Ngày 26 tháng 6 năm 2013, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ với số phiếu 5/4 đã phán quyết quyền hôn nhân đồng tính cho Tiểu Bang California. Giới đồng tính vui mừng. Những người chủ trương gia đình truyền thống tỏ ra thất vọng. Không biết rồi đây những quyết định như vậy của Tối Cao Pháp Viện sẽ dẫn đất nước này đi về đâu khi mà gia đình là nền tảng của xã hội bị đảo lộn, và phá vỡ. Từ cổ chí kim, qua bất cứ nền văn hóa nào, gia đình cũng luôn được coi là nền tảng vững chắc của xã hội. Ngay cả thuyết tam vô của Cộng Sản (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo) cũng không phá vỡ và loại bỏ được xác tín này.
Hiện nay trên thế giới có 21 quốc gia đã thiết lập những quy chế riêng cho người đồng tính với tên gọi là “kết hợp dân sự” – Civil Union, Civil Partnership, hay Domestic Partnership. Theo quy ước này, khi hai người đồng tính sống chung với nhau họ được quyền hưởng những phúc lợi mà các cặp hôn nhân truyền thống vẫn thường hưởng qua ưu đãi thuế vụ, ý tế và lương bổng.
Nhưng tại các quốc gia như Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Argentina, Uruguay, Na Uy, Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, New Zealand và Pháp, hiếp pháp các quốc gia này còn đi xa hơn nữa khi thừa nhận và cho phép người đồng tính được kết hôn theo định chế hôn nhân truyền thống. Tuy vậy, vẫn còn 80 quốc gia khác coi đồng tính là tội phạm ở những mức độ khác nhau. Riêng tại Iran, Mauritania, Nigeria, Pakistan, Ả Rập Saudi, Sudan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Yemen, đồng tính có thể bị tội tử hình.
Tại Hoa Kỳ, ngày 17 tháng 2 năm 2013 viện Gallup đã công bố kết quả một cuộc thăm dò tại 50 tiểu bang cho thấy thủ đô Washington là nơi có tỷ lệ đồng tính cao nhất: 10% dân số. Trong khi đó ở California là 4,0% và New York 3,8%. North Dakota có tỷ lệ này thấp nhất: 1,7%. Trên toàn nước Mỹ, giới đồng tính chiếm khoảng 3,5% dân số, nhưng chỉ có 4 tiểu bang đang áp dụng quy chế “kết hợp dân sự” đó là Delaware, Hawaii, Illinois, và New Jersey. Như vậy phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Liên Bang ngày 26 tháng 6 năm 2013 nâng tổng số 14 tiểu bang cho phép hôn nhân đồng tính trong khi vẫn còn 32 tiểu bang khác ở Hoa Kỳ đang có luật cấm hôn nhân đồng tính.
Xét về mặt tôn giáo và đạo đức Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hay bất cứ của một quốc gia nào trên thế giới cũng không có khả năng thay thế Thượng Đế trong những phán quyết liên quan đến luân lý và lương tâm con người. Và do đó, phần đông cũng không thấy được những lý giải hợp tình, hợp lý về quyết định lần này về quyền hợp hiến hóa hôn nhân đồng tính cho Tiểu Bang California.
