Những sinh hoạt phụng vụ ngày nay, ở thế kỷ 21 này, tuy có nhiều phương tiện hỗ trợ như xe cộ, đèn điện, micro, dàn âm nhạc cả trăm ca viên, cả trăm nhạc khí, áo quần lộng lẫy đắt tiền, ăn mặc đỏm dáng (đôi khi có vẻ khoe khoang) nhưng với tôi vẫn không bằng những gì chân chất, thật thà và đi sâu vào tâm hồn người giáo dân như trong những hoạt động phụng vụ cùng loại ở các miền quê Bắc Việt khi xưa.
Như tôi đã viết trong “Lễ Phục Sinh ở quê tôi”, sau những ngày “ăn chay đánh tội” của giáo dân từ thứ tư Lễ Tro cho đến thứ sáu tuần thánh, những ngày ít nhìn thấy miếng thịt (dù không phải là thứ sáu) mà chỉ toàn giưa cà mắm mặn, rau luộc, rau xào hoặc canh khoai môn, canh bầu, canh bí nấu với tôm với tép, mắm tôm mắm tép, có thêm đĩa cá diếc, cá trê kho ấy là mãn nguyện. Xứ sở Bắc Việt khi xưa dân đa số nghèo, theo kiểu tay làm hàm nhai, điều đó chắc ai cũng dư biết.
Nhưng rồi cũng có ngày, một ngày thật vui! Chúa phục sinh thì bọn trẻ chúng tôi cũng phục sinh, sắp cái bụng ra mà ăn bởi thế nào ông bà, bố mẹ cũng mừng lễ, không chạy đi đâu được!
Những năm được mùa, ai nấy vui mừng hớn hở, cả giáo xứ, cả làng, cả họ đi đâu cũng nghe thấy tiếng cười, luôn luôn có tiếng ù ù xay thóc hoặc tiếng giận ình ịch giã gạo. Thóc gạo, ngô khoai, cái căn bản của đời sống, đã có đó, trong bồ trong cót, trong hòm gian, trong rương trong lẫm, chỉ cần thêm chút ít tiền đi chợ mua vài kí thịt lợn, con gà hay con ngan, ấy là yên chí có cái mừng lễ lớn cho gia đình.
Gia đình nào khá giả thì đánh đụng lợn với người ta, bốn hay tám gia đình một con lợn khoảng gần trăm kí, chứ không có lẻ ba, năm hoặc bảy, khó chia lắm. Bốn là hay nhất bởi dễ chia: bốn đùi rõ ràng, đùi trước nhỏ thì cắt dài một tí, đùi sau mập thì cắt ngắn một tẹo, lưng, mình cũng chia bốn, đầu chẻ tư, gan, tim, dạ dầy, bầu dục chia tư, ruột dễ chia nhất. Huyết đã hãm thì mỗi nhà một chai nhỏ để đánh tiết canh.
Lâu lâu mới đánh đụng (tiền đâu mà ăn thịt suốt năm?), cứ áng chừng bằng tay, nhấc miếng này lên, nhớ lấy cái sức nặng của nó rồi nhấc miếng khác, so sánh xem miếng nào nặng, miếng nào nhẹ đồng thời với con mắt quan sát (bốn, năm người quan sát chứ không phải một người) thế là không có cân cũng vẫn đều, chứ cân kẹo đâu mà cân cho thoả ý.
Bớt miếng này một tí để bù miếng kia một tị, rốt cuộc thịt cứ thái vụn mãi ra, nhưng không sao, ông nhiêu Tánh nói, “ếch nào cũng là thịt” lúc đưa về nhà càng đỡ phải thái!
Lễ Phục Sinh năm ngoái, lúc vừa chia xong thì chị Vải ghé vào nhà ông nhiêu Tánh, nhà nuôi lợn và giết lợn để chia. Chị Vải là dân bán thịt lợn, thịt bò ở các chợ, mọi người bèn nhờ cái cân bàn của chị cân lại xem bà nhiêu Tánh chia có đều không? Kết quả là hai phần hơi đuối một tí và hai phần kia hơi nặng một tị, tiện tay chị Vải cắt hai miếng nhỏ từ hai phần nặng bù qua hai phần đuối. Vui vẻ cả làng. Được thể, bà nhiêu Tánh nói:
“Đấy nhá, có cân của chị Vải cân lại đấy nhá, xem cái bàn tay tôi nhấc miếng thịt có linh không chứ?Cứ gọi là cân bàn cũng không hơn!”
Ai nấy hể hả bưng rổ thịt về.
Chỉ có một năm, lúc chia không ai nói gì, nhưng ngày hôm sau, thím nhiêu Xán, một người rất hay sợ thiệt thòi về phần mình, phàn nàn với mẹ tôi:
“Đều thì có đều thực nhưng phần của em ít mỡ quá chị ạ, toàn thịt không thì lấy mỡ đâu mà xào rau, rán cá? Thịt không trẻ con ăn tốn lắm mà lại không ngon! Tự lần sau là em cứ bắt chia mỡ ra trước mới được.”
