Chúa Nhật 31/5/2009 là Lễ trọng, kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Phụng vụ không cử hành lễ Đức Maria thăm viếng bà Êlisabet, tuy nhiên chúng ta vẫn dành ít phút để nhớ đến việc Mẹ đi thăm người chị em trong hàng thân thích này của Mẹ,sau đó chúng ta cũng có những giây phút suy niệm về Chúa Thánh Thần, nguồn mạch sự sống và chân lý.
Lời Chúa : “Chỗi dậy, Maria đon đả ra đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Giuđa. Bà vào nhà ông Zacarya và chào bà Êlisabet” (Lc 1, 39-40). Trong Kinh thánh, cách riêng là Tin Mừng, nếu chúng ta lắng nghe Lời Chúa bằng cả lòng trí, rồi suy ngẫm, chúng ta sẽ có được những giây phút tuyệt vời và lúc đó Lời Chúa qua những trình thuật, sẽ dẫn chúng ta vào những trang sử mầu nhiệm thánh. Điển hình là trình thuật về việc Đức Maria đi thăm bà Êlisabet (x. Lc 1, 39-56).
Để bảo đảm cho lời của mình là chân thật và đến từ Thiên Chúa, Sứ thần Gabrien nói với Đức Trinh Nữ Maria trong ngày truyền tin: “Kìa, Êlisabet trong hàng thân thích của người cũng đã mang thai con trong lúc tuổi già, cái thai nay đã là sáu tháng nơi một kẻ đã từng mang tiếng là son sẻ hiếm hoi ! Vì với Thiên Chúa, nào có gì lại là không có thể !”. Vừa nghe Sứ thần nói thế và sau lời cầu nguyện “Xin Vâng”, Mẹ Maria đã đon đả, đã vội vã “lên đường”.
“ Bà Êlisabet vừa nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ, và Êlisabet thì được đầy Thánh Thần, mà thốt lên một tiếng kêu lớn và nói: “ Trong nữ giới ,có người là diễm phúc ! Và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng người ! Và bởi đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa tôi đến với tôi ?…(Lc 1, 41-43).
Tôi dừng lại ở câu 43 này , thinh lặng vài phút để nhớ lại những khi rước lễ, chịu Mình Thánh Chúa, tôi đã như thế nào trong những khoảnh khắc cao trọng là được Chúa, Đấng tác tạo nên tôi, đến với tôi trong thân phận ngục tù bởi tội lỗi ? Lời của bà Êlisabet có làm tôi ăn năn những khi tôi rước lễ mà lòng trí còn vương vấn giấc ngủ không đầy, hay những khi vừa thức giấc đã lo toan việc đời, mang theo vào Nhà Chúa?…Tôi sẽ làm sao để nên giống bà Êlisabet, mỗi khi rước lễ mình trở nên hân hoan và chúc tụng Chúa suốt ngày và suốt đời tôi !
Còn Maria, lòng tràn đầy hân hoan. Mẹ hân hoan và mừng vui không phải vì lời chào mừng của Êlisabet cho riêng Mẹ, rằng “ Em được chúc phúc hơn mọi người nữ”, nhưng chính là vì,Mẹ là thiếu nữ Sion “đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền phán dạy cho người !” (Lc 1,45). Vì vậy,niềm hân hoan của Mẹ Maria chính là niềm hân hoan mừng vui của toàn Israel, khi sự chờ mong Đấng Cứu Thế từ bao đời các tổ phụ của họ xuất hiện..Mẹ Maria đã nói đến điều này sau lời chào của bà Êlisabet :
“ Người đã đáp cứu Israel tôi tá Người
bởi nhớ lại lòng nhân nghĩa,
như Người đã phán với tổ tiên chúng ta,
hứa cho Abraham và dòng dõi đến muôn đời.” (Lc 1, 54-55)
Mẹ Maria đã lưu lại với Êlisabet chừng ba tháng, rồi trở về nhà.(Lc 1,56)
Trên đây là một trong những trình thuật trong Tin Mừng tôi thích và ngạc nhiên, để rồi yêu mến. Ngày Mẹ Maria một mình lên đường đến với bà Êlisabet, chắc hẳn Mẹ còn rất trẻ. Thế mà Mẹ cũng dám rong ruổi đường dài, bất chấp gian nguy.Có lẽ lúc bấy giờ Mẹ đã tin chắc là “Chúa ở cùng người” (Lc 1,28) như lời Sứ thần nói khi truyền tin.Chỉ có lòng tin này mới giúp Mẹ can đảm, vượt qua mọi sợ hãi để đến với người chị họ cho dù xa xôi.Mẹ ở lại với Êlisabet trong ba tháng để giúp đỡ bà lúc bà sinh nở.
