Uncategorized

Hối tiếc thì đã muộn

Trong vài năm gần đây, đã có khá nhiều du khách từ Việt Nam đến Hoa Kỳ theo diện du lịch. Loại thứ nhất là đi du lịch theo từng nhóm ( Group of tourists ) do các hãng du lịch ở Việt Nam tổ chức.

 

Trong vài năm gần đây, đã có khá nhiều du khách từ Việt Nam đến Hoa Kỳ theo diện du lịch. Loại thứ nhất là đi du lịch theo từng nhóm ( Group of tourists ) do các hãng du lịch ở Việt Nam tổ chức.

 

Những du khách thuộc loại nhóm này không hội đủ các điều kiện để xin gia hạn giấy chiếu khán ( Tourist visa ) để được cư ngụ thêm một thời gian tại Hoa Kỳ, ngoại trừ trường hợp bất thình lình bị đau ốm trầm trọng, liệt giường liệt chiếu, phải nằm bệnh viện hoặc bị thương tích nặng bất ngờ vì tai nạn xẩy ra. Loại thứ hai là đi du lịch theo từng cá nhân (Individual tourist) để thăm viếng thân nhân, thăm viếng người thân ruột thịt bị bệnh hoạn sắp qua đời, thăm viếng danh lam thắng cảnh, thăm viếng các cơ sở thương mại cũng như thăm viếng các cơ quan chính quyền theo lời mời v.v.., những loại này có thể xin gia hạn giấy chiếu khán ở lại tối đa cho tới 1 năm, nhưng rất hiếm được chấp thuận, mà thường ra chỉ được chấp thuận ( Approved )cho gia hạn cư ngụ tối đa là 6 tháng. Vì nếu xin gia hạn giấy chiếu khán ở lại lâu tới 1 năm, thì dễ dàng bị Sở Di Trú nghi ngờ đương sự có ý định muốn chốn ở lại đây vô thời hạn (Indefinite stay), rồi trở thành cư dân bất hợp pháp (Illegal Alien), nên đơn xin gia hạn 1 năm hầu hết sẽ bị từ chối (Denied).

Cách đây ít lâu có 2 trường hợp cùng nạp đơn xin gia hạn giấy chiếu khán (Request for extension of staying visa) để xin phép được ở lại Hoa Kỳ thêm 3 tháng nữa vì 2 lý do khác nhau. Trường hợp thứ nhất, đương sự được cấp giấy chiếu khán đến Hoa Kỳ để thăm người con trai đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, gần như hết thuốc chữa, nhưng nhờ vào lời cầu nguyện bền bỉ xin ơn trên của mọi người trong gia đình hàng ngày đọc kinh chung, mà phép lạ đã ban xuống cho sức khỏe người con trai lại bình phục trở lại như người bình thường, trong khi giấy chiếu khán của đương sự chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn, phải trở về nguyên quán nên đương sự đã phải nạp đơn xin gia hạn thêm 3 tháng nữa, để có thêm thời gian ở lại với con, nhưng đơn xin gia hạn bị từ chối và đương sự đã tự động ở lại với con quá 2 tuần lễ sau khi giấy chiếu khán đã hết hạn (Tourist visa expired). Trường hợp thứ hai, đương sự là một vị Giáo Sĩ từ Việt Nam đến Hoa Kỳ theo diện du lịch và mục đích trước tiên của cuộc du lịch là để viếng bà con họ hàng nội ngoại hai bên, sau nữa là để thăm  viếng Thủ Đô Sàigòn (Little Saigon) yêu dấu của người quốc gia tỵ nạn cộng sản ở Hoa Kỳ tại tiểu bang California. Vị Giáo Sĩ này là một diễn giả uyên thâm về thần học và lại có tài giảng thuyết rất hấp dẫn trước công chúng, nên đã có nhiều nơi mời Ngài đến thuyết giảng cho đủ mọi thành phần khán thính giả thuộc các tôn giáo đến nghe.   
 
