LTS: Tình cờ, trang nhà Nazareth nhận được bài nói chuyện sau đây từ một độc giả chuyển tới. Nhận thấy đây là những đóng góp tích cực trong nỗi lực việc xây dựng Giáo Hội tại quê nhà, Gia Đình Nazareth xin phép Diễn Đàn Giáo Dân và diễn giả được phổ biến tài liệu này với hy vọng tiếp một bàn tay trong việc phổ biến. Và lời nguyện thiết tha cho Giáo Hội Việt Nam.
www.giadinhnazareth.org
Kính thưa quý Cha cùng quý vị,
Hiện tình Dân Chúa tại VN là một đề tài thời sự khá bao quát và nhiêu khê vì tình hình thay đổi liên tục. Ngoài ra, việc trình bày đề tài này dễ gây hiểu lầm và phản cảm, nhưng trách nhiệm truyền thông không cho phép chúng tôi lẫn tránh nó. Được hân hạnh tâm tình cùng quý Cha và quý vị ở đây theo sự phân công của BTC Hội ngộ Kỷ niệm 10 năm DĐGD, trong khuôn khổ thời gian hạn định, tôi mạn phép sơ lược vài nét để chúng ta cùng chia sẻ.
Như chúng ta biết, GHCGVN không ngừng đối diện với hai thách đố lớn: Những thách thức từ bên ngoài và những nguy cơ nội tại mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gọi là “tội lỗi ngay bên trong” Giáo Hội, mối đe dọa lớn nhất đối với Công Giáo.
I. ĐE DỌA TỪ BÊN NGOÀI
Nguy cơ từ bên ngoài đe dọa sự sống còn của GHCGVN bao gồm nhiều yếu tố, nhưng gây cho GH điêu đứng nhiều hơn cả là các cuộc tập kích của CSVN vào quyền tự do tôn giáo.
Chủ nghĩa Cộng sản quốc tế đã bị chôn vùi, nhưng CSVN thì vẫn tiếp tục gieo kinh hoàng xuống người dân trong nước, đặc biệt với người dân quyết tâm bảo vệ quyền tự do tôn giáo của mình. Riêng phía CG, không ít Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân bị bắt bớ, đánh đập, tù đày, tra tấn và thậm chí bức tử vì lý do tôn giáo. Qua tấm hình bịt miệng Lm Nguyễn Văn Lý giữa pháp đình, CSVN tự tố cáo mình trước công luận thế giới về cái tâm địa hận thù quái đản của họ đối với tôn giáo.
Nhưng giống như Đức Tin của người CG Ba Lan góp phần làm sụp đổ chế độ CS khắp các nước Đông Âu và cả Liên Xô, Đức Tin kiên vững của người CGVN qua nhiều biến cố, như các vụ Tòa Khâm sứ Hà Nội, Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Loan Lý, Cồn Dầu… đã chứng tỏ sức mạnh hào hùng có khả năng làm lung lay chế độ bạo quyền CSVN khiến CS hốt hoảng sử dụng cả bạo lực trấn áp lẫn thủ đoạn gian manh xâm nhập đánh phá bên trong GHCGVN.
Phân hóa, chia rẽ
Điển hình của thủ đoạn xâm nhập là “Hội những người Công giáo yêu nước và hòa bình” ở Miền Bắc trước năm 1975, một tổ chức mà Đức Cố Giám Mục Lê Đắc Trọng đã cảnh báo trong tập Hồi ký “Chứng từ của một Giám mục” do Diễn Đàn Giáo Dân xuất bản tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2009. Ngài viết: “Giáo Hội khổ nhiều nhất vì nhóm đó trong nhiều năm… Vì đó là công cụ để phá đạo, bách hại đạo, giống kiểu Julien Apostats[1]: lấy đạo chống đạo, lấy người có đạo đập người có đạo… Người ta bảo: Nhà nước tôn trọng tôn giáo, những xích mích là do nội bộ các anh….” (trang 260). Đức Cố Gm Phụ tá TGP Hà Nội cho biết, tổ chức CG quốc doanh ấy trước năm 1975 đã bị người Công giáo Miền Bắc khinh bỉ, xa lánh khiến “nó đã sắp tàn nếu không có miền Nam đến tiếp sức và phục hồi nó dưới nhãn hiệu mới “Ban Đoàn Kết” (trang 261). Theo ĐC, cái nhóm linh mục “Đoàn kết” quốc doanh sau 1975 ở miền Nam “khéo léo” núp dưới lớp vỏ “tế nhị, hiền từ” để “tuyên bố không tách khỏi Giáo Hội, lại còn giúp in những sách đạo, phổ biến Phúc Âm giáo lý, giúp cho các cha xứ được quyền lợi nọ kia, đạo được dễ dàng, nhưng thực tế vẫn là tách khỏi Giáo Hội, vì họ làm việc đó nhân danh họ, ngoài quyền bính chính thức của Giáo Hội.” (trang 261).