Có lẽ trong Văn học cổ thế giới,chưa có trường hợp nào như Mẹ Maria, một thiếu nữ trẻ của Israel, bất chấp dọc đường chông gai, gió bụi ,vượt đường xa đến với người chị trong họ hàng, chỉ có mục đích duy nhất là giúp đỡ người này khi sinh con trong lúc tuổi già. Trong Tin Mừng, đây là lần thứ nhất, thánh Luca nói về việc Đức Mẹ quan tâm đến người khác. Lần thứ hai là tại tiệc cưới ở Cana (Ga 2,1-12). Có lẽ Đức Mẹ đã thoáng thấy sự lúng túng của những người giúp bàn tiệc cưới vì hết rượu, nên Mẹ đã nói với Đức Giêsu : “Họ không có rượu nữa !”.Mặc dù Chúa Giêsu nói với Mẹ là “Giờ của tôi chưa đến !”, nhưng Đức Mẹ vẫn nói với các người giúp việc : “Ngài có bảo gì, hãy làm theo !”. Dựa vào điểm này, chúng ta hoàn toàn có quyền ký thác đường đời của chúng ta cho Đức Mẹ, để nhờ Mẹ, với Mẹ, chúng ta trở nên những người em thân yêu của Chúa Giêsu.Tuy nhiên, để xứng đáng là con cái của Mẹ, đồng thời cũng là em của Chúa Giêsu, Ki-tô hữu chúng ta cũng phải có đủ những thành tố làm nên vị trí ấy.
Tính cách của Đức Mẹ trong việc quan tâm và giúp đỡ bà Êlisabet trong chừng ba tháng, cũng là tính cách phục vụ của Mẹ nơi Gia đình Nazareth trong 30 năm, đó là tình yêu phục vụ, âm thầm và cầu nguyện.Điều này đã trở nên mẫu gương cho mọi Ki-tô hữu trong mọi thời và khắp nơi. Đức Mẹ Maria, người môn đệ số một và hoàn hảo nhất của Chúa Ki-tô, như lời của Đức Thánh Cha Phao-lô VI trong Tông huấn về “Lòng tôn sùng Đức Maria”.Người Ki-tô hữu nào mang trong tự thân của mình tính cách âm thầm phục vụ, yêu thương và cầu nguyện của Mẹ Maria, là người đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria nhất.Bằng tính cách này, người Ki-tô hữu đã nâng cao đời sống tinh thần Tin Mừng ngay tại gia đình, trong các đoàn thể Công giáo Tiến hành và ngoài xã hội.Sự hiện diện của họ ở nơi này hay nơi khác, bằng cung cách khiêm nhu, tế nhị và khôn ngoan, đã đem an ủi biết bao nhiêu cho những người cô đơn ngay trong gia đình mình, cũng như làm dịu những đớn đau của bệnh tật thể xác và tinh thần nơi người khác, mà không làm phiền hà ai. Đấy cũng là một cách bù đắp cho những ai đau khổ, những bất công mà họ phải chịu, trong khi người Ki-tô hữu không gây thiệt hại về tinh thần và vật chất cho những người chung quanh, như các chính quyền ở đời vẫn làm.Sống như Mẹ Maria đã sống, âm thầm phục vụ như Mẹ Maria đã phục vụ trong Gia đình Nazareth, người Ki-tô hữu “ không trực tiếp tiêu diệt những bất công to tát, nhưng làm cho mọi người thấm nhuần những nguyên tắc và quan niệm Ki-tô giáo. Tội ác tự nó phải chết vì không còn đất để dung dưỡng.” (Thủ bản Legio Mariae, số lề 483).
