Thời gian :
Từ 5:00 PM Thứ Sáu ngày 03 tháng 8 năm 2012
đến 5:00 PM Chúa Nhật ngày 05 tháng 8 năm 2012.
Ðịa điểm:
St. Mary-on-the-Lake Peace & Spirituality Center
1663 Killarney Way, Bellevue, WA 98004
Tôi như có duyên với Seattle, xứ sở luôn luôn mang đậm nét màu xanh (ever green). Tôi thích nhất được đứng trên ban công của trung tâm tĩnh tâm các nữ tu dòng Thánh Giuse mà ngắm nhìn mặt hồ Washington lăn tăn lượn sóng mỗi lúc chiều về. Những cây thông thẳng tắp soi mình dưới mặt nước hồ phản ảnh những sợi nắng vàng như những đôi tình nhân đang âu yếm, nồng nàn, đan tay tung tăng dạo bước trên mặt hồ.
Tôi đến với Nazareth ở Seattle là do vợ tôi “xui dại”. Nhưng cũng từ cái dại ấy nên tôi đã học được câu châm ngôn rất thực tế: “Bà xã tôi bao giờ cũng đúng” trong Khóa 2 Nazareth năm ngoái. Ngẫm nghĩ lại đàn bà thế mà hay. Mà không hay sao được, họ được tạo dựng nên bằng xương sườn của đàn ông, còn đàn ông thì được Chúa nắn bằng “đất”. Chính vì vậy mà nhiều lúc cũng ngu như “đất”. Nhất là những khi đứng trước các cô gái đẹp. Í quên! Trước mặt vợ!
Cũng nhờ tham dự Khóa 2 Nazareth, nên mối thân tình nối kết chúng tôi với nhau, và với Ban Tổ Chức; đặc biệt là thầy cô sáu Mậu ngày càng thêm thắm thiết. Do đó, bằng mọi giá tôi nhất định phải đến với Khóa 3 lần này để cùng với anh chị em trao đổi, học hỏi thêm, và cũng để nếu cần gì thì Ban Tổ Chức có thể sai vặt.
Vừa gặp tôi là thày sáu Mậu đã kéo ra một góc vườn. Thày nói:
– Ở Orange, Hai Lúa vừa viết bài tường trình về Khóa 5 Nazareth hay quá, nhiều truyện vui và dí dỏm được nhiều người thích lắm. Vậy ở Seattle, Washington lần này anh Tửu giúp mình ghi lại một vài hình ảnh để mọi người cùng cảm tạ Chúa nha. Ráng giúp anh chị em ở trên này để ít ra cũng nở mày, nở mặt một chút.
– Thưa thày, em biết đến đâu viết đến đấy. Em hy vọng là mọi sự sẽ tốt đẹp và tuyệt vời. Thày không thấy bầu khí như đang sôi lên trong buổi chiều nắng đẹp như hôm nay sao. Nhìn anh chị em tham dự khóa vui tươi hớn hở làm em nhớ đến Khóa 2 của em. Em thèm có bà xã cùng đi với em hôm nay, kẹt một nỗi là sở nó không cho nghỉ. Nó bảo là nếu nghỉ thì cứ nghỉ, những khi về thì không bảo đảm là còn job. Nó nói như vậy thì ai mà dám liều mạng.
– Không sao, có Hoàng Ngự Tửu đến với anh chị em là được rồi. Vậy nhá, mình đang bận một chút lúc khác rảnh sẽ nói thêm.
Nói rồi thày biến mất! Tửu một mình thơ thẩn dạo bước quanh khu vực tổ chức khóa, nhìn lại từng tàng cây, từng phiến đá, nhất là mặt nước trong xanh, im lặng của hồ Washington, mỗi thứ đều làm mình ôn lại những kỷ niệm của một năm trước khi vợ chồng cũng đã đến nơi này, và đã trải qua những kinh nghiệm rất quí giá chưa từng có trong cuộc đời hôn nhân của mình. Chúng tôi đã học được những bài học quí giá, sống động về đời sống vợ chồng, về những giao tiếp và cách đối xử với nhau, cũng như cách thức giáo dục con cái mà riêng cá nhân tôi vẫn tự hào là đã biết.
Linh đạo của Nazareth là “tái khám phá và phục hồi giá trị và vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân”, vì thế trong ba ngày cuối tuần ấy vợ chồng đã có dịp nhìn lại vẻ đẹp đã từng quyến rũ chúng tôi, đã từng hấp dẫn và đưa chúng tôi lại với nhau trong tình yêu vợ chồng. Ôi! Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy đẹp làm sao! Thú thật, nếu không có những dịp như vậy, chúng tôi cũng chẳng có bao giờ ngồi lại với nhau để xem coi cái tình mình nó đẹp, nó mơ, nó hấp dẫn, nó mê ly như thế nào! Chính vì vậy, hôm nay khi nhìn thấy các anh chị em tham dự khóa, tay trong tay đến với nơi này để vợ chồng cùng nhìn lại tình yêu của họ, và cùng nhìn về tương lai gia đình, con cái họ, lòng tôi lại rộn lên một cảm tình và bồi hồi xúc động.