Mặc dầu giấy chiếu khán của Sứ Quán Hoa Kỳ cấp cho vị Giáo Sĩ này được quyền ở Hoa Kỳ trong vòng 3 tháng, nhưng một nửa thời gian này, Ngài đã dùng vào việc thăm viếng thân bằng quyến thuộc của Ngài, nửa thời gian còn lại Ngài thấy không đủ để đáp ứng những nhu cầu của nhiều nơi mời Ngài đến thuyết giảng, nên buộc lòng Ngài phải nạp đơn xin gia hạn giấy chiếu khán nhập cảnh với Sở Di Trú và trong đơn xin gia hạn, Ngài cũng nêu rõ lý do chính đáng là tại sao Ngài xin gia hạn ở lại Hoa Kỳ, có kèm theo những chứng minh thư của những nơi mời Ngài đến thuyết giảng, với hy vọng Sở Di Trú sẽ cứu xét chấp thuận cho Ngài ở lại đây một cách hợp pháp thêm 3 tháng nữa.

Sau khi đã nạp đơn được 14 ngày rồi, mà vị Giáo Sĩ này vẫn chưa nhận được thư trả lời chấp thuận hay từ chối của Sở Di Trú, trong khi giấy chiếu khán chỉ còn giá trị 3 ngày nữa hết hạn, là Ngài phải rời Hoa Kỳ để trở về nguyên quán. Vì lo lắng tới ngày đó mà vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Sở Di Trú, mà cứ tự động ở lại thì Ngài lo sợ bị coi là vi phạm Luật Di Trú Hoa Kỳ, nên Ngài đành quyết định phải lên đường trở về nguyên quán trước khi giấy chiếu khán hết hạn, theo đúng ngày ghi trong mẫu I-94. Nhưng chỉ 1 ngày sau khi Ngài đã rời Hoa Kỳ rồi, thì người thân của Ngài ở đây nhận được giấy thông báo chấp thuận của Sở Di Trú gửi tới, cho phép Ngài được quyền ở lại Hoa Kỳ thêm 3 tháng nữa chiếu theo đơn xin. Nhận được tin vui này, thì đã muộn mất rồi, làm Ngài cảm thấy rất hối tiếc, giá biết thế Ngài cứ liều ở lại thì tốt đẹp biết mấy và Ngài cũng đã đem lá thư chấp thuận này đến trình cho Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam biết và được một giới chức ở đây giải thích cho Ngài hiểu rằng, sự chấp thuận gia hạn này chỉ có giá trị khi đương đơn vẫn còn ở Hoa Kỳ, nhưng một khi đã rời khỏi Hoa Kỳ rồi, thì giấy chấp thuận gia hạn trở thành vô dụng, không còn giá trị gì nữa.

 

Tuy nhiên, trường hợp thứ nhất vừa kể trên đây, là đương sự đã nạp đơn xin gia hạn giấy chiếu khán trước khi giấy chiếu khán hết hạn và đương sự đã tự động tiếp tục ở lại chơi với người con quá 2 tuần lễ, sau khi giấy chiếu khán đã hết hạn. Vậy thời gian 2 tuần lễ cư ngụ tại Hoa Kỳ này của đương sự có bị coi là vi phạm luật di trú không? Trường hợp thứ hai, vị Giáo Sĩ này đã nạp đơn xin gia hạn giấy chiếu khán trước khi giấy chiếu khán hết hạn, nhưng sau khi giấy chiếu khán đã hết hạn mà Ngài vẫn chưa nhận được giấy chấp thuận hay từ chối. Vậy Ngài có quyền tự động ở lại Hoa Kỳ để chờ cho tới khi nào nhận được thư thông báo chấp thuận hay từ chối của Sở Di Trú, như thế những ngày ở quá thời gian hết hạn đã ghi trong giấy chiếu khán, có được coi là hơp pháp không? Để trả lời cho 2 câu hỏi của 2 trường hợp khác nhau này, trước tiên, chúng tôi xin được trình bầy cùng đọc giả từng chi tiết về vấn đề xin gia hạn giấy chiếu khán (Request for Extension of Staying Visa) với Sở Di Trú Hoa Kỳ như sau:

 
a) Nếu muốn xin gia hạn giấy chiếu khán, đương đơn nên nạp đơn xin gia hạn (Form I-539) it nhất 30 ngày trước khi giấy phép chiếu khán hết hạn, như đã được ghi ngày, tháng, năm trên mẫu giấy I-94 (Should submit it before the date on your I-94 card expires).

