Trở lại với việc đi thăm Đại Nội, tôi ngạc nhiên khi nghe LH cho biết Vua Tự Đức là người cho đặt bài vị của vua thấp hơn bài vị của vợ ( người Biên Hòa). Rõ ràng là khi người ta yêu quý, người ta sẽ biết cách trân trọng người phụ nữ, kể cả vua Lạ nhất là khi nhìn đôi hài của vua Tự Đức bé xíu, nếu không được giới thiệu trước sẽ nghĩ là hài của trẻ con. Đa số các vua ăn uống cầu kỳ, mỗi bửa ăn có 50 món (không biết làm sao ăn cho hết?).Hèn gì món ăn xứ Huế luôn cầu kỳ nhất nước. Vua ăn còn dư là phải đem bỏ, chứ không ai được ăn ( thiệt là lãng phí quá mức!). Nồi niêu, ngày xưa bằng đất, nấu xong phải đập bỏ. Vua Tự Đức có 103 bà vợ, không biết vì vua hiền lành hay là quá nhu nhược nên đã làm mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay Pháp, nhưng Lăng Tự Đức là một trong những lăng có phong cảnh hữu tình và được xem là công trình kiến trúc đẹp nhất của các vua chúa triều Nguyễn. Thực tế 7 vua đều xây lăng đẹp, nhưng không ai biết rõ xác vua chôn ở đâu? (ngoại trừ vua Khải Định). Những người vẽ họa đồ lăng, những người khiêng thi hài vua đem chôn cũng đều bị chôn theo để bí mật họ biết cuốn xuống nấm mồ! Nhà hát dùng để các vua giải trí gọi là "Minh Khiêm Đường", nay được xem là nhà hát xưa nhất Việt Nam còn tồn tại Khi được giới thiệu nhìn một bức hình các cung nữ thời xưa, tôi bèn thắc mắc: "Ủa, tưởng cung nữ là phải đẹp lắm chứ!. Sao mấy bà này vừa già, vừa xấu ?" Một chị đi bên cạnh tôi nói nhỏ "Ai cũng thấy vậy mà ai cũng ngại không dám hỏi, có mình chị dám hỏi!". – "Thắc mắc thì mình hỏi thôi!" LH liền trả lời: " Cô lầm rồi. Cung nữ là những người hầu hạ, phục dịch trong cung vua ( giống như ôsin bây giờ). Còn phi tần hay cung phi mới là người lấy vua". À! thì ra là vậy, hồi đó tới giờ tôi cứ tưởng cung nữ là con gái được tuyển vào cung để lấy vua. Thành thử đúng là "đi 1 đàng học 1 sàng khôn" là vậy. Ngay cả các cung phi, nói vậy chứ chưa chắc đã lấy được vua đâu, vì có hằng 5,6 trăm cung phi nên ai lấy được vua rồi được vua sủng ái, để làm vẻ vang cho cha mẹ, chắc cũng khó khăn như trúng số độc đắc. Còn đa số cuộc đời họ đều buồn thê lương như Cung Oán ngâm khúc" đã diễn tả:
"Trải vách quế gió vàng hiu-hắt,
Mảnh vũ-y lạnh ngắt như đồng;
Oán chi những khách tiêu-phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào !"
Bởi vậy mới thấy thật tội nghiệp cho các cô gái đẹp được tuyển vào cung vua. Vua nào cũng có 5, 6 trăm cung phi… hèn gì vua nào cũng chết yểu là vậy! Dân Huế có câu "Đưa con vô Nội" nghĩa là đưa con vô Đại Nội để tiến vua, cầm bằng như đã mất con vì giai nhân "một đi không trở lại". Cuộc đời họ từ đó bị chôn chặt sau mấy vòng thành quách, khi vua băng hà thì số phận họ tùy theo di chúc của vua cũ hay nhờ vào lòng tốt của vua mới: có khi họ bị chôn theo vua, có khi được đưa đến sống tại lăng tẩm của vua để tiếp tục hầu hạ khói hương vua cho tới chết! Thật là đáng thương! Hãy lắng nghe tâm sự nảo lòng của họ qua CONK:
"Duyên đã may cớ sao lại rủi ?
Nghĩ nguồn-cơn dở-dói sao đang ?
Vì đâu nên nỗi dở-dang,
Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình !'