Nhân cuộc tiếp xúc với giới Doanh nhân CG tại Đan viện Châu Sơn, Phát Diệm ngày 19/5/2011, ĐTGM Ngô Quang Kiệt nhận định: “Ủy ban ĐKCG cũng có người công giáo, có người bỏ đạo lâu rồi, thậm chí có những người không công giáo… Ủy ban đó chỉ có nhãn hiệu Công giáo, vì nền tảng của nó không phải là tổ chức của Giáo hội, không phải do Giáo quyền lập ra, nên cái công giáo đó cũng chỉ là nhãn hiệu[2].” Nhãn hiệu là Công giáo, hành tung là công cụ của CS.
Đức Cha Lê Đắc Trọng khẳng định: “Người ta có chủ trương phá tôn giáo – Và người ta không muốn làm việc đó theo lối những vua chúa ngày xưa: bắt bớ, tù đầy, giết chóc. Bây giờ người ta phá đạo một cách khoa học: lấy chính người có đạo mà phá đạo.” (trang 268).
Ai đã đánh Đức Khâm Mạng Tòa Thánh Henri Lemaitre và xua đuổi ngài ra khỏi Tòa Khâm sứ Sài Gòn? Ai đã loại trừ ĐHY Nguyễn Văn Thuận ra khỏi quyền Phó TGM Sài Gòn? Ai đã tiếp tay với CSVN phỉ báng các Thánh Tử Đạo VN, xuyên tạc và cản trở phong thánh năm 1988? Ai đã gây khốn đốn cho ĐTGM Nguyễn Kim Điền đến nỗi ngài chết một cái chết đầy nghi vấn? Ai đã ngăn cản không cho ĐC Huỳnh Văn Nghi về TGP Sài Gòn? Ai đã khủng bố tinh thần ĐTGM Nguyễn Văn Bình khiến nỗi sợ ám ảnh dằn vặt ngài cho đến ngày ngài lìa đời với lời trăn trối đau thương: “Tôi vẫn còn sợ”?
Tính chất công cụ nằm vùng của UBĐKCG ngày càng lộ liễu.
Người tín hữu VN chưa hết đau buồn về việc ĐTGM Ngô Quang Kiệt bị hãm hại tước mất quyền mục tử thì lại bàng hoàng trước “sự lạ” rước kiệu Đ. Mẹ tại giáo xứ Di Nậu thuộc Gp Hưng Hóa trong cuộc rước có cả tượng HCM. Vì ai?
Và còn nữa…
Vì sao có những linh mục, tu sĩ và giáo dân bị đánh đập tàn nhẫn khi những vị này chỉ lên tiếng đòi trả lại những cơ sở đất đai mà GH đã thủ đắc hợp pháp và CSVN đã ngangngược tước đoạt.
Vì sao giáo dân Hà Nội và giáo dân Cồn Dầu bị đưa ra tòa và bị xét xử phi pháp?
Ai đã đứng ra mở hội nghị tuyên truyền bầu cử Quốc Hội và HĐND CS các cấp ngay trong khu thánh đường Trung Châu thuộc Gp Thái Bình… tưng bừng như đại hội Đảng[3]?
Ai cho người ta mang ảnh HCM phát tán trong nhà thờ giáo xứ Trinh Vương, Bờ Bao[4] của Gp Long Xuyên?
Ai bán đất Giáo họ Thiên Lý, Gx Dũ Yên thuộc Gp Vinh cho nhà cầm quyền CS, để mặc CS mang xe ủi tới ủi sập nhà thờ, rồi ai đó hiên ngang ứng cử HĐND Tỉnh Hà Tĩnh[5]?
Ai đã tạo điều kiện cho CSVN mang chủ thuyết vô thần Mácxít-Lêninít vào giảng dạy trong Chủng viện, và mới đây, dựa vào đâu CSVN lại ngang nhiên tuyên bố mở lớp học chính trị gọi là “lớp thí điểm chương trình an ninh quốc phòng, chống diễn biến hòa bình” dành cho 191 Chủng sinh tại Chủng Viện Thánh Quý, Gp Cần Thơ?
Các hiện tượng và sự kiện trên đây chẳng phải là kết quả của những cuộc hợp đồng tác chiến “nội công ngoại kích” giữa CSVN và Quốc doanh “Đoàn Kết” sao?
