Một trong các nhà thần học viết nhiều về Giáo Hội và ngôi vị giáo hoàng là đức Hồng Y Avery Robert Dulles (24 tháng 8 năm 1918 – 12 tháng 12 năm 2008).
Sinh ra vốn theo giáo phái Trưởng Lão (Presbyterian) và là con trai cố ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles, năm 1940, Avery gia nhập Giáo Hội Công Giáo, vào Dòng Tên, dạy và viết sách thần học, và năm 2001 được nâng lên hàng hồng y phó tế và là vị hồng y duy nhất không thụ phong giám mục.
Avery Dulles là giáo sư thần học tại Woodstock College từ 1960 tới 1974, và tại Đại Học America từ 1974 tới 1988, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng của ít nhất 12 đại học và cao đẳng nhiều nước trên thế giới trong đó có Gregoriana (Rôma), Leuven (Bỉ), Campion Hall (Oxford), Princeton, Yale, Fordham (Mỹ). Là tác giả hơn 700 bài báo và 24 cuốn sách về thần học, Đức HY Dulles cũng là cựu chủ tịch của cả hai tổ chức: Hội Thần Học Công Giáo Mỹ và Hội Thần Học Mỹ, thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế và thành viên của cuộc Đối Thoại Luthêrô/Công Giáo Hoa Kỳ. Từ 1988 tới lúc qua đời, ngài giữ ghế giáo sư về tôn giáo tại Đại Học Fordham mà các bài giảng sau đó được in thành sách, tức cuốn Church and Society: The Laurence J. McGinley Lectures,1988-2007 (Fordham University Press, 2008). Trong các sách của ngài về Giáo Hội, ta thấy có các cuốn Models of the Church, Doubleday (1974); The Catholicity of the Church (1985); Magisterium: Teacher and Guardian of the Faith, Sapientia Press of Ave Maria University (2007).
Ngôi vị giáo hoàng cho một Giáo Hội Hoàn Cầu
Trên đây là tựa đề một bài báo của Đức HY Dulles đăng trên tạp chí America, số 15 tháng 7 năm 2000. Trong bài báo này, Đức HY Dulles cho rằng: tình thế của thế giới hiện đại đòi phải có một vị kế nhiệm cho Thánh Phêrô biết dạy dỗ và hướng dẫn toàn bộ dân Thiên Chúa.
Nhận định trên thực ra bị nhiều người tranh biện. Ai cũng biết, trong tông thư Ut Unum Sint năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đã dùng số 96 để mời gọi các nhà lãnh đạo và thần học gia của các giáo hội khác đóng góp ý kiến về phương cách làm thế nào thực thi nhiệm vụ giáo hoàng để phục vụ sự hợp nhất mà không làm hại tới những nét chủ yếu của nó. Một số các vị được yêu cầu đã cho thấy họ không chấp nhận tính tối thượng của nhiệm vụ kia, như đã được hai Công Đồng Vatican I và II định nghĩa. Nhưng Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo/Công Giáo mới đây lại cho thấy người Anh Giáo rất cởi mở đối với ý niệm tối thượng phổ quát của ngôi vị giáo hoàng. Các nhà thần học Thệ Phản cá thể như Wolfhart Pannenberg cũng tỏ ý ước muốn một vị giáo hoàng cho hết mọi Kitô hữu. Tuy nhiên, nhân dịp này, không thiếu các nhà thần học Công Giáo lên tiếng cho rằng ngôi vị giáo hoàng đã trở nên quá tích cực và uy quyền. Theo đức HY Dulles, để hiểu các phản ứng trên, ta nên duyệt qua một số khuynh hướng mới đây.
Hoàn cầu hóa ngôi vị giáo hoàng
Trong hai thế kỷ trước, các vị giáo hoàng càng ngày càng ý thức được trách nhiệm hoàn cầu của mình nên đã biến cải ngôi vị giáo hoàng mỗi lúc mỗi trở thành biểu tượng mạnh mẽ của sự hợp nhất Công Giáo. Công Đồng Vatican I (1869-70), và sau đó, Bộ Giáo Luật năm 1917, đã gán nhiều quyền mới cho đức giáo hoàng trong tư cách Đấng Đại Diện Chúa Kitô đối với giáo hội hoàn vũ. Trên thực tế, ngài nhận được thẩm quyền không hạn chế đối với việc khai triển học lý và kỷ luật trong Giáo Hội. Qua bộ phận ngoại giao được mở rộng, Tòa Thánh trở nên có mặt về phương diện tinh thần ở nhiều quốc gia, giám sát công việc của Giáo Hội và hành động hỗ tương với các chính phủ thế tục. Với sự giúp đỡ của các sứ thần và khâm sứ, Rôma kiểm soát việc cử nhiệm các giám mục ở mọi nơi.