Chắc chắn có người không chấp nhận đường lối này, vì theo họ, tính cách sống đạo trên đây nhuốm vẻ tiêu cực và lẻ tẻ, trong khi việc cấp bách phải làm là cải tạo cả một xã hội bất công và đầy dẫy những tệ nạn. Điều này không sai. Tuy nhiên, những người theo khuynh hướng hoạt động xã hội này cứ tiếp tục và duy trì những sinh hoạt của họ, cũng như những người sống đạo theo đường lối vừa hoạt động vừa cầu nguyện, cả hai đều song hành mang chân lý Tin Mừng, bác ái và yêu thương phục vụ con người, không phải là tốt lắm sao !
Cung cách phục vụ của Mẹ Maria thật trái ngược với thời đại hôm nay, con người tất bật, vội vã, nôn nóng, bồn chồn, tính toán, bon chen, ích kỷ, cực đoan đến lạ lùng, khó hiểu. Hầu như ai nấy đều có tâm hướng ngoại, ngay bản thân mình, họ cũng không thực sự biết mình là ai. Nhiều người tín hữu lâu đời, hàng ngày đến nhà thờ theo thói quen, chứ không phải vì nhu cầu cứu chuộc. Họ đọc kinh lâu giờ cũng được, song bảo họ thinh lặng vài ba phút để suy gẫm về một đoạn Tin Mừng nào đó vừa mới nghe, thì có vẻ “lâu quá”.Như vậy là đời sống đạo thiếu chiều sâu, thiếu tư duy về những biến cố trong đạo, thiếu quan tâm về những mẫu gương sống phục vụ, sống yêu thương trong Tin Mừng. Phải chăng cuộc sống đa đoan trong thời buổi cạnh tranh kinh tế thị trường, đã cướp đi thời giờ cần nghỉ ngơi và thư giãn của biết bao con người !
Mẹ Maria vượt đường xa mà đến với bà Êlisabet và “ở lại” với bà, cũng như Chúa Giêsu Phục sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau và “ở lại” với hai ông, là tấm gương cho mọi Ki-tô hữu. Chúng ta nên dừng lại ở những sự kiện này mỗi khi được công bố, dành vài phút suy nghĩ rồi đối chiếu với bản thân mình, xem trước đây, mình có trường hợp nào đến với ai đau yếu, cô đơn, thất vọng v.v…giống như Mẹ Maria đối với bà Êlisabet, nghĩa là chúng ta đã từng đi thăm người này người kia với một tinh thần đơn sơ, gần gũi, yêu mến mà không hạn chế thời giờ, không tính toán trước sau, nghĩa là chúng ta đến với tha nhân bằng cả con người thực của chúng ta, chứ không chiếu lệ, hay xã giao, đến để khỏi bị người này người nọ trách móc, rằng sống lơ là, hời hợt, chẳng quan tâm đến ai.Đành rằng, thời giờ là vàng bạc, nhưng biết sử dụng thời giờ một cách đúng mực, như đến với người cô đơn, đau khổ, thất vọng v.v…, là những người đang cần có người bên cạnh, đó là một cử chỉ sống động của yêu thương và phục vụ như Mẹ Maria đã thể hiện với bà Êlisabet và nơi tiệc cưới Cana.
(Ngày 27/5/2009)
Antôn Triều
Views: 0