Phải biết rõ như vậy thì mới thấu hiểu câu nói người xưa "Hồng nhan, bạc mệnh" là chí lý vô cùng. Đi sang một khu khác, nhìn thấy hình mấy ông thái giám, tôi nhớ lại ngày xưa nghe kể: Vì trong cung vua có quá nhiều người đẹp, nên để diệt trừ hậu họa, ông nào muốn vô làm trong cung vua đều phải bị thiến hết. Chắc là vua cũng rành tính nết "35" của "đồng loại" nên bắt thiến cho chắc ăn. Đồ vua ăn dư, còn không cho ai ăn thừa nữa là cung phi… nên nghe nói mấy quan đại thần thân cận hay ra vào cung vua thường xuyên cũng đều phải thiến hết ( Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Lê văn Duyệt…) và họ trở thành "Hoạn Quan". Có lẽ từ đó mới có câu "đau như hoạn" là vậy. Tôi hỏi lại LH xem có phải thái giám là người bị thiến không? Ai dè LH trả lời: "Thái giám là những người đồng tính ( chiếm đa số) thái lẳng mới là những người bị thiến ( số ít)"- Ủa vậy thì ngày xưa "đồng tính" có giá quá chứ, vì được tiến vào cung vua để làm quan thái giám!" Như vậy là tôi lại có thêm 1 kiến thức mới! Có lẽ vì vậy dân Huế mới có câu "Đẻ ông Bộ cho làng nhờ" đẻ ông bộ là đẻ con đồng tính, hoặc ái nam, ái nữ, vì số người chịu tự thiến rất ít. Đối với các ông, cái đó rất quý, nó thể hiện nam tính trượng phu, nên dù có quyền cao chức trọng, bổng lộc tới đâu mà phải chịu thiến là họ cũng lắc đầu. Vì thế chỉ còn trông cậy vào loại Giám trời cho ( bẩm sinh) nên họ thuộc loại "hàng hiếm". Do đó vua ban hành 1 quy chế đặc biệt cho "giám bẩm sinh". Làng xã, gia đình nào sinh con đồng tính hay ái nam ái nữ phải báo…từ làng, xã, tỉnh…về bộ Lễ, (đặc trách về nghi lễ triều đình) . Sau khi xác định tình trạng thực sự của đứa bé, từ đó triều đình qua Bộ Lễ sẽ cấp chi phí nuôi đưỡng đầy đủ. Có lẽ vì đứa bé thuộc người của Bộ Lễ quản lý nên người ta mới gọi "con ông Bộ" là vậy. Khi đứa bé được 12 tuổi sẽ được đưa về Kinh và chuyển vào cung cấm để được rèn luyện. Cha mẹ vì có công sinh con hữu ích cho vua nên được hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt, ngay cả làng xã cũng được hưởng ơn mưa móc lây. Do đó sinh con đồng tính là 1 niềm tự hào và vinh dự cho cha mẹ và làng xã. Thật là quan niệm mỗi thời một khác! ngày xưa các "quan giám" được mọi người nể vì, chứ đâu như sau này"đồng tính" phải đau khổ, lo che giấu thân phận của mình!
Chiều tà đã tỏa ánh sáng vàng yếu trên toàn thể đại nội, chúng tôi đi lần theo "trường lang" (hành lang dài) âm u để đi ra thăm cửu đỉnh: mỗi đỉnh nặng đến 25 tấn và đều khắc những hình ảnh đẹp của đất nước. Ai cũng muốn chụp hình với dãy 9 cái đỉnh khi đến thăm Đai nội, vì nó là nét đặc trưng của Huế. Hoàng hôn đã xuống tự bao giờ tạo nên một khung cảnh đẹp trầm mặc nơi chốn lâu đài xưa, Nhìn toàn cảnh Đại nội trong bóng chiều rơi, tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan, xem ra rất hợp tình, hợp cảnh:
"Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương."
