“Hãy ghét cha mẹ” nhưng “hãy yêu kẻ thù” đó là nguyên vẹn lời dậy của Đức Giêsu cách đây hơn 2000 năm. Một giới răn quá nghịch lý cho những ai xa lạ với Kitô Giáo. Tuy nhiên ngay cả với nhiều Kitô hữu, chưa chắc lời dậy này đã là một công thức linh đạo của họ. Giới răn “hãy ghét cha mẹ” tôi đã có dịp nói tới trong một số bài trước nên chỉ xin tóm tắt ở đây. Nếu chỉ biết yêu cha mẹ và giòng tộc của mình, ta sẽ sống đối nghịch với những “người dưng”. Ta sẽ sống trong thế cạnh tranh để cha mẹ mình có vị thế trên trước đối với những người khác. Rốt cuộc ta chỉ biết yêu chính mình. Đối với lời dậy “Hãy yêu kẻ thù”, dù biết giới răn này là một mầu nhiệm, nhưng chúng ta vẫn thấy khó lòng chấp nhận. Khi tâm trí còn đau đớn bởi những vết thương do kẻ thù gây ra, làm sao có thể quên nỗi oán hận để yêu kẻ hãm hại mình. Nếu phải chuyển đổi oán hận thành yêu thương, trí óc con người đòi hỏi những xác định thuận hợp với nền công chính, để nó có thể vượt qua những vấn nạn tâm lý của bản tính người. Đòi hỏi này không dễ tìm ra lời giải đáp. Có lẽ vì vậy mà giáo lý “hãy yêu kẻ thù” vẫn luôn luôn là một thách đố rất hiện đại trong mọi thời.
Ý Nghĩa Yêu Thương Trong Thần Học Cứu Độ
Tại sao Đức Giêsu lại phải nói đến kẻ thù. Bởi vì thực tại của cuộc sống là một môi trường cạnh tranh đầy va chạm, trong đó chúng ta phải sống chung với kẻ thù. Nếu chỉ sống với nội tâm khép kín, tại một nơi yên tĩnh, thì cuộc sống đạo chỉ có tính cách cá nhân, và ai cũng có thể dễ dàng nói ra những lời đạo nghĩa. Nhưng cuộc sống này chỉ là một phỏng định giả tạo, nó không có giá trị thực tại. Không ai có thể sống một mình như một hoang đảo. Đời sống tâm linh đích thực là mối liên hệ giữa ta với người và với Thiên Chúa.
Điều này nêu ra một nhân sinh quan về mối liên hệ giữa ta và kẻ thù. Nhưng kẻ thù là ai? Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi có hằng ngàn nhận diện về kẻ thù từ một nhân vật cụ thể qua những dạng ám ảnh tâm lý kể ra không hết. Tuy nhiên đó là vấn đề của các nhà tâm lý và các bác sĩ tâm thần. Cái chúng ta muốn nói đến là cái vị thế của kẻ thù. Dù hắn là ai, ta chỉ thấy hắn có một vị thế duy nhất là đối nghịch với ta. Hắn là một cái gì ghê tởm tội lỗi bên ngoài ta. Ta phải làm gì đối với hắn? Hiển nhiên không ai muốn câm nín thụ động để hắn hãm hại mình. Khi bị kẻ thù hãm hại, chúng ta thường chỉ sống với giác quan và trí óc. Giác quan cho chúng ta cảm giác đau đớn, oán giận, hận ghét. Trí óc dìm chúng ta trong những mưu kế trả thù thâm độc. Nếu hai bên không thể đội trời chung, với định kiến về tội lỗi và công lý, ta chỉ còn cách là loại trừ hắn để ta được bình yên.
Đức Giêsu cho biết tiêu diệt kẻ thù không phải là một giải đáp đúng, bởi vì nó không làm biến mất kẻ thù. Trên thực tế kẻ thù này mất đi sẽ có kẻ thù khác thay thế. Nếu kẻ thù hại ta và ta tìm cách hại lại hắn, cuộc đời sẽ gồm toàn những đấu thủ tìm cách loại bỏ lẫn nhau. Cuộc chiến tranh hủy diệt sẽ không bao giờ tàn. Nơi nào có hận thù oán ghét thì nơi đó sẽ có bạo động. Vì vậy người nào mang oán thù trong lòng, người đó mang cuộc bạo động vào trong cộng đồng, bởi vì chúng ta là một khối sống chung với nhau.