Ấy mỡ lợn ở nhà quê quý như thế! Mỡ khổ sống cắt ra nhai với bánh đa cứ rau ráu, chẳng ai than là khó ăn dù chưa chiên rán gì!
Gia đình nào khá giả hơn thì hạ cờ tây. Bố tôi có năm khách đông từ Nam Định, Hà Nội về dự lễ đồng thời thăm viếng, ông phải cho giết chó mới đủ đãi đằng bà con thân thuộc, nhưng người nhà phải đi chợ mua chó chứ bố tôi không cho giết chó nhà. Nuôi nó lâu ngày mến tay mến chân, thương nó như gia nhân, người giúp việc, nỡ lòng nào giết nó ăn thịt? Có những con chó mẹ tôi nuôi cho đến lúc nó già yếu bệnh hoạn không bước nổi nữa (khoảng 15, 16 năm) rồi nó chết và đem chôn.
Từ tết Nguyên đán đến lễ Phục Sinh cũng khoảng vài tháng. Ăn mừng lễ Phục Sinh để cho bọn trẻ chúng tôi quây vòng trong vòng ngoài coi cắt tiết chó, thui chó và mổ chó ở bến sông. Đứa nào được cái bong bóng là mừng nhảy cẫng lên!
Lễ Phục Sinh đến lễ Chúa Lên Trời cách nhau 40 ngày. Cha già Dương ở xứ tôi có thông lệ khảo kinh bổn trẻ em trong giáo xứ.
Phải nói rằng ăn xong lễ Phục Sinh là lo, kinh bổn cha khảo không thuộc thì ăn roi mây vào mông. Cha hoặc thầy giáo lúc đó đánh không đau nhưng xấu hổ với đám con gái mà con gái thì chúng chịu học nên đứa nào đứa nấy thuộc làu làu. Cha hỏi một thì chúng thưa hai, ba cứ vanh vách, nhiều thằng con trai thấy mà thèm.
Sau khi Sơ khảo, cha Dương bảo thầy giáo Đường chia ra làm ba hạng. Hạng 1 là hạng khỏi học lại, chờ Đức Cha về Đức Cha hỏi, trả lời ngon lành là lãnh thưởng.
Hạng này không có nhiều, chỉ trong vòng chục đứa. Hạng 2 là hạng trung, học thêm mươi ngày, vài tuần nữa là cũng gần như hạng 1. Hạng 3 là hạng chót, học trước quên sau, hỏi có mấy Đức Chúa Trời thì luôn luôn đáp là có Ba Đức Chúa Trời, phải học miết, ngày nào cũng phải đến Hội quán có ông hay bà quản Nghĩa binh đọc trước, nhắc lại sau cho đến khi chợt hỏi bất cứ câu nào trong cuốn Bổn đồng ấu của Đức Giám mục Hồ ngọc Cẩn mà đáp trơn tru.
Hồi ấy bọn trẻ chúng tôi cứ kháo nhau thế này, giá lễ Phục Sinh cứ kéo dài thật dài để cha già Dương quên cái vụ khảo kinh đi, và để Đức Giám mục đừng về khảo kinh vào dịp lễ Chúa lên Trời (hoặc Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống) thì vui biết mấy! Vừa mới được hưởng vài ngày vui Phục Sinh, ngay thứ hai đó đã phải đến Hội quán học Bổn rồi. Chớ có nói chuyện trốn nhé, cha cho làm danh sách đàng hoàng, mỗi ngày điểm danh vào đầu giờ, trốn học thì chiều hôm đó cha mẹ bị gọi vào gặp cha, buổi tối trước khi ăn cơm là có màn ăn cháo lươn.(tinvui.org Văn học)
Tốt nhất vẫn là cố mà học, chẳng đứng được hạng 1 cũng hạng 2, tối kỵ là đứng trong hạng 3.
Tôi nhớ năm đó tôi mới 6 hay 7 tuổi đầu, sau lễ Phục sinh, cha Dương đích thân chỉ huy cho các thầy giáo, ông quản bà quản đốc thúc trẻ em từ 6 tuổi đến 12 tuổi phải ráo riết học kinh bổn để còn đi thi tại Phú Nhai (miền) và sau đó sang Bùi Chu (địa phận).
Chúng tôi học rang rang như cuốc kêu mùa hè. Rốt cuộc 5 đứa con trai, 5 đứa con gái đứng hạng nhất được sang Phú Nhai để dự thi vào lễ Chúa Lên Trời. Những đứa không đứng trong hạng đi thi cũng được dự đại lễ vào khoảng 10 giờ trưa Chúa nhật, lễ Chúa thăng thiên, danh từ hồi đó.