Tại Công Đồng Vatican II (1962-65) các giám mục Tây Âu (Pháp, Bỉ, Hòa Lan và Đức) cùng với các cố vấn thần học của họ tỏ ý muốn phục hồi phẩm giá và thẩm quyền của các giám mục cá thể và giành quyền tự quyết thực sự dù có tính hạn chế cho các giáo hội địa phương. Các giám mục truyền giáo tại Á Châu và Phi Châu, vì muốn lồng sâu đức tin Kitô Giáo vào cuộc sống giáo dân, nên cũng ủng hộ khuynh hướng này. Thay vì lật ngược giáo huấn của Vatican I, Vatican II quyết định đề cao việc hội nhập văn hóa (inculturation); đề cao các giáo hội địa phương và giáo hội miền; nâng cấp chức giám mục, định nghĩa giám mục như một linh mục được hưởng trọn sự viên mãn của bí tích truyền chức thánh. Công Đồng này cũng đưa ra học lý hiệp đoàn tính (collegiality), dạy rằng mọi giám mục hiệp thông với Rôma đều là thành viên ngang hàng của một đoàn điều hướng tối cao toàn bộ Giáo Hội hoàn vũ.
Để thực hành các nguyên tắc trên, Vatican II khởi xướng một số thay đổi về cơ cấu. Nó mời gọi việc quốc tế hoá Giáo Triều Rôma, một giáo triều cho tới lúc đó hầu như chỉ gồm toàn người Ý. Vatican II cũng thiết lập ra hệ thống các hội đồng giám mục: mỗi quốc gia hay lãnh thổ lớn trên thế giới sẽ có một hội đồng kiểu này. Nhất trí với Đức Phaolô VI, Công Đồng cũng thiết lập một định chế hoàn toàn mới, đó là Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (Synod of Bishops), họp định kỳ tại Rôma để bàn tới các vấn đề được cả Giáo Hội hoàn vũ quan tâm.
Trung thành thực thi chương trình của Công Đồng, Đức Phaolô VI quả đã biến ngôi vị giáo hoàng thành một định chế thực sự có tính hoàn cầu. Ngài quốc tế hóa Giáo Triều Rôma và giám sát việc thiết lập các hội đồng giám mục và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Theo gợi ý của Thượng Hội Đồng này, ngài thiết lập Ủy Ban Thần Học Quốc Tế để cố vấn cho Tòa Thánh. Khởi diễn một tiền lệ hoàn toàn mới, ngài thực hiện các chuyến tông du mục vụ qua Đất Thánh, Ấn Độ, Nữu Ước, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Genève, Uganda và Viễn Đông. Nhân các chuyến tông du này, ngài đã tới thăm Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới tại Genève, trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước và Hội Nghị Các Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh tại Medellín, Colombia. Ngài cũng có những cuộc gặp gỡ có tính biểu tượng hết sức quan trọng với các vị lãnh đạo các giáo hội khác, trong đó có Đức Thượng Phụ Athenagoras của Constantinople vào hai năm 1964 và 1967, và Đức Tổng Giám Mục Arthur Michael Ramsey của Canterbury vào năm 1966. Dù kêu gọi phải đi truyền giáo, nhưng ngài cũng cổ vũ các cuộc đối thoại thân tình với các tôn giáo lớn.
Giống Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II cũng là một vị giáo hoàng hết sức sáng chói của Vatican II. Khi còn là một giám mục trẻ, ngài từng tham dự đầy đủ 4 khóa họp của Công Đồng này. Vì nhiệt tình ủng hộ giáo huấn của Công Đồng, ngài đã hết lòng cho áp dụng nó vào tổng giáo phận Krakow, Ba Lan. Trong suốt thập niên từ 1967 tới 1977, ngài là khuôn mặt hàng đầu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Việc ngài được bầu làm vị giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý kể từ thế kỷ 16 đã nhấn mạnh rất nhiều tới đặc điểm quốc tế của ngôi vị giáo hoàng thời hiện đại.
