Uncategorized

Khóa 11 Nazareth tuyệt vời

Thông thường cái gì nhất, cái gì hay, cái gì đẹp thì người ta gọi là “số một” (1), nhưng Khóa Nazareth lần này mang hai số một nên dĩ nhiên phải gọi là Khóa Tuyệt Vời. Tuyệt vời vì có tới hai lần một!

Thông thường cái gì nhất, cái gì hay, cái gì đẹp thì người ta gọi là “số một” (1), nhưng Khóa Nazareth lần này mang hai số một nên dĩ nhiên phải gọi là Khóa Tuyệt Vời. Tuyệt vời vì có tới hai lần một!

Phải tham dự từ đầu đến cuối mới thấy cái nhất, cái đẹp, cái hay của Khóa Nazareth 11 này. Những cảm tưởng, ghi nhận được từ các khóa viên phát biểu trước khi mãn khóa đã là bằng chứng cụ thể về cái tuyệt vời của nó. Sau đây chỉ là một cảm tưởng của một khóa viên nói về những gì mình đã cảm nghiệm, đã gặt hái được trong khóa: “Phải đích thân tham dự mới cảm được, mới thấy cái tuyệt vời mà Khóa đã mang lại cho người tham dự, trong đó có tôi. Những cảm nghiệm này dù có ghi lại bằng video hoặc hình ảnh cũng không lột tả một cách sống động, đầy đủ được.” Trong cảm xúc, anh nói tiếp: “Tôi đã nghe nói nhiều về các khóa Nazareth, và cũng đã nghiên cứu về sinh hoạt của Gia Đình Nazareth trên facebook và trên trang website của Nazareth, nhưng chính khi đích thân tham dự khóa Nazareth tôi mới thực sự “khẩu phục, tâm phục” đúng với ý nghĩa của từ ngữ”.

Nói về thành quả, về những giá trị của các Khóa Nazareth qua những phát biểu của các tham dự viên như trên cũng đã đầy đủ, nói nhiều sợ người ta cho là mình nói “dóc”, nói “khoác”, và “nổ”. Như vậy sẽ “phản tác dụng” và đem đến những suy nghĩ tiêu cực về các Khóa Nazareth. Vì thế, các đàn anh cũng nhắc nhở Hai Lúa là phải biết “tự chế”, cứ để vậy cho thiên hạ “come and see” thì hơn.

Nhưng không viết ra một vài điểm son đặc biệt của khóa cũng là một thiếu sót, và tay chân cũng thấy ngứa ngáy. Thí dụ, trong khóa này có những anh chị không cùng tôn giáo. Họ đã đến với khóa vì nghe bạn bè quảng cáo kỹ quá. Cũng may là những anh chị này lại thấy mình được nhiều ơn khai mở tâm trí nên đã rất lấy làm mãn nguyện. Một chị cho biết: “Đi khóa này em không lỗ vốn nhưng có lời, mà lời nhiều. Ông xã em xưa nay rất “dị ứng” với những tổ chức như thế này, nhưng hôm nay thì lại không muốn về nữa.” Thiện tai! Thiện tai! Thêm vào đó, khóa có nhiều tham dự viên từ xa đến tham dự nhất: Người đến từ Antelope, San Jose, Corona, và gần nhất cũng từ Aliso Viejo. Có cả những anh chị mới từ Việt Nam sang chưa đầy một năm nữa. Và đây cũng là khóa mà những tham dự viên đa số là người trẻ, và nhiều ca sỹ nhất. Ngoài ra, Đức Cha Mai Thanh Lương đã uu ái đến dâng thánh lễ bế mạc và ban lời giảng huấn.

Tự chế như vậy nghĩ cũng tạm đủ, sau đây Hai Lúa xin kể chuyện bên lề cho vui nha. Đối với Hai Lúa mỗi khi viết về các khóa Nazareth, Hai Lúa thích nhất cái mục “lang thang nhìn đời” vì biết là nó sẽ làm cho bà con vui và cười nhiều:

Anh hùng lao động: Trước khi tham dự khóa Nazareth, tâm lý chung của mọi người là hoài nghi và tìm cách từ chối. Nếu không từ chối được thì phần lớn tham dự cũng là miễn cưỡng, bất đắc dĩ. Thí dụ, đi tới những tổ chức đó làm gì? Gia đình mình đang ngon như vầy mắc mớ gì phải tới những chỗ đó! Hoặc đi cho ông xã vui, cho bà xã đỡ nhăn nhó, hay đi cho biết để về có bằng chứng mà phê bình. Với những tâm trạng như thế nên việc mời gọi được một cặp tham dự khóa là cả một vấn đề, mặc dù đó là ích lợi cho chính họ và gia đình họ. Chính vì vậy, giải thưởng danh dự và cao quí nhất được trao tặng sau mỗi khóa là “Giải Anh Hùng Lao Động” lần này được trao tặng cho anh chị Kevin Vũ & Lan Hồ. Anh chị đã mời gọi được 5 cặp cùng tham dự Khóa Nazareth 11 lần này. Giải Anh Hùng Lao Động là một giải thưởng dành cho những ai đã hy sinh, vất vả trong việc mời gọi người tham dự Khóa.  Hoan hô anh chị Kevin-Lan. Hoan hô những “anh hùng lao động”.

