“Mây vương khói chiều, xứ Huế đẹp yêu kiều
Ngơ ngẩn lòng du khách những chiều xưa
Hương Giang lững lờ, trăng nước vờn đôi bờ
Câu hò vọng xa đưa khúc buồn mơ…” (Minh Kỳ)
Xe đưa đoàn chúng tôi rời phi trường Phú Bài vào thành phố Huế, nhìn khung cảnh sinh hoạt phố xá của Huế, cảm giác đầu tiên của tôi là nhẹ nhàng, thư thả và một chút bình an so với Saigon, tôi vừa bỏ lại sau lưng. Một Saigon tấp nập, cuồng nhiệt và ngộp khói xe với người là người! Tối qua chở chị đi xe ra phố “ngắm đèn” thấy “ngộp” quá, tôi muốn quay về nhưng không thể nào, tôi như bị kẹt cứng giữa rừng xe vây quanh! Đúng là “tiến thoái lưởng nan”! Bây giờ đến Huế mọi thứ “xuống tông” trầm lắng đáng kể, khiến cho người cảm thấy dễ chịu. Ngoài ra có lẽ một phần còn nhờ tà áo dài tím và giọng nói Huế quyến rủ của cô hướng dẫn viên Lê Hường: Cô cho biết giọng Huế giống như Sầu Riêng (bề ngoài sần sùi, nhưng bên trong thơm, ngon, hấp dẫn) nên nghe chưa quen thì thấy khó nghe, nhưng khi nghe quen rồi là “nghiền”. Chu choa! nghe chi mà dễ sợ rứa, “nghiền” rồi thì làm răng mà bỏ được mô? Hèn chi mà Huế đã làm “Ngơ ngẩn lòng du khách những chiều xưa”. Tôi đã đến Huế nhiều lần, đi thăm các thắng cảnh và lăng tẩm Huế cũng nhiều lần, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên tôi được 1 cô gái Huế dẫn đi thăm và giới thiệu về thành phố quê hương của cô, có phải vì thế mà lần này tôi tìm ra được khá nhiều điều thú vị và mới lạ hơn chăng?
Ngành du lịch Việt Nam bắt đầu có nhiều tiến bộ, trước kia tôi đi tour thì HDV sẽ cùng đi với khách ngay tại Saigon. Bây giờ có người lo thủ tục cho khách lên chuyến bay và khi ra đến nơi thì có HDV địa phương chờ sẵn ở sân bay để hướng dẫn đoàn. Lê Hường có khiếu ăn nói duyên dáng, cô thuộc nhiều thơ, văn và các bài hát đầy một bụng, nên bất cứ lúc nào cô cũng có thể lấy ra dùng liền cho hợp tình hợp cảnh gây cho khách nhiều thú vị. Có lẽ vì cô là dân Huế nên “rành 6 câu” khi nói về Huế, lại quá “chuyên nghiệp” do đào tạo (khóa đại học HDV 4 năm), rồi H.D. cùng 1 tour quá nhiều lần, trong nhiều năm. Do đó cô nói và hát cứ như suối chảy, khách chỉ ngồi nghe là cũng đủ thấy mê rồi!
Trước tiên cô giới thiệu về hình ảnh nên thơ của Huế với cầu Tràng Tiền như 1 cái trâm cài qua mái tóc Huế là dòng sông Hương, nơi đã từng là kỷ niệm qua những câu thơ tình tứ cảm động của các cặp tình nhân:
“"Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp..
Em không theo kịp tội lắm Anh ơi..
Đã bấy lâu em mang tiếng chiụ lời..