b) Phải điền mẫu đơn xin gia hạn Form I-539 kèm theo tiền lệ phí bằng chi phiếu cá nhân (Personal check) hay bằng ngân phiếu  (Money Order) là $290 Mỹ kim.

c) Điền mẫu đơn bảo trợ tài chánh Form I-134 do khả năng tài chánh của chính đương đơn ký tên (Financial support by applicant's signature) hay do khả năng tài chánh của người đứng tên bảo trợ ký tên (Financial support by sponsor's signature).

 

d) Đơn xin gia hạn bao gồm Form I-539 và Form I-134, phải gửi đến đúng địa chỉ của Cơ Quan Di Trú nào phụ trách khu vực, mà là nơi đương đơn đang cư ngụ ( Must mail Form I-539 and Form I-134 to the USCIS Regional Service Center which has jurisdiction over the place the applicant is residing). Nếu không biết rõ địa chỉ của Cơ Quan Di Trú thuộc nơi mình đang cư ngụ, có thể mở website tại www.uscis.gov hoặc kêu điện thoại ở số 800-870-3676 trong giờ làm việc sẽ được hướng dẫn tường tận.
e) Sau khi đã nạp đơn đầy đủ rồi, nếu Sở Di trú cần đòi hỏi phải bổ túc thêm giấy tờ gì khác nữa, đương sự sẽ nhận được thư yêu cầu cung cấp thêm những bằng chứng trong thời hạn 30 ngày (Request for Evidence within 30 days) của Sở Di Trú gửi tới, trước khi cơ quan này cứu xét chấp thuận hay từ chối đơn xin gia hạn của đương sự.

 

g) Giả thử đương sự đã nạp đơn xin gia hạn cư ngụ thêm 3 tháng hoặc 6 tháng trước ngày giấy chiếu khán hết hạn, nhưng cho tới hiện tại giấy chiếu khán đã hết hạn (A current tourist visa has expired), mà đương sự vẫn chưa nhận được tin tức gì của Sở Di Trú trả lời cho đương sự biết, là đơn được chấp thuận (Approval) hay bị từ chối (Denial), thì những ngày đương sự cư ngụ để chờ đợi tin tức này, vẫn được coi là những ngày cư ngụ hoàn toàn hợp pháp ( Waiting days in order to receive approval or denial from CIS are entirely legal to stay in the United States ). Nhưng nên nhớ rằng nếu xin gia hạn 3 tháng, mà đến gần 3 tháng vẫn chưa nhận được thư trả lời của Sở Di Trú hoặc xin gia hạn 6 tháng mà cũng chưa nhận được thư trả lời của Sở Di Trú, thì đương sự cần phải rời khỏi Hoa Kỳ trước thời gian đủ 3 tháng như đã ghi trong đơn xin gia hạn hoặc phải rời khỏi Hoa Kỳ trước thời gian đủ 6 tháng như đã ghi trong đơn xin gia hạn.

