Uncategorized

Khi Linh Mục Biết làm kinh tài (4 – Phần Kết)

Giáo Hội dịch từ tiếng La-tinh "Ecclesia" có nghĩa là "triệu tập”. Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ "Giáo Hội" chỉ cộng đoàn phụng vụ, cộng đoàn địa phương hoặc tất cả cộng đoàn các tín hữu trên khắp thế giới.

 

Giáo Hội dịch từ tiếng La-tinh "Ecclesia" có nghĩa là "triệu tập”. Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ "Giáo Hội" chỉ cộng đoàn phụng vụ, cộng đoàn địa phương hoặc tất cả cộng đoàn các tín hữu trên khắp thế giới.

 

"Giáo Hội" là Dân do Thiên Chúa tập họp lại trên toàn thế giới; nó được xây dựng nên từ nước và máu từ Trái Tim của Chúa Kitô và được dưỡng nuôi và sống bởi Lời Chúa và Thánh Thể. Giáo Hội vì thế là Giáo Hội của đau khổ thập giá, của cái chết đi trong Chúa Kitô và tái sinh trong Thánh Thần. Do đó, Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, là thân thể Chúa Kitô, và là đền thờ Chúa Thánh Thần. Giáo Hội không thể định nghĩa bởi những linh mục làm kinh tài giỏi và kiếm thật nhiều tiền cho Giáo phận. Giáo Hội cũng không được định nghĩa là những người con người đi tu để làm “Chánh xứ”, “trốn quân dịch”, “phô bày chủ nghĩa cá nhân”. Hay Giáo Hội không thể định nghĩa bởi những nhóm người cơ hội, quá định kiến và thiển cận…

Khi chịu chức xong thì các linh mục trẻ đầy nhiệt tình sẽ được "bài sai" đi của đấng bản quyền địa phương (giám mục địa phận, bề trên dòng…) để đi làm mục vụ, cũng có nghĩa là được chính thức sai đi đến một nơi mà khi còn học trong chủng viện các ngài hằng mong ước, đó là làm phó hoặc chính xứ. Cho nên, khi được sai đi để đến một giáo xứ nào đó, dù lớn hay nhỏ, Mỹ, Việt hay các sắc dân khác thì các linh mục phải cảm tạ ơn Thiên Chúa đã chọn mình chứ không chọn ai khác để coi sóc giáo xứ ấy, và mau mắn lên đường làm nhiệm vụ… Khi đã xác định được giáo xứ là đại gia đình của mình thì người linh mục không còn đòi hỏi phải có đầy đủ tiện nghi trong sinh hoạt. Các ngài nên băn khoăn khi giáo dân của mình dân trí kém hiểu biết về Chúa, cuộc sống khó khăn đầy oán than, hay có nhiều người rượu chè cờ bạc và có nhiều tệ nạn xảy ra cần phải giúp đỡ và giáo dục họ họ sống đúng với tinh thần của Chúa Giêsu dạy : “yêu thương và phục vụ.”

Một linh mục tâm sự :

“Thiên chức linh mục chính là Thiên Chúa ban cho người nào thì tùy ý Ngài, Ngài chọn người này người nọ, nhưng không phải vì họ thánh thiện hay đạo đức hoặc học vấn trổi vượt hơn người khác, mà là vì tình yêu đặc biệt Ngài dành cho họ, Ngài chọn họ qua Giáo Hội và qua Hội Dòng của họ hoặc qua giám mục địa phận, và qua giám mục hoặc Hội Dòng mà họ mới được đứng vào hàng ngũ công hầu khanh tướng trong nước Thiên Chúa như hôm nay, cho nên việc trước tiên là những người được chọn ấy – “linh mục” – biết ơn Thiên Chúa và cám ơn Ngài, nhưng Thiên Chúa không muốn họ làm như thế đâu, Ngài muốn họ phải cám ơn trước hết chính là địa phận của họ hoặc Hội Dòng của họ, nơi cưu mang họ, nơi mà nếu không có bề trên tổng quyền, không có cha viện trưởng hoặc là tập sư của họ cũng như ban cố vấn hội dòng, nếu như không có sự yêu thương dạy dỗ của các cha giáo trong chủng viện và của toàn ban giám đốc, nếu không có sự yêu thương của mọi người thì họ sẽ không được như ngày hôm nay.”