Đó là chưa kể việc tà thần CSVN qua công cụ quốc doanh giăng đầy những cái bẫy – bẫy tình, bẫy tiền và bẫy danh vọng làm tê liệt ý chí kiên cường của một số chức sắc CG và làm xói mòn tòa nhà GHCG tại VN.
Trước những mưu chước và hành động vừa gian trá vừa thô bạo của CS, lời nhận xét sau đây của nhà nghiên cứu người Pháp Léon Christiani đáng chúng ta suy ngẫm: “Chủ nghĩa Mácxít vô thần là hình dạng mới nhất của chủ nghĩa Satan (Satanism). Gọi nó là Satan vì nó chối từ sự hiện hữu của Thiên Chúa hay của linh hồn… Bản chất của chủ nghĩa ấy là hận thù. Chiến thắng của nó là chiến thắng của hận thù… Hận thù giữa các giai cấp. Hận thù giữa các dân tộc. Hận thù giữa dân các nước và giữa dân chúng cùng một nước với nhau. Hận thù lan tỏa khắp nơi được khéo léo ngụy trang dưới chiêu bài đấu tranh cho giai cấp vô sản.” Léon Christiani kết luận: “Chủ nghĩa Mácxít là vậy đó! Định hướng của nó là thứ định hướng sát nhân, ghê gớm hơn bất cứ cái gì khác mà con người đã trải nghiệm trong quá khứ[6].”
II. NỘI TÌNH GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VN
Ngày nay, các nhà báo ngoại quốc, các nhà ngoại giao, các du khách nước ngoài, các phái đoàn Công giáo từ các nước có dịp đến Việt Nam, nhìn thấy nhà thờ tráng lệ với những lễ hội rình rang, đều “trầm trồ” về lòng đạo của người CGVN, và cứ ngỡ rằng tại Việt Nam quyền tự do tôn giáo được tôn trọng, Giáo Hội Công Giáo nhờ đó mà được “ung dung” hành đạo. Trước ngộ nhận này, Đức Giám mục Lê Đắc Trọng cảnh báo: “Một chính sách phá đạo: [là] tô điểm, cổ động các hình thức bên ngoài, [nhưng] RÚT CÁI RUỘT THÂM SÂU bên trong” (trang 369).
Cái ruột thâm sâu bên trong Giáo Hội CGVN đã bị rút đi như thế nào?
ĐC Trọng nhắc tới thái độ không dứt khoát và thiếu đồng tâm nhất trí giữa các Giám mục VN đối với những hành vi lũng đoạn của tổ chức quốc doanh “Đoàn kết,” Ngài chua xót nói: “Tất cả đều orthodoxe [chính tông], nhưng thái độ [thì] khác nhau trước Đoàn Kết, và thường là không dứt khoát.” Phải chăng vì sợ thế lực của UBĐK hay vì lấn cấn bởi một ân huệ nào đó của nhóm này?
ĐC cũng nêu lên tình trạng tha hóa, tục hóa của hàng linh mục Việt Nam như là một hiện tượng góp phần gia tăng sự mất niềm tin của giáo dân vào chủ chăn của mình. ĐC nói: “Sự giầu có đang xâm nhập vào hàng giáo sĩ, cả Nam – Bắc. Các nhà của các vị giáo sĩ đầy đủ tiện nghi hiện đại hơn là giáo dân. Người nghèo khó đến nhà linh mục, không có chỗ mà ngồi” (trang 257).
Tuy nhiên, với giáo dân, Đức Cha Trọng lại có cái nhìn bao dung hơn. Ngài cho rằng giáo dân “ít chịu mua chuộc bởi lợi lộc, hay nói đúng hơn, không chịu để bị mua chuộc bởi lợi lộc” (trang 259).
Theo ĐC Trọng, người giáo dân VN chấp nhận thân phận thấp hèn của mình, bình thản sống đạo, một lòng tuyên xưng “đạo tôi là đạo thà chết không thà bỏ đạo.”
Họ không bon chen để bị chủ nghĩa duy lợi mê hoặc mà đánh mất ý thức công bằng xã hội, cũng không tìm cách diễn dịch lệch lạc ý nghĩa công bằng xã hội hầu biện minh cho sự thỏa hiệp của mình.
Thế nào là công bằng xã hội?