Trên đường trở về hotel, LH nói thêm về đặc tính của các cô gái Huế: nói nhẹ, đi nhẹ và ngoan hơn các cô gái nơi khác?.( Tôi nhớ nhà văn Túy Hồng cũng là dân Huế, nhưng văn bà "bạo" hết chỗ nói!) Có lẽ vì gia đình ở Huế có lệ con gái bị "giới nghiêm" không được ra khỏi nhà sau 9 giờ tối. Tôi nghe mà giật mình, vì tôi đã lở email hẹn với HN, 1 sinh viên Huế, tôi mới quen qua 1 chương trình học bổng. Tối nay chương trình của đoàn là sẽ đi nghe hát hò Huế trên đò và thả hoa đăng trên dòng sông Hương, tôi đã tham dự chương trình này nhiều lần, nên tôi dành tối nay để găp H.N. Gặp nhau nói chuyện thì phải vào 1 quán nước nào đó, nên tôi đề nghị tìm 1 quán nhạc TCS để nghe luôn, vì TCS là dân Huế, nên đến Huế mà không nghe nhạc TCS cũng là 1 thiếu sót. Tôi chẳng hề nghe H.N nói tới vụ "giới nghiêm" này gì hết, nên tôi đâu biết có vụ "khó khăn" này! Tôi thiệt là sơ ý, trưa nay tôi mới a lô cho HN biết địa chỉ hotel, để hẹn tối nay gặp. Thôi, kiểu này có thể ba mạ em sẽ nghi tôi là "mẹ mìn" dụ dỗ con gái họ đi chơi khuya thì chết! vì chúng tôi chưa hề gặp nhau lần nào. Chắc lát nữa gặp em, tôi sẽ tặng em món quà "surprise" mà tôi biết em đang rất cần. (Thực ra món quà (mini laptop) này là của con trai tôi tặng mẹ, nhân dịp sinh nhật, trước khi về VN để mẹ xài tốt hơn cái cũ nhưng tôi thấy có lẽ HN cần nó hơn tôi, nên tôi "nhường" lại cho em.) Rồi tôi sẽ khuyên em nên về nhà kẻo vi phạm "gia phong". Khi H.N. a lô cho biết em đã tới Hotel rồi, tôi phải vội hỏi em mặc áo màu gì? để tôi còn biết mà nhận diện. Khi tôi từ trên lầu xách giỏ quà chạy xuống, ra khỏi cửa hotel tôi nhìn thấy 1 chiếc áo đỏ, bèn đi về hướng đó. Bây giờ tôi mới biết HN được cả ba mạ đi hộ tống (anh chị D rất vui vẻ, tử tế), còn HN thì đúng là tiêu chuẩn cô gái Huế, nói năng nhỏ nhẹ, nhu mì với giọng Huế thật dễ thương. Sau đó tôi về thăm nhà HN, trên đường đi tôi được chở qua "đường Trịnh Công Sơn". Một con đường khá đẹp và nên thơ thoáng mát, vì nằm cạnh sông Hương, nếu đừng có những quán nhậu liên tiếp dọc con đường, và họ ra tận đường để mời khách. Những quán nhậu này đều mang tên những bản nhạc trữ tình của TCS: Hạ Trắng, Diễm Xưa, Biển Nhớ… Không biết có phải vì ngày xưa TCS xem rượu là bạn giải sầu hay không mà ngày nay con đường mang tên anh lại đầy những quán nhậu thế này?.
Trong buổi thăm nhà, anh chị D đã vui vẻ kể cho tôi nghe những câu chuyện "người thật, việc thật" ở Huế như nạn tham nhũng đang lan tràn ở Huế làm cái gì cũng phải đút lót thì mới xong. Nghe nói chợ Đông Ba suýt nữa đã bị bán, rồi công ty HUDA cũng vậy. Song song với nạn tham nhũng thì nạn nhậu nhẹt cũng leo thang chóng mặt! H.N cho biết tỷ lệ sinh viên ĐHSP ra trường kiếm được việc làm là 2%, giới chức cầm quyền thì toàn là tiến sĩ, thạc sĩ dõm ( truy ra thì trình độ thực là cỡ lóp 2, lớp 3…). Chị D cho biết mưa Huế có khi kéo dài tới 15 ngày, tôi đã từng nghe mưa Huế dai dẳng, nhưng không thể hình dung nỗi kéo dài tới độ đó, vì tôi quen kiểu "Saigòn, mưa rồi chợt nắng"…Trước khi về, tôi mời anh chị D có rãnh thì đi nghe nhạc chung, anh chị nhận lời liền, vì thực ra anh chị cũng là những nguời say mê nhạc TCS và anh chị đã tìm sẳn "Điểm dừng chân thú vị khi đến Huế" là "Gác Trịnh" cho tôi. Anh chị thiệt chu đáo và tử tế, lúc chiều tôi có hỏi thăm LH về quán nhạc TCS hay ở Huế, nhưng bây giờ tôi đi theo sự hướng dẫn của anh chị D
