Như là bức thư chứa đựng các tư tưởng thần học được thánh Phaolô khai triển có hệ thống, thư gửi giáo đoàn Roma có các đường nét cấu trúc chung rõ ràng không thể phủ nhận được.
Chương 1 là phần mở đầu gồm các câu dẫn nhập (1,1-7), lời cảm tạ Thiên Chúa (1,8-15) và báo trước đề tài chung sẽ khai triển (1,16-17). Phần kết gồm các chương 15,14-16,27 trình thuật vài tin tức riêng (15,14-33), các lời dặn dò và lời chào (16,1-23) và kết thúc với công thức chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa (16,25-27). Phần giữa của thư chia làm hai đoạn: đoạn thứ nhất trình bầy về tín lý (1,18-11,35); đoạn thứ hai gồm các lời khích lệ (12,1-15,13).
Cấu trúc chung của thư như thế xem ra rất rõ ràng khúc chiết, nhưng khi đi vào chi tiết kết cấu của các chương 1-11, vấn đề trở thành phức tạp hơn và giới học giả đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Trong chương 1,16 thánh Phaolô đã báo trước đề tài của thư như sau: ”Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do thái, sau là người Hy lạp”. Vậy thánh nhân đã khai triển đề tài này như thế nào? Kết cấu do học giả Lyonnet đề nghị xem ra hữu lý hơn cả. Thánh Phaolô theo lộ trình khai triển gồm hai phần bổ túc cho nhau. Phần thứ nhất trình bầy sự kiện Thiên Chúa khiến cho người tội lỗi trở nên công chính: các chương 1-4. Phần thứ hai đề cập tới sự kiện Thiên Chúa cứu độ những người đã được công chính hóa: các chương 5-11. Cả hai phần đều gồm các diễn văn thần học dài là các chương 1-3 và 5-8, với các lý chứng kinh thánh là các chương 4 và 9-11. Tuy nhiên xem ra hơi gượng ép nếu gán cho các chương 9-11 cùng một nhiệm vụ như chương 4. Dĩ nhiên, chúng đều gắn liền mật thiết với đề tài khai triển trước đó nên không thể bị coi là phần bàn rộng đề tài. Nhưng hơn là một chứng cớ ngoài kinh thánh xem ra chúng lập lại bối cảnh đề tài.
Việc định vị thế cho chương 5 cũng đã khiến cho các học giả đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Có người coi chương 5 như phần bổ túc cần thiết cho diễn văn trước đó, và nhập nó với phần trước làm thành một đơn vị văn chương và đề tài gồm các chương 1-5. Nhưng đa số học giả coi chương 5 như đơn vị tách rời khỏi bốn chương đầu và đi liền với các chương theo sau làm thành đơn vị văn chương gồm các chương 5-8. Học giả Feuillet thì bẻ chương 5 thành hai khúc để gắn 11 câu đầu với chương 14 và đem phần còn lại, tức các câu 12-21 chắp với các chương 6-8.
Tuy khác nhau, nhưng các giải pháp đề nghị trên đây cùng theo một nguyên tắc và phương pháp phân chia. Nghĩa là chúng tìm cách nhận diện các phần khác nhau của thư, dựa trên tiêu chuẩn đề tài và sự tiếp nối của các tư tưởng thần học. Nhưng làm như thế là gò bó văn bản của thánh Phaolô vào trong cái khung luận lý ý niệm của chúng ta. Có lẽ nên theo dạng thức văn chương để phân chia kết cấu của phần này. Đây đã là lập trường của học giả Dupont. Học giả linh mục Dupont cho rằng trong các chương 6-11 thánh Phaolô đã tìm trả lời cho các vấn nạn chính xác. Trong các chương 6,1-7,6 thánh Phaolô tìm trả lời cho câu hỏi này: ”Vậy phải nói sao? Chúng ta cứ ở mãi trong tội lỗi, để ân sủng càng lan tràn ư?” (6,1; x.6,14). Các chương 7,7-8,38 nhằm trả lời cho vấn nạn: ”Vậy phải nói sao? Lề Luật là tội chăng?” (7,7). Còn các chương 9-11 thì tập trung vào đề tài sự trung thành của Thiên Chúa trước thái độ không tin của dân Do thái : ”Nói thế không có nghĩa là lời Thiên Chúa đã hóa ra vô hiệu” (9,6). Và học giả Dupont kết luận rằng các chương 6-11 trình bày ba lời giải thích bổ túc cho nhau, nhưng đặt để trong tương quan với đề tài được giới thiệu và khai triển trong các chương 1-5.
