Uncategorized

Hãy trở thành những công cụ của Hiếp Nhất và Hiệp Thông

“Mỗi người trong tất cả chúng ta đều phải là người rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là bằng cách sống của mình!… (hãy) trở thành những công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta.”

 

“Mỗi người trong tất cả chúng ta đều phải là người rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là bằng cách sống của mình!… (hãy) trở thành những công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta.”

 

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành ngày 22 tháng 5 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin.

* * *

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

 

Trong Kinh Tin Kính, ngay sau khi đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Thánh Thần, chúng ta nói: “Tôi tin Hội Thánh Duy Nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.” Có một liên hệ sâu xa giữa hai thực tại này của đức tin:

 

Thực ra, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho Hội Thánh, hướng dẫn các bước đi của Hội Thánh. Nếu không có sự hiện diện và hành động không ngừng của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh không thể sống và không thể hoàn thành nhiệm vụ mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao phó là đi và làm cho muôn dân thành môn đệ (x. Mt 28:18).

 

Rao giảng Tin Mừng là sứ vụ của Hội Thánh, chứ không chỉ là sứ vụ của một số người, nhưng là sứ vụ của tôi, của anh, của chị, là sứ vụ của chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô kêu lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cor 9:16).

 

Mỗi người trong tất cả chúng ta đều phải là người rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là bằng cách sống của mình! Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng: “Truyền giáo là… ân sủng và ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính của Hội Thánh. Hội Thánh hiện hữu để rao giảng Tin Mừng” (Tông Huấn. Evangelii Nuntiandi, 14).

 

Động lực thực sự của việc truyền giáo trong đời sống chúng ta và trong Hội Thánh là ai?

 

Đức Phaolô VI đã viết một cách rõ ràng rằng:

 

“Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, ngày nay cũng như thủa ban đầu của Hội Thánh, hoạt động nơi mọi nhà truyền giáo là người để cho mình được Ngài sở hữu và hướng dẫn, và để Ngài đặt trên môi miệng mình những lời mà họ không thể tự mình tìm thấy, đồng thời Ngài cũng chuẩn bị tâm hồn người nghe để mở ra và đón nhận Tin Mừng và Vương Quốc được rao giảng” (ibid., 75).

 

Như thế, để truyền giáo, một lần nữa, cần phải mở lòng ra cho chân trời của Thánh Thần Thiên Chúa, mà không sợ Ngài sẽ đòi hỏi nơi chúng ta những gì và sẽ dẫn chúng ta đi đâu. Chúng ta hãy phó thác cho Ngài! Ngài sẽ cho chúng ta có khả năng sống và làm chứng cho đức tin của mình, cùng soi sáng tâm hồn của những người mà chúng ta sẽ gặp.

 

Đó chính là kinh nghiệm của Lễ Ngũ Tuần; các Tông Đồ tụ họp cùng Đức Mẹ Maria trong nhà Tiệc Ly, “thấy những hình như lưỡi lửa hiện ra với họ, phân tán ra và đậu xuống từng người một. Tất cả mọi người trong họ đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ, tuỳ theo Chúa Thánh Thần ban cho họ nói” (Cv 2:3-4).

 

Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ, làm cho các ông ra khỏi phòng, nơi mà các ông đã phải đóng cửa vì sợ, làm cho các ông ra khỏi chính mình, và biến đổi các ông thành những người loan báo và nhân chứng của “những kỳ công của Thiên Chúa” (câu 11).

 

Và sự biến đổi này được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần, được phản ảnh trong việc đám đông vội vã kéo đến hiện trường và họ đến “từ mọi dân tộc dưới bầu trời” (câu 5), vì mỗi người nghe những lời của các Tông Đồ như chúng được nói bằng ngôn ngữ riêng của họ (câu 6 ).

 

Đây là một kết quả quan trọng đầu tiên của hành động của Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn và linh hoạt hóa việc loan báo Tin Mừng: sự hiệp nhất và hiệp thông.

 

Nơi tháp Babel, theo Kinh Thánh, việc phân tán của các dân tộc và sự xáo trộn về ngôn ngữ đã bắt đầu, là kết quả của các hành động ngạo mạn và tự hào của con người, những kẻ muốn xây dựng bằng sức mạnh của chính mình, không cần Thiên Chúa, “một thành và một cái tháp, mà đỉnh tháp cao thấu trời” (St 11:4).

 

Ở Lễ Hiện Xuống, những phân chia này được khắc phục. Không còn niềm tự hào đối với Thiên Chúa nữa, và cũng không đóng cửa lòng đối với nhau, nhưng có việc mở lòng ra với Thiên Chúa, người ta đi ra ngoài để loan báo Lời Ngài: một ngôn ngữ mới, đó là ngôn ngữ của tình yêu mà Chúa Thánh Thần đã đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5:5), một ngôn ngữ mà tất cả mọi người có thể hiểu được và nếu người ta lắng nghe. Nó có thể được diễn tả trong mọi cuộc sống và mọi nền văn hóa. Ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, ngôn ngữ của Tin Mừng, là ngôn ngữ của sự hiệp thông, mời gọi chúng ta vượt qua những khép kín và thờ ơ, những chia rẽ và xung đột. Tất cả chúng ta nên tự hỏi mình:

 

Tôi phài làm thế nào để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ngõ hầu cuộc sống của tôi và lời chứng của tôi về đức tin thành những dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông?

