Uncategorized

Hôn Nhân: Một dấu chỉ cụ thể về tình yêu của Đức Kitô”

Trong bài trước chúng ta đã bàn về hôn nhân Kitô giáo là một Mầu Nhiệm Cao Cả: Tình yêu vợ chồng phản ảnh tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho Hội Thánh.

 

Trong bài trước chúng ta đã bàn về hôn nhân Kitô giáo là một Mầu Nhiệm Cao Cả: Tình yêu vợ chồng phản ảnh tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho Hội Thánh.

 

Nếu chúng ta muốn biết những dấu đặc thù của hôn nhân Kitô giáo, chúng ta chỉ cần chiêm ngắm những dấu đặc thù của tình yêu mà Đức Kitô mặc khải trong Tin Mừng. Cũng vậy, nếu muốn biết thí dụ điển hình về tình yêu của Đức Kitô thì chỉ cần nhìn xem tình yêu ấy phản ảnh thế nào trong đời sống hôn nhân của các Kitô hữu. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu những dấu đặc thù của hôn nhân Kitô giáo là gì.

 

Cũng trong bài “Hôn Nhân: Bí Tích Tình Yêu Kiên Vững”, Đức Cha Daniel Flores gọi hôn nhân là “Một Dấu Chỉ Cụ Thể” của Tình Yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh Người, là chúng ta. Đó là một sự kết hợp mật thiết trong một tình yêu quảng đại, chung thủy và sinh hoa kết quả.

 

Hôn Nhân: Một Tình Yêu Quảng Đại

 

Một cặp vợ chồng sống Bí Tích Hôn Phối làm chứng một cách cụ thể cho tình yêu Kitô giáo. Ân sủng của Thiên Chúa không hoạt động ở đời sau, nhưng hoạt động ngay trong đời sống thường nhật của hai vợ chồng. Đời sống là một cuộc hành trình có nhiều vật lộn với những khó khăn hằng ngày. Tình Yêu của Đức Kitô đồng hành với chúng ta trên đường đời và giúp chúng ta trong cuộc vật lộn này. Đức Kitô ban cho chúng ta một sức mạnh mới để gặp được niềm vui mà Ngài đã mang đến khi tự hiến cho thế gian. Chúa nói “Thầy đã nói với các con những điều ấy, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được nên trọn. Ðây là giới răn của Thầy, là các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu các con” (Ga 15:11-12).

 

Muốn yêu như Chúa yêu, mỗi người phải quên mình dấn thân cách quảng đại vì ích lợi của người bạn đời và của con cái mình. Lòng quảng đại này là cách diễn tả tình yêu và sự kết hợp mật thiết giữa hai người, được chứng tỏ bằng những hy sinh thường nhật. Trên hết, tình yêu quảng đại này được bày tỏ qua khả năng tha thứ cho nhau. Người bạn đời mà chúng ta đang chung sống không phải là một vị thánh, nhưng là một con người với tất cả những yếu đuối và khuyết điểm của con người do Tội Nguyên Tổ truyền lại như chúng ta. Không ai cố tình muốn làm khổ người mình yêu. Phần lớn những xích mích xảy ra trong gia đình là do tính bất toàn của con người, sự hiểu lầm, thiếu cảm thông và thiếu đối thoại. Nếu chúng ta không biết đại lượng tha thứ cho nhau một cách vô điều kiện thì gia đình không bao giờ có hạnh phúc. Mà tha thứ cho nhau không phải dễ, vì tha thứ là một cuộc vật lộn với tính ích kỷ và tự ái của mỗi người.

 

Mỗi khi đau khổ vì bạn đời mình, chúng ta nên nhìn lên Thánh Giá của Đức Kitô. Chúa yêu chúng ta đến nỗi chết cho chúng ta, sự hy sinh chịu đựng của chúng ta vì yêu có thể so sánh được với sự hy sinh của Chúa không? Không có gì giúp chúng ta dễ dàng hy sinh và tha thứ bằng dâng mọi đau khổ cho Chúa và kết hợp với hy sinh của Chúa để cầu nguyện cho những người làm khổ chúng ta, như Chúa đã cầu nguyện với Chúa Cha “Xin Cha tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết việc chúng làm” (Lc 23:34). Đó là một cách tạo cho hai vợ chồng một con đường nên thánh, vì nên thánh bao gồm việc chung phần vào tình yêu đại lượng của Đức Chúa Giêsu Kitô.