Việc tổ chức khóa thì cũng như lần trước, dĩ nhiên, rất chu đáo và thân mật. Chính trong cái chu đáo và tận tình ấy, tôi hình dung ra sự vất vả, hy sinh của các anh chị em trong Ban Tổ Chức như thế nào. Thật ra, chẳng cần phải hình dung gì cho mệt óc, chỉ cần nhìn thấy mọi việc đều được lo toan chu đáo từ nơi ăn, chốn ở, từ miếng cơm, ly nước, đến việc đưa đón tất cả đều được phục vụ tận tình “với nụ cười thật tươi” của từng anh chị em trong Ban Tổ Chức, Ban Ẩm Thực, Ban Tiếp Tân… và các anh chị em trong Gia Đình Nazareth Seattle là đủ thấy vất vả rồi. Xin bật mí tí thôi, muốn ăn ngon và bổ dưỡng thì đừng quên đến với Khóa Nazareth. Ai chứ cô Cúc, phu nhân của Phó Tế Mậu mà đứng vai đầu bếp chính thì khỏi chê. Khóa này mọi người đều no nê với những món bún, chè, và bánh mà chỉ có trong Khóa Nazareth. Một khóa viên đã tâm sự: “Sau khóa này em phải diet rồi! Ăn ngon và hấp dẫn quá thì ai mà từ chối cho nổi!”
Trước khi bàn về những chuyển đổi tâm linh của các khóa sinh, tưởng cũng nên nhắc sơ qua về một vài nét nổi bật của Khóa này:
Thành phần giảng huấn cũng như hai Khóa trước, bao gồm các giảng viên trong Ban Nội Dung đến từ California. Đặc biệt lần này có anh chị Lê Mừng và Marie Lan, Gia Trưởng Gia Đình Nazareth Orange cũng có mặt để chia sẻ. Ngoài ra, khóa học còn hân hạnh đón tiếp linh mục Đặng Trung Nghĩa dòng Tên, Giáo Sư Kinh Thánh Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hànội.
Những nét đặc biệt kế tiếp là trong Khóa có cặp vợ chồng bác sĩ mới đến từ Việt Nam. Một cặp ứng viên Phó Tế, thày sẽ chịu chức vào tháng 10 sắp tới. Một cặp vợ chồng trẻ năm ngoái đã tham dự Khóa II, nay trở lại với hoa quả Thánh Gia ban là người vợ đang mang thai một bé trai được 6 tháng. Một cặp ông bà tuy đã lão, nhưng “tâm bất lão”, bị con cái là những người đã tham dự Khóa II trước “dụ khị” cùng tham dự. Đặc biệt là 4 mỹ nhân miền sông Hương núi Ngự người một nhà đã kéo theo 4 chàng rể cùng tham dự, lập thành ban hợp ca “Tứ cô nương” hát hay, đàn giỏi. Một số trong thành phần tham dự có gốc gác nhà tu mà nay được gọi là những người theo trường phái “Bonaventura” – Bo-na-ven-tu-ra, Chúa gọi nhưng “gái” chọn, vẫn còn in nét nghiêm trang, thánh thiện như thuở nào. Ngoài ra còn có ca sĩ, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, và họa sĩ cũng tham dự.
Nhưng bàn về kết quả của việc chuyển đổi tâm linh thì phải đề cập đến phần nội dung phong phú và cũng rất hấp dẫn của khóa. Để được như vậy, dĩ nhiên, cũng là do lòng hăng say của thày phó tế, của từng anh chị em trong Ban Nội Dung cả ở Orange lẫn Seattle. Nhất, là lời cầu nguyện và hy sinh của đại Gia Đình Nazareth ở Hoa Kỳ cũng như tại Việt Nam. Nhờ nội dung sâu sắc, các đề tài phong phú và đi vào thực tế mà thời gian qua mau. Nó không giống như bất cứ những buổi hội thảo hoặc tĩnh tâm nào mà bản thân tôi đã từng tham dự trước. Kinh nguyện hoà với kinh nghiệm và lòng nhiệt thành, đây là những gì nội dung khóa đã cho tôi và tôi tin là cũng trao cho các khóa viên Khóa III Nazareth này. Đặc biệt những bài giảng huấn trong thánh lễ khai mạc, thánh lễ hòa giải, và thánh lễ sai đi của linh mục linh hướng Trịnh Ngọc Danh. Cha không chỉ giảng thuyết hay, mà đàn ca cũng hay. Ở đâu có cha là có tiếng đàn, tiếng hát, và có những nụ cười cởi mở, rạng rỡ.