Đấng Kitô đến thế gian để giải thoát con người không bằng phương cách bạo động mà bằng tình yêu thương hòa giải. Từ thời Cựu Ước các tiên tri đã biết Đấng Kitô là “vua hòa bình” (Isa 9:5). Nếu con người ý thức đươc sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thế giới sẽ phản chiếu tình yêu thương của Người. Khi ấy sẽ không ai làm oán gây dữ, beo sẽ nằm bên dê non, sư tử cùng bò sẽ cùng gặm cỏ (Isa 11:6-9). Hơn ai hết, mỗi cá nhân Kitô hữu là điểm khởi đầu để dẫn đến viễn ảnh hòa bình và yêu thương cho thế gian.
Tình yêu có hai đặc tính. Thứ nhất, tình yêu phải có đối tượng. Không ai đi yêu cái trống rỗng hư vô. Thứ hai, tình yêu phải gửi ra không ngừng từ người này qua người khác. Nếu bị dừng lại tình yêu sẽ mất ý nghĩa. Con người là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa và Thiên Chúa là đối tương tình yêu của con người. Vì vậy con người cũng phải sống trong yêu thương lẫn nhau vì cùng là con cái Thiên Chúa. Kẻ ích kỷ vơ vét tài vật của người rồi sống trong phòng kín, đóng chặt cửa sổ, không cho bất cứ cái gì của mình lọt ra ngoài. Đó là kiếp sống của thất vọng, sợ hãi, và suy tàn. Nếu Thiên Chúa dùng tình yêu để giải thoát con người, vậy muốn được giải thoát, con người cũng phải có tình yêu và không ngăn chặn tình yêu. Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết tình yêu của Chúa Cha nhờ Thần Khí chuyển qua Chúa Con. Tình yêu của Chúa Con chuyển qua con người rồi nhờ Thần Khí chuyển trở về Chúa Cha để hoàn thành một vòng tròn. Nếu cá nhân nào đó không chuyển tình yêu đi, vòng tình yêu sẽ bị gián đoạn. Một cách hình dung khác, tình yêu như nhựa sống chuyển qua các cành cây. Mỗi người đều là một nhánh của một cây nho duy nhất (Gio 15:5). Thân thiết hơn, thần học cứu độ cho biết chúng ta đều là chi thể của Đức Giêsu (Êph 5:29-30). Tất cả chúng ta là một với Đức Giêsu (Gal 3:28). Nếu không biết Đức Giêsu, chúng ta có thể sống xa lạ đối nghịch nhau. Nhưng nếu sống trong Đức Giêsu, chúng ta đồng nhất với nhau. Vì vậy Kitô hữu bị ràng buộc bởi một nhân thức là phải thấy Đức Giêsu nơi người khác. Tích cực và cụ thể, Kitô Giáo được thành lập để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Vì Thiên Chúa là Đấng ẩn kín, nên Kitô hữu phải làm cho Thiên Chúa khả thị qua hành vi bác ái của mình, để ta có thể nói “Ai thấy tôi là thấy Đức Kitô.” (1) Đức Giêsu đã dậy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ cho chúng con, cũng như chúng con tha tội cho những kẻ mắc nợ với chúng con.” Yêu kẻ thù không có nghĩa là chấp nhận hành động xấu của họ, nhưng tha thứ để chính mình được tha thứ. Đó là lời giải đáp và an ủi cho những tâm hồn còn khắc khoải trong oán hận.