Ca sỹ không thiếu: Không ngờ là Khóa Nazareth 11 lần này qui tụ nhiều ca sỹ với những chất giọng điêu luyện, và lối trình diễn chuyên nghiệp đến thế! Hỏi ra mới biết họ là những ca sỹ trong các ca đoàn nhà thờ. Có người không những vợ chồng cùng hát trong ca đoàn, mà còn kéo theo con cái vào hát nữa. Cả nhà hát như vậy nên hát hay là cái chắc! Vì có nhiều ca sỹ nên phần văn nghệ trong bữa trưa Thứ Bẩy và Chúa Nhật mọi người đều bị thu hút, say mê qua những bản tình cả, dân ca mùi mẫn. Ca sỹ khóa viên có, ca sỹ cựu khóa viên có cứ thế mà làm cho bầu khí ngày càng thêm sôi động không thua gì những Đêm Paris By Night hoặc Asia. Có ca có hát nên chắc chắn là có múa nhẩy. Nhìn từng đôi từng đôi quấn quit bên nhau qua điệu Slow mùi mẫn, tình tứ qua điệu Bolero, lãng mạn qua điệu Tango, và nóng bỏng quay cuồng với điệu Cha cha cha, anh chị Nhuệ-Nhi thấy sốt ruột, lẩm bẩm nói với nhau: “Mình có chút vốn liếng dành cho tối thứ Bẩy để nói với bọn chúng làm thế nào mà “yêu nhau hơn” và “yêu nhau mãi” thế mà bây giờ chúng đã làm trước như vậy thì chắc vợ chồng mình thất nghiệp mất”! Nhưng cũng nhờ có nhiều kinh nghiệm và những bí quyết gia truyền, nên nghệ thuật “phòng the” của anh chị vẫn chinh phục được hàng loạt tiếng cười, và sau đó thì ai ai cũng phải khen anh chị là “rất công dụng”, hữu hiệu còn hơn cả Viagra, Cialis, hoặc những thang thuốc “ông uống bà khen” khác.           

Lộn chuồng: Thông thường khi ghét ai quá hoặc thương ai quá người ta cũng hay nghĩ đến người đó. Thương thì nghĩ đến, nhớ đến để thương hơn, còn ghét thì nghĩ đến, nhớ đến, hoặc nói đến để tăng thêm “mối căm hờn”, và để mong sao “giết được người trong mộng”. Chuyện như thế mà cũng xảy ra trong Khóa này. Số là khi họp nhóm với nhau, một em đã mau mắn giới thiệu: “Dạ em tên là Thiệt, ông xã em tên là Thà.” Vừa nghe vậy, mọi người đều nhìn vào bảng tên đeo trước ngực và nói to: “Lộn chuồng rồi. Thiệt là tên ông xã bà”. Thế là cô em bẽn lẽn xin lỗi ông xã và nói lại “Dạ vợ chồng em tên là Thiệt Thà”, nói trước nói sau bọn em cũng rất thiệt thà. Em nói thiệt chớ lần nào em bước lộn qua chuồng của ảnh, ảnh cũng đều dzui hà!  

Bí…quá: Nhưng nếu đã cố tình bước lộn chuồng mà cửa bị khóa thì “hổng dzui” chút nào. Số là trong khi mọi người đi ăn trưa, ban tổ chức cẩn thận khóa cửa phòng sinh hoạt và cửa lên các phòng ngủ lại. Nhưng thật là tội nghiệp, hai trẻ “măng non” vào bữa trưa hôm đó bỗng nhiên biến mất khỏi phòng ăn. Tìm ra mới thấy “hai em” đang tay trong tay dìu nhau “từng bức từng bước thầm” đi tìm cửa vào phòng sinh hoạt. Hỏi ra mới biết, vì cửa vào các phòng ngủ bị khóa, nên tìm cách vào phòng họp vì chỉ có ở đó mới có restroom. Trong lúc loay hoay đi tìm lối vào, em này yên ủi em kia, “cố lên, ráng lên chút xíu để đền tội và cầu xin cho các khóa viên. Nếu bí quá chịu không nổi, thì tìm đại gốc cây nào cũng được”. Cũng may, vừa lúc đó giờ ăn trưa chấm dứt, mọi người tiến vào phòng sinh hoạt, và những người với khuôn mặt rạng rỡ, mau mắn nhất bước vào phòng họp đầu tiên không ai khác chính là “hai trẻ đi lạc”. Tội lỗi! Thiệt là tội lỗi. Lần sau xin đừng khóa phòng họp vì làm như thế là rất “bí”. 