Một vài linh mục trẻ khi được sai đến một giáo xứ nào đó, nếu giáo xứ đó giàu có thì cười hả hê và thỏa mãn, nếu giáo xứ nghèo hay ở nơi khỉ ho cò gáy, hay cách biệt cộng đồng người Việt, thì lại trách oán bề trên, đây là những linh mục sẽ không bao giờ coi giáo xứ của các ngài là một đại gia đình của mình, cho nên khi đến giáo xứ thì việc trước tiên là hạch sách giáo dân (nếu là cộng đoàn là Việt Nam) hoặc đòi điều kiện với cha sở là : chỗ ở phải tiện nghi, phải có máy lạnh, phải có phòng ốc hẳn hoi, phải có chỗ vui chơi giải trí thì mới đến, bằng không thì mặc kệ. Mỉa mai thay, tinh thần mục tử vì đàn chiên nơi các ngài không còn nữa với lời khấn, và như thế các ngài coi giáo xứ như là một công ty mà các ngài “buộc” phải đến làm việc, các ngài biến mình trở thành một công chức cao cấp để lãnh lương chứ không phải là một linh mục đang làm trong vườn nho của Thiên Chúa…

Một vài linh mục khi đến giáo xứ thì “triển lãm” cái tính sống xa hoa của mình cho giáo dân thấy. Có linh mục thì mới đến giáo xứ ngày hôm trước thì hôm sau đã phách lối nạt nộ giáo dân và đặt điều kiện này điều kiện nọ với họ; truyền giáo đâu thì chưa thấy chỉ thấy giáo dân than phiền: “ông cha mới khó tính như ông cụ non!” 

Một giáo dân tâm sự :

“Linh mục nọ… còn rất trẻ, tuổi chỉ đáng làm cháu bà, vậy mà lớn tiếng la lối với bà ngay trong nhà thờ sau thánh lễ, không biết linh mục ấy có học nhân bản không ?”

Còn một linh mục trẻ mắng toẹt vào mặt giáo dân đáng tuổi của bố mình rằng : “Ông là đứa ngu, không biết gì cả”.

Thật tội nghiệp người giáo dân “ngu” ấy cũng vì ông đâu có học nhiều trong phụng vụ như cha sở để thành thạo giúp lễ cho ngài mà hứng chịu cái mắng oan nghiệt ấy!

Các linh mục xử sự như thế không còn là truyền giáo nữa, mà là đến để làm ông chủ và truyền  cá tính cộc cằn, hách dịch và kiêu căng của mình cho giáo dân. Thật tội nghiệp cho họ, vì họ không nhìn thấy được Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng nơi vị mục tử trẻ trung của mình. Đáng hổ thẹn lắm thay, vì một linh mục khi không biết kính trên nhường dưới là một linh mục rất khó thân cận với giáo dân của mình, bởi vì nơi ngài người ta thấy được chức linh mục của một con người phàm tục; một linh mục luôn xấc láo với người già cả, kẻ cả hay với người cùng trang lứa thì ra chợ có hàng đống và hang tá mà mang về, cần gì phải “đi tu”…người ta sẽ không nhìn thấy chức linh mục cao quí nơi các ngài, nhưng người ta sẽ nhìn thấy ngài là con người với những thói xấu “tham, sân, si” nào có khác ai!

Có nhiều linh mục nói rằng phải xưng cha con với mọi người là để giáo dân khỏi lờn mặt. Suy nghĩ như thế mà không biết mắc cở thì quả là linh mục quá coi thường giáo dân của mình. Hành vi và thái độ của linh mục đối với giáo dân có diễn tả được tình yêu của Chúa Giêsu hay không chính lại thái độ mà đàn chiên phản ánh trung thực tâm tư của mình.