 

Hôn Nhân: Một Tình Yêu Chung Thủy

 

Quyết tâm trong hôn nhân là một quyết tâm kiên vững. Tình yêu được đóng ấn bằng sự chung thủy mời gọi chúng ta từ bỏ tính ích kỷ. Chung thủy là một trong những bình diện của hôn nhân Công Giáo mà thế giới ngày nay khó mà hiểu nổi, nhưng lại là một bình diện quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Một thế giới mất niềm tin cùng khả năng trung tín và chung thủy trong tình yêu cần phải được hướng dẫn bằng những dấu chỉ sống động về thực tại này. Đây là một sứ vụ mà Thiên Chúa đặc biệt trao phó cho các vợ chồng Công Giáo. Niềm hạnh phúc sống trong một sự dấn thân trong hôn nhân cách chung thủy và hoàn toàn đại lượng mời gọi tất cả chúng ta nhớ lại những khát vọng tốt đẹp hơn của chúng ta; nó mời gọi những ai đang chán chường đến một hy vọng mới. Theo nghĩa này, Bí Tích Hôn Nhân chứa đựng trong chính nó một sứ vụ truyền giáo.

 

Hôn Nhân: Một Tình Yêu Sinh Hoa Kết Trái

 

Tình yêu hôn nhân là tình yêu sinh hoa kết trái. Như Thánh Augustinô đã thường nói. Đức Chúa Kitô Giêsu, qua việc tự hiến của Người, nghĩa là việc đổ máu của Người, đã phát sinh một sự sống mới trên thế gian. Sự hy sinh của Đức Kitô trên Thánh Giá đã phát sinh ra đời sống của Hội Thánh. Chúng ta là hoa trái của tình yêu đại lương này. Cũng thế, tình yêu chung thủy giữa một người nam và một người nữ được tiền định để phát sinh ra đời sống mới. Đời sống mới này chính là con cái của chúng ta. Đây là một mầu nhiệm của cuộc sống đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa một người nam và người nữ với ý định quan phòng của Thiên Chúa. Sự hiện diện của một đứa con trong gia đình là một phúc lành cả thể, mời gọi đôi vợ chồng đi đến một kinh nghiệm mới về đại lương và trung tín được diễn đạt qua việc chăm sóc hàng ngày mà họ dành cho con cái họ.

 

Thiên Chúa là Chúa của Sự Sống, và chúng ta ao ước luôn sống với một lòng sẵn sàng đón nhận hồng ân này. Tuy nhiên, đôi khi vì lý do thể lý một số hôn nhân không nhận được hồng ân có con này. Nhưng tất cả mọi cặp hôn nhân đều được tiền định để sống một cuộc đời đại lượng và sinh hoa kết quả tinh thần. Các vợ chồng không phải chỉ sống cho mình mà còn sống vì hạnh phúc người khác. Chúng ta nghe những lời này trong một trong những lời chúc lành của Thánh Lễ Hôn Phối: “Chúc anh chị trở thành nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian: luôn rộng lòng đón tiếp người khổ đau nghèo đói, để ngày sau chính họ sẽ đền ơn và mời đón anh chị vào nhà Cha trên trời.” (Nghi thức Hôn Phối, số 125).

 

Kết Luận: Một Lời Mời Gọi

 

Chúa mời gọi tất cả chúng ta, dù là ở bậc gia đình hay không, chiêm ngắm tình yêu đại lượng, chung thủy và sinh hoa trái của Thiên Chúa được trở nên hữu hình trong đời sống hôn nhân Công Giáo, ngõ hầu chúng ta có thể nhận thức được tình yêu của Thiên Chúa như thế nào qua dấu chỉ ấy. Và nhờ hồng phúc được nhìn thấy này, chúng ta được mạnh sức để can đảm hơn mà theo đuổi ơn gọi cao quý của mình, một ơn gọi siêu phàm là yêu thương trong chân lý, được mặc khải cho chúng ta qua con người của Đức Chúa Giêsu Kitô.

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi
Viết theo Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2010 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.