Khi đặt bút viết về “sứ mệnh tông đồ và rao giảng nước trời của các linh mục”, một đề tài rất nhạy cảm của Giáo Hội Công Giáo, một anh bạn đã dùng lời Đức Kitô khuyên tôi: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1).
Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng “Đấng thấu suốt mọi bí ẩn” có lẽ đã mạc khải cho mọi người đều biết, nhưng không ai dám nói ra vì sợ tội phạm sự Thánh. Phần tôi, vì tôn trọng sự thật và vì “Nước Cha trị đến” nên trong loạt bài viết này, tôi viết ra không nhằm đả phá hay xét đoán bất kỳ vị linh mục nào hay vị tu sĩ nào, mà chỉ muốn nêu lên ý kiến nhỏ nhoi của mình vì những điều trái tai, gai mắt các vị tu sĩ đã và đang làm gây thương tổn nghiêm trọng đến niềm tin Kitô Giáo và tương lai Giáo Hội. Tôi thiết nghĩ có thể một số ý kiến cá nhân tôi sẽ gây bất đồng và chống đối từ phía dư luận nên tôi thành thật xin lỗi; nhưng tôi rất mong quí độc giả hãy cho mọi người một cơ hội mở rộng đường dư luận, góp lên tiếng nói, và đóng góp ý kiến cho căn nhà Chung Giáo Hội, hầu biến nó trở nên căn nhà trong sạch và Thánh Thiện.
***
Quê hương ta có những ông Cha (Linh Mục) thích nhảy điệu lambada
Quê hương ta có những ông Cha (Linh Mục) thích nhảy điệu cha cha cha
Quê ta nhiều can qua, nhiều cô nhi và những dải lúa vàng !
Quê ta, có các Cha, các Cha yêu bao la, bao la theo điệu cha cha cha…
Tôi xin mượn giai điệu “lambada Quê ta” của nhạc sĩ Trần Tiến và đổi lời đôi chút khi thi vị qua số đông linh mục hôm nay đang muốn tục hóa cuộc đời bởi vì kim tiền và xem thường thiên chức linh mục; một thiên chức mà Đấng đã sai các ngài đi rao truyền Tin Mừng cho khắp nhân loại.
Ngay từ thời bắt đầu học hỏi lời Chúa, đối với tôi, linh mục chính là con đường mang lấy tên Giêsu, là nhịp cầu nối giữa đất với trời, là hình ảnh tông đồ phục vụ học theo gương Đấng tốt lành Con Chiên Thiên Chúa, là linh hướng cho những linh hồn khổ đau, là niềm tin cho kẻ tội đồ, là nơi trông cậy cho kẻ bệnh tật, liệt lào…v.v.. Nhưng ngày nay, sứ mệnh tông đồ và rao giảng nước trời của linh mục chưa bao giờ lại bị thách đố và các cám dỗ tấn công dữ dội từ mọi phía. Cứ nhìn vào thảm trạng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam rồi đến Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, chúng ta thấy nhiều giám mục và linh mục chỉ biết tiền và thế tục. Đã thế các ngài lại còn có thể tác oai, tác quái, gây đau thương cho niềm tin vào Đấng Kitô của các tín hữu. Người Công Giáo sẽ còn tiếp tục nhìn thấy những điều trái tai, gai mắt do các giám mục, các linh mục này gây ra.
Qua Thánh chức được khai sinh trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô đã nâng các môn đệ của Ngài và những thế hệ tiếp nối thành linh mục. Họ là những người được mời tham dự vào Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô để thi hành ba chức năng cao trọng là tư tế, ngôn sứ và vương đế. Nhưng trước tiên hết, linh mục phải nên học “làm người” và học giống Chúa Kitô cái đã. Thật vậy, Giáo Hội ngày nay và mãi mãi vẫn luôn đề cao và rao giảng về sự khó nghèo của Chúa. Đó là sự khó nghèo không ham mê tiền bạc và của cải vật chất thế gian để đến độ quên mất phần linh hồn và gia nghiệp nước trời của mình. Đó là sự khó nghèo trong phục vụ và phục vụ tận tụy cho đến chết vì đàn chiên.
Không biết Chúa Giêsu ngày xưa có muốn tham gia chính quyền hay tranh chấp vào bàn công nghị hay không, chứ linh mục ngày nay lại muốn vừa làm linh mục vừa tham gia và vừa ứng cử vào các chức vị dân cử.
Không biết ngày xưa Chúa Giêsu có dẫn các môn đệ và đàn chiên mình đi biểu tình hay đấu tranh đòi quyền lợi từ chính quyền hay giáo quyền, chứ linh mục ngày nay các ngài đi biểu tình đòi được cưới vợ, đòi cho nữ giới được làm linh mục.
Thời Chúa Giêsu ngày xưa chưa có internet, chưa có mạng xã hội nên không biết Chúa Giêsu ngày xưa có muốn khẩu chiến với các thầy tư tế hay biệt phái với các từ ngữ tồi tệ để mà chửi rủa không, chứ linh mục ngày nay công khai dùng internat làm mặt bằng để rủa xả nhau, và để hạ nhục nhau bằng những cụm từ thật khó mà tin được.
Không biết Chúa Giêsu ngày xưa khi tham dự tiệc cưới Cana có uống rượu và nhảy nhót không, chứ linh mục ngày nay vì buồn quá hay vì rỗi việc mà tổ chức các đại nhạc hội rồi cùng với nhau nhảy nhót Rumba, cha cha cha rồi in ấn DVD như các ca sĩ chính hiệu để bán và gây quỹ .
