩa. Theo ngài, hạnh phúc gia đình căn cứ trên 3 yếu tố tuy đơn sơ nhưng rất cần thiết:
-Vợ chồng phải biết tôn trọng nhau.
-Cha mẹ phải biết nhìn, nói và khích lệ những điều tích cực nơi con cái.
-Gia đình phải có giờ với nhau qua cầu nguyện.
Lòng ưu ái của Đức Cha dành cho Gia Đình Nazareth và Khóa Nazareth 14 đã giữ ngài lại, khiêm nhường, nhẫn nại ngồi như một khóa viên để lắng nghe các thuyết trình viên khác, và tích cực tham dự những sinh hoạt với anh chị em trong khóa. Nhìn một vị giám mục trên 80 tuổi mà cũng khua chân, múa tay, xoay qua bên phải, xoay qua bên trái theo từng vũ điệu mới thấy và hiểu được tâm tình hòa đồng, yêu thương ngài dành cho các gia đình, nhất là anh chị em khóa 14.
2-Ngoài Đức Cha Mai Thanh Lương, Khóa 14 còn được hân hạnh đón tiếp linh mục Mai Khải Hoàn trong Thánh Lễ và bài giảng khai mạc. Xoay quanh chủ đề lời thề hôn nhân trong nghi thức thành hôn, linh mục giảng thuyết đã dẫn đưa mọi người hướng về ba yếu tố quan trọng là “Chung thủy” “Yêu thương” và “Tôn trọng”. Đây cũng chính là cốt lõi của đời sống và hạnh phúc hôn nhân Công Giáo. Người ta phải chung thủy với nhau không chỉ trong lúc mạnh khỏe, trẻ đẹp, hưng thịnh, thành đạt, mà còn phải chung thủy với nhau dù khi gặp hoạn nạn, yếu đau, sa cơ, thất thế, và nghèo túng. Như vậy mới chứng tỏ được tình yêu, và đó cũng là dấu chỉ vợ chồng tôn trọng nhau. Bài giảng rất tuyệt vời và được các anh chị em khóa viên rất tâm đắc.
Nhắc đến linh mục Mai Khải Hoàn mà quên linh mục linh hướng Trịnh Ngọc Danh là một thiếu sót. Linh mục linh hướng vì bận mục vụ nên không hiện diện thường xuyên trong Khóa 14, nhưng thánh lễ bế mạc thì ngài đã có mặt. Trong thánh lễ bế mạc, linh mục linh hướng đã diễn giải về tình yêu, về của ăn tâm linh là Thánh Thể qua hình ảnh giếng nước Giacóp. Bài giảng thâm thúy và ý nghĩa đến độ một cụ bà Phật tử sau đó đã nói với người con đi theo bà: “Giảng như thế mới là giảng!” Cảm ơn Thiên Chúa. Cảm ơn Thánh Gia đã ban cho Nazareth vị linh hướng thánh thiện và nhiệt thành với mục vụ gia đình.
3-Vị khách mời đặc biệt, bác sỹ Nguyễn Thanh Tâm, một người giầu kinh nghiệm và hăng say với tuổi trẻ. Qua đề tài “Đối Thoại Giữa Cha Mẹ & Con Cái” được trình bày rất chuyên nghiệp dựa trên những dẫn chứng y khoa, tâm lý, sinh lý cùng với kinh nghiệm của một người mẹ đã thu hút mọi người. Người ta không nghe một tiếng động nhẹ trong hội trường. Điều này đủ để nói lên giá trị cũng như sự cần thiết của nghệ thuật đối thoại và lắng nghe mà cha mẹ cần biết để giáo dục con cái.
4-Không chỉ có bác sỹ Thanh Tâm, Khóa 14 còn được đón tiếp linh mục Scott Nguyễn Hùng Cường, một nhà tâm lý học và cũng là một ca sỹ. Lần đầu làm quen với sinh hoạt Nazareth, linh mục Tiến Sỹ Tâm Lý đã đến với Khóa 14 bằng cách trả lời một số câu hỏi, đặc biệt thuộc lãnh vực tâm sinh lý.
Nếu trong lãnh vực tâm lý nhà tâm lý Scott Hùng Cường tỏ ra tinh thông, thì về phương diện ca hát còn tùy người nghe, tùy nơi, tùy hứng, và tùy bài. Thí dụ, bài “Đừng xa em đêm nay” của Đức Huy mà nghe ca sỹ nghiệp dư này hát thì thê lương không chịu nổi. Chẳng vậy mà gia trưởng Mừng đã có lời nhận xét: “Cha Cường mà đi hát đám ma” chắc được nhiều tiền, vì giọng hát của cha nghe thật thảm não và day dứt.