Học giả Descamps đã đưa ra một kết cấu rất hay. Ông phân biệt hai thể văn trong thư của thánh Phaolô. Đó là việc báo trước luận thuyết và minh chứng bằng Kinh Thánh và biện chứng hay chứng minh biện chứng. Chúng thay đổi nhau trong tiến trình khai triển tư tưởng thần học. Dựa vào nhận xét này học giả Descamps chia kết cấu các chương 3-11 thư gửi giáo đoàn Roma thành ba phần như sau. Phần thứ nhất gồm chương 3,21-31 loan báo luận thuyết và chương 4 là phần chứng minh bằng các văn bản trích từ Kinh Thánh. Phần thứ hai gồm chương 5 loan báo luận thuyết thứ hai và các chương 6-7 minh chứng biện chứng. Phần thứ ba gồm chương 8 loan báo luận thuyết thứ ba và các chương 9-11 minh chứng kinh thánh và biện chứng.
Thật khó mà lựa chọn giữa nhiều giả thuyết khác nhau do các học giả đề nghị. Nếu muốn chúng ta có thể chọn giả thuyết chia thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Roma thành ba phần trình bầy thần học cứu độ của thánh nhân. Phần thứ nhất trình bầy mạc khải sự công chính cứu độ của Thiên Chúa, các chương từ 1,18-4,25. Phần thứ hai trình bầy sự sống của những người được công chính hóa, các chương 5-8. Phần thứ ba khai triển vấn đề thần học liên quan tới người Do thái, các chương 9-11.
Bên cạnh vấn đề kết cấu là vấn đề liên quan tới tính chất xác thực và sự toàn vẹn của thư. Có thể nói rằng sự kiện thánh Phaolô là tác giả của thư trong kết cấu chung của nó là điều không ai nghi ngờ. Nhưng có một số câu trong văn bản xem ra không phải của thánh Phaolô mà được thêm vào sau này, đặc biệt chương 16,25-27. Học giả Bultmann đã phản đối một số câu mà ông cho rằng không thuộc thư của thánh Phaolô: 2,1.16; 5,6-7; 6,17b; 7,25b; 8,1; 10,17; 13,5. Nhưng lập trường này chỉ đựơc rất ít học gỉa chấp nhận. Cụ thể mà nói, chỉ có câu 25b chương 7 là được chêm vào sau này và câu 24 chương 16 chắc chắn là một lời giải thích. Các câu từ 25-27 chương 16 cũng bị nhiều học giả cho rằng không phải của thánh Phaolô, dựa trên hai lý do. Lý do thứ nhất là vì thủ bản Roma (thế kỷ IX) và thủ bản Athos (thế kỷ VIII-IX) xếp chúng sau chương 14. Thủ bản papiro 46 (khoảng năm 200) xếp chúng sau chương 15. Các thủ bản Alessandrino (thế kỷ VI) và thủ bản Leningrad (thế kỷ IX) xếp chúng sau cả hai chương 14 và 16. Các thủ bản Papiro 61 (khoảng năm 700), Sinaitico (thế kỷ IV), Vaticano (thế kỷ IV), Efrem (thế kỷ V) và Monteclaro (thế kỷ VI) xếp chúng vào cuối chương 16. Trong khi chúng bị bỏ trong các thủ bản Cambridge (thế kỷ IX), Boerneriano (thế kỷ IX) và Marcione theo chứng từ của giáo phụ Origene. Lý do thứ hai là bởi vì từ ngữ và tư tưởng của chúng hoàn toàn xa lạ với thế giới của thánh Phaolô.
Đàng khác chỉ có rất ít học giả cho rằng chương 16 không thuộc thư của thánh Phaolô. Nhiều học giả cho rằng các câu này do thánh Phaolô viết, nhưng không thuộc nội dung thư gửi giáo đoàn Roma, mà thuộc thư gửi giáo đoàn Êphêxô. Vì thánh nhân bất thình lình cảnh giác tín hữu trước nguy cơ sự hiện diện của các người lạc giáo. Đàng khác làm sao thánh Phaolô lại biết tên nhiều tín hữu Roma như thế, nếu ngài chưa tới Roma lần nào? (16,1-16). Epineto người đầu tiên được nhắc tới lúc đó không phải là đang ở Ephêxô thay vì ở Roma hay sao? Ngoài ra trong thủ bản papiro 46 các câu 1-23 theo sau các câu 25-27 và kết thúc chương 15. Tuy các lý lẽ do đa số học giả đưa ra coi chương 16 thuộc nội dung thư gửi giáo đoàn Roma, không phải là vô ích, nhưng xem ra không có sức thuyết phục. Do đó cho tới nay vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ.
Linh Tiến Khải
Views: 0