Năm 2009-2010 là năm linh mục, nhiều tác giả đã lên tiếng nhận xét, phê bình, cũng có người đã chỉ trích việc dùng danh xưng “cha” vì những lý do như là không có nền tảng trong Thánh Kinh, không có nguồn gốc truyền thống, và không phù hợp với phong tục văn hóa Việt Nam..v..v..

Thánh Kinh không có chỗ nào ghi lại Chúa Giêsu đã xưng mình là cha. Ngược lại, Phúc Âm ghi rõ lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em cũng đừng gọi ai ở dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9).

Trong lịch sử Giáo Hội, trong 10 thế kỷ đầu đã không có lối xưng hô này. Lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam danh xưng “cha” mới xuất hiện từ năm 1924 – khi uy quyền Giáo Hội được tăng cao trong xã hội.

Đối với người Việt chỉ quen gọi bố đẻ của mình là cha mà thôi, gọi người không có liên hệ máu mủ bằng cha là một việc rất khó và khi một linh mục xưng cha hô con với người cao tuổi hơn mình thì trái tục lệ của người Việt.

Đây cũng là một lối phản ảnh của giáo dân về tác phong và thái độ làm việc của các linh mục. Vì người Cha đỡ đầu, người Cha thiêng liêng, người cha tầm hồn đã mất dần các ý nghĩa khi diễn tả được tình yêu của Chúa Giêsu trên trần gian này. Linh mục là mục tử nhưng không học gương Chúa Giêsu đi tìm con chiên lạc trở về.  Linh mục là thầy thuốc tâm hồn nhưng không học gương Chúa Giêsu là nhân ái và chữa lành bệnh tật trong tâm hồn của giáo dân. Giáo dân gọi họ là “cha” tinh thần nhưng linh mục chưa bày tỏ cho họ thấy lòng quảng đại của người cha như ý Thiên Chúa muốn.

Có một vài linh mục trẻ cứ nghĩ rằng mình đã “đỗ” chức linh mục rồi nên không cần đọc sách đọc vở, hay học tập gì nữa cả… có chăng là hễ gần đến ngày chủ nhật thì lấy sách lễ ra coi Phúc Âm và chuẩn bị bài giảng rồi chấm hết.  Biết bao nhiêu là thời gian rảnh rỗi mà “các đấng” không đọc sách đọc báo, không sưu tầm tài liệu, không coi một quyển sách để mở thêm kiến thức của mình, không học thêm tiếng Anh, không học đàm thoại…Các bạn trẻ sẽ thích đến nhà thờ hơn khi các cha sở biết thông thạo Anh ngữ, thông cảm và hiểu được những bức xúc của họ, để an ủi và hướng dẫn họ đi theo lý tưởng của mỗi người mà không đánh mất đức tin của mình, đó chính là điều mà mỗi linh mục đều hiểu rõ ràng hơn những người khác.

Xin lễ và bỗng lễ chính là nguyên nhân mà có nhiều giáo dân không đến nhà thờ, và đối với họ việc xin lễ và bổng lễ là một cách giúp đỡ cho Giáo Hội, cộng đoàn mình và cha sở của mình sinh sống. Giáo dân, họ không mấy phấn khởi và thích thú khi đi xin lễ nơi cha sở hay cha phó là vì nhà Thờ có những quy định mà đối với họ giống như mua bán thánh lễ, mua bán ơn Chúa… làm mất đi ý nghĩa cao quý của việc xin lễ. Hãy đến bất cứ nhà thờ nào, đều có qui định giá cả về lễ cưới, lễ tang, lễ giỗ, lễ có ca đoàn hát và không ca đoàn hát…v..v.. Không một ai nhẫn tâm trước cảnh khốn khó của người khác, huống chi là một linh mục của Chúa Giêsu; linh mục nghĩ sao khi gia đình giáo dân phải vay tiền để xin lễ tang cho ba của mình? Tấm lòng của giáo hữu với nhà Chúa và cha sở thì quá lớn nhưng cha sở đã có tâm hồn thương xót người nghèo như là một người cha nhân từ và một mục tử chân chính của Chúa Kitô không?