Cuộc Chiến Nội Tâm
Trên thực tế, lòng tha thứ cho kẻ thù có thể không dễ dàng mà là một cuộc chiến nội tâm. Tuy Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có thể tha thứ ngay cho Mehmet Ali Agca, kẻ bắn ngài tại công trường thánh Phêrô năm 1981, nhưng thánh Jean De Chantal (1572-1641) đã phải đợi một thời gian mới tha thứ được cho kẻ ngộ sát chồng bà. Rồi sau đó bà trở thành mẹ đỡ đầu cho đứa con của họ. Cuộc chiến nội tâm yêu kẻ thù vượt xa hơn lòng bác ái nhân danh những triết lý trừu tượng như “gia đình nhân loại” hay “nghĩa đồng bào”. Những bổn phận này có thể khiến ta giúp đỡ kẻ tội lỗi, nhưng không làm ta muốn đứng chung với họ. Tương trợ nhau chỉ là mối tương giao trên bình diện an sinh xã hội. Công ích này mang lại trật tự cho cộng đồng, nhưng không giúp lòng ta thông cảm với kẻ thù và yêu kẻ thù. Chiêm niệm lời dậy của Đức Giêsu mới là yếu tố chính trong cuộc chiến nội tâm.
Theo chiêm niệm của Thomas Merton, đúng ra ta phải sửa đổi cách nhìn về vị thế của kẻ thù ngay từ khởi đầu. Thay vì thấy kẻ thù là một nhân vật đối nghịch ở bên ngoài ta phải thấy hình ảnh của hắn trong tâm của mình. Khi ấy ta sẽ thấy ý niệm kẻ thù chỉ là phóng ảnh của tâm trí ta. Nó nằm trong giả định kẻ thù mang một tội xấu xa nhưng ta không hề có cái tội đó, vì vậy hắn đáng bị trừng phạt. Hắn phải chết để ta được sống. Nhưng nếu định tâm nhìn vào bên trong, ta sẽ thấy ta cũng có lỗi lầm như hắn. Chưa biết chừng ta còn xấu xa hơn hắn. Sự ác là một thành tố của cuộc sống khi con người có ý chí tự do và tầm nhìn thiển cận. Cho nên không ai mà không có lỗi lầm. Cái xấu xa của kẻ thù chỉ là hình bóng cái xấu xa của chính ta. Khác với muông thú, con người có óc phản tỉnh để nhận ra lỗi lầm của mình. Con người còn có lòng nhân từ và ý thức đạo đức để sử đổi và tiến hóa. Nếu chỉ sống ở mức độ muông thú, ta sẽ bị nô lệ trong những cảm giác, ít khi ta ý thức về nguồn năng lực siêu nhiên này. Nó vốn vượt khỏi nhận thức của giác quan.
Để giết kẻ thù ta phải nuôi một ác ý trong tim. Ác ý này sẽ đốt cháy tâm hồn ta, trước khi ta có thể hại kẻ thù. Thomas Merton đưa ra thí dụ: như kẻ muốn hại người bằng thanh sắt nung đỏ, trước hết kẻ ấy sẽ bị phỏng tay. Vì vậy ghét kẻ thù cũng là ghét chính mình. Nếu thấy kẻ thù là phản ảnh của chính mình, ý niệm “kẻ thù” sẽ không còn hiện hữu. Danh xưng thật của hắn là “sự cản trở” không cho ta kết hợp với Thiên Chúa. Hắn là hiện thân khuyết điểm của con người, nên cũng là khuyết điểm của chính ta. Hắn là kẻ sa ngã đáng thương, nên hắn cần lòng bác ái của người khác để có ơn tha thứ. Đối với những nỗi bất hạnh do kẻ thù gây ra, chúng chỉ tồn tại ở thế giới hữu hạn. Trong thế giới vô hạn chỉ có một nỗi bất hạnh duy nhất là tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa. Thiên Chúa không thể tỏ lộ ơn cứu độ nơi một tâm hồn đầy hận thù. Chỉ những ai có tình yêu tha nhân, Thiên Chúa mới có ở trong người ấy được, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Gio 4:16). Vì vậy sự thánh thiện của người có liên kết với Thiên Chúa sẽ khiến họ có năng lực tha thứ và thương xót cho sự lầm lạc của kẻ thù.
