Uncategorized

Kẻ gieo cỏ lùng

Gia đình Danh đã thay đổi hẳn sau một buổi họp gia đình năm ngoái mà cha cậu, một người đàn ông siêng năng 43 tuổi, bất ngờ ‘triệu tập’. Họp gia đình không phải là thói quen của họ. Thường thì sau bữa tối mỗi người mỗi việc rồi đi ngủ. Nhưng Chúa Nhật hôm ấy, cha cậu dường như rất lắng đọng, suy nghĩ về một điều gì đó. Rồi đang lúc dùng ăn trưa, ông nói với cả nhà:

Gia đình Danh đã thay đổi hẳn sau một buổi họp gia đình năm ngoái mà cha cậu, một người đàn ông siêng năng 43 tuổi, bất ngờ ‘triệu tập’. Họp gia đình không phải là thói quen của họ. Thường thì sau bữa tối mỗi người mỗi việc rồi đi ngủ. Nhưng Chúa Nhật hôm ấy, cha cậu dường như rất lắng đọng, suy nghĩ về một điều gì đó. Rồi đang lúc dùng ăn trưa, ông nói với cả nhà:

“Tối nay chúng ta họp mặt lại với nhau để cầu nguyện và chia sẻ một chút nhé mọi người.”

Ai cũng ngạc nhiên tự hỏi không biết có chuyện gì. Nhưng khi nhìn vẻ mặt nghiêm túc và vì tôn trọng ông nên mọi người đồng ý. Sau đó, ông đưa cho mỗi người một tờ hiệp thông hàng tuần của giáo xứ, trên đó có dụ ngôn kẻ gieo cỏ lùng trong ruộng trích từ Tin Mừng Mát-thêu (13:24-30), và ông gợi ý một câu hỏi cho mọi người suy niệm: “Chúng ta cần phải làm gì với kẻ gieo cỏ lùng?”

Năm ngoái Danh được 16 tuổi. Sau khi lãnh Bí Tích Thêm Sức xong, cậu ngưng không đọc Kinh Thánh nữa. Cậu chỉ đi Lễ Chúa Nhật vì cha mẹ. Bởi thế, cậu chỉ nghe những gì người ta đọc trên nhà thờ mà cũng chẳng mấy chú tâm. Một giờ ở nhà thờ dài đằng đẵng như một thế kỷ. Vì vậy, cậu ngạc nhiên khi cha mình nói gia đình họp nhau để cầu nguyện và chia sẻ. Danh cũng cảm thấy hơi bực bội vì tối hôm ấy có một chương trình cậu thích trên Tivi. Nhưng cậu chấp nhận yêu cầu của cha mà không nói gì vì cậu nghĩ mình cũng nên hi sinh một cái gì đó cho cha mẹ để đáp trả bao nhiêu hi sinh họ đã dành cho cậu.

Chiều hôm ấy, lần đầu tiên, Danh dành hai tiếng đồng hồ để đọc và suy niệm về câu hỏi của cha đặt ra: “Chúng ta cần phải làm gì với kẻ gieo cỏ lùng?” Cậu thắc mắc tại sao cha lại hỏi một câu như vậy.

Sau bữa tối, mẹ dẫn kinh tối thường lệ. Rồi cha cậu nói em gái cậu là Dung, lúc ấy 7 tuổi, đọc đoạn Tin Mừng. Sau đó ông mời Danh chia sẻ trước. Danh bối rối lớ ngớ như muốn nói lại: “Hả? sao lại là mình trước chứ?” Nhưng rồi cậu hắng giọng, cố gắng nghĩ ra điều gì để nói.

“À, thì, mọi người biết đấy, à, con nghĩ đây là một…thông điệp tốt để suy niệm.” Danh lại hắng giọng lần nữa.

Mọi người chăm chú lắng nghe, gật đầu, hỏi Danh: “À ha, tốt thế nào?”

Điều ấy có nghĩa là cậu phải tiếp tục nói thêm về ý tưởng cậu đã bắt đầu.

“Ừmm, thì, mọi người biết đấy, con tin là Chúa tốt lành và Chúa chỉ gieo những hạt giống tốt trên đời này thôi. Ừmm…”

“Bố ơi,” Dung ngắt lời anh, “Con không thích tên quỷ Satan. Nó thật là hèn hạ đi gieo cỏ lùng vào lúa.”

Thường thì Danh sẽ sửa em ngay rằng em không được ngắt lời người khác vì như thế là bất lịch sự. Nhưng trong trường hợp này, cậu mừng khi em gái làm vậy vì Dung cứu cậu khỏi một phen bối rối.

Mẹ cậu thêm lời: “Mình biết không, em ngạc nhiên khi mình nói gia đình làm điều này. Nhưng cảm ơn mình đã tạo ra cơ hội này. Em suy nghĩ về câu hỏi mình gợi ý và nhận ra nhiều điều.”