"Gác Trịnh" mở cửa từ 1/4/2013 và đã trở thành địa diểm quen thuộc của những người yêu nhạc Trịnh ở Huế, cũng như du khách khắp nơi. Căn gác nằm ở tầng 2, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ. Căn gác nhỏ này đã là nơi chốn từng đêm "bước chân về gác nhỏ" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những năm 1960 – 1970, chính nơi đây TCS đã sống và sáng tác những bản nhạc đầu tay của mình. Thiết nghĩ Sở Văn Hóa thành phố Huế nên quan tâm tới việc giữ gìn và bảo tồn "Gác Trịnh" như là 1 di tích văn hóa của Huế. Trịnh Công Sơn là 1 nhạc sĩ thiên tài, những bản nhạc của anh đã ảnh hưỏng tốt đẹp đến tâm hồn bao nhiêu thế hệ . Nhạc TCS không những được người Việt Nam già, trẻ đều yêu mến mà còn được rất nhiều nguời nước ngoài ái mộ và họ phải học tiếng Việt để hát nhạc TCS. Vì âm nhạc là tiếng nói không biên giới của mọi tâm hồn, khi cảm thụ được từng nốt nhạc, tâm hồn nhẹ bẫng bay bổng, cho ta thấy xoá đi mọi ưu phiền, buồn bã… Ở Mỹ, tôi nhớ trong lần đi thăm Key West (Florida), ngôi nhà của Ernest Hemingway, một nhà văn Mỹ nổi tiếng, đã sống và làm việc tại Key West hơn 10 năm và những tiểu thuyết của ông cũng được sáng tác tại nơi này. Bây giờ ngôi nhà đó được biến thành viện bảo tàng (Museum) thu hút nhiều du khách đến thăm . Mới đây khi đi thăm Bạc Liêu, tôi thấy người ta dùng nhà của "Công Tử Bạc Liêu" để làm nơi cho du khách đến thăm những di tích của ông để lại. Vậy Sở Văn hóa Huế nghĩ sao khi nhà một chàng công tử "ăn chơi phá của" mà còn được làm nơi cho du khách viếng thăm, huống hồ gì nhạc sĩ TCS, người con yêu quý, thiên tài của Huế, lại bị Huế để rơi vào quên lãng sao??!. Có người đã từng nói" Tôi nghĩ TCS là người trời gửi xuống để cống hiến cho chúng ta những ca khúc tuyệt vời, những bài hát của anh quả là thức ăn “nuôi dưỡng tâm hồn” cho bao nhiêu thế hệ..Anh xứng đáng được trân trọng""
Khi chúng tôi đến "Gác Trịnh", chỉ thấy có vài người khách ngồi ở phía ngoài , nhưng được cho biết là đã hết chỗ, vì có người đặt trước cả rồi. Phòng chính của quán trưng bày rất nhiều hình ảnh của TCS và một số kỷ vật của anh. Chúng tôi được mời vào phòng trong, ngày xưa có lẽ là phòng ngủ, có những bàn thấp và khách ngồi dưới sàn theo lối trà đạo của Nhật. Từ một máy hát với âm thanh trầm ấm, tiếng hát Khánh Ly và tiếng đàn thùng bập bùng thân quen của TCS ngày xưa vang lên êm đềm như dẫn tôi trở lại kỷ niệm thời sinh viên Saigon. Lời K. Ly hát như đưa tôi về một buổi chiều mưa mênh mang đã xa lắm rồi, với con tim tan nát, tôi lang thang trong mưa đi về giáo đường mà lòng đầy cô đơn hoang vắng:
"Trời còn làm mưa Mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn Em mang em mang
Đi về giáo đường Ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai?"
Đúng là giọng hát liêu trai và tiếng đàn mê hoặc một thời, nghe sao mà da diết thấm thía tận cõi lòng dù cho "mùa Xuân đã qua bao giờ!" Rồi chợt nghe tim bồi hồi nhớ về một hoài niệm thương yêu cũ "lòng đã dặn lòng" hãy cố từ biệt một mối tình mà sao vẫn hoài chập chùng mông mênh thương nhớ:"Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang…".