Trong GHCGVN xuất hiện cái khuynh hướng đồng hóa hai khái niệm Tình thương và Công lý, rồi nhân danh Tình thương mà loại trừ lý tưởng đấu tranh cho Công lý ra khỏi Giáo Hội. Cụ thể, ĐC Nguyễn Chí Linh, Phó CT/HĐGMVN cả quyết ‘Công lý’ cũng đồng nghĩa với ‘tình thương’ với lập luận rằng “con người sống với nhau bằng sự tôn trọng quyền lợi của nhau, tôn trọng những sở thích của nhau…”[7]. Tôn trọng quyền lợi của nhau, tôn trọng sở thích của nhau là mệnh lệnh của Công lý. Anh có thể không có chút tình thương đối với người khác, nhưng anh không được lỗi phép công bằng với họ. Khi anh xâm phạm quyền lợi, sở thích và cuộc sống của người khác bất cứ vì lý do gì, người khác có quyền chống trả lại anh. Đồng thời mọi người có lương tri đều cùng có bổn phận đấu tranh bênh vực kẻ yếu thế bị hiếp đáp. Vì tình thương đối với người bị oan ức, bị đối xử bất công… mà người CG phải đấu tranh đòi Công lý.
Đấu tranh cho Công lý không phải là điều mới mẻ xuất phát từ quan điểm chính trị tân thời hay vì thù hận cá nhân phàm tục. Sách Bổn VN (Giáo lý) thời xa xưa đã từng dạy: “Khi thấy ai chới với dưới sông mà chẳng ra tay cứu vớt, một đem của ăn cho nó mà thôi thì lẽ ấy làm sao?” Vâng! Thấy ai chới với dưới sông do kẻ gian ác hay do cơn lũ cố nhận chìm, thì việc đem của ăn cho nạn nhân không phải là tình thương mà là hành động bất nhân tiếp tay vào việc giết chết nạn nhân nhanh chóng hơn, tàn nhẫn hơn. Tình thương đòi hỏi phải ĐẤU với kẻ hung tàn hay với cơn lũ dữ trong khả năng cho phép hầu TRANH lấy lại sự sống cho nạn nhân, cứu vớt kẻ đang đắm đuối! Vì vậy, đấu tranh cho Công lý là một mệnh lệnh thiêng liêng, là nghĩa vụ của Tình Thương. Tình thương đòi Công lý hơn là đồng nghĩa với Công lý.
Đức Tổng Giám mục Daniel E. Pelarczyk, Tổng giáo phận Cincinnati, Ohio, Hoa Kỳ, nêu rõ: “Chúng ta không phải ai cũng là nhà chính trị. Chúng ta không phải ai cũng nắm giữ một quyền bính nào đó trong sinh hoạt chính trị. Hầu hết chúng ta không được giàu có hay có ảnh hưởng, dù là thấp nhất. Nhưng tất cả chúng ta đều có cơ hội thực hành Công lý và tìm cách làm cho Công lý được áp dụng từ mức độ thấp nhất tới cao nhất. Cơ hội ấy đưa ta đến với TRÁCH NHIỆM[8].” Vậy mà vẫn có người lên án các cuộc đấu tranh cho Công lý, bảo đó là hành vi chính trị, tệ hơn nữa… chính trị phe phái!
Ngày 08/07/2010, trả lời phỏng vấn của Eglises d’Asie, cổ võ cho thứ đối thoại vô điều kiện, ĐC Nguyễn Chí Linh lập luận rằng “cứ mãi xung đột với nhau thì chỉ làm cho cuộc sống khó khăn hơn mà thôi….” Không nói tới xung đột cá nhân, sự xung đột xã hội thường có mầm mống từ phía người cai trị chứ không do người bị trị. Người dân bị trị chịu áp bức tới mức độ nào đó, sẽ vùng lên. Kẻ cai trị độc tài càng đàn áp để ôm giữ quyền lực thống trị thì mối xung đột càng lớn, càng trầm trọng! Không thể đổ lỗi cho kẻ bị trị! Lịch sử phong trào quần chúng nổi dậy đấu tranh chống độc tài, bảo vệ Công lý chứng minh điều ấy. Về điểm này chúng tôi lại nại tới lời dạy của Đức Tổng Giám mục Daniel. Ngài nói: “Xem ra chúng ta đều học biết điều này là một chính quyền hiệu quả nhất chỉ khi nào giới bị trị dưới chính quyền ấy có quyền lên tiếng về người cai trị họ và về cách thức mà người cai trị phải thực thi. Điều ấy hàm ý rằng khi chính bản thân người dân bị trị hiểu được thế nào là Công lý, Quyền lợi và Trách nhiệm thì họ sẽ sẵn lòng chấp nhận rắc rối xảy đến cho họ để mà phát huy Công lý một cách có hiệu quả nhất cho các nhu cầu bức thiết của xã hội.”