Theo gương Đức Phaolô VI, ngài cũng là vị giáo hoàng hành hương. Cho tới năm 2000, ngài thực hiện hơn 100 chuyến tông du bên ngoài nước Ý. Ngài đã nói truyện tại UNESCO ở Ba Lê và 2 lần đọc diễn văn trước Đại Hội Đồng LHQ ở Nữu Ước. Ngài thường xuyên gặp gỡ các vị lãnh đạo các giáo hội Kitô Giáo và đã vận động tổ chức các biến cố liên tôn tại Assisi và nhiều nơi khác. Nhân danh công bằng xã hội, ngài đã lên tiếng tố cáo các chế độ áp bức và ủng hộ các hình thức tham gia việc cai trị coi chúng như phù hợp với phẩm giá và quyền tự do của nhân vị. Sự thành công của cuộc cách mạng không đổ máu tại Trung và Đông Âu vào năm 1989 một phần lớn đã được gán cho ảnh hưởng tinh thần của ngài. Dù hết sức tự chế đối với nền chính trị phe phái, không một vị giáo hoàng nào kể từ thời Trung Cổ, và có lẽ suốt trong lịch sử, đã không đóng một vai trò lớn lao trên diễn đàn thế giới.
Cũng như Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II luôn hành động một cách hiệp đoàn với các vị giám mục thế giới. Ngài thường xuyên triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, gần như ba năm một lần. Năm 1985, ngài triệu tập một thượng hội đồng đặc biệt để kỷ niệm 20 năm ngày kết thúc Công Đồng Vatican II. Ngài cũng triệu tập các cuộc hội họp đặc biệt cho thượng hội đồng giám mục thuộc một quốc gia hay một miền, trong số này, có bốn thượng hội đồng đặc biệt cho Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á và Châu Âu.
Đức Gioan Phaolô II luôn luôn giữ liên lạc thường xuyên với các vị giám mục khắp hoàn cầu. Trước nhất qua các vị đại biểu các hội đồng giám mục quốc gia hay miền tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới và qua những câu trả lời cho các câu hỏi được nêu ra nhân có những dự thảo văn kiện quan trọng. Khi tông du ở ngoại quốc, ngài có thói quen nói truyện với hội đồng giám mục sở tại và đôi khi còn tìm dịp đối thoại riêng với từng thành viên giám mục, như ở Los Angeles năm 1987. Giống các vị tiền nhiệm, ngài gặp gỡ các giám mục cá thể hay các nhóm giám mục mỗi 5 năm một lần để thảo luận các phát triển, các cơ may và vấn đề của họ (ad limina).
Để đẩy xa hơn phương thức cai quản có tính hiệp đoàn của ngài, Đức Gioan Phaolô II còn tìm ra những cách sử dụng mới đối với hồng y đoàn của mình. Từ năm 1979 tới năm 1994, ngài đã triệu tập 5 cơ mật viện đặc biệt để xin ý kiến các vị hồng y và xin sự cộng tác của các ngài trong các vấn đề quan trọng từ chuyện tài chánh của Giáo Hội tới việc chuẩn bị năm thánh 2000. Thay vì cạnh tranh với hiệp đoàn giám mục, hồng y đoàn cũng hành động như một thành phần của hiệp đoàn kia, nhưng có thể triệu tập một cách nhanh hơn, thuận tiện và kinh tế hơn. Cũng vì những lý do tương tự, thỉnh thoảng ngài có tổ chức những cuộc gặp gỡ với các tổng giám mục hay các vị chủ tịch các hội đồng giám mục. Tất cả các cơ chế này giúp Đức GH cai quản Giáo Hội theo đường lối hiệp đoàn, nhờ sự khôn ngoan và tính nhạy cảm của các giám mục khắp trên thế giới.
Đức Gioan Phaolô II cũng mạnh mẽ tin vào việc hội nhập văn hóa. Ngài xác tín rằng đức tin phải được nhập thể một cách thành công vào nhiều nền văn hóa của thế giới. Tuy nhiên, trách vụ này khá tế nhị. Các nền văn hóa ấy vốn không trung lập về phương diện luân lý và tôn giáo. Chúng cần được phúc âm hóa để trở thành hiếu khách và hỗ trợ Kitô Giáo chân chính. Để các nền văn hóa ấy không trở thành tự đóng kín và phân hóa, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng chúng phải tôn trọng các giá trị nhân bản phổ quát. Trong Giáo Hội, các tín hữu thuộc các miền văn hóa khác nhau phải có khả năng nhìn nhận nhau như các đồng chi thể của cùng một thân thể, biết chia sẻ cùng một gia tài tông truyền chung. Nếu có được các điều kiện ấy, thì tính đa nguyên của các nền văn hóa trong Giáo Hội sẽ là một vốn liếng tích cực. Nó đem sự phong phú của các dân tộc đến với Chúa Kitô, Đấng họ được ban cho làm gia nghiệp (Tv 2:8; xem thêm Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 13).
