Uncategorized

“Khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe”: Ý nghĩa một lời thề!

Nếu không vì tình yêu và cái thu hút mạnh mẽ của nó đố ai dám liều mạng hứa với nhau một lời hứa mà các cặp vợ chồng Công Giáo vẫn thường làm khi dắt nhau lên trước bàn thánh:

“Anh/Em… nhận em/anh… là vợ/chồng và hứa với em/anh lúc ốm đau cũng như khi mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng em/anh suốt mọi ngày trong đời anh/em.”

Nhất nữa là khi nghe cha chủ tế khi dùng Lời Chúa như đinh đóng cột mà phán: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.”

Nếu không vì tình yêu và cái thu hút mạnh mẽ của nó đố ai dám liều mạng hứa với nhau một lời hứa mà các cặp vợ chồng Công Giáo vẫn thường làm khi dắt nhau lên trước bàn thánh:

“Anh/Em… nhận em/anh… là vợ/chồng và hứa với em/anh lúc ốm đau cũng như khi mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng em/anh suốt mọi ngày trong đời anh/em.”

Nhất nữa là khi nghe cha chủ tế khi dùng Lời Chúa như đinh đóng cột mà phán: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.”

Dĩ nhiên rồi, khi thuận buồm xuôi gió, khi mà mọi cái đều êm ả như mặt nước mát mùa Thu, thì hứa gì cũng được, và chuyện gì cũng được. Những lúc mạnh khỏe, giầu có, làm ăn phát đạt thì mọi chuyện đều dễ dàng. Nhưng! Cái nhưng mà có lẽ hầu như ai cũng gặp đó là khi trái gió trở trời. Khi ốm đau bệnh hoạn. Khi làm ăn thua lỗi. Khi mà mọi sự đều không như ý muốn. Những lúc ấy nhớ lại lời hứa, và lời cha chủ tế trong thánh lễ hôn phối mới thấy “toát mồ hôi” và “lạnh xương sống”.

Ai thì không biết chứ Hoàng Ngự Tửu tôi từ ngày “giã từ vũ khí”, từ ngày “rũ áo từ quan” về qui ẩn lấy việc cơm nước, bếp núc làm chuẩn, lấy việc chăm lo ba cái cây cảnh, nhổ mấy ngọn cỏ làm phụ thì lần lượt mới thấy ứng nghiệm thế nào là gía trị của lời thề, và thế nào là sống với nhau cho đến “răng long tóc bạc” trong cả những khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe.

Từ ngày lấy vợ, chưa mấy khi Tửu tôi cảm được cái ý nghĩa của lời thề “khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe” để mà yêu thương và kính trọng bà xã cả. Cũng may, cầu được ước thấy. Đúng là muốn gì Chúa cũng cho.

Chuyện xảy ra cũng gần đây thôi, không biết đi đứng thế nào mà nàng của Tửu bỗng lăn đùng ra sàn nhà. Có lẽ vì sợ mắc cở với chồng, và cũng có thể để minh chứng mình còn ngon, nàng mạnh mẽ đứng dậy rồi phán một lời qua loa với Tửu: “Anh làm gì mà nền nhà trơn như vậy. May mà em, chứ cháu nó ngã là có hôm bể đầu!”.

Tưởng chuyện rồi cũng qua mau, ai ngờ hôm sau lúc đồng hồ báo thức dậy đi làm, nàng nằm lăn lóc trên giường ôm cái lưng rên rỉ rất thảm thiết. Vốn tính tếu táo, tưởng như chuyện đùa, Tửu tôi bèn chọc quê nàng:

-Ôi! Đúng là nhà giầu đứt tay, ăn mày đổ ruột. Ngã có tí từ chiều hôm trước đến giờ mà còn kêu đau.

-Im miệng lại, gọi 911 cho em. Không thể ngồi dậy được. Đau lắm có biết không?!!! Có nhớ lại lần trước anh đau lưng không? Nó cũng đau như vậy mà còn hơn nữa!!