Ngày 10/10/2010, trả lời ký giả Gia Minh của đài Á châu Tự do (RFA), ĐC Linh nói: “Bây giờ trong bối cảnh Việt Nam có một số biến động, phần nào mang màu sắc chính trị, nên người ta hiểu Công lý là phải đấu tranh cho quyền lợi của người Công giáo, chẳng hạn vấn đề đất đai. Thế nhưng sự thực không phải thế.”
Không phải thế thì phải thế nào ĐC Linh không nêu ra, chỉ thấy liền sau đó ngài biện hộ cho HĐGMVN rằng: “HĐGMVN có sứ mạng mang tính toàn diện, chứ không phải chỉ đấu tranh cho Công lý.”
Chắc không có người CGVN nào đòi các Giám mục VN “chỉ đấu tranh cho Công lý”! Công lý là sứ vụ của các ngài và có lẽ là sứ vụ hàng đầu trong cái “sứ mạng mang tính toàn diện” của các ngài. Chúa Giêsu đã chẳng mở đầu sứ mạng cứu rỗi và rao giảng Tin Mừng bằng việc long trọng công bố lời Ngôn sứ Isaia giữa Hội đường Do Thái sau đây sao? “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,16-19; Mt 13, 53-58; Mc 6, 1-6). Sứ mạng Tình thương đòi buộc phải thực thi Công lý! Rõ ràng lắm!
Đức Cha người Mỹ nêu lên câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm đối với Công lý quanh đây?” Ngài trả lời ngay: “Chắc chắn mọi Kitô hữu đều biết là chính họ!” Rồi ngài nhấn mạnh: “Không phải mọi Kitô hữu đều cùng một ý nghĩ như nhau trước cùng một sự việc xảy ra, nhưng không ai được bảo rằng theo đuổi Công lý trên thế gian này không phải là việc của mình.” Thế nên, một khi tự nhận mình là Kitô hữu mà lại chối bỏ trách nhiệm ấy, chúng ta sẽ đắc tội với Thiên Chúa, với GH và với tha nhân do muốn tìm sự an thân để cho kẻ thù của đạo Chúa vin vào đó mà chà đạp Công lý thô bạo hơn!
ĐTGM Daniel còn lưu ý người Kitô hữu: “Nếu một thành phần dân chúng bị phân biệt đối xử, dĩ nhiên chúng ta có thể cầu xin Đấng bầu chữa kẻ bị áp bức đoái thương những người xấu số ấy, nhưng bên cạnh đó chính chúng ta cũng phải dấn thân để bảo vệ họ…” Bởi vì, theo ngài, Thiên Chúa muốn con người phải cộng tác vào công trình sáng tạo của Chúa, phải thể hiện tinh thần trách nhiệm của chính mình với người anh em đồng loại. Do đó, ngài xác quyết: “Nếu ở đâu có bất công, nếu ở đâu các thứ quyền của con người bị xâm phạm, thì những người khác, do trách nhiệm bẩm sinh của mình, hãy ra tay.”
Đấy! Đấu tranh cho Công lý là trách nhiệm bẩm sinh chứ không phải là một hành vi bất chợt phát sinh từ một hoàn cảnh chính trị hay từ hận thù cá nhân! Trách nhiệm đó sôi sục trong huyết quản con người, là tiếng nói của lương tâm thôi thúc con người hành động cho Công lý. “Những người bình thường vẫn có thể và phải là tác nhân của Thiên Chúa trong việc phát huy Công lý,” vị TGM người Mỹ xác quyết như vậy
Đối thoại
Từ việc lẫn lộn ý nghĩa giữa hai phạm trù Tình thương và Công lý, một số người Công giáo Việt Nam cổ võ đối thoại bằng mọi giá dưới danh nghĩa tình thương. “Đối thoại không đối đầu” trở thành khẩu hiệu quảng bá chủ trương đầu hàng trước bất công của bạo quyền CS chống lại nhân dân và các quyền tự do chính đáng của con người. Xin minh xác, ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến thứ đối thoại “bằng mọi giá,” không bàn về một cuộc đối thoại đúng đắn, nghiêm túc, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau, tôn trọng Sự Thật, tôn trọng những cam kết đã đồng thuận… trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng nhau, không có cái trò đối thoại “mạnh được yếu thua,” đối thoại dưới sức ép của quyền lực và vũ lực.
Đức Hồng Y Trần Nhật Quân người Hoa với kinh nghiệm dày dặn trên đất nước mình đã không ngừng lên tiếng cảnh báo về ảo tưởng đối thoại bằng mọi giá giữa GHCG và CSTQ.