5-Nội Dung Khóa 14 Nazareth lần này mang nặng giá trị chuyên môn:
Thí dụ bài phân tích về ảnh hưởng não bộ trong việc tiếp nhận và chuyển hóa phản ứng tâm sinh lý trong lúc “Đối Thoại Giữa Cha Mẹ & Con Cái”. Theo cái nhìn chuyên môn thì đây là một hình thức ứng dụng tâm lý đối thoại giữa cha mẹ và con cái (apply the communication psychology between parents and children). Tiếp theo là bài “Đối Thoại Trong Hôn Nhân” của gia trưởng Lê Mừng, MA., và Marie Lan, MFT. Đây cũng là một lối ứng dụng tâm lý đối thoại giữa vợ chồng (apply the communication psychology between husband and wife) thật tuyệt vời. Đúng ra cha mẹ và con cái, vợ chồng phải lắng nghe và nói với nhau như những gì đã trình bày thì mọi chuyện sẽ được giải quyết êm xuôi. Thêm vào đó, những phân trích và trình bày về tâm lý khác biệt giữa vợ chồng, và ứng dụng tâm lý giáo dục của tiến sỹ Trần Mỹ Duyệt cũng mang những giá trị ứng dụng thuộc lãnh vực chuyên môn.
Ngoài ra, những chia sẻ cảm nghiệm thực tế về tình yêu, hôn nhân, và gia đình gồm: “Vợ Chồng Quà Tặng Chúa Ban”, “Sinh Lý Trong Hôn Nhân” được trình bày do anh chị Nguyễn Văn Nhuệ -Thu Nhi. “Ảnh Hưởng Xã Hội Ðối Với Ðời Sống Vợ Chồng” do anh chị Lễ – Vân. Và “Hoà Giải Với Nhau & Tha Thứ Cho Nhau” do anh chị Hiển – Phương.
Đó là những đề tài không những nói về vẻ đẹp, sức hấp dẫn, thu hút của tình yêu ở cái thuở “ban đầu lưu luyến ấy”, mà còn cho thấy những khó khăn, thách đố, cám dỗ của bạn bè, của xã hội, của những kỹ thuật tân tiến thời đại; đồng thời cho biết làm thế nào để vợ chồng có thể tìm ra những cách thế để hòa giải và tha thứ cho nhau mỗi khi gặp chuyện bất bình đưa đến nghi kỵ, hiểu lầm và tranh cãi.
Và cảm nghiệm về con cái: “Con Cái Quà Tặng Chúa Ban & Cảm Nghiệm Giáo Dục Con” do Phó tế Trần Vân. Một đề tài đã lấy được nhiều giọt nước mắt của những người làm cha mẹ. Nó đã xoáy sâu vào trái tim của người cha, của người mẹ khi phải đối diện với những thực tế phũ phàng trong lúc nuôi nấng, giáo dục con cái.
Cũng như cảm nghiệm về đời sống tâm linh: “Ðồng Hành Với Chúa” do anh chị Hòa – Khánh Thi. “Gia Đình Bên Chúa” do anh chị Kỷ – Cậy. Đây là hai đề tài nòng cốt hướng về tâm linh và đời sống đạo cá nhân cũng như gia đình. Chỉ khi nào con người biết đồng hành với Chúa, biết đặt gia đình trong vòng tay yêu thương, quan phòng của Chúa, của Thánh Gia, lúc đó tâm hồn mới được bình an, “Có Chúa chăn dắt tôi, tôi nào còn sợ chi”, và gia đình mới được hòa thuận. “Gia đình cầu kinh. Gia đình bình an.”
Sau cùng là thành quả của Khóa. Để hiểu được thành quả như thế nào, chỉ cần nghe qua vài cảm nhận của các khóa viên cũng đủ để hiểu, để biết Khóa học đã mang lại những gì và người tham dự đã gặt hái được những gì? Một cặp vợ chồng mới từ Việt Nam qua tham dự đã phát biểu: “Từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ vợ chồng chúng tôi tham dự một buổi hội thảo, một cuộc tĩnh tâm và học hỏi như thế này”. Và một chị đi độc thân đến từ Virginia là người cười nhiều nhất, cười to nhất trong Khóa. Nhưng trong chỗ riêng tư mới hay, chị cũng là người mang rất nhiều tâm sự đến với Khóa. Và cũng nhờ tham dự Khóa Nazareth 14, chị đã tìm lại ý nghĩa của cuộc sống. Còn lại tất cả các khóa viên khác, ai ai cũng cảm thấy mình thật may mắn vì được tham dự Khóa Nazareth 14.
Với những thành quả như trên, Khóa Nazareth 14 đã là một chuyển đổi quan trọng cho hướng đi tương lai của Gia Đình Nazareth.
18-19, tháng 3 năm 2017
Hoàng Ngự Tửu
Views: 0