Tuyệt chiêu: Kể chuyện vui mà không pha chút vị “mặn” thì chuyện kể hết phê. Chính vì thế mà Hai Lúa không thể không kể câu chuyện này. Số là sáng Chúa Nhật trong lúc xếp hàng đi về phía phòng ăn để điểm tâm sáng, một khóa viên nam đã tiến lại gần hai giảng viên lão thành, mặt mày hớn hở và nói: “Bài học của hai lão tiền bối mang lại hiệu quả tức thời và tốt lắm. Tối qua, hậu bối đã thực hành các chiêu thức được dậy, và hậu bối thấy rất tuyệt chiêu. Chỉ tiếc là chiêu “đọc kinh trước và sau hậu bối chưa nhuần nhiễn lắm." Nghe vậy, một vị đã xua tay và nói: “Kể làm chi để ta mắc thèm. Còn chiêu thức cầu nguyện thì chính lão tiền bối đây cũng quên sót nhiều lần. Những lúc tinh thần lên cao, oven nóng, microware tốt thì cứ việc mà xuất chưởng thôi chứ, miễn sao happy ending là được. Nhưng nhớ chưởng ‘đầu tư’ thì phải khổ luyện mới được. Thiếu kinh nghiệm và vốn liếng về chưởng này thường đa số là thất bại.”                                             

“Bằng ngày mắc cở. Tối ở quên về”: Chuyện hai trẻ lạc lang thang tìm restroom nhắc lại chuyện hai khóa viên “đặc biệt” nhất trong khóa. Nơi hai khóa viên này có nhiều cái đặc biệt, như đến từ nơi xa xôi nhất, mãi tận Antelope một thành phố còn xa hơn Sacramento. Là hai khóa viên có tuổi đời cao nhất và tuổi thành hôn lâu nhất. Sơ sơ hai người đang chuẩn bị mừng 50 năm thành hôn. Nói theo kiểu Trịnh Công Sơn thì 49 năm nội chiến từng ngày, vậy mà nhìn kỹ lại thấy trẻ nhất và yêu đời nhất. Không biết ở những nơi kín đáo thì sao, chứ xuất hiện nơi công cộng mà lúc nào cũng “tay trong tay”, và lâu lâu lại “môi kề môi” nồng nàn, tình tứ khiến Hai Lúa cũng phát thèm, nuốt nước miếng. Hai Lúa thấy có lần người này muốn kiss người kia một cái mà người kia hổng chịu. Thấy vậy người này bèn nói: “Bằng ngày mắc cở. Tối ở quên về”.

Tuổi trẻ và bọn hậu sinh nhìn thấy mà biết mình thua xa. Thật ra, với kinh nghiệm chiến trường và hẳn là cũng đã thương tích cùng mình mà vẫn vui vẻ, sống trẻ bên nhau thì đó là một tấm gương rất đáng giá cho hậu thế. Chắc chắn tham dự Khóa lần này, hai người không phải để tìm giải pháp ngưng bắn hay chấm dứt chiến tranh, mà là để làm gương sáng cho con cháu. “Nhân lão tâm bất lão”. Đáng kính. Thật là đáng kính!   

Cho xin miếng nhạc: Nhưng nhắc đến sinh hoạt hay các khóa Nazareth mà quên không nhắc đến linh mục linh hướng Trịnh Ngọc Danh thì thật là tội lỗi.

Ai cũng biết linh mục Danh trẻ, đẹp, vui tính, cởi mở, và dĩ nhiên là đạo đức. Ngoài cái tính mê giảng và nói về Chúa, ngài còn mê nhạc, mê hát nữa. Nói nhỏ mà nghe thôi, đừng để ngài nghe và cũng đừng nhắc lại nha, trong những Khóa Nazareth hoặc những sinh hoạt Nazareth mà không cho ngài hát, hoặc không được hát là bảo đảm bị ngài “giận dỗi” đấy. Tối hôm đó về nhà có người mất ngủ đấy. Không chỉ là hát hay, hay hát, ngài còn có tài giả tiếng của nhiều ca sỹ chuyên nghiệp như Chế Linh, Duy Khánh … Trong Khóa này cũng vậy, biết là “thời giờ đã hết”, nhưng vì sực nhớ còn một bài tủ nên ngài cũng vẫn xin thêm miếng nhạc để hát tiếp.

Theo thánh Augustine: “Hát là cầu nguyện hai lần”, nên chi cha linh hướng thích hát, và mê hát. Cầu mong cho cha cứ mê hát thánh ca như vậy mãi mà đừng mê thêm cái gì khác vì đó cũng là điều mà Gia Đình Nazareth rất lấy làm sung sướng, và luôn cầu nguyện cho cha. 

 

Tóm lại, như Hai Lúa đã dạo đầu là Khóa Nazareth 11 này là một khóa rất đặc biệt quả không ngoa. Nhưng nó đặc biệt như thế nào, thì cứ tìm gặp một người đã đi qua khóa để xin kể lại cho mà nghe. Hoặc nếu muốn, lần sau tự mình tham dự một khóa thì sẽ biết.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.