Một số nguyên tắc canh tân đã được đề nghị
Khá nhiều các đề nghị canh tân gần đây bị coi là những phản ứng chống lại khuynh hướng hoàn cầu hóa ngôi vị giáo hoàng của thời hậu Vatican II. Vì muốn đem lại quyền độc lập lớn hơn cho các giám mục và các giáo hội địa phương, một số nhà canh tân Công Giáo thường nại tới nguyên tắc phụ đới (subsidiarity). Trong thông điệp Centesimus Annus, năm 1991, Đức Gioan Phaolô II đã súc tích giải thích ý nghĩa của nguyên tắc này như sau: “Cộng đồng ở cấp cao hơn không nên can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của cộng đồng ở cấp thấp hơn, như thế là tước đoạt các chức năng của cộng đồng này, nhưng đúng hơn nên hỗ trợ cộng đồng thấp này khi cần và phải giúp phối hợp các sinh hoạt của nó với các sinh hoạt của các bộ phận khác trong xã hội, luôn luôn nhằm thiện ích chung” (số 48).
Nguyên tắc này đầu tiên được đưa ra liên quan tới các chính phủ thế tục, là các chính phủ được thiết lập từ bên dưới. Bắt đầu từ các gia đình, người ta thấy cần phải lần lượt tạo ra các cộng đồng lớn hơn để có thể đạt được các lợi ích mà các đơn vị nhỏ hơn hay thấp hơn không đảm bảo có được. Nhưng các thẩm quyền cao hơn, như nhà nước chẳng hạn, không nên làm những gì mà gia đình hay các cộng đồng tự do có thể làm được. Nhà nước như thế là một trợ giúp, một subsidium (một thực thể phụ giúp), phụ đới cho các tác nhân công và tư như thị trấn, trường học, doanh nghiệp, giáo hội và câu lạc bộ.
Có nhiều tranh luận về việc phải áp dụng nguyên tắc phụ đới trong Giáo Hội đến đâu và thế nào. Vì không như nhà nước, Giáo Hội được thiết lập từ trên, từ Thiên Chúa trong Chúa Kitô, Đấng đã ban quyền đặc biệt cho Thánh Phêrô và Nhóm Mười Hai. Giáo Hội bắt đầu nhịp sống của mình khi Chúa Thánh Thần hiện xuống với Giáo Hội như một toàn thể vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Chỉ sau đó, khi đức tin lan truyền tới Antiôkia, Rôma, Alexandria và các thành khác, mới cần có việc thiết lập ra các thẩm quyền địa phương để trông coi các giáo hội đặc thù. Như Vatican II từng chủ trương, các giáo hội đặc thù kia “được tạo hình theo mẫu Giáo Hội phổ quát”, là Giáo Hội có trước các giáo hội này, dù về một vài phương diện, tùy thuộc các giáo hội này (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 23). Chúng chỉ được gọi là giáo hội bao lâu “Giáo Hội của Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi cộng đoàn hợp lệ tại địa phương” (Hiến Chuế Tín Lý về Giáo Hội, số 26).
Vì nguyên tắc phụ đới được đưa ra là vì các xã hội thế tục, nên khả thể áp dụng nó vào Giáo Hội bị nhiều người tranh biện. Nhưng dù kết quả cuộc tranh biện này có ra sao, lương tri vẫn đòi hỏi điều này: những vấn đề chỉ có tính địa phương, nếu có thể, nên để địa phương xử lý. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, các vấn đề địa phương thường vẫn có nhiều hệ luận đối với giáo hội hoàn vũ, và do đó, cần có sự can dự của thẩm quyền cao hơn. Song song với việc nại tới tính phụ đới, các nhà canh tân hiện nay thường biện luận từ truyền thống. Họ bảo rằng: trong giáo hội cổ xưa, các giám mục các tông tòa Giêrusalem, Antiôkia và Alexandria được coi là có thẩm quyền đặc biệt ở phía Đông của Giáo Hội, giống như Rôma ở phía Tây vậy. Nhưng Đức Hồng Y Dulles cho rằng: trước khi phục sinh mô thức thượng phụ, người ta nên nhớ lại những khó khăn do nó tạo ra. Các thượng phụ tranh chấp nhau, trong đó Antiôkia và Alexandria tìm cách loại bỏ nhau ra khỏi hiệp thông Công Giáo. Sau đó đến lượt Constantinople, và sau đó nữa, đến lượt Mạc Tư Khoa, đòi tư cách thượng phụ nhưng lúc nào cũng thù nghịch với nhau. Giáo Hội Chính Thống ngày nay đang lao đao với những tranh chấp giữa các giáo hội quốc gia tự trị của Đông Âu.
