Năm 2012 đã trôi qua, có thể nói, đây là một năm nhân loại đã phải đối diện với nhiều mối lo âu và sợ hãi. Thật vậy, truyền thông mạng, trong năm qua, đã tạo ra những lo âu và sợ hãi khi đưa ra nhiều thông tin liên quan đến ngày tận cùng của trái đất cùng với những đại họa sẽ tiêu diệt loài người.
Nào là, sự phá hủy tầng ozone và hiệu ứng nhà kính sẽ làm cho biến đổi thời tiết dẫn đến thiên tai hạn hán, lũ lụt. Rồi thì, việc vài quốc gia quá khích đang thủ đắc vũ khí hạt nhân, rất có thể họ điên cuồng phát động một cuộc chiến tranh hủy diệt.
Rồi đến hiện tượng Nibiru, một hành tinh chưa từng được phát hiện trong Thái dương hệ sẽ va chạm hoặc đi ngang qua Trái đất với khoảng cách rất gần và gây nên nhiều thảm họa kinh hoàng.
Tiếp đến, có giả thuyết cho rằng, sự đảo chiều các cực từ trường của Trái đất là điều không tránh khỏi, nó sẽ gây rối loạn quỹ đạo của hành tinh, qua đó sẽ gây ra nhiều biển đổi trên trái đất.
Bên cạnh đó, người ta lo sợ một sự phun trào núi lửa lớn chưa từng thấy sẽ xảy ra trong năm 2012. Hàng triệu tấn đất đá và khí độc sẽ bay vào bầu khí quyển Trái đất, dẫn tới việc thế giới trải qua một mùa đông hạt nhân do thiên nhiên tạo ra, qua đó tiêu diệt toàn bộ sự sống trên hành tinh này.
Đó là chưa nói đến những lo sợ như: người ngoài hành tinh xâm lược, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, khủng hoảng dầu lửa, sự diệt vong của đàn ong… cũng là những nguyên nhân gây ra thảm họa cho trái đất.
Nhưng, có lẽ, tin đồn về bia ký Maya chính là nỗi lo sợ nhất của nhân loại. Theo các nhà khảo cứu bia ký mật ngôn Maya vùng Trung Mỹ, sấm ký Maya đã tiên đoán thế giới sẽ tận thế vào ngày 21/12/ 2012 hoặc sẽ xảy ra nhiều biển đổi lớn trên trái đất này.
**
Hôm nay, bước vào năm 2013, vẫn chưa thấy ngày tận thế xảy ra… nhưng, đúng là, trái đất đã xảy ra nhiều sự “biến đổi”.
Thật vậy, trái đất đã xảy ra nhiều biến đổi. Một trong những “biển đổi” lớn mà dường như nhân loại không biết tới hoặc có biết cũng tìm cách lãng quên, đó là Đức Giêsu tuy là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng Ngài đã biến-đổi “trở nên người phàm và cư ngụ giữ chúng ta” để những ai “đón nhận, tức là tin vào danh Người, thì Người sẽ (biến đổi thân phận họ) trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12).
Điều này, không chỉ ông Gioan đã được Thiên Chúa sai đến để làm chứng rằng, ông “đã được nhìn thấy vinh quang của Người…”, mà chính Thiên Chúa Cha cũng đã hơn một lần xác nhận.
Lần thứ nhất, tại sông Giodan. Mặc khải về người Con Một Thiên Chúa được hé lộ. Hôm đó, khi Đức Giêsu đến đó để chịu phép rửa, chuyện kể rằng “đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra”. Và liền đó: “Thần Khí Chúa đáp xuống như hình chim bồ câu và ngự trên Ngài”. Nhưng đó chưa phải là điều cần nhắc đến. Điều cần nhắc đến chính là “có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22).
Và lần thứ hai, “vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người”, đã được tỏ lộ hoàn toàn trên một ngọn núi quen thuộc mà Đức Giêsu đã cùng các môn đệ lên đó để cầu nguyện.
Hôm đó, có ba môn đệ theo Đức Giêsu. Họ là các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê.
Cũng giống như hôm ở sông Giodan, hôm ấy “đang lúc Người cầu nguyện”, một hiện tượng lạ xảy ra “dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”. Cùng lúc đó “có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia”.