ĐHY nêu đích danh một số giới chức trong Thánh Bộ Truyền Giáo, phê phán họ “nghĩ rằng họ đã làm được những phép lạ, bằng cách theo đuổi một chính sách thỏa hiệp với bất cứ giá nào”. ĐHY trách cứ họ không biết là “Trong thực tế, họ đã làm hòa với các chính quyền độc tài toàn trị, nhưng với cái giá của một tình trạng suy yếu đau thương cho Giáo Hội của chúng ta.” Rồi ngài thất vọng than thở: “Con đường mới cũng rất khó khăn, không chỉ phải đối diện với chính quyền mà còn phải đối diện ngay với chính người của mình đã từng ngả theo phía chính quyền hơn là phía của giáo hội. Đó là một thực tế đáng buồn.”
Thực tế đáng buồn cho GHCG ở Trung Quốc cũng là thực tế đau lòng cho CGVN dưới chế độ Cộng sản hiện nay.
Ảo tưởng mơ hồ mang tính thỏa hiệp, nhượng bộ, đầu hàng vô điều kiện tạo cho CS “được đằng chân lân đằng đầu.” ĐHY Trần Nhật Quân báo động: “Trong thực tế, [phía CG đã có người] làm hòa với các chính quyền độc tài toàn trị, nhưng với cái giá của một tình trạng suy yếu đau thương cho Giáo Hội của chúng ta.” Quả thật, sau những cuộc “đối thoại” ở Hoa Lục, Hội CGYN Trung Cộng liên tục tấn công GH hầm trú và ngang nhiên tấn phong Giám mục cho phe nhóm mình, và dọa sẽ tấn phong 10 giám mục tự trị nữa, như vậy có phải cái chủ trương đối thoại bằng mọi giá đã được trả bằng giá đắt không, khiến ĐTC Bênêđictô XVI đã phải khẩn thiết kêu gọi GH hoàn vũ cầu nguyện cho Giáo Hội CG tại Hoa Lục đang bị bách hại?
Vậy mà khi ĐHY Trần Nhật Quân lên tiếng cảnh báo về nguy cơ của chủ trương đối thoại bằng mọi giá, ngài đã bị chụp mũ khiến ngài đã phải kêu lên: “Thật là khôi hài khi chụp cái mũ ‘đối đầu’ lên những ai chống lại không chịu khuất phục những đòi hỏi phi lý của nhà nước.[9]” Nhiều tín hữu CGVN nhiệt thành cũng đã và đang còn bị chụp những cái mũ tương tự.
Kết thúc phần này chúng ta hồi tưởng lại biến cố Chúa Giêsu chịu Satan cám dỗ sau 40 ngày ăn chay. Thừa lúc Chúa đói mệt, Sa tan đến dụ dỗ Người thèm muốn ăn uống, ham hố giàu sang, say mê quyền lực mà quên đi sứ mạng của mình. Trước mưu ma chước quỷ của Satan, Chúa “đối đầu” với nó thay vì “đối thoại.” Không chút nhân nhượng, Người thẳng tay xua đuổi nó: “Satan! Hãy cút đi!” (Mt 4, 10).
“Cung cách đoàn lũ”
Điều đáng buồn là tại VN, sự trưởng thành của người giáo dân trong đức tin và sống đạo chưa đồng đều và hầu như sự trưởng thành chỉ có ở một thiểu số. Thiểu số này thường bị khối đại đa số đè bẹp hoặc loại trừ như là những chiên ghẻ, những Giuđa Iscariốt, những phần tử “phá đạo”…mắc vạ tuyệt thông! “Cung cách giữ đạo đoàn lũ” của khối đa số trên là mảnh đất màu mỡ cho CSVN cắm rễ quốc doanh sâu hơn vào GHCGVN. Trong tập sách “Những Căn Bệnh Trầm Kha Trong Đời Sống Đức Tin Công Giáo Tại Việt Nam” xuất bản tại Sài Gòn năm 2008, Lm Nguyễn Trọng Viễn, Dòng Đa Minh, đã lên tiếng: “Trong tổ chức Giáo hội, người giáo dân không được mời gọi để sống đức Tin trưởng thành, có những lựa chọn và thể hiện tấm lòng với Chúa, nhưng phải theo những chỉ dẫn chi li của giáo phẩm và giáo sĩ.” Rồi vị linh mục than thở: “Chính điều này khiến cho Giáo Hội Việt Nam không làm sáng lên được nét bình đẳng về phẩm giá và trách nhiệm riêng của mọi người Kitô hữu[10].”
Cha Viễn còn trách cứ giáo dân về cái “thái độ quá tôn kính các ‘đấng bậc’ trong Hội Thánh khiến cho mối tương quan giữa các mục tử và đoàn chiên ngày càng xa cách.” Ngài nhắc lại lời dạy của Công đồng Vatican II: “Giáo Hội có phẩm trật là để phục vụ chứ không phải để thống trị.” (Hiến chế về Giáo Hội, chương I).