 

Tôi có đem sứ điệp hòa giải và tình yêu, là Tin Mừng, vào trong môi trường mà tôi đang sống không?

 

Đôi khi dường như điều đã xảy ra ở tháp Babel đang được lặp lại hôm nay; những chia rẽ, không có khả năng hiểu nhau, những cạnh tranh, ganh tị, ích kỷ.

 

Còn tôi, tôi phải làm gì với cuộc đời của tôi?

Tôi có tạo nên sự hiệp nhất quanh tôi không?

Hay là tôi tạo ra chia rẽ, với những việc ngồi lê mách lẻo, chỉ trích và tị hiềm của tôi?
Tôi phải làm gì?

Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó. Đem Tin Mừng, chính là bắt đầu bằng việc loan báo và sống sự hòa giải, tha thứ, bình an, hiệp nhất và tình yêu mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta.

 

Chúng ta hãy nhớ những lời của Chúa Giêsu:

 

“Vì điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:34-35).

 

Một yếu tố thứ hai: ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô, tràn đầy Chúa Thánh Thần, đứng lên “cùng nhóm mười một” và “lên tiếng” (Cv 2:14), “với sự mạnh dạn” (câu 29), loan báo tin mừng về Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mạng sống của Người để cứu rỗi chúng ta và Thiên Chúa đã cho Ngừoi từ cõi chết sống lại.

 

Đây là một kết quả khác của tác động của Chúa Thánh Thần: lòng can đảm để loan báo tính mới mẻ của Tin Mừng của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người với sự chắc chắn (parrhesia), lớn tiếng, trong mọi thời đại và ở mọi nơi. Và điều này vẫn còn xảy ra ngày nay cho Hội Thánh và cho mỗi người chúng ta: ngọn lửa của Lễ Ngũ Tuần, tác động của Chúa Thánh Thần, không ngừng phát ra những năng lượng mới cho sứ vụ, những con đường mới để công bố sứ điệp cứu độ, một lòng can đảm mới để rao giảng Tin Mừng. Chúng ta đừng bao giờ đóng cửa lòng lại với tác động này! Chúng ta hãy sống Tin Mừng với lòng khiêm nhường và can đảm! Chúng ta hãy làm chứng cho tính mới lạ, niềm hy vọng, niềm vui mà Chúa mang đến cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy cảm nghiệm trong mình “niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng” (Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 80). Bởi vì việc truyền giáo, việc rao giảng Chúa Giêsu, ban cho chúng ta niềm vui: ngược lại, sự ích kỷ cho chúng ta cay đắng, buồn rầu, làm cho chúng ta ra suy đồi; rao giảng Tin Mừng kéo chúng ta lên cao.

 

Tôi chỉ đề cập một cách đơn sơ đến yếu tố thứ ba, nhưng nó đặc biệt quan trọng: một cuộc tân phúc âm hóa, một Hội Thánh truyền giáo, phải luôn luôn khởi đầu bằng cầu nguyện, khẩn xin ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, như các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly.

 

Chỉ có mối liên hệ trung thành và mãnh liệt với Thiên Chúa mới cho phép chúng ta ra khỏi những nơi đóng kín của mình và rao giảng Tin Mừng với parrhesia (sự chắc chắn). Nếu không có cầu nguyện những việc làm của chúng ta trở nên trống rỗng và lời rao giảng của chúng ta không có hồn, vì nó không được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần.

Các bạn thân mến, như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã xác quyết, Hội Thánh ngày nay “đặc biệt cảm thấy luồng gió của Chúa Thánh Thần là Đấng trợ giúp chúng ta, cho chúng ta thấy một cách đúng đắn; và vì vậy, với nhiệt tình mới, chúng ta đang bước trên đường và chúng ta cảm tạ Chúa” (Ngỏ Lời với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Kỳ, ngày 27 tháng 10 năm 2012).

 

Chúng ta hãy canh tân mỗi ngày niềm tin tưởng của mình vào Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy tin tưởng rằng:

Ngài ĐANG hoạt động trong chúng ta,
Ngài ĐANG ngự trong chúng ta, ban cho chúng ta lòng nhiệt thành làm việc tông đồ,
ban cho chúng ta bình an, ban cho chúng ta niềm vui.
Chúng ta hãy để cho Ngài hướng dẫn, chúng ta là những người của cầu nguyện, là những người làm chứng cho Tin Mừng với lòng can đảm, để trở thành những công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta.

 

Cảm ơn anh chị em!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

http://giaoly.org/vn/

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.