Anh có xa em đi chăng nữa cũng tại ông trời nên xa…”
Qua câu cuối, người nghe cũng đã thấy cái tài “chạy tội” và dẽo miệng của con trai Huế đa tình “Anh có xa em đi chăng nữa cũng tại ông trời nên xa.” Có lẽ điều này cũng phù hợp với mối tình đầu của LH mà cô mới vừa kể cho chúng tôi nghe. Cô yêu 1 chàng trai miền Nam vì chàng ở bờ bắc, nàng ở bờ nam (sông Hương), mà con gái Huế “rất đa tình đã không yêu thì thôi, mà yêu thì yêu cho tới bến","Yêu da diết dai dẳng như mưa Huế” nên cô chẳng quản ngại bất cứ điều gì. Trong 2 năm, hằng ngày cô phải đạp xe qua lại cầu Tràng Tiền để đến thăm chàng, và viết bao nhiêu lá thư tay cho chàng. Vậy mà cuối cùng chàng về miền Nam rồi đành lòng xa cô mà đi lấy người khác, bởi vì ba má chàng không bằng lòng cho chàng cưới gái Huế. Rồi cô nhìn tôi: “Bây giờ mỗi lần nghe giọng miền Nam là nhớ muốn khóc!” Tôi lắc đầu, nhủ thầm “Con trai miền Nam cũng dễ thương và chung tình lắm chứ bộ!” như bài hát “Tóc xưa” Ngô Thụy Miên phổ nhạc từ thơ BS Dương văn Thiệt (nghe tên Thiệt là biết dân Nam kỳ rồi), tôi nghe mà cảm động rơi nước mắt! về một mối tình sắt son hiếm có của thời đại ngày nay. Không biết câu chuyện tình cô L.H kể có thiệt hay không, nhưng nghe rất lâm ly, bi đát! Khi xe đi ngang làng Kim Long, cô giới thiệu đây là vùng đất nổi tiếng có nhiều cô gái đẹp, đến nổi nhà vua mà cũng phải si tình, cất lên lời hát:
“Kim Long có gái mỹ miều,
Trẩm thương, trẩm nhớ, trẩm liều trẩm đi.”
Nghe vậy, tôi ngoái đầu nhìn ra ngoài xe xem có may mắn thấy được người đẹp Kim Long nào không? Khi đến viếng chùa Thiên Mụ nghe cô kể chuyện về 1 mối tình trắc trở vì bị gia đình nhà gái ngăn cấm quyết liệt. Quá đau khổ, đôi trai gái cùng nhau ra sông Hương tự vẫn, vì những tưởng sống không đến được thì chết sẽ bên nhau mãi mãi. Nhưng trớ trêu thay, khi trái tim chàng trai đã ngừng đập dưới đáy sông Hương sâu thẳm, cô gái lại may mắn dạt vào bờ và được những người địa phương tốt bụng cứu sống. Gia đình cô gái tìm về, ép nàng lấy một vị quan nhất phẩm trong triều mà họ đã nhắm từ trước. Chờ người yêu mỏi mòn không thấy, oan hồn chàng trai uất hận cho số phận bất trắc của mình, bèn lang bạt vào chùa Thiên Mụ ngự trước mặt sông Hương, thề độc sẽ phá những đôi tình nhân đến đây viếng chùa. Có lẽ vì tích đó mà người ta truyền miệng nhau rằng, những ai còn cô đơn đến đây thành tâm cầu nguyện sẽ gặp được người thương, còn nếu có người yêu mà dắt nhau tới chùa, ắt sẽ chia lìa tan tác… LH mỉm cười kết luận “mấy anh trai Huế hay dắt người yêu lên đây để chia tay bớt, vì họ có quá nhiều người yêu..” một giọng trong đoàn cất lên: “Chu choa đúng là con trai Huế dễ sợ thiệt hè!” Vậy đó, mà lúc cuối tour khi tôi lập lại ý trên vì trên xe có người thắc mắc “Sao LH nói nhiều về đặc trưng gái Huế, mà không thấy nói đặc trưng phe bên kia?” không dè tui bị bác tài và phụ xế là dân Huế (tui đâu hề biết!) rên rỉ: “Cô nói rứa thì oan cho tụi em quá, chắc là dân ở đâu trôi về đây làm mang tiếng Trai Huế…" Thôi mọi chuyện chỉ có Trời biết!
Ngoài ra LH còn giới thiệu ở Huế có 1 loại bia nổi tiếng ngon là bia HUDA ( sự kết họp làm ăn giữa Huế và Đan Mạch) sản xuất theo công nghệ dây chuyền hiện đại, hèn gì mà bây giờ dân Huế thích ca câu hát của TCS "Mỗi ngày tôi nhậu 1 lần thôi. Từ sáng tinh mơ đến lúc chiều tà, tôi đợi em về, mời em nhậu tiếp…” . Để chuyển đề tài LH hát bài “ Huế Thương” của An Thuyên để giới thiệu về màu Tím của các cô gái Huế:
“Trở lại Huế yêu, lần theo ân tình câu hát…
Tìm người con gái áo tím mộng mơ.”