“Cảm ơn cưng! Trong Thánh Lễ sáng nay, khi nghe đọc đoạn Tin Mừng này, anh nhận ra rằng gốc rễ của nhiều vấn nạn xảy ra trong gia đình chúng ta có thể nằm ở việc chúng ta không để ý đủ đến kẻ gieo cỏ lùng.”

“Ồ đúng,” Danh bỗng trở nên hào hứng, “Con quan sát thấy kẻ gieo cỏ rất xảo quyệt. Hắn chọn lúc mọi người đang ngủ mới hành động.”

“Đúng,” em gái cậu nhảy vào câu chuyện cũng hào hứng không kém, “và, và kẻ gieo cỏ đã bỏ đi ngay sau đó. Hắn biến mất để không ai biết hắn đã làm điều ấy.”

“Đúng, các con ạ, đó là cách tên quỷ vẫn hành động,” người cha nói, “hắn chọn tấn công ta lúc ta đang ngủ, tức là lúc ta không cảnh giác, và hắn cố gắng ẩn mặt đi để chúng ta bị sa vào cái bẫy của hiểu lầm. Các con hiểu chứ?”

“Dạ chưa, bố ơi!” Dung trả lời cách dễ thương.

“Thế này, chúng ta lấy một ví dụ. Khi chúng ta cãi vã nhau chẳng hạn, chúng ta bị xúc động một cách tiêu cực và đánh mất sự bình tĩnh cùng sự cảnh giác cách dễ dàng. Khi chúng ta ở trong trạng thái tiêu cực, chúng ta giống như đang ngủ mê. Đây là lúc thuận lợi để tên quỷ gieo cỏ vào giữa chúng ta và tấn công sự hòa hợp, bình an của chúng ta.”

“Dạ, con hiểu điều này rồi,” Danh nói, “nhưng ý bố là sao khi bố nói rằng tên quỷ cố gắng ẩn mặt đi để chúng ta bị sa vào cái bẫy của hiểu lầm?”

Cha cậu trả lời: “Mục tiêu của Satan là gieo sự bất hòa bằng cách cám dỗ chúng ta tấn công lẫn nhau. Nếu chúng ta nhận ra sự có mặt của hắn, chúng ta sẽ phá hỏng kế hoạch của hắn. Đó là lý do hắn tìm cách ẩn mặt đi để mắt chúng ta chỉ còn thấy người khác ở trước mặt mình. Khi chúng ta trong tâm trạng tiêu cực, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu lầm người khác là người sai trái hoặc có lỗi. Chúng ta bị cám dỗ ghét bỏ lẫn nhau và quay mũi tên vào nhau mà bắn trong khi không để ý đến tên quỷ đang ẩn núp đàng sau chúng ta xúi bẩy.”

“Đúng thế,” mẹ cậu tiếp lời, “nếu chúng ta nhìn lại và xét kỹ cuộc sống chung của mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng nhiều lần mình tấn công nhau một cách vô lý, vô duyên. Ta dại dột bỏ đi sự hòa hợp và bình an của mình để đút ăn cho cái tôi ích kỷ bằng chiến thắng giả tạo. Có những lúc em đã hoàn toàn sai khi cố tìm cách chứng minh mình đúng.”

“Anh Danh ơi, em xin lỗi đã lớn tiếng với anh hôm qua. Em sai rồi.” Dung thổn thức.

Danh ôm em gái bé nhỏ và nói: “Anh cũng xin lỗi vì đã phát mông em. Còn đau không?”

“Còn chút xíu thôi à!” Dung đáp mau và quay sang hỏi bố: “Vậy thì chúng ta cần phải làm gì với kẻ gieo cỏ lùng hả bố?”
“Các con nghĩ sao?” người cha hỏi.

“Con nghĩ chúng ta phải để ý hơn đến sự có mặt ẩn núp của Satan để tránh bị nó lừa. Chúng ta phải bình tĩnh trong mọi trường hợp.” Danh lý luận không tệ.

“Chúng ta cần xin Chúa giúp cho mình bình tĩnh và khôn ngoan, nhất là khi bị xúc động.” Mẹ tiếp lời cậu.

“Nhưng khi con bị xúc động, con thấy mình khó mà nhớ đến Chúa lắm.” Danh phàn nàn.

“Đúng thế, đó là điều Satan muốn,” cha cậu nói, “cảm xúc của chúng ta giống như một con thuyền trên biển. Tên quỷ luôn tìm cách khuấy động mặt nước để phá đi sự cân bằng của ta.”

“Con có một ý kiến,” Dung cất tiếng cao lên, “nếu chúng ta có thói quen cầu nguyện, lúc đó chúng ta sẽ dễ nhớ đến Chúa hơn và xin Chúa giúp mình, phải không mẹ?”

“Ôi con gái yêu, mẹ tự hào về con quá!” Mẹ ôm con gái thật chặt.

Mọi người vỗ tay. Dung nở nụ một cười thật đáng yêu.

 

Giuse Việt, O.Carm.

[190A+V014]

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.