h) Nếu đơn xin gia hạn bị từ chối, đương sự sẽ nhận được thư giải thích rõ những lý do là tại sao không chấp thuận cho gia hạn của Sở Di Trú trả lời. Hầu hết các đơn xin gia hạn nào bi từ chối, là vì Sở Di Trú nghĩ rằng đương sự muốn kéo dài thêm thời gian xin gia hạn, để rồi tìm mọi cách sẽ ở lại đây vô thời hạn, như đã xẩy ra nhiều lần trong quá khứ. Chẳng hạn như cách đây khoảng 5 năm, có một cô du khách còn trẻ tuổi, được cấp giấy chiếu khán sang Hoa Kỳ để thăm nom Mẹ già trên 70 tuổi, đang đau yếu phải nằm trong viện dưỡng lão, hết hạn 3 tháng cô nạp đơn xin gia hạn được ở lại 6 tháng để săn sóc Mẹ phải giải phẫu tim, rồi hết hạn 6 tháng, cô lại xin gia hạn lần thứ ba được phép ở lại thêm 3 tháng nữa, như thế cô đã được phép ở Hoa Kỳ tổng cộng tất cả là 1 năm liên tục. Trong suốt thời gian 3 tháng sau cùng, cô quen thân với một ông đã 60 tuổi, hơn cô tới 30 chục tuổi. Trước đây, ông này đã có lần về Việt Nam lấy vợ sau khi người vợ đầu tiên đã qua đời được 5 năm, nhưng người vợ thứ hai này, sau khi từ Việt Nam sang đoàn tụ với ông ở đây vừa đủ 2 năm, thì cô ta ly dị ông để bước sang thuyền khác.

 

Thế rồi cô thứ ba này đang phải săn sóc Mẹ mổ tim và chỉ còn 1 tháng trước khi đủ 1 năm phải trở về nước, cô này tỏ tình yêu thương ông, nên hai người làm giấy hôn thú với nhau, để cô được ở lại Hoa Kỳ, vì ông có quốc tịch Hoa Kỳ và ít ngày sau, ông đã hoàn tất các thủ tục giấy tờ hành chánh pháp lý với Sở Di Trú, bảo trợ cô là vợ của ông để cô được quyền ở lại Hoa Kỳ, chờ ngày được gọi đi phỏng vấn để được cấp thẻ thường trú. Nhưng đến khi cô và ông được mời đi phỏng vấn, vị Giám Khảo Di Trú (Immigration Examiner) sát hạch cô và ông, cho hai người biết, căn cứ vào kết quả điều tra lý lịch của cô và của ông, thì cô không hội đủ các điều kiện được cấp thẻ thường trú để ở lại Hoa Kỳ với ông là chồng, cho dù cô đã làm giấy hôn thú với người chồng có quốc tịch Hoa Kỳ. Những lý do từ chối không cấp thẻ thường trú cho cô khá phức tạp và tế nhị, không tiện kể ra đây và vị Giám Khảo cho phép cô 30 ngày để chuẩn bị hành lý, phải trở về nguyên quán, còn vấn đề của cô có được đoàn tụ với chồng hay không, là hoàn toàn tùy thuộc vào đơn kháng cáo xin tái cứu xét của chồng cô nếu chồng cô muốn nạp đơn kháng cáo.

 

Sau hơn 32 năm liên tục trực tiếp liên hệ với Sở Di Trú Hoa Kỳ về Nhập Tịch, trên công vụ tiếp xúc hàng tuần giữa Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ với Sở Di Trú, chúng tôi nhận thấy cứ 10 vụ kháng cáo, thì chỉ có từ 1 cho đến 2 vụ là đem lại kết quả tốt đẹp, đáp ứng đúng với ước vọng của kháng cáo viên. Vậy cần phải nên suy nghĩ cân nhắc cho kỹ càng trước khi nạp đơn kháng cáo, kẻo tốn nhiều tiền uổng phí vô ích.

 