Nghĩa Binh Thánh Thể (như Thiếu Nhi Thánh Thể bây giờ) từ khắp các giáo họ xung quanh đổ về Phú Nhai dự lễ Chúa lên Trời sáng Chủ nhật, tôi nghĩ phải gần nghìn đứa trẻ mặc đồng phục Nghĩa binh Thánh Thể dự buổi lễ vô cùng sốt sắng và long trọng bữa đó. Thánh đường Phú Nhai lớn như thế mà Nghĩa binh ngồi chật khắp, người lớn phải đứng cả ngoài nhà thờ dự lễ. Chỉ bốn thế kỷ truyền giáo, từ giữa thế kỷ 16 (cố I-nê-khu tới Ninh Cường và Trà Lũ (quê tôi) năm 1533 đời vua Lê Trang Tông) đến tiền bán thế kỷ 20 (khoảng 1939) với một thời gian dài dưới thời hai vua Minh Mạng và Tự Đức, đạo Công giáo bị bách hại thẳng tay, ấy thế mà hoa trái vẫn sinh sôi nảy nở là thành phần những thiếu nhi chúng tôi, hăng hái và kiên định giữ vững đức Tin, theo đòi các bậc cha anh. (dunglac.org)
Cha Chính Uyên, đã lâu quá mà tôi vẫn còn nhớ, chủ lễ và giảng thuyết hôm đó. Cha nhắc cho chúng tôi nhớ từ khi Chúa sống lại cho đến khi Chúa lên trời là bao nhiêu ngày, vì sao Chúa lên Trời? Vì sao Chúa cho Đức Chúa Thánh Thần xuống 10 ngày sau đó? Chúa lên trời rồi ta không còn Chúa nữa sao? Phép Thánh Thể Chúa lập để an ủi chúng ta rằng lúc nào Chúa cũng ở với chúng ta…và cần nhất là ta đừng sợ khi tuyên xưng đức Tin!
Cha Chính Uyên dùng những ngôn từ của trẻ em, không cao xa nhưng thực tế và gần gũi với trẻ em. Cha làm cho trẻ em hiểu nhiều hơn về lễ Phục Sinh, lễ Chúa lên Trời và lễ Chúa Thánh Linh hiện xuống tác động trên các Thánh tông đồ đặng thêm sức mạnh để các Ngài đi rao giảng Lời Chúa khắp mọi nơi.
Sau lễ, chúng tôi được hướng dẫn xuống nhà Hội quán (hai bên nhà thờ), đội ngũ nào ngồi vào đội ngũ đó. Các thầy giáo hay Quản Nghĩa binh đi lãnh phần xôi cho đội của mình. Miếng thịt lợn đã nằm êm trong nắm xôi trắng hoặc đậu xanh, một đứa trẻ ăn một nắm như thế cũng lưng lửng dạ. Có sẵn đĩa nhỏ để lấy muối vừng, hay muối trắng. Cha Lộc, Tuyên Uý đoàn Nghĩa Binh xướng kinh Lạy Cha cho chúng tôi đọc theo trước khi ăn. Vừa ăn chúng tôi vừa chuyện trò vui vẻ. Sau này tôi được biết là mỗi giáo họ góp phần xôi và thịt của mình vào tuỳ theo sĩ số đoàn mình. Dù xứ Phú Nhai có sẵn lòng cung cấp gạo, thịt nhưng chõ đâu mà xôi cả nghìn phần ăn như thế. Chia ra nhiều nơi lo thì công việc nhẹ đi ngay.
Chúa nhật sau là lễ kính Đức Chúa Thánh Thần, chỉ những đứa trẻ nào qua được kỳ thi ở Phú Nhai mới được sang Bùi chu dự thi có Đức Giám mục Hồ ngọc Cẩn chủ toạ. (vietnamexodus.org Văn học)
Tôi bị rớt ở Phú Nhai nên không được sang Bùi. Xứ Bắc Tỉnh của tôi chỉ được một thằng bạn tôi, thằng Viện, hơn tôi 2 tuổi, là được sang Bùi thi. Nó được một phần thưởng của Đức Cha, còn tên mấy đứa khác tôi chỉ nhớ lúc đó, chúng ở những nơi khác không phải ở miền chúng tôi. Nhưng dù lớn dù nhỏ, phần thưởng nào cũng có một cuốn Bổn Đồng Ấu và hình như một cuốn Bổn Trung cấp (tôi không nhớ rõ), tác giả là Đức Giám mục Hồ ngọc Cẩn, rất uyên thâm Nho học và Latinh.
Hơn bảy mươi năm qua đi mà tôi vẫn nhớ như in những buổi khảo kinh trẻ em ở nhà Hội quán với không khí nghiêm trang (có khi rất căng thẳng thần kinh) như ngày xưa người ta đi thi Hương, thi Hội vậy.
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Mời bạn đọc đón coi vào mùa Thu này:
Thi tập “Sau Giờ Kinh Chiều”
tác giả là Nhà thơ Công giáo và Nhà thơ Dân tộc đã sáng tác hơn 2,000 bài thơ đủ loại.
Những bài thơ mượt mà ca tụng Chúa, Đức Mẹ và Chư Thánh. Những bài thơ chưa từng thấy trong nguồn Thi Ca Công giáo. Tác giả Bút Xuân/TĐN.
Views: 0