Ngay ở Phương Tây, nơi may mắn chỉ có một tòa tông phụ, các giáo hội quốc gia cũng từng đặt ra nhiều trở ngại cho việc hợp nhất. Chủ nghĩa quốc gia từng góp phần vào việc làm Giáo Hội Công Giáo mất Đức, Scandinavia, Anh và Tô Cách Lan, trong khi Pháp, Áo, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thỉnh thoảng lại rơi vào tình thế toan ly giáo. Thành thử việc xuất hiện thẩm quyền Rôma trong thế kỷ 19 thực ra là một ơn phúc đầy dấu chỉ. Nó giúp người Công Giáo thuộc nhiều quốc gia khác nhau duy trì được một cảm thức liên đới sống động dù kinh qua hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20.
Trong thời đại điện tử ngày nay, khi thông tin du hành bằng vận tốc ánh sáng, thẩm quyền có tính hoàn cầu lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Điều hôm nay xẩy ra tại Vienna thì ngày mai có thể khiến New Delhi hay Warsaw phải đặt nghi vấn. Rôma không thể im lặng ngồi chờ trong khi các vấn đề tín lý đang được tranh luận ở cấp địa phương, như hồi truyền thông còn chậm chạp và vận chuyển còn hết sức khó khăn. Tòa Thánh luôn được yêu cầu phải phán định cho bên này hay bên kia cuộc tranh luận.
Đức HY Dulles không cho rằng Giáo Hội nên trở về với tình trạng trước Công Đồng Vatican II. Các cải cách của Công Đồng đã giúp Giáo Hội bước vào thế giới hoàn cầu hóa của thời đại. Công Đồng rất có lý khi kêu gọi sự hội nhập văn hóa, tính hiệp đoàn và việc tái nhấn mạnh tới các giáo hội địa phương như là trung tâm sinh hoạt mục vụ và thờ phượng. Các cơ cấu được thiết lập từ thời Công Đồng đang có tác dụng tốt, dù vẫn cần được cảm nghiệm và thích ứng hơn nữa để chúng có thể vận hành một cách êm thấm bao nhiêu có thể.
Không nên đặt vấn đề chọn lựa giữa tập quyền và tản quyền (decentralization). Tản quyền có thể gây đình trệ và tập quyền có thể gây áp chế nếu không giữ cho các khuynh hướng ly tâm và qui tâm ở thế cân bằng. Diễn trình tăng trưởng ở tứ chi đang đặt nhiều gánh nặng hơn bao giờ hết lên trái tim Rôma. Như lời của Vatican II, tòa Phêrô đang “chủ trì cả một cộng đoàn đức ái và bảo vệ các dị biệt hợp pháp, trong khi cùng một lúc phải lo lắng sao cho các dị biệt ấy không cản trở nhưng đúng hơn góp phần vào cộng đoàn đức ái kia” (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 13).
Các đề nghị chuyên biệt về canh tân cơ cấu
Dưới ánh sáng các nguyên tắc đã nhắc trên đây, ta hãy xem sét một số đề nghị canh tân chuyên biệt thường được một số trước tác thần học gần đây nhắc đến. Ta thấy hiện có năm đề nghị sau đây:
Thứ nhất là vấn đề cử nhiệm giám mục. Kể từ giữa thế kỷ 19, việc các ông hoàng thế tục và giáo sĩ đoàn của nhà thờ chính tòa chọn lựa giám mục đã không còn nữa. Và ngày nay, không một người Công Giáo nào muốn trở lại với hệ thống cũ trong đó, trên thực tế, chính các nhà cầm quyền dân sự chọn lựa hầu hết các giám mục. Trong hệ thống hiện nay, các vị sứ thần hay đại diện của Đức GH có trách nhiệm chính trong việc thu thập tên các ứng viên theo hiểu biết riêng hay căn cứ vào các tham khảo với những vị có trách nhiệm liên hệ. Việc cử nhiệm sau đó được đem ra thảo luận tại Thánh Bộ Giám Mục (Thánh Bộ Rao Giảng Phúc Âm, đối với trường hợp Việt Nam), là thánh bộ có khá nhiều giám mục thuộc nhiều giáo miền khác nhau. Thánh Bộ này phải đệ trình các khuyến cáo. Đức Giáo Hoàng sẽ tiếp nhận các khuyến cáo ấy và có quyết định sau cùng.