Trước Lm Viễn, ĐC Lê Đắc Trọng đã từng kêu lên: “Cũng như một số người hách dịch quan liêu nơi các cán bộ xã hội – thì các linh mục vào cuối thế kỷ [20] ở Việt Nam, vẫn thừa tự nếp sống quan liêu, hách dịch chẳng kém xưa” (CTCMGM, trang 26).
Trả lời Gia Minh đài Á châu Tự do ngày 10/10/10, ĐC Linh cho biết: “Đa số người giáo dân Việt Nam sống đạo bình thường chứ không đòi Hội đồng Giám mục Việt Nam phải làm ‘thế nọ, thế kia’”. Đáng vui hay đáng buồn với cái “cung cách đoàn lũ” của số đông ấy? Nó là pháo đài che chắn bảo vệ sự an thân của vài người trong GH hay sẽ là quả bom nổ chậm giữa lòng Giáo Hội Công Giáo VN? Phải chăng vì đó mà đa số giáo dân VN không được đào tạo để làm người CG trưởng thành?
Dấu hiệu tích cực?
Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, sau khi nhận chức CHỦ TỊCH UBCL&HB của HĐGMVN đã có những động thái đầy tinh thần trách nhiệm, như lên tiếng bênh vực Giáo dân Cồn Dầu, hay ký tên vào thỉnh nguyện thư yêu cầu CSVN ngừng dự án bauxite ở Cao Nguyên, hoặc đòi nhà cầm quyền trả tự do cho Ls Cù Huy Hà Vũ. Vừa rồi, HĐGMVN cũng có biểu hiện được xem là tích cực. Cụ thể, trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa ban hành ngày 28/4/2011 nhân kết thúc kỳ họp thường niên năm 2011, HĐGMVN đã mạnh mẽ kêu gọi tín hữu CGVN “Can đảm chống lại sự ác dưới mọi hình thức” (cuối mục 16), sẵn sàng chấp nhận đau khổ để làm chứng cho chân lý Tin Mừng (gần cuối mục 42).
Nhưng chẳng hiểu sao, chỉ 2 ngày sau bức Thư Chung trên, vào ngày 01/5/2011[11], ĐHY Phạm Minh Mẫn tung ra Thư mục vụ trong đó ý niệm Công lý và Hòa bình được chuyển thành “đổi mới từ khuynh hướng đối đầu hướng đến đối thoại và hợp tác huynh đệ.” Và cũng ngày 01/5/2011, ngay trên trang web HĐGMVN xuất hiện bài viết “Những hướng dẫn mục vụ của Chân phước Gioan Phaolô II đối với Giáo hội tại Việt Nam: Đừng sợ hy vọng – Đừng sợ đối thoại.” Nội dung bài viết không đề cập tới ý tưởng ĐTC quảng diễn lời hiệu triệu “Đừng sợ” của ngài. Thay vào đó là lời hô hào “Đừng sợ hy vọng” và “Đừng sợ đối thoại,” trong khi lệnh truyền của ĐTC sáng như ban ngày: “Các con đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô. Để quyền năng Chúa thực thi ơn cứu độ, các con hãy mở thông biên giới các quốc gia, mở thông các hệ thống chính trị và kinh tế, mở thông các lãnh vực rộng lớn của văn hóa, văn minh và phát triển.” Đức Thánh Cha còn truyền bằng giọng đanh thép: “Phẩm giá con người đã in dấu trong lương tri con người, cho nên việc đòi hỏi quyền tự do phải là cơn sóng dâng lên, chứ không phải là bước thụt lùi.” [12]
Tại Gp Vinh, ĐC Hợp đã cho lm Nguyễn Thái Từ “nghỉ công tác mục vụ” để chữa bệnh, một cách nào đó đã dồn lm Thái Từ phải xin thôi ứng cử vào Hội Đồng Nhân Dân tỉnh! Cũng có tin ĐHY Mẫn đã quyết định cho lm Phan Khắc Từ thôi nhiệm vụ Chính xứ Vườn Xoài (?).
Ngày 13/5/2011, các Giám mục Giáo tỉnh Sài Gòn gửi Thủ tướng CSVN “Bản góp ý xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP” do ĐHY Mẫn ký tên, báo động về “một sự thụt lùi nặng nề của Bản dự thảo so với chính Nghị Định 22/2005, Pháp Lệnh Về tín ngưỡng, tôn giáo và Hiến Pháp” vì nó “muốn tái lập tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo… xoá đi các quyền tự do của người dân…” Bản Góp Ý sẽ được đáp ứng thế nào có lẽ còn tùy thuộc vào ”thiện chí đối thoại” và “hợp tác huynh đệ” của phía bên kia! Chờ xem!