Chung quanh phòng, và cả ngoài hành lang toàn những hình ảnh của TCS và những bức vẽ, tranh ảnh lưu niệm bạn bè tặng lại… vì TCS là người sống rất nặng tình với bạn bè như anh đã kể "cho nên tôi yêu trái tim không nặng nề, những con tim bạn bè bao la…" Tất cả đã tạo nên một "không gian văn hóa Trịnh" thật tuyệt vời. Cám ơn anh chị D đã đưa tôi tới chốn này, một nơi ghi lại thật nhiều hình ảnh, dấu tích của nhạc sĩ TCS
Lát sau có em vào mời chúng tôi ra bàn ngoài ban công, vì lúc nảy chị D có dặn, khi nào có bàn phía ngoài thì nhớ cho chúng tôi hay. Một cái bàn nhỏ và 4 ghế ngồi, hơi chật nhưng không sao, có ghế ngồi là quý rồi. Điều thú vị là khi ngồi đây, tôi có thể hình dung ra ngày xưa, cũng chính nơi chốn này như TCS đã kể "Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. cô ấy đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường…" Nhờ đó chúng ta đã có bản tình ca bất hủ "Diễm xưa"
"Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua…
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau".
Hay qua bài "Mưa hồng": " Đường phượng bay mù không lối vào. Hàng cây lá xanh gần với nhau". Tuổi mười tám đôi mươi ở ai cũng có duyên thầm nụ cười, lúng liếng ánh mắt hay dẫu chỉ là bước đi hồn nhiên cũng đủ làm thơ thẩn trái tim bao chàng. Con đường này đã từng vẽ lên bóng dáng người con gái áo dài trắng thướt tha buổi tan trường…rồi lòng chợt thầm nhủ "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ"…
Nhìn xuống đường tôi thấy 1 xe bus du lịch ngừng lại, mọi người kéo xuống và anh HDV dẫn lên lầu. Thì ra đây là những vị khách đã đặt chỗ trước chúng tôi, hình như đa số họ là Việt kiều. Như vậy mới biết vị trí của TCS bền chặt trong lòng người biết bao, không kể khoảng cách không gian và thời gian. Chuơng trình nhạc được bắt đầu ở bên trong, nhưng chúng tôi gần như không thể nghe được gì hết vì họ hát không micro, mà ở dưới nhà lại là 1 quán nhậu. Tiếng đám bợm nhậu hò la "1,2,3 dzô, dzô" ngân dài và liên tục. Muốn nghe chúng tôi phải đứng lên, đi sát vào phòng chính…Không biết có gạch nối vô hình nào giữa TCS, người đã từng tâm sự "chén rượu cay, một đời tôi uống hoài" và dân nhậu không nhỉ?
Gió khuya len lén trở về lúc nào không hay, tôi bất chợt cảm thấy lạnh, và phải dùng đến khăn quàng chị D vừa mới tặng. Trên đường về nhìn cảnh đêm Huế thật yên tỉnh và vắng lặng, lời bài hát Phôi Pha tôi vừa nghe lúc nảy như đang âm thầm, dịu dàng trở lại trong tâm:
"Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về
nhớ chân giang hồ
Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già
một ngày kia đến bờ
đời người như gió qua".
Phải "Ôi phù du…đời người như gió qua", nên xin cám ơn Đời, cám ơn anh chị D và HN đã cho tôi có cơ hội được đến thăm "Gác Trịnh" nơi ghi lại nhiều dấu tích xưa của Nhạc sĩ Trịnh công Sơn ở Huế. Nhờ đó tôi có được những giây phút lắng lòng nhớ về ngày tháng kỷ niệm êm đềm xưa của một thời giảng đường, ngồi mộng mơ đếm lá vàng rơi, thả hồn với nhạc TCS:
"Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời…"
Nhớ lại khi mới lên đại học, cùng đi với nhóm bạn đến nghe TCS hát trong một phòng nhỏ nơi sân truờng ĐHVK cũ. Thật khó quên hình ảnh TCS ôm đàn guitar thùng ngồi bệt duới sàn, vừa đàn vừa hát giữa nhóm sinh viên trẻ giống như "chàng lãng tữ đến giữa đời” ngứa cổ hát chơi:
" Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui…"
Đúng vậy, nên dù buổi nghe nhạc tối nay tuy không trọn vẹn, nhưng có hề chi, tấm lòng ân cần của anh chị D đối với tôi, đó vẫn là món quà quý nhất mà tôi đã nhận được ở Huế. "Không gian văn hóa Trịnh" như vẫn còn vương vấn trong tôi trên đuờng về. Tôi nghe như đâu đây thoang thoảng một giọng hát xưa thì thầm trong đêm:
"Thôi về đi, đường trần đâu có gì…
Bàn chân ai rất nhẹ,tựa hồn những năm xưa."
Phượng Vũ
Views: 0