Cuối cùng, đến ngày cô phải khăn gói chia tay với chồng cô để lên đường trở về mái nhà xưa ở Việt Nam, mang theo trong bụng một bào thai đã được 3 tháng rưỡi và cô tự hỏi lòng mình, không biết ông già gân chồng cô 60 xuân xanh này, có phải là tác giả nguyên thủy của bào thai cô đang mang trong bụng không? Hay lại là của chàng thanh niên khỏe mạnh, hào hoa phong nhã, kém cô tới 4 tuổi, đã quất ngựa truy phong, đi về Việt Nam để kiếm người yêu trẻ đẹp hơn cô, bỏ cô bơ vơ đau khổ một mình, đến nỗi làm cô phải khóc mấy ngày mấy đêm, muốn cạn hết nước mắt, mà hai người đã cùng nhau ca khúc: Tình Yêu Chỉ Có Đôi Ta  Trong Những Đêm Mưa Không Trăng Không Sao. Cũng may sao ông trời vẫn còn thương cô, chỉ còn 1 tháng nữa là giấy chiếu khán của cô hết hạn phải trở về nước, không còn được quyền gia hạn thêm một lần nữa, thì cô lại gặp được ông già gân này, tưởng bằng lòng lấy cô làm vợ, ra tay nghĩa hiệp, cứu giúp cô có điều kiện được ở lại Hoa Kỳ; chứ quả thực ông đã quá đau khổ, có lần tưởng chừng như mình bị heart attack, chết không kịp ngáp vì cô vợ trẻ ly dị ông đi lấy chồng trẻ, mới xẩy ra cách đây 2 năm, giờ đây vết thương lòng chưa lành hẳn, ông lại liều mạng sống để ôm cô vợ trẻ thứ hai này. Ông hy vọng một người bị vợ bỏ, còn một người bị người yêu bỏ, cả hai cùng chung một hoàn cảnh đau thương, chắc có lẽ hai người sẽ ăn đời ở kiếp với nhau tới mãn đời. Nhưng trái ngược lại những điều của đôi uyên ương một già một trẻ này đã hy vọng, vì cô vợ trẻ này vẫn phải chia lìa chồng, để phải quay trở về quê cũ một thân một mình, với bào thai trong bụng và chưa biết ngày nào mới có thể được đoàn tụ với ông chồng nghĩa hiệp này. 

 

i) Thông thường, nếu đơn xin gia hạn cư trú bị từ chối của các du khách đến Hoa  Kỳ, kể từ ngày nhận được thư thông báo từ chối của Sở Di Trú, Citizenship & Immigra tion Service (CIS), thì đương sự sẽ được cho phép một thời gian ở lại thêm 30 ngày nữa, để có đủ ngày giờ chuẩn bị các phương tiện tự nguyện lên đường rời khỏi Hoa Kỳ. Nhưng nếu trong thời hạn 30 ngày này, mà đương sự  không rời khỏi nơi đây, bắt buộc Sở Di Trú phải áp dụng nghiêm khắc các thủ tục trục xuất, đối với bất cứ đương sự nào không tuân hành nghiêm chỉnh những điều lệ của Sở Di Trú thông báo cho đương sự biết.

 

Nói tóm lại, để trả lời câu hỏi trên đây của trường hợp thứ nhất, ông Bố ở lại với con đã quá 2 tuần lễ sau khi giấy chiếu khán đã hết hạn, để chờ đợi thư trả lời của Sơ Di Trú, thì 2 tuần lễ ở lại Hoa Kỳ quá hạn này vẫn được coi là hợp pháp. Còn câu hỏi của trường hợp thứ hai ở trên đây, vị Giáo Sĩ xin gia hạn ở lại Hoa Kỳ thêm 3 tháng nữa sau khi giấy chiếu khán đã hết hạn, mà nếu đương sự vẫn chưa nhận được thư của Sở Di Trú trả lời chấp thuận hay không chấp thuận, thì đương sự phải quay trở về nước trước thời gian tới đủ 3 tháng mà đương sự đã xin gia hạn. Đằng này đương sự đã tình nguyện quay trở về nước, trước khi nhận được thư chấp thuận cho gia hạn ở lại Hoa Kỳ thêm 3 tháng nữa theo đơn xin gia hạn của đương sự, nhưng thư chấp thuận này không còn giá trị gì nữa, như lời giải thích trên đây của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam. Thực ra 2 câu hỏi của 2 trường hợp khác nhau này, đã được giải thích tổng quát chung trong mục (g) trên đây rồi.

 

Phó Tế Nguyễn Mạnh San
Cựu Phụ Tá Trưởng Phòng Tố Tụng
Đặc Trách Luật Sư Đoàn Liên Bang và Nhập Tịch
Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ
Oklahoma City, Oklahoma

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.