Nếu hại kẻ thù là hại chính mình thì ngược lại yêu kẻ thù là phát triển sự sống cho chính mình và cho kẻ thù. Sự sống có ý nghĩa và tồn tại không phải bằng của cải nhưng bằng tình yêu thương. Đi xa hơn, Kitô Giáo buộc ta phải tôn trọng kẻ thù, dù hắn là kẻ sai lầm, vì ta không thể biết sức mạnh tiềm ẩn trong đời sống tâm linh của hắn. Quan niệm này được chứng minh qua câu truyện người đàn bà ngoại tình do thánh Gioan tường thuật (Gio 8:3-11). Người đàn bà trong cuộc là một người xấu xa. Tuy nhiên muốn ném đá bà cho chết hay không ném đá là tùy ở lối nhìn hướng ngoại hay hướng nội của những người kết án bà. Đức Giêsu đã giúp họ nhìn ra không thể loại kẻ xấu xa ra khỏi đời mình bằng cách tấn công nó. Thánh kinh cho biết chính người đàn bà tội lỗi này về sau đã trở nên một vị thánh.
Theo chiêm niệm của thánh Augustine, yêu kẻ thù có giá trị hơn là yêu bạn hiền. Thứ nhất người ta có thể yêu bạn với rất nhiều lý do nhưng không phải vì Thiên Chúa. Trái lại yêu kẻ thù chỉ có một lý do duy nhất là vì yêu Thiên Chúa. Thứ hai, giả sử yêu bạn và yêu kẻ thù đều có cùng một lý do là vì yêu Thiên Chúa, người yêu kẻ thù vẫn mạnh hơn người yêu bạn. Bởi vì yêu bạn thì dễ nhưng yêu kẻ thù thì chỉ những ai thật sự yêu Thiên Chúa mới làm được. Yêu kẻ thù là cải hóa chính mình và cũng làm kẻ thù trở nên tốt lành. Ghét kẻ thù là làm hại mình và làm hại cho cả cộng đồng. Ta có đủ mạnh để tiếp tục cuộc sống thật hay không là tùy ở thế tranh đấu với nội tâm của chính mình.
Kẻ Thù Đích Thực Của Kitô Hữu
Một cách minh bạch và giản dị, thánh Phaolô cho biết kẻ thù đích thực của Kitô hữu là tội lỗi và sự chết (1Cor 15:20-27). Tiêu diệt được chúng, con người mới lãnh nhận được trọn vẹn ý nghĩa hiện hữu của mình. Thiên Chúa mạc khải rằng, muốn vậy, trước hết cái tôi tự mãn của ta phải chết (Luc 14:26-27). Kitô hữu chỉ có hai lựa chọn hoặc sống tự mãn với cái tôi xác thịt rồi chết, hoặc giết chết cái tôi xác thịt để sống vĩnh cửu (Rom 8:13). Giết chết cái tôi tự mãn là một cuộc chiến đầy đau khổ, nhưng, như mặt trời ló dạng sau đêm đen, sự sống chỉ có khi những cơn đen tối của đau khổ bị đẩy lui.
Đối với cái tôi tội lỗi, ta phải quyết liệt diệt trừ nó không chút nhân nhượng. Nếu tay ta gây ra tội lỗi, hãy chặt đứt nó. Thà vào thiên đàng với bàn tay cụt còn hơn sa vào hỏa ngục với toàn thân nguyên vẹn (Mat 5:29-31). Sức mạnh giúp ta thực hiện được điều này là tình liên kết với Đức Kitô phục sinh. Nếu Đức Kitô không phục sinh sự sống trở thành vô nghĩa và vấn đề tội lỗi cũng không còn lý do để luận bàn.