Cuộc đàm đạo nói về một sự thực, một “sự thực” mà Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, sau này, sẽ phải “biến đổi” thành “hiện thực”, đó là “cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”… một cuộc xuất hành của máu và cái chết của Ngài trên thập giá tại đồi Golgotha…
Thật đáng tiếc, vì “ngủ mê mệt” nên các môn đệ không thể cùng Đức Giêsu tham dự cuộc đàm đạo đó, cho nên, khi các ông nhìn thấy “Vinh quang của Đức Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người”, các ông ngỡ ngàng như lạc vào mê hồn trận. Các ông bị một đám mây bao phủ chung quanh.
Chuyện kể rằng, từ đám mây có tiếng phán, tiếng phán như một bản thông điệp gửi đến các ông rằng, “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn”. Thông điệp đó được kết thúc bằng một lệnh truyền “Hãy vâng nghe lời Người”…
***
Thánh Luca, người ghi chép biến cố này, đã khép câu chuyện bằng hình ảnh những khuôn mặt đầy ưu tư của các môn đệ. Vâng, thánh nhân viết rằng: “Các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy” (Lc 9, …36).
Tại sao các môn đệ “nín thinh”? Tại sao các ông “không kể lại”? Phải chăng là con người các ông chưa thực sự “biến đổi”… các ông chưa thực sự biến đổi từ một tay “lưới cá” thành tay “lưới người”? Hay vì “Các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa”? (Lc 9, 45).
Có lẽ chúng ta không cần “soi xét” hành động này của các môn đệ, mà hãy nhìn những gì, sau này, khi các môn đệ đã “thật sự” nhìn thấy “Vinh quang của Đức Giêsu”, vinh quang mà Ngài bắt đầu từ vườn cây dầu đến đồi Golgotha, từ cõi chết đến sự Phục Sinh vinh hiển và cuối cùng là “hình ảnh Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây (lại đám mây) quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9)…
Vâng, sau này, khi đã hiểu và đã tin, đã trở thành “tay lưới người”, thánh Phêrô không còn “nín thinh” nhưng đã lớn tiếng nói “không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người ‘Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hết lòng quý mến. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.(2Pr 1, 16-18).
Phần tông đồ Gioan, ngài cũng cũng không nín thinh mà đã kể lại rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga1, 3).
Các môn đệ, cách riêng Phêrô, đã không chỉ lớn tiếng nói, nhưng còn biểu lộ qua sự “biến đổi” con người của mình, biến đổi từ một người nhút nhát “chối Thầy ba lần” trở thành người “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời phàm nhân” (Cv 5, 29).
Có thể kết luận, nhờ niềm tin và sự biến đổi, các môn đệ đã hiểu và đã thực thi trọn vẹn tiếng phán từ trời năm xưa. Tông đồ Giacôbê rồi đến Phêrô là hai trong ba người cùng lên núi với Đức Giêsu năm đó, đã dùng chính cái chết của mình để minh chứng rằng, các ông đã thực sự “Vâng nghe lời Người”.
****
Trở lại tiếng phán từ trời năm xưa, “Hãy vâng nghe lời Người”. Vâng, có bao giờ chúng ta tự hỏi “lời Người” đó là những lời gì để mà có thể “vâng nghe”?
Xin thưa, “Lời Người” chính là những lời được công bố trên núi Sinai, hôm nay, chúng ta quen gọi là “Mười điều răn Đức Chúa Trời – Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự… Thứ năm chớ giết người” (x. Xh 20)
“Lời Người” còn được công bố trên một ngọn núi, hôm nay, chúng ta quen gọi là “Núi bát phúc – Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp… Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (x.Mt 5)
“Lời Người”… Vâng, còn là lời Đức Giêsu đã nói với các môn đệ, trước đó tám ngày, ngày Ngài đã cùng với ba môn đệ lên núi cầu nguyện, rằng, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).
Nói tắt một lời, “Lời Người” đó chính là cuốn Sách Thánh.
Nhận ra được “Lời Người” chúng ta còn cần được “biến đổi”, biển đổi con người cũ, con người “sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” thành một con người mới, con người dám vác thập giá mình hằng ngày, thập giá của tình yêu thương, của bác ái, của nhân hậu, của từ tâm, của trung tín, của hiền hòa và tiết độ.
Vác thập giá của tình yêu thương, đó chính là tấm “chiếu khán” để chúng ta nhập cảnh vào Vương Quốc Giêrusalem mới, nơi Chúa Giêsu Kitô, Ngài chính là người “tuyển chọn”, tuyển chọn những ai thật sự là người đã “Vâng nghe lời Người”.
Petrus.tran
Views: 0