Không biết Chúa Giêsu ngày xưa có dùng quyền năng mình để cứu vớt nạn buôn người, nạn đĩ điếm, mại dâm trẻ em hay không, chứ ngày nay linh mục lại biết đóng phim anh hùng 007 vượt qua các tay anh chị “xã hội đen” để vào tận xào huyệt giải cứu các em mãi dâm, nghiện ngập mà không cần phải thông qua chính quyền sở tại, Interpol, hay các trường cai nghiện giúp đỡ.
Không biết Chúa Giêsu ngày xưa có “rờ mó” các em bé hay Chúa Giêsu ngày xưa có “sờ mông, vuốt tóc” các cô gái không, chứ linh mục ngày nay thì rờ và sờ vô tội vạ để rồi Giáo Hội phải bán tài sản nhà chung, đóng cửa các trường học để đền bù thiệt hại vì các vụ thua kiện do “Abused by Priests”.
Tôi không muốn vơ đũa cả nắm để mà nói xấu các linh mục, nhưng “một con sâu sẽ làm rầu nồi canh”. Nếu linh mục không trung thành với sứ mạng và chức năng làm chứng cho sự thật, làm nhân chứng cho Chúa Kitô trong trần thế này, thì linh mục sẽ là dấu phản chứng tệ hại nhất trong mọi hình thức chứng nhân. Hơn thế nữa, linh mục sẽ đánh mất cái identity (bản tính) của mình khi nghĩ rằng mình trà trộn vào phạm vi thế tục với danh nghĩa là “đem đạo vào đời”, “sống và hành đạo trong lòng dân tộc”, hay “một Phao lô mới” nhưng thực chất chỉ là tay sai cho quyền thế, dục vọng và tiền bạc mà các ngài luôn ra rả bao che và già miệng phân bua.
Chúng ta không thể bao che cho những việc làm sai trái của các ngài mà đáng lẽ phải có can đảm lên tiếng phê bình hay phản đối, và hiệp lời cùng cầu nguyện cho các ngài vì chức năng làm chứng cho sự thật, tức là đứng về phe Đức Kitô. Tuy Giáo hội ngày nay không áp dụng một cách máy móc lời Chúa căn dặn các Tông Đồ xưa kia vào hoàn cảnh xã hội hiện đại. Nhưng các linh mục không nên vì thực tế phải sống mà chạy theo đồng tiền và phương tiện vật chất đến gây tai tiếng, phương hại cho uy tín và sứ vụ rao giảng của mình ở khắp nơi; đồng thời gây nên sự đánh phá và thâm hụt ngân sách từ các giáo phái ly khai và từ chính quyền vô thần.
Hoàn cảnh thế giới ngày nay và ngay tại Việt Nam, lối sống hưởng thụ và tục hóa cùng với các tiện ích xã hội đã đưa tới không còn mấy tông đồ hay linh mục muốn sống “khó nghèo về vật chất” như Chúa Giêsu được. Ngay cả các tu sĩ dòng Phanxicô, các tu sĩ khổ tu trước kia sống khó nghèo, thiếu thốn, thì nay cũng không còn thực hành hình thức khó nghèo này nữa. Các tín hữu ngày nay vừa lo cho nhà chúa và lo luôn cho các linh mục và tu sĩ nữa. Họ lo một cách quá đầy đủ, thậm chí tới thừa mứa cho các linh mục và tu sĩ. Phần vì thương đời sống tu trì, phần vì thương hình ảnh Chúa Kitô thứ hai (Alter Christus) nên họ đã vô hình trung làm hư đi đời sống các linh mục. Vậy thực tế, linh mục, hình ảnh Chúa Kitô thứ hai, có thực sự sống cái khó nghèo này hay không? Hay linh mục chỉ giảng cho người khác nghe và bảo người ta thực hành, còn mình thì lại không sống điều mình rao giảng giống như bọn giả hình Pha-ri-sêu ngày xưa?
Các linh mục giảng đức bác ái, yêu thương, và tha thứ cho mọi người, trong khi không sống được các đức ấy ngay với anh em trong một nhà, hay trong một cộng đoàn huynh đệ nhỏ bé của mình! Đây mới là vấn đề chúng ta cần suy tư, trăn trở về “cái khó nghèo” của Chúa Kitô đã không còn giá trị thực tế nữa phải không? Công trình cứu chuộc của Thiên Chúa đã bị bàn tay con người mã hóa đi rồi hay sao? Hay linh mục là hiện thân cho Chúa Kitô với những giá trị và chân lý mà Ngài phải trả giá bằng chính mạng sống của mình đã không còn hiện hữu qua chức năng “linh đạo” và “ngôn sứ” nữa phải không?
Dầu sao lịch sử Giáo Hội cũng đã minh chứng và trả lời cho mọi thách đố về thiên chức linh mục. Trải qua hơn 2000 năm, và với 264 triều đại Giáo Hoàng, qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian và qua bao nhiêu biến cố bức hại, Giáo Hội vẫn một lòng trung thành với Chúa Kitô và luôn sống gắn bó với Ngài. Để từ Ngài, nguồn ân sủng luôn dạt dào tuôn đổ cho những ai tin vào Ngài, vì chỉ có Ngài “mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Views: 0