Đến đây chúng ta không thể không nói tới một khía cạnh phức tạp của vấn đề tội lỗi, mà những người Pharisêu mới có thể nêu ra. Vấn đề đó là: nếu tội lỗi cụ thể là một người bên ngoài ta thì sao? Chẳng hạn, nói theo thời sự, tội lỗi hiện thân là một tên khủng bố đặt bom giết người. Hắn gây ác nhân danh một chủ trương nào đó. Đối với xã hội, người lính giữ an ninh có bổn phận phải bắt hắn. Nếu không thể bắt hắn thì phải triệt hạ hắn trước khi hắn cho bom nổ. Dĩ nhiên Kitô hữu cũng không thể yêu kẻ thù bằng cách để mặc hắn thao túng giết người. Nhưng khi triệt hạ hắn, người lính đã dựa vào nguyên tắc nào để hành động trong lương tâm “yêu kẻ thù”. Luân lý trong trường hợp này rút ra từ giáo lý thâm sâu về luật “cuộc chiến công chính”. (2) Một hệ luận của giáo luật này là: chúng ta không được quyền làm tổn hại người khác, nhưng nếu bị người khác gây tổn hại chúng ta được quyền tự vệ. Vì vậy người lính có thể bắt buộc phải hy sinh mạng sống của tên khủng bố mà không mắc lỗi bác ái. Bởi vì trong trường hợp cá biệt này vấn đề tư thù, oán ghét cá nhân không có. Thuần túy chỉ có vấn đề ngăn ngừa tội lỗi. Hành xử của anh lính làm nằm trong nguyên lý công chính để bảo vệ giá trị của sự sống, của yêu thương, của công chính và hòa bình cho những người vô tội (GLCG 2308-2309). Trong khi thi hành nghĩa vụ, anh lính vẫn duy trì lòng yêu thương kẻ khủng bố.
Yêu kẻ thù có ích lợi gì? Nếu đó là mối thắc mắc phàm trần thì sẽ không bao giờ có câu trả lời. Hòa với kẻ thù không phải là để cho tâm hồn được thanh thản. Yêu kẻ thù cũng không phải là vấn đề luân lý. Yêu kẻ thù có giá trị vượt trên bất cứ gì mà lý trí có thể tìm ra. Nó là sự thức tỉnh về sự sống trọn vẹn, nhưng không thể diễn tả bằng ngôn từ. Một giá trị siêu việt không thể đo lường bằng những lợi nhuận phàm tục. Nếu có thể nói ngắn gọn, yêu kẻ thù là chấp nhận sự đau khổ. Nhưng vào Nước Trời không phải là một thừa hưởng đương nhiên, nhưng là kết quả của cuộc vất vả vác thập giá.
Trong mọi trường hợp, sức mạnh của lòng vị tha là ý chí ta muốn kiến thiết Nước Trời theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ý chí đúng mà Kitô hữu phải có là hãy yêu kẻ thù. Ta yêu kẻ thù không phải vì hắn đáng yêu, nhưng ta thấy hình ảnh Thiên Chúa trong hắn. Rồi trong tình yêu ta sẽ thấy kẻ thù cũng là kẻ bất hạnh và đau khổ như ta. Cả hắn và ta đều có một hy vọng muốn được tồn tại trong hạnh phúc. Khi yêu kẻ thù, ta biết rất rõ tình yêu của ta có thể không cải hóa được hắn. Kẻ xấu xa có toàn quyền tự do sống theo ý hắn muốn. Nói cho cùng nếu ta không thể thay đổi được ai, nhưng chắc chắn ta có thể thay đổi chính mình.
__________________
(1) Diễn văn khai mạc Cộng Đồng Vatican II của Giáo Hoàng Phaolô VI.
(2) Luật luân lý chiến tranh được soạn thảo dựa vào sự tích những trận chiến trong Cựu Ước. Người ta thấy có sự hỗ trợ của Thiên Chúa trong một số trận chiến của dân Do Thái. Thánh Augustine sau đó hiệu đính lại những nhận định về luân lý chiến tranh thành giáo lý rõ ràng. Giáo Hội dựa vào văn kiện này mà định ra giáo luật có tên “cuộc chiến công chính.” Xin đọc nguyên lý về cuộc “chiến tranh chính đáng” trong Giáo Lý Công Giáo, đề mục “Xa lánh chiến tranh”, 2307-2330.
Views: 0