Giáo dân không có tiền để xin lễ hoặc xin lễ không đúng với số bổng lễ quy định thì đã sao? Bởi vì không một tiền bạc vật chất nào trên thế gian này có thể mua nổi một thánh lễ Misa.  Tại sao linh mục lại đòi cho cho đúng số khi gia đình giáo dân gia cảnh túng bấn, thất nghiệp, Chúa Kitô đã treo cho đến chết trên thánh giá để trở nên của lễ toàn thiêu vô giá dâng lên Chúa Cha xin Ngài tha tội cho thế gian, tại sao linh mục lại tự coi mình có quyền và lại kỳ kèo với người giáo dân nghèo của mình cho đúng với số tiền đã quy định chứ ?

Tóm lại, Thiên Chúa không chọn linh mục để các ngài làm kinh tài, kiếm tiền cho Giáo Hội, và cũng không chọn các linh mục để sách nhiễu, nạt nộ giáo dân. Ngài cũng không chọn linh mục để khinh dể người nghèo, đào sâu hố ngăn cách giai cấp, và ngăn cản mọi người tìm về với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa chọn linh mục để thay mặt Ngài dạy dỗ và hướng dẫn giáo dân đi trên con đường trọn lành đến với Ngài. Thiên chúa chọn các linh mục để các ngài giới thiệu khuôn mặt hiền hậu của Chúa Giêsu cho mọi người và giúp cho họ thấy rằng được làm người Kitô hữu thì hạnh phúc vô cùng, và chỉ cho họ thấy rằng, Giáo Hội đang cần đến họ cộng tác để Nước Trời luôn rộng mở ở trần gian này và yêu thương viên mãn.

“Nhân vô thập toàn” mọi người cũng thế và các linh mục cũng thế, nhưng khác cái mà mỗi người chúng ta cần phải đạt cho đến trong cuộc sống của mình, đó là nên thánh. Các linh mục, tu sĩ có chức thánh trước và kéo theo giáo dân nên thánh với mình, đó là bổn phận và trách nhiệm của người tu hành mà cụ thể là các linh mục, tu sĩ nam nữ. Giáo dân kính trọng các linh mục và các tu sĩ nam nữ là ở chỗ họ luôn luôn nêu gương sáng cho mọi người, công khai cuộc sống của mình là hoà đồng với hết mọi người, giàu cũng như nghèo, là tiếp đón vui vẻ với mọi giáo dân không phân biệt một ai, bất luận họ đến nhà xứ với lý do gì thì cũng đều coi họ như người trong gia đình, thân tình tự nhiên mà không kiểu cách đạo mạo như ông chủ…

Linh mục tức là những mục tử của giáo dân, mà là mục tử thì phải hy sinh, và có khi hy sinh cả tính mạng mình để vì đàn chiên như xưa Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành đã chết cho đàn chiên.

Xã hội càng ngày càng phát triển, con người ngày càng văn minh tiến bộ và cuộc sống của họ ngày càng mong muốn hưởng thụ vật chất hơn của ăn tinh thần, những người Kitô hữu là giáo dân luôn cần các linh mục và các linh mục cũng cần có họ. Thế gian ngợp mắt trước những thú vui thế gian, và văn hóa của sự chết chiếm hữu và lan tràn, những sự ngưỡng mộ các ngôi sao, những minh tinh và thích có đời sống hưởng thụ sung sướng, thì vai trò linh mục ngày nay càng quan trọng hơn nhất là nơi giáo xứ của mình, bởi vì chính linh mục là những người có trách nhiệm bảo vệ chân lý đức tin và làm cho nó được phát triển sống động đến với mọi tâm hồn. Nước trời đó cũng chính là mục đích mà linh mục và giáo mong dấn thân trên con đường lữ thứ trần gian.

Lạy Chúa Giêsu linh mục.
Xin thương xót cho Giáo Hội,
thân thể mang đầy thương tích của Ngài mà tái sinh Giáo Hội,
trong trời mới, đất mới!

Xuân Giáp Ngọ Tháng 2 năm 2014

Biết Văn
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.