Nhiều nhà thần học với đầu óc canh tân muốn có một diễn trình cởi mở và “dân chủ” hơn trong đó giáo hội địa phương đệ nạp tên ứng viên, sau đó hội đồng giám mục quốc gia hay miền sẽ ‘thanh lọc’ rồi đệ lên để Rôma chấp thuận hay bác bỏ. Vì diễn trình cử nhiệm luôn cần được cải thiện, thiển nghĩ những gợi ý kiểu nay không nên bị bác bỏ thẳng thừng. Tuy nhiên, theo Đức HY Dulles, chúng không tránh được nhiều yếu điểm. Trước nhất, vì phải lập ra các ủy ban đại diện, cho nên thế nào cũng nẩy sinh óc bè phái cũng như can thiệp của các thế lực chính trị trong các giáo hội địa phương. Thứ đến, vì chỉ phải cân nhắc người trong giáo phận, nên rất dễ có truyện ‘gây giống nội bộ’ một cách thái quá (excessive inbreeding). Một giáo hội với một truyền thống lệch lạc cứ thế mà luẩn quẩn với sự lệch lạc của mình, khó lòng sửa chữa được.
Mặt khác, việc giữ bí mật (confidentiality) khó lòng duy trì được nếu tên tuổi các ứng viên phải qua nhiều đợt lọc lựa ở nhiều ủy ban khác nhau. Cuối cùng, Rôma sẽ bị áp lực phải chọn các tên được đệ trình hay phải giải thích lý do tại sao không chọn các tên đó. Nhưng việc công bố các lý do chống lại một cử nhiệm nào đó hiển nhiên sẽ gây thương tổn cho thanh danh của ứng viên. Và sau cùng, có thể nói, diễn trình hiện nay cho phép xem sét được nhiều khả thể hơn là đặt trong tay một ủy ban giáo phận. Mặc dầu thỉnh thoảng vẫn có sai lầm, nhưng theo Đức HY Dulles, thủ tục hiện hành đem lại cho chúng ta một đoàn ngũ giám mục xét chung khá tuyệt hảo, đáng tin cậy trong việc phục vụ với tư cách mục tử trung thành của đoàn chiên. So với các giám mục được các giáo hội khác bầu ra, các vị giám mục được cử nhiệm của chúng ta xứng đáng hơn.
Thẩm quyền của Thượng Hội Đồng Giám Mục
Vấn đề thứ hai là vấn đề thẩm quyền của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Theo hiến chế hiện nay, Thượng Hội Đồng này chủ yếu gồm các vị giám mục đại diện cho các hội đồng giám mục liên hệ, con số tùy theo kích thước của các hội đồng này. Phiên khoáng đại thường được tổ chức 3 năm một lần và tương đối kéo dài không lâu, không quá 1 tháng. Các giám mục thường không muốn vắng mặt quá lâu và quá thường xuyên khỏi giáo phận của mình. Điều đáng lưu ý là Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một cơ quan lập pháp mà chỉ là một diễn đàn để các giám mục bày tỏ quan điểm của mình về chủ đề của cuộc họp và xác nhận mức nhất trí với các giám mục khác. Các cuộc họp của Thượng Hội Đồng thường đưa ra nhiều đề nghị hữu ích cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều. Các tông huấn ban hành sau các cuộc họp này đã chứng tỏ được giá trị của Thượng Hội Đồng.
Đã có nhiều tiếng nói trong Giáo Hội muốn thấy Thượng Hội Đồng biến thành một cơ quan có thể ban hành luật lệ cũng như các công bố tín lý có tính trói buộc. Đức Hồng Y Dulles không cùng quan điểm như trên vì bản chất cấp thời (ad hoc) của Thượng Hội Đồng và nó chỉ họp trong một khoảng thời gian ngắn. Sợ rằng chính giáo dân Công Giáo không muốn bị trói buộc bởi các sắc lệnh của loại hội đồng này. Dĩ nhiên, Đức Giáo Hoàng có thể ban cho Thượng Hội Đồng quyền quyết định một số vấn đề bằng đa số phiếu, nhưng cho đến nay, ngài vẫn thích tiếp nhận các khuyến cáo của Thượng Hội Đồng, rồi trao cho các Thánh Bộ ở Rôma nghiên cứu thêm.
Như Thượng Hội Đồng năm 1985, chẳng hạn, đã đưa ra 4 khuyến cáo chính sau đây: sớm hoàn tất Bộ Giáo Luật cho các giáo hội Công Giáo Đông Phương, soạn sách giáo lý chung cho toàn thể Giáo Hội, nghiên cứu bản chất và thẩm quyền của các hội đồng giám mục và nghiên cứu việc có thể áp dụng nguyên tắc phụ đới vào sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội. Trong diễn văn bế mạc, Đức Gioan Phaolô II đã chấp nhận 3 khuyến cáo đầu, và cả ba khuyến cáo ấy đều đã được đem ra thi hành trong những năm sau đó. Riêng nguyên tắc phụ đới, ngài để vấn đề này chín mùi trong các tranh luận thần học trước đã, rồi huấn quyền mới có quyết định sau.