Hôm 19/5/2011, ĐTGM Nguyễn Văn Nhơn có ra Thư Chung gửi đến mọi thành phần Dân Chúa thuộc Giáo tỉnh Hà Nội kêu gọi người CGVN “cảm thông hơn ai hết sự khó khăn và bách hại mà anh chị em tín hữu tại Trung Hoa đang trải qua… đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha để cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa.” Mong rằng, trong khi cầu nguyện cho GH Trung Hoa đang bị bách hại, GHCGVN cũng thấm thía bài học đối thoại và hiệp thông học được từ GH ấy, nhờ Chúa Thánh Thần soi dẫn và tác động.
Tin vui: Ngày 27/5/2011, ĐC Nguyễn Thái Hợp đã mở Tọa đàm về CL&HB ngay tại Trung tâm Sài Gòn và Ls Lê Quốc Quân đã được chọn đăng đàn đọc bài tham luận về CL&HB. Hy vọng đây là dấu chỉ báo hiệu “ánh sáng cuối đường hầm” hứa hẹn một tiến trình lạc quan cho công cuộc đấu tranh và bảo vệ Công lý trên quê hương VN, mà GHCGVN có trách nhiệm phát động, vừa phù hợp với Học thuyết xã hội Công giáo, vừa mang tính nhân bản ở mức độ cao nhất.
Xin phép dừng ở đây, nhường phần triển khai chủ đề cho các tham luận viên và cử tọa. Mong nhận được tôn ý.
Trân trọng cám ơn quý Cha cùng quý vị.
Lê Thiên
________________________________________
[1] Thật ra là Julien l’Apostat – Julien kẻ bỏ đạo. Tên chính thức là Flavius Claudius Julianus, cháu hoàng đế Constantinô và kế vị hoàng đế Constance từ năm 361 tới 363. Ông đã bỏ đạo Kitô, sau đó ra sức chống phá đạo Chúa. Nhưng ở ngôi vua chỉ được 2 năm thì tử trận trong cuộc chiến với quân Ba Tư.
[2] Hà Minh Tâm: “Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt: Tôi là người công giáo loại nào?.” Nữ Vương Công Lý ngày 19/05/11.
[3] Lm quốc doanh Phạm Văn Tuyên, xem nuvuongcongly ngày 06/5/2011
[4] Lm quốc doanh Vũ Hồng Nho, báo Dân Trí ngày 21/12/2010: Người người hát quốc ca…
[5] Lm quốc doanh Nguyễn Thái Từ, xem nuvuongcongly ngày 06/5/2011
[6] Theo “Présence de Satan dans le monde moderne” của Léon Christiani – do Cynthia Rowland dịch sang Anh ngữ dưới nhan đề “Evidence of Satan in the Modern World”, Tan Books and Publishers, Rockford,,Illinois, USA 1974). Quyển sách có ghi rõ Nihil Obstat của 2 lm thần học gia và Imprimatur của Bản quyền địa phương.
[7] Trả lời phỏng vấn của Gia Minh đài Á châu Tự do (RFA) ngày 10/10/10, ĐGM Nguyễn Chí Linh, phó chủ tịch HĐGMVN nói: “‘Công lý’ cũng đồng nghĩa với ‘tình thương’, con người sống với nhau bằng sự tôn trọng quyền lợi của nhau, tôn trọng những sở thích của nhau…”
[8] Archbishop Daniel E. Pilarczyk: Bringing Forth Justice (Pháy huy Công lý), Saint Anthony Mesenger Press, Cincinnati, Ohio. 1999
[9] ĐHY Trần Nhật Quân: “A Funny Sort of Victory at Chengde – Một Kiểu Chiến Thắng Khôi Hài tại Thường Đức”
[10] Để hỗ trợ cho ý kiến của mình, lm Viễn trích dẫn tài liệu Công đồng Vatican II về Giáo Hội (số 32): “… nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kytô.”
[11] ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn5/1/2011- Thư mục vụ TGP Sàigòn: Nhiệm vụ của Ban Mục Vụ Công Lý và Hòa Bình giáo phận. (Trang web TGP SàiGòn).
[12] Xin đọc thêm bài viết của Trần Dũng Lạc 20/5/2011: “Đối thoại với Cộng sản: Theo gương Chân phước Gioan Phaolô II” (http://vietcatholic.net/News/Html/90098.htm)
số lần đọc: 5311
Ý kiến bạn đọc
14 Responses to “Nỗi ưu tư về hiện tình Dân Chúa tại VN”
Views: 0