Đến đây thì Tửu tôi không thể đùa được nữa, nhìn cái mặt nhăn nhó, xanh lè của nàng mà trong lòng cảm thấy hoảng. Và thay vì gọi 911, Tửu đã chở nàng đến nhà thương gần đó vào Urgent Care.

Dìu nàng từ Parking lot vào đến quầy ghi danh mà toát mồ hôi. Thú thật nếu vác lên vai hay cõng nàng thì còn nhanh, gọn hơn và đỡ lôi thôi hơn. Nhưng nàng nhất định từng bước từng bước thầm mà lê tấm thân tàn tạ mới làm cho Tửu vừa thấy thương mà cũng vừa thấy lâu la quá sức.

Vào đến nơi, thấy trên bàn ghi danh có cái bảng nhỏ: “Tính đến lượt quí vị sẽ là 120 phút”. Thế có nghĩa là làm sao? Đi urgent care mà phải chờ 120 phút?. Nhưng dường như mấy cô y tá đã được huấn luyện kỹ càng, nên ngọt ngào nhìn bà xã Tửu và nói rất thông cảm: “120 phút nhưng phần bà, tôi sẽ báo cho bác sĩ để lo cho bà trước!”.

Thật là câu nói của những người đã được huấn luyện thành thạo trong nghề. Nghe êm ái và cũng rất an ủi. Nhưng lo cho bà trước hay lo cho bà sau cũng phải chờ hơn 2 tiếng. Khi nghe gọi tên, Tửu tôi mừng hết lớn, lật đật đẩy bà xã vào phòng khám. Tưởng đâu rồi cũng qua mau, ai dè mấy phút sau lại đã thấy bà xã lù lù xuất hiện, miệng méo xẹo, thều thào: “Chỉ mới khám qua loa thôi, phải chờ thêm bác sĩ quyết định!”

Trong lúc ngồi chờ ở phòng đợi, Tửu tôi đã đọc hết cả hai cuốn nguyệt san để trên bàn mới đến phiên tên vợ mình được gọi. Nhưng là gọi để được đẩy vào phòng chụp quang tuyến, vì bị nghi ngờ có thể nứt xương. Lại một lần sốt ruột. Nhưng nhờ vậy mà đây là lần đầu tiên Tửu tôi được cái may mắn đẩy xe lăn cho vợ.

Mà không phải chỉ có riêng Tửu thôi. Hôm đó tại cái phòng đợi, Tửu quan sát trong số những người ngồi xe lăn có một thanh niên được bố đẩy, một ông tuổi chừng lục tuần được vợ đẩy, còn lại ba người đàn bà, một người Mỹ, và 2 là người Việt trong đó có bà xã Tửu được chồng đẩy. Có điều lạ là mấy ông chồng kia họ đẩy vợ trên xe lăn mà mặt mày như hớn hở. Tửu tôi vốn có cái đầu óc không giống ai nên nghĩ rằng có thể vì mấy người này hy vọng vợ chết sớm nên vui. Chiều hôm đó về nhà, Tửu tôi lại kể cho bà xã nghe cái ý nghĩ vớ vẩn ấy và bị lên lớp thê thảm:

-Anh thì đầu óc đen tối, lúc nào cũng nghĩ bậy. Vậy anh lúc đẩy em thì mặt mày như thế nào? Có hớn hở hay làm sao?

-Ờ! Mặt mày anh lúc đó chắc là trông bình thản và có chút suy tư?

-Anh suy tư gì? Anh lại nghĩ bậy phải không?

-Không, anh nghĩ đến em bị đau mà lòng không vui. Anh suy nghĩ làm cách nào để em sớm lành và đi đứng bình thường.