LH cho biết màu tím có từ thời vua Gia long và màu tím của gái Huế tượng trưng cho sự chờ đợi và thủy chung. Tôi cũng yêu màu tím dù tôi không phải là gái Huế, và đặc biệt trường Nữ Trung Học Gia Long của tôi ở Saigon lại là trường duy nhất của cả nước mang tên là "Trường Áo Tím" (tên xưa, vì đồng phục của các nữ sinh là áo dài tím). Do đó bây giờ màu tím là màu biểu hiện riêng của dân Gia Long ở hải ngoại:
“Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha…”
Tôi thấy đặc tính “chờ đợi, thủy chung và hy sinh” không phải chỉ riêng của cô gái Huế mà là đặc tính chung của phụ nữ Việt Nam. Vì thế nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết (dù là thời đó chưa có vụ đi học tập cải tạo của quý ông)
“Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.”
Sau đó tôi ngạc nhiên khi nghe LH cho biết “Màu tím em mặc bây chừ là màu tím dành cho con gái Huế” – “Vậy còn màu tím của phụ nữ thì ra răng?” – “Chiều nay em sẽ mặc áo dài màu tím nớ, cho cô xem!”. Đúng là Huế phức tạp thiệt! như vụ tên họ, trước đây tôi cứ ngỡ họ Tôn thất, Tôn nữ đều là hoàng tộc, té ra không phải vậy! Vì các vua có cả hằng trăm bà vợ, sinh ra không biết bao nhiêu là con trai, con gái nên vua sợ sau này con cháu sẽ lấy lẫn nhau nên đặt trước họ: Miên, Ưng, Vĩnh, Quý, Long, Quốc… nhưng tới đời vua Bảo Đại (là Vĩnh Thụy) thì đã mất ngôi vua. Riêng con gái thì họ là Công huyền tôn nữ.., Công Tằng tôn nữ…. Còn Tôn thất và Tôn nữ chỉ là dòng họ những người làm việc trong cung vua mà thôi.
Buổi chiều khi hướng dẫn đoàn vào thăm Đại Nội, tôi lại có dịp khám phá thêm nhiều điều thú vị khác về các vị vua triều Nguyễn. Như vua Gia Long say mê và nhất quyết lấy cho được công chúa Ngọc Bình (vợ Quang Toản), nên sau này dân gian mới có câu “Con Vua lại lấy 2 vua làm chồng”. Vua Minh Mạng được xem là đẹp trai nhất và rất tài giỏi. Có lẽ nhờ tài “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” nên bây giờ người ta vẫn đồn về toa thuốc Minh Mạng, mà ông uống bà khen hay. Ngoài việc có quá nhiều vợ và quá nhiều con (142 người), vua Minh Mạng còn là người chủ trương “bế môn tỏa cảng” (gây ra bao nhiêu hậu quả tai hại sau này cho đất nước) và sát hại những người theo đạo Công Giáo, đã làm biết bao nhiêu người phải “Tử Đạo”. Vua có tới hơn 500 phi tần, đa số tuyển từ Gò công, Biên Hòa…Nghe vậy tôi bèn thắc mắc: “Ủa, sao nói gái Kim Long đẹp nổi tiếng mà sao những cô gái đẹp xuất sắc được các vua sủng ái đặc biệt toàn là dân miền Nam?” Chính Vua Bảo Đại cũng đã từng nói: Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. – “Dạ, có lẽ vì gái Kim Long chỉ đẹp nổi tiếng ở Huế thôi!”. Sau này vua Minh Mạng thấy thời tiết hạn hán quá, vua nghĩ chắc tại trong cung “Âm thịnh, dương suy” nên cho thải ra ngoài hơn 100 phi tần. Họ ra sống ở 1 làng tại Đà Nẵng và ở vậy, không đi bước nữa vì coi như đã lấy Vua (dù có khi họ còn chưa biết mặt vua, vì vua có quá nhiều phi tần) bởi theo nề nếp cũ “gái chính chuyên chỉ lấy 1 chồng”!? Người đàn ông lấy vợ không phải là “gái chưa chồng” thì bị cho là lấy vợ thừa…Sao mà tội nghiệp cho thân phận phụ nữ dưới thời phong kiến quá! May quá, mới đây nhà văn N.N. Ngạn trong 1 cuốn Paris by night đã nói: Ngày xưa người ta hay nói:
“Ra đường thấy cánh hoa rơi
Giơ chân đạp bỏ, chẳng chơi hoa tàn"
Nhưng ngày nay thì người ta nói khác rồi:
"Ra đường thấy cánh hoa rơi
Nâng niu nhặt lấy: cũ người, mới ta.”