Đứng trước phán quyết này, ngoài lãnh vực tôn giáo ra, riêng trong lãnh vực tâm lý, xã hội, giáo dục, hôn nhân và gia đình cũng đã có nhiều những câu hỏi được nêu lên, đại khái không biết cái quyền “cầm buộc” hay “tháo gỡ” kia có liên quan gì đến những vấn đề hệ trọng cho việc sinh tồn và tương lai của dân tộc Hoa Kỳ hay không? Hay nó chỉ được ban ra theo nhu cầu và chiều theo xu hướng của thời đại? Đơn giản là khi thừa nhận hôn nhân đồng tính thì phải tái định nghĩa thế nào về hôn nhân và gia đình? Tái xác định vai trò làm chồng, làm vợ như thế nào? Ai trong hai người đàn bà kia, hoặc ai trong hai người đàn ông kia sẽ là chồng, và là vợ? Thông thường thì người đàn ông là chồng, và người đàn bà là vợ. Đó là ý niệm chung của mọi nền văn hóa. Đó là luật bất thành văn đã được khắc trong tâm hồn mọi người qua mọi thời đại. Tại Hoa Kỳ, qua Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (Defense of Marriage Act) viết tắt là DOMA ban hành ngày 21 tháng 9 năm 1996 thời tổng thống Bill Clinton cũng đã xác định trong điều 3 như sau: “từ “hôn nhân” chỉ có nghĩa là sự kết hợp hợp pháp giữa một người nam và một người nữ như chồng và vợ, và từ ‘người phối ngẩu’ chỉ quy chiếu vào một người khác phái là một người chồng hay một người vợ (the word 'marriage' means only a legal union between one man and one woman as husband and wife, and the word 'spouse' refers only to a person of the opposite sex who is a husband or a wife).
Rồi còn vai trò làm cha và làm mẹ trong gia đình? Cũng tương tự như người làm chồng, làm vợ, ai trong hai người đàn bà sẽ là cha, và ai sẽ là mẹ. Hoặc ai trong hai người đàn ông kia sẽ là mẹ và ai sẽ là cha? Định nghĩa của từ “cha” hay “mẹ”, và cả từ “con” cũng sẽ phải tái xác định lại.
Nguyên việc xử dụng những từ ngữ cũng sẽ gặp khó khăn và nếu xẩy ra chắc cũng sẽ có những cắt nghĩa gượng ép về ngôn ngữ theo nghĩa “cứu cánh biện minh cho mục đích”, nói chi đến ảnh hưởng và đường lối giáo dục một đứa trẻ trong những gia đình hôn nhân đồng tính! Ai sẽ trở thành mô phạm của một người cha, và ai sẽ trở thành mô phạm của một người mẹ? Tâm lý khác biệt giữa nam và nữ, giữa đàn bà và đàn ông sẽ tìm thấy ở đâu khi một em bé được lớn lên và được hấp thụ một nền giáo dục trong môi trường như vậy? Hay có lẽ, người ta sẽ bằng lối sống ấy cố tình xóa đi hình hảnh và bản chất của giới tính. Chuyện này chắc không ai có thể làm được, bởi vì cái gọi là đàn ông hay đàn bà không phải chỉ là những gì chúng ta đang nhìn thấy bây giờ, trước mắt, nhưng là những gì thuộc về con người tự nhiên qua sáng tạo và kết hợp lạ lùng giữa tinh trùng của người cha và noãn sào của người mẹ. Đàn ông hay đàn bà do đó, phải có những khác biệt không chỉ về thể lý, mà còn về tâm lý nữa. Ngày nay, có lẽ phụ nữ đang cố gắng đòi hỏi bình quyền trong mọi lãnh vực, trong mọi hoàn cảnh, nhưng dù có được như vậy, kết quả cũng không phải như vậy. Lý do vì đàn ông và đàn bà mỗi phái tính có sẵn một sứ mệnh riêng, và vì thế, có những khác biệt cần thiết. Đây là sự khác biệt để đem lại vẻ đẹp hài hòa, và hỗ tương chứ không phải là sự khác biệt nhằm phân chia và so sánh.
Xa hơn nữa thì sao? Cái mà Thượng Đế đã đặt định trong cuộc đời con người khi ban cho họ được quyền đem vào đời những đứa con của mình. Không làm cha mẹ, cũng rất khó có được cảm tưởng hồi hộp, chờ đợi, và nôn nóng của một người mẹ, hay người cha dành cho đứa con ruột thịt của mình trong ngày nó chào đời. Người mẹ nào cũng có lý do để hãnh diện khi nói với con mình về những gì bà đã trải qua trong thời gian mang nặng, đẻ đau. Và mỗi đứa con là một kinh nghiệm riêng rất thân thương đối với bà.