Vấn đề thứ ba là vai trò của các hội đồng giám mục, như Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chẳng hạn. Vốn được Công Đồng Vatican II lập ra, các hội đồng này chủ yếu chỉ có bản chất tham vấn. Chúng cho phép các giám mục của một nước hay một miền lĩnh hội được kinh nghiệm của nhau và phối hợp được các chính sách cai quản giáo phận của mình. Bình thường, các hội đồng này không tạo ra các qui định có tính trói buộc, nhưng đôi khi cũng có thể làm thế bằng cách bỏ phiếu nhất trí (unanimous) hay ít nhất 2 phần 3 và sau đó được Rôma chấp thuận chính thức (recognitio).
Mùa hè năm 1998, Đức Gioan Phaolô II cho công bố một lá thư nói rõ bản chất và thẩm quyền tín lý của các hội đồng giám mục, như Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1985 từng khuyến cáo. Ngài định rằng các hội đồng giám mục không thể giảng dạy một tín lý bắt buộc nếu không đạt đa số 2 phần 3 và tiếp đó không được Rôma nhìn nhận. Nhiều nhà phê bình cho rằng qui định đó cho thấy một sự bất tín nhiệm quá đáng đối với các hội đồng giám mục. Nhưng Vatican II không thiết lập các hội đồng này như cơ quan ban hành tín lý.Tại sao người Công Giáo Việt Nam lại bị trói buộc bởi lá phiếu của các vị giám mục, để phải tuyên xưng một tín điều gì đó vốn không được giảng dạy khắp trong Giáo Hội? Liệu các giám mục giáo phận hay dân Công Giáo có thực sự muốn bị trói buộc về các vấn đề tín lý bởi số phiếu đa số tại hội đồng giám mục không, nhất là khi hội đồng ấy chỉ gồm trên dưới 10 vị giám mục?
Vần đề thứ tư là quyền của Giáo Triều. Đức Giáo Hoàng không thể cai quản Giáo Hội hoàn vũ cách hữu hiệu mà không có một loại nội các nào đó gồm các thánh bộ, các tòa án và hội đồng. Trưởng các cơ quan này thường là các giám mục hay hồng y nếu là thánh bộ. Các giám mục địa phương thường hay phàn nàn rằng Rôma can thiệp hơi nhiều vào công việc của các giáo hội địa phương. Nhưng Đức Hồng Y Dulles cho rằng thực ra rất ít khi Rôma tự ý can thiệp. Thông thường chỉ là để đáp ứng các khiếu nại của giáo hội địa phương đối với một vụ tranh biện nào đó. Xin nêu ra đây một số điển hình. Năm 1993 chẳng hạn, Rôma can thiệp để loại bỏ một bản dịch Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo quá phóng túng và thiếu chính xác, theo lời yêu cầu của chính các soạn giả và các nhà chuyên môn khác. Một cuộc tham khảo quốc tế đã được triệu tập tại Rôma, nhờ thế bản dịch trên đã được tái duyệt.
Một vấn đề khác từng được nhiều người chú ý là quyết định của Bộ Thờ Phượng Thánh và Bí Tích ban hành ngày 26 tháng 10 năm 1999 đòi phải duyệt lại bản dịch phụng vụ bằng tiếng Anh do Ủy Ban Quốc Tế Tiếng Anh Trong Phụng Vụ (ICEL) soạn thảo, một ủy ban hỗn hợp khá kềnh càng vì gồm các thành viên do 11 hội đồng giám mục khác nhau đề cử. Đã nhiều năm nay, bản văn do ủy ban này soạn thảo căn cứ theo triết lý riêng của họ bị nhiều chỉ trích từ cả các giám mục lẫn nhiều nhóm giáo dân; khốn nỗi, ủy ban này, vì có tính quốc tế, nên không chịu thẩm quyền của bất cứ hội đồng giám mục nào. Các vị giám mục Mỹ thấy mình rơi vào tình thế bất thường không kiểm soát được bản dịch trong các sách phụng vụ của mình. Các qui định mới đem lại lợi điểm là cung ứng cho các hội đồng giám mục một cơ chế để có thể yêu cầu sửa chữa những điểm được coi là không đúng đắn trong bản văn của ICEL. Trong trường hợp này cũng như trong nhiều trường hợp khác, thẩm quyền của Rôma thực ra được dùng để bảo vệ các giáo hội địa phương khỏi việc lạm quyền đáng nghi vấn của các cơ quan quốc gia hay quốc tế.