Phải vậy mới công bằng chứ!, vì phụ nữ cần phải được trân trọng, nâng niu, chứ đâu phải là “món hàng” để quý ông xài, rồi hắt hủi!. Có lẽ vì cảm thương cho số phận đàn bà trong chế độ phong kiến, nên nhà thơ Nguyễn Du đã từng cảm thán viết nên:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”
Tôi thấy những phụ nữ có trí thức và trình độ chắc chả ai ham lấy vua. Lấy về rồi phải chịu đựng hàng rào lễ nghi, phẩm trật…với cả 1 hệ thống cung đình “quan trên ngó xuống, người ta trông vào” sống giống như “cá chậu, chim lồng” thì mất hết tự do còn gì là hạnh phúc! Điển hình ngay trong triều Nguyễn: Cô Nguyễn Hữu Thị Lan (quê Gò công) du học bên Pháp, gặp Bảo Đại. Vua say mê đòi cưới nàng làm vợ, nhưng nàng không chịu…Sau cùng nàng đưa ra 2 điều kiện: Nàng không chấp nhận chế độ đa thê, (chứ đừng nói chi đến 5,6 trăm phi tần…) mà phải tuân theo luật “1 vợ 1 chồng” của truyền thống đạo Công Giáo, lấy vua nhưng nàng được giữ nguyên đạo Công Giáo, và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo. Ngoài ra nàng phải được tấn phong Hoàng Hậu Chánh Cung ngay trong ngày cưới (Đây là một biệt lệ đối với các chính cung trong triều Nguyễn. Vì mười hai đời Tiên Đế nhà Nguyễn trước, các bà chánh cung chỉ được phong tước Hoàng quý phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.) Vua Bảo Đại đã chấp nhận mọi điều kiện nàng đưa ra và nàng đã được vua Bảo Đại phong chức Nam Phương Hoàng Hậu khi cưới nàng. Bảo Đại có giải thích thêm về hai chữ Nam Phương như sau: “Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud) và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng Đế”. Xin hoan hô và cám ơn Nam Phương Hoàng Hậu, vì bà đã làm được 1 cuộc cách mạng về vai trò và vị trí của phụ nữ Việt Nam ngay trong lòng chế độ phong kiến, với xã hội chồng chúa – vợ tôi.
Riêng vua Thiệu Trị có bà vợ xinh đẹp tài giỏi, quê Gò công đã giúp vua Thiệu Trị rất nhiều trong việc triều chính. Có lẽ nhờ bà là người rất ham mê đọc sách (dù phải đọc lén vì ngày xưa phong kiến cấm phụ nữ đọc sách, chắc sợ các bà giỏi hơn các ông chăng? ) Bà Từ Dũ luôn điều hành nội bộ trong cung với tinh thần bao dung, nổi tiếng là người nhân hậu, đức độ, thương người (Ở Saigon có binh viện Từ Dũ). Nói tới vụ mê đọc sách của bà Từ Dũ, tôi chợt nhớ 1 trong 2 lý do mà tôi đi Huế lần này là để tìm cách liên lạc, ủng hộ chị Thanh Nhã, người chủ trương sáng lập tủ sách Trung Thực cho sinh viên nghèo ở Huế. Tôi cũng vốn là 1 người mê đọc sách, nên tôi rất tâm đắc với việc làm của chị TN trong chủ trương “tự quản” với tủ sách Trung Thực…