Bố ai mà kiểm soát được Tửu suy nghĩ gì lúc đẩy bà xã đi khám quang tuyến, ra vào phòng cấp cứu, nhưng nghe tôi giải thích vậy, mặt nàng cũng rạng rỡ đôi chút mặc dù hai tay vẫn ôm cứng cái lưng mà miệng thì rên rỉ. Mấy ngày phục vụ bà xã với tư cách như một “caregiver” mới chợt khám phá cái giá trị thật của lời thề. Phải chăng đó là những thời khắc để một người như Tửu nói với vợ bằng hành động lời thề của mình.

Thật vậy, chỉ khi gặp hoạn nạn, gặp đau khổ mới hiểu được lòng nhau, và mới thật sự thấy cái gì là lý thuyết, cái gì là thực hành. Cái gì là yêu bằng đầu môi chót lưỡi, cái gì là yêu bằng việc làm các cụ ạ. Vợ chồng mà. Tuy có những bất đồng, có những xung khắc, có những hiểu lầm, có những khuyết điểm nhưng cốt lõi nhất vẫn là tình yêu được chứng minh bằng hành động, một tình yêu chung thủy khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe. Tửu tôi vẫn còn nhớ như hôm qua lời một niên trưởng tâm sự về đời sống khi hai vợ chồng đã bước vào tuổi về chiều. Niên trưởng ấy nói là mỗi chiều khi ánh hoàng hôn lặn cuối chân trời, ngồi nhìn vợ qua ánh sáng còn sót lại của một ngày tà mà lại thấy lòng mình nao nao. Tưởng nhớ về cái thuở ban đầu lưu luyến ấy nhưng nay đã đang dần vào quá khứ. Nghĩ đến những ngày tháng trong tương lai khi một kẻ ở và một kẻ ra đi… Thấy vậy mà thương nhau hơn. Quí trọng những giây phút còn có nhau. Thật là những lời tâm sự nghe mà nức nở con tim.

Rồi lại chuyện một người anh có bà vợ lúc này đang mất dần khả năng trí nhớ, lúc tỉnh, lúc mơ, lúc buồn, lúc vui thay đổi như nhiệt độ bên ngoài khiến anh cảm thấy hết sức lo lắng. Vừa lo cho bệnh tình của vợ, lại vừa thương vợ.

Ai bảo tình yêu “già”! Và ai bảo người già không có “tình”, có “nghĩa”. Đừng kể mấy anh già trên dưới 7 bó về Việt Nam lập phòng nhì, chọn thứ phi, mấy chị xồn xồn vớt vát chút duyên cuối mùa đua nhau tìm kép nhí, còn lại việc người già yêu nhau, thương nhau, lo lắng cho nhau là chuyện đương nhiên. Càng già, tình cảm càng thấm thiết, càng mặn mà là chuyện tự nhiên. Nhưng phải là tình yêu chân thật. Vì tình yêu chân thật không bao giờ già, không bao giờ hết mặn mà, và ngay cả không bao giờ hết lãng mạn. Và chỉ trong những mối tình chân thật ấy, mới nẩy sinh tình cảm đậm đà tuổi già.

Chính vì vậy khi nghe nàng rên rỉ, nhìn nàng nhăn nét mặt vì đau thì tâm hồn Tửu thật sự thấy “nhói đau”. Và càng lúc càng thấy cái vẻ đẹp và giá trị của một lời thề. Chắc độc giả ngoài kia cũng như Tửu, không đợi khi bước vào tuổi lục tuần hay “thất thập cổ lai hy”, nhưng ở bất kỳ tuổi tác nào thì yêu vợ, yêu chồng, chiều vợ, chiều chồng, và gần gũi với vợ với chồng được lúc nào, được bao nhiêu ta đừng bỏ lỡ. Đừng để đến lúc người yêu mình vuột khỏi tầm tay mình mới thấy hối hận thì đã quá muộn! Đó cũng là ý nghĩa và trách nhiệm của một lời thề!

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.