Êm ái và dịu ngọt biết bao những giây phút bên Chúa Giêsu Thánh Thể! Như những con nai khát nước mong tìm đến dòng suối mát. Nhiều tâm hồn đã mòn mỏi trên hành trình cuộc sống, lang thang trong sa mạc cuộc đời, trên vai chồng chất nhiều lo toan, tính toán. Nhưng khi đã đến với Chúa Giêsu, đến với dòng suối mát ân sủng thì đều được Ngài bổ sức, làm tươi mát tâm can, nhẹ vơi những gánh nặng kiếp người. Thời gian bên Dòng Suối Thánh Thể qua rất mau, khi những ánh nến lung linh chiếu trên từng khuôn mặt trước đó cằn cỗi vì đau khổ, mà chỉ trong ít phút với Chúa đã trở nên vui mừng, hân hoan, và đầy tin tưởng.
Ngoài những thời khắc qua mau bên Dòng Suối Mát Thánh Thể, tại hội trường tất cả lúc cười vang, lúc im lặng, nghiêm chỉnh nghe, và suy nghĩ lại tầm nhìn, suy tư và lối sống của chính mình qua những đề tài rất thực tế, hấp dẫn được trình bày một cách chuyên nghiệp. Người xưa bảo: “Đi ngày đàng, học sàng khôn” quả không sai. Không biết các khóa sinh khác sao, chứ riêng bản thân tôi dù đã nghe qua những đề tài thuyết trình năm ngoái, nhưng năm nay nghe lại vẫn thấy mới. Càng học lại càng thấy mình cần phải học là vậy. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý tưởng cho rằng đời sống hôn nhân, hạnh phúc hôn nhân không tự đến với mình qua bí tích hôn phối hay qua tờ giấy hôn thú. Để có hạnh phúc thì mỗi người, dù là chồng hay vợ phải có công xây dựng, và cùng nhau xây dựng. Xây dựng bằng kinh nghiệm cá nhân cũng như bằng việc chăm lo học hỏi. Ngồi đó mà chờ hạnh phúc đến là một nhầm lẫn. Kể cả việc giáo dục và hướng dẫn con cái cũng vậy. Ai chứ như Hoàng Ngự Tửu đây phải tự thú rằng giáo dục con cái là một thách đố vô cùng lớn lao, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và học hỏi.
Nhưng như thày sáu Mậu đã lưu ý, Hoàng Ngự Tửu tôi cũng bắt chước Hai Lúa ghi lại vài chuyên vui xảy ra trong Khóa. Gia Đình Nazareth là vậy. Tinh thần Nazareth là: vui tươi, thân thiện, và nhiệt tình.
Truyện đầu tiên tôi muốn ghi lại, đó là truyện cô sáu Cúc. Nghe đâu từ ngày có thông cáo mở khóa đến giờ cô ăn chay trường, ngày đêm cầu xin để thày sáu Mậu khỏi phải “sói đầu”. Hoàng Ngự Tửu tôi biết được chuyện bí mật này là do chính thày bật mí. Đại khái thày kể rằng có lẽ Chúa có tính đùa giai, nên cứ chờ đến phút chót mới ra tay. Hay có thể Chúa nghĩ rằng làm phép lạ là quyền của Ngài, nên đợi đến phút chót mới soi lòng, mở trí cho có nhiều người tham dự. Thày Mậu cho biết thêm, cứ như tình trạng 3 tuần lễ trước ngày khai mạc khóa thì đúng là thày phải lo đến “sói đầu”. Leo teo chỉ mấy cặp ghi danh thì làm sao mà mở khóa?!!! Chỉ nghĩ đến đó cũng đã thê thảm rồi! Dĩ nhiên, thày càng rụng tóc, thì cô sáu càng buồn, vì thế mới có chuyện là cô sáu ngày đêm cầu xin để thày sáu khỏi “sói đầu”. Nghĩ lại ở đâu cũng vậy, anh chị Mừng-Lan mới lên làm Gia Trưởng ở Orange, và lần đầu tiên lo cho Khóa 5 anh đã mất luôn mấy ký. Riêng chị Lan thì lo đến sốt rét và mất tiếng cho tới vài ngày trước khi đi Seattle mới khỏi.
Nhưng nhắc đến cô Cúc và thày Mậu thì không ai trong Gia Đình Nazareth Seattle, và cách riêng Khóa III này mà không nhớ đến tiếng gọi ngọt ngào cô dùng để gọi thày “Honey”. Honey ơi! Em thương mình quá. Tội nghiệp, mình vất vả quá! Một khóa viên đã bỏ không gọi chồng là “honey” cả 6 tháng, nay nghe vậy đã hứa sẽ bắt đầu gọi lại. Cám ơn cô sáu. Cám ơn “honey” của anh và của em.