Một buổi sáng thức dậy tôi được nghe bản tin đài VOA về Quán cơm Xã hội ở Huế ( 72A Đào Tấn) giá 5000$/1 xuất ăn ( trị giá 20.000$) mở cửa mỗi trưa từ thứ 2- thứ 6 Các sinh viên xa nhà (Quảng Bình, Quảng Nam…) tới phụ giúp rồi ăn trưa với giá rẻ và chỉ có ở đây sau khi ăn xong các em tự tay dọn dẹp, rửa mâm chén như trong bửa cơm gia đình. Quán được sự bảo trợ của ông Hồ văn Trung (Sydney – Úc) để trả ơn những ngày tháng lúc còn nhỏ ông đã được lớn lên nhờ những quán cơm xã hội (VNCH) lo cho người nghèo. Điểm đặc biệt của quán cơm xã hội là có 1 tủ sách mang tên “Trung Thực” với hàng ngàn đầu sách,( nhiều nhà sách đã hổ trợ cho chưong trình này) để khuyến khích các sinh viên đọc sách vì “Văn hóa đọc” đã bắt đầu mai một nơi giới trẻ. Sách có thể mượn đọc tại chỗ (trước hoặc sau khi ăn trưa) hay mang về nhà 1 tuần (tự ghi tên trong cuốn sổ ngày mượn, và tự động đem trả lại đúng ngày) Tủ sách không có người quản lý vì chị TN muốn tập cho các em tính trung thực, một điều rất cần thiết trong xã hội hôm nay. Không phải lúc nào cũng có người canh chừng “hở ra là chôm, hớ ra là chớp” Tôi nhớ lại policy “Túi nylon bấm” tại siêu thị Big C ( Huế) mà tôi đã từng trãi nghiệm cách đây vài năm, thật đáng buồn! Siêu thị Big C có 6,7 tầng, mỗi tầng bán những mặt hàng khác nhau. Có cầu thang cuốn để phục vụ khách hàng di chuyển từ tầng này lên tầng khác, xem ra rất “văn minh” nhưng lại thiếu “văn hóa” vì lên tới lầu cao, ngay ở cửa có nhân viên chặn lại bắt đưa giỏ xách, máy ảnh…rồi họ cho tất cả vào 1 túi nylon to, quấn mấy tua ở miệng rồi bấm lại một dọc, xong trả lại. Chắc họ sợ khách hàng “chôm đồ” bỏ vô giỏ! Sau đó cứ xuống mỗi tầng lại tái diễn cái màn bấm túi nylon kể cả những đồ mua ở tầng trên đã có hóa đơn trả tiền rồi! Vây là đi siêu thị tay kè kè ôm cái bịch nylon to đùng trông thật “thanh lịch” hết ý! Trong khi đó các thư viện ở Mỹ luôn để các quầy sách bán ngoài cửa với giá niêm yết chung. Khách hàng dù người lớn, con nít tha hồ thoải mái lựa chọn, rồi mang sách vào bên trong đến quầy tính tiền để trả. Cũng như 1 người bạn đi chơi ở Kyoto về kể chuyện: Khi đổi xe từ subway sang railway, không thấy chỗ nào bán vé nên nhẩy đại lên ngồi. Khi xe chạy hỏi thăm những khách ngồi cạnh mới biết chỉ trả tiền khi xuống xe. Lúc đó mọi người sẽ tự động thẩy tiền vào thùng ngay bên cửa, giá niêm yết trên thùng là 210 yen. Qua nội quy mượn sách của “Tủ sách Trung Thực”, tôi vui mùng vì thấy trong “đêm đen về nhân cách” của xã hội, nay đã thấy ánh sáng nhỏ, ló dạng cuối đường hầm. Thật là đáng quý, xin hoan hô những ai đã có sáng kiến rèn luyện nhân cách giới trẻ từ những chuyện nhỏ. Có như vậy sau này mới hy vọng “Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau.” Hơn nữa đọc sách là 1 trong những phương tiện hữu hiệu để rèn luyện nhân cách, làm phong phú tri thức và tâm hồn cho người đọc, nhất là giới trẻ.
Vậy hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất để giới trẻ hướng về điều thiện ngay từ hôm nay. Xin cám ơn chị Thanh Nhã và những người đã âm thầm góp tay giúp sức cho việc đọc sách càng ngày càng phát triển ở Việt Nam. Đó cũng là cách đầu tư cho thế hệ mai sau, niềm hy vọng cho tương lai đất nước, để các em sẽ trở thành:
“Học sinh là người mới của Việt Nam…
Ðem sức thanh tân chống mọi suy tàn
Học sinh làm sáng đời dân Việt Nam.”
(Còn tiếp)
Phượng Vũ
Views: 0