Thật ra, con cái không riêng chỉ là những kết quả của giao hợp vợ chồng, những va chạm xác thịt của cha mẹ. Chúng chính là hồng ân của Thượng Đế trao ban và là hoa trái của tình yêu giữa hai vợ chồng. Do đó, giá trị của một người con không chỉ được đong đếm bởi những cảm xúc, những mơn trớn, những chiều chuộng như ta nuôi và nựng một con chó hay con mèo. Mối tình mà cha mẹ dành cho con cái chỉ phần nào hiểu được khi đứa con gặp hoạn nạn, đau ốm, bệnh tật. Hãy nhìn cử chỉ lo lắng của người cha, và những giọt nước mắt của người mẹ khi hớt hả, vội vàng đem con đến một văn phòng bác sĩ hay nhà thương mới hiểu được tình thương và những gắn bó thiêng liêng phụ tử, mẫu tử! Hãy nhìn nụ cười rạng rỡ và hạnh phúc của người cha hay người mẹ khi thấy con mình chập chững những bước chân đầu đời, bập bẹ nói được tiếng ba, tiếng má, cũng như sau này khi chúng lớn khôn vào đời, và tiếp nối sứ mạng của người làm cha mẹ mới hiểu được tấm lòng cha mẹ đối với con cái. Hoặc hãy nhìn những ánh mắt như tuyệt vọng đang dõi theo bước chân đi hoang của đứa con, và mong nó sớm có ngày trở về để thấy được trái tim, nhịp đập của cha mẹ dành cho những đứa con hoang đàng. Đó cũng là lý do tại sao tình cha, nghĩa mẹ đã đi vào văn hóa của mọi nền văn minh. Những áng văn bất hủ. Những họa phẩm bất hủ. Những nhạc phẩm bất hủ. Và những công trình bất hủ vượt thời gian có được cũng là do mối tình thiêng liêng, cao cả này.
Văn hóa dân gian vẫn thường nói: “Người dưng nước họ”. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Những người cha mẹ đồng tính tìm đâu ra những giọt máu đào trong xương tủy và huyết thống của những đứa trẻ họ nhận làm con nuôi? Những câu chuyện thường ngày cũng đã cho biết, có những người con bỏ ra 30 năm, 20 năm, và 10 năm mong tìm ra cha mẹ ruột của mình mặc dù họ vẫn có một đời sống tốt bên những người cha mẹ nuôi của họ đã cho thấy cái tình máu mủ, ruột rà kia là mối tình thiêng liêng phát xuất từ trên cao chứ không đến từ kết quả của phán quyết của Tối Cao Pháp Viện.
Tóm lại, khi chấp nhận một lựa chọn là chấp nhận thành quả. Chấp nhận những rủi ro có thể xẩy đến. Nhưng nếu cuộc đời không có những hy sinh, không có sự từ bỏ hẳn là không có ý nghĩa. Sống theo bản năng, theo những xu hướng của thời đại có thể là một cái gì có lợi trước mắt, lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, nhưng những gì thuộc về thiên nhiên, thuộc về lương tâm con người, và thuộc về những giá trị vĩnh hằng vẫn luôn mang một giá trị tuyệt đối.
Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện đã cho phép một tiểu bang nữa trên đất Mỹ được phép hôn nhân đồng tính. Nhưng liệu phán quyết ấy có thêm vào cho nền văn hóa sự chết này một thắng lợi hay chỉ làm cho tính thiên nhiên, vẻ đẹp và giá trị thực của hôn nhân truyền thống có lý do để tồn tại, mặc dù trước mắt nó đang bị đối đầu của những xu hướng đồng tính và hôn nhân đồng tính?! Tổng thống Obama là một trong những người yểm trợ và chủ trương hôn nhân đồng tính và trước phán quyết này đã hí hửng tuyên bố, Tối Cao Pháp Viện “đã sửa cái sai, và nhờ đó mà đất nước của chúng ta tốt đẹp hơn!”. Chờ xem quyết định này sẽ dẫn đất nước này đi tới đâu?!
(Bài viết đã được phổ biến trên Việt Tide, số ra ngày 5 tháng 7 năm 2013)
Views: 0