Nhưng vui nhất có lẽ là giờ trình bày về nghệ thuật cảm thông của anh chị Mừng-Lan. Sau đề tài này anh chị được cái nickname là chuyên viên “cãi lộn”. Nghe anh chị diễn tuồng cãi lộn “sống” và “xuất thần” quá mà mọi người cả dưới bếp cũng bỏ chạy lên xem trên hội trường có ai đó đang chửi lộn, một vài người đang định lấy cell phone kêu 911. Cái hay của tuồng chửi lộn này là sống động, thực tế mà giống hệt như bất cứ đôi vợ chồng nào đã từng trải qua. Và cái hay kế tiếp là anh chị đã phân tích, hướng dẫn những diểm tiêu cực, tích cực để làm thế nào vợ chồng nói chuyện được với nhau, hiểu nhau mà không cần phải cãi lộn.
Anh chị Sơn-Phượng thì trở thành chuyên gia “mở quà” qua đề tài Con Cái Quà Tặng Chúa Ban. Nhờ tài khéo mở của anh chị mà mọi người đều có cơ hội nhận ra, đón nhận những người con Chúa ban dù chúng được gói ghém dưới bất cứ vỏ bọc nào: bệnh tật, yếu đuối, bình thường hay bất thường… Sau khi nghe anh chị dậy cách mở quà, trong ít phút giải lao đã rấy lên một làn sóng thắc mắc: Không biết khi Chúa tặng Eva cho Adam thì ông mở cái gì, vì nghe rằng món quà để nguyên con không gói ghém…
Vui hơn nữa và có nhiều ấn tưởng hơn nữa là anh chị Nhuệ-Thu Nhi, biệt danh chuyên gia “phòng the”. Nghe anh chị trình bày về những hạnh phúc, phức tạp, và khó khăn trên cái giường mọi người không ai ngủ gật được, phòng hội vang lên những tiếng cười thoải mái. Nhưng sau đó cũng có những ý kiến, đại khái: “Tiếc quá, giá anh chị cho vài thí dụ thực hành thì sẽ dễ nhớ hơn!”. Đề nghị Ban Nội Dung và Ban Tổ Chức cứu xét kỹ hơn ý kiến này trong những khóa kế tiếp, vì dầu sao trăm nghe không bằng một mắt thấy. Có lý thuyết và cũng có thực hành dù sao cũng dễ lĩnh hội và dễ nhớ hơn.
Nói đến những phần trình bày đạo đức có lẽ không ai hơn anh chị Hòa-Khánh Thi. Gì chứ hướng dẫn mọi người đến với Chúa Giêsu bên dòng suối Thánh Thể, và giúp cho gia đình cùng đồng hành với Ngài là nghề của chàng và nàng. Tôi quan sát trong những giờ phút ấy đã có những giọt nước mắt trên má một số tham dự viên. Tìm được những giọt nước mắt như vậy không phải là chuyện dễ. Bởi thế anh chị được tặng cho biệt danh là “mít ướt”.
Sau cùng là chuyện của anh Duyệt, biệt danh “kinh nghiệm xương máu”. Nghe anh nói với các ông qua kinh nghiệm xương máu của mình: “Cãi với các bà thua thì ngủ sa-lông mà được cũng ngủ sa-lông” tôi thấy đúng i chang. Nhất là khi nghe anh nhắc đến triết lý “tha nhưng không quên” của các bà thì xem như ai cũng “lạnh xương sống”. Chuyến này sau khóa Nazareth về bố bảo anh nào dám “lơ mơ” chuyện lớn, chuyện nhỏ với các bà. Riêng hai chữ “từ từ” của anh nếu đem áp dụng vào việc giáo dục con cái thì hữu hiệu chứ mang vào cái chuyện “ấy” thì xem như không “thực tế” lắm. Những lúc như vậy mà từ từ thì còn làm ăn gì được. Nhưng nghĩ cũng phải vì nếu cái “oven” của người ta chưa nóng thì mình đành phải “từ từ’ ngồi chờ chứ biết làm sao?!!!
Tóm lại, nếu Khóa 5 Nazareth ở Orange được coi là tuyệt vời, thì Khóa 3 ở Seattle cũng tuyệt vời. Tất cả đều là hồng ân.
Lạy Thánh Gia xin cho chúng con giữ mãi được ngọn lửa tình yêu mà chúng con đã lãnh nhận để hạnh phúc gia đình chúng con ngày càng ấm áp, nồng nàn, và tốt đẹp. Amen
Views: 0