Trong các vấn đề tín lý, chính sách của Rôma thường là khuyến khích các giám mục giáo phận và các hội đồng giám mục nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc giám sát tính chính thống trong các điều thuyết giảng và giảng dạy tại khu vực riêng của mình. Nhưng các giám mục thường lại trông cậy vào Rôma chịu chỉ cho mình hay hiện mình có đang giảng dạy trong hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ hay không, vì tín lý, tự bản chất, vốn có tính hoàn vũ. Bộ Tín Lý không thể tránh được việc bị lôi kéo vào những cuộc thảo luận trong đó tính chính thống được nêu ra.
Vấn đề thứ năm và là vấn đề sau cùng chính là thẩm quyền giáo huấn của Đức Giáo Hoàng. Giống Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II, từ trước đến nay vốn hạn chế, không ban bố một định nghĩa tín điều nào có tính “ex cathedra” (vô ngộ), nhưng vẫn đôi lúc đưa ra các ấn định chung kết về tín lý mà không cần sự đầu phiếu chính thức của hiệp đoàn giám mục. Trong những trường hợp như thế, ngài thường dùng thẩm quyền riêng trong tư cách giáo chủ hoàn vũ có nhiệm vụ “củng cố anh em” (Lc 22:32), qua phương thức thu góp sự đồng thuận tổng quát của các giám mục. Nhiều thần học gia minh nhiên chủ trương rằng Đức Giáo Hoàng cần tiến hành một cuộc đầu phiếu trước khi ban hành các quyết định ấy. Nhưng theo Đức Hồng Y Dulles, dù một số giám mục bất đồng, thì tiếng nói của Đức Giáo Hoàng cùng với đa số vững ổn các giám mục trong một thời gian dài đủ để không cần phải có một cuộc đầu phiếu như thế. Cái diễn trình kềnh càng này rất dễ ngăn cản việc không kịp thời đáp ứng một tình thế nguy kịch cách hữu hiệu.
Một ngôi vị giáo hoàng trong đối thoại
Từ Vatican II trở đi, vấn nạn chính trong Giáo Hội Công Giáo là sự căng thẳng có tính biện chứng giữa khuynh hướng tập quyền và khuynh hướng tản quyền. Những người chủ trương tản quyền có khuynh hướng cho mình tiến bộ và mô tả các thù địch của mình như những người chỉ nhằm phục chế (restorationists). Nhưng người ta cũng có quyền nghĩ ngược lại rằng những người muốn tái lập các điều kiện của Kitô Giáo thời giáo phụ, thực sự chỉ là những người tiếc nuối quá khứ và hoài cổ lỗi thời.
Cuối cùng, vấn đề không phải là điều này hay điều kia (eiher/or) nữa. Chính vì hoạt động gia tăng nơi các giáo hội và hội đồng địa phương, mà Rôma được yêu cầu phải thực hành một sự giám sát lớn hơn bao giờ hết, kẻo sự hợp nhất của Giáo Hội bị lâm nguy. Đặc tính hoàn vũ của Giáo Hội Công Giáo ngày nay, cùng với sự nhanh chóng của truyền thông hiện đại, đặt lên chức vụ giáo hoàng nhiều đòi hỏi mới không thể nào tránh khỏi. Tùy các giáo hội khác phán định xem một ngôi vị giáo hoàng mạnh và nhiều nghị lực có chấp nhận được hay không về phương diện đại kết. Nhưng theo Đức Hồng Y Dulles, không ít các giáo hội ấy muốn thấy Rôma cung cấp được một sự lãnh đạo hữu hiệu cho toàn thể oikoumene (toàn bộ thế giới có người ở). Như ngài từng nhấn mạnh, tình thế của thế giới hiện đại đòi phải có một vị kế nghiệp Thánh Phêrô với khả năng dạy dỗ và hướng dẫn toàn bộ Dân Thiên Chúa. Ngôi vị Thánh Phêrô, như đã được khai triển từ thời Vatican II, có khả năng độc đáo giữ cho các giáo hội địa phương và miền luôn ở thế đối thoại trong khi vẫn vươn tay ra yêu thương phục vụ mọi người. Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II phải được ca ngợi vì đã thực thi sứ mệnh này với lòng trung thành, với sức mạnh và sự cởi mở với Chúa Thánh Thần. Bạn đọc thấy Đức HY Dulles không nhắc gì tới Đức Bênêđíctô XVI vì bài này viết năm 2000, lúc Đức Bênêđíctô XVI chưa lên ngôi Giáo Hoàng. Trong bài tới tựa là “Từ Ratzinger tới Bênêđíctô”, Đức HY sẽ cho ta những nhận định của ngài về đức đương kim Giáo Hoàng.
Vũ Văn An
Views: 0