Ba tuần của Mùa Vọng đã trôi qua. Và, nếu tính từ Chúa Nhật hôm nay (21/12/2014), Chúa Nhật IV Mùa Vọng, thì còn đúng ba ngày nữa, chúng ta sẽ bước vào đại lễ kỷ niệm ngày Chúa Giê-su Giáng Sinh. Những gì có liên quan đến lễ Giáng Sinh như hang đá, cây thông Noel và những dây đèn trang trí đủ màu sắc mỗi ngày xuất hiện một nhiều. Xuất hiện nơi tư gia, trong nhà thờ và cả nơi công cộng.
Lướt qua một vòng những nơi làm hang đá, có thể nhận định rằng, quả là, không một hang đá nào mà không đẹp và sinh động. Đẹp và sinh động không chỉ bởi những ánh đèn lung linh quanh máng cỏ với những cây thông cao chót vót đứng kề bên, nhưng còn đẹp và sinh động bởi những hình tượng cao lớn, cao lớn như người thật, những hình tượng Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa hài đồng Giêsu.
Khi chiêm ngắm những hình tượng đó, cứ sự thường, chúng ta coi đó như là cách để nhớ lại một cách trung thực hang Belem xưa; thế nhưng, nếu chỉ có thế thì chưa đủ, mà quan trọng hơn, chúng ta cần nhìn nó theo một nhãn giới khác, nhãn giới đức tin, một nhãn giới nhắc cho mọi thế hệ rằng: Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa hài đồng Giêsu chính là tấm gương mẫu mực của sự “Vâng Phục” – vâng phục thánh ý Thiên Chúa, trái với sự “bất phục” của nguyên tổ Adam và Eva khi xưa.
Với thánh Giuse, khi nói về sự “vâng phục”, kinh thánh đã ghi lại trong trình thuật “truyền tin cho ông Giuse” rằng: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (x.Mt 1, 24).
Với Chúa hài đồng Giê-su thì sao? Thưa, phải nói rằng, đó là một tấm gương siêu mẫu mực. Thật vậy, kinh thánh chép rằng: “Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8).
Còn với Đức Maria? Xin thưa, cũng vậy, cũng như thánh Giu-se, Đức Maria cũng vâng phục những gì Thiên Chúa đã phán truyền qua sứ thần Gáp-ri-en.
Câu chuyện về sự vâng phục của Đức Maria được kể lại rằng: “Khi bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria.
Maria là ai? Thưa, chỉ là một cô thôn nữ vô danh, ấy vậy mà cô Maria lại được sứ thần Chúa tìm đến. Sứ thần tìm đến để gửi đến cô Maria một thông điệp. Hôm đó, mở đầu thông điệp, sứ thần đã cất tiếng chào cô Maria, rằng “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
Lời chào đó khiến cô Maria không khỏi “bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.”
Mặc cho sự bối rối của cô Maria, sứ thần Chúa tiếp tục loan báo thông điệp, rằng “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.
Thông điệp đưa ra đã khiến cho cô Maria thêm lo sợ. Vâng, không ai có thể nghĩ rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hình mà lại có thể mang thân xác hữu hình. Không ai có thể tin rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hạn mà lại có thể đến sống với con người hữu hạn.
Vả lại, khi nghe tới việc mang thai, cô Maria không khỏi hoảng hốt, hoảng hốt chỉ vì, đối với cô “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Với lời trần tình của cô Maria, cứ tưởng rằng sứ vụ của sứ thần Gáp-ri-en sẽ bế tắc. Cứ tưởng rằng, cô trinh nữ Maria sẽ thoái thác nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.
Nhưng không, không phải vậy. Và cũng không như cách mà sứ thần Gáp-ri-en đã thực hiện nơi ông Dacaria, khi ông nghi ngờ lời loan báo “vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai”, rằng ông “bị câm không nói được” cho đến ngày ứng nghiệm lời sứ thần loan báo với ông.
Với trường hợp của cô Maria, sứ thần Gáp-ri-en đã mở lòng Maria bằng một lời nói đầy tính chất thần linh: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1, 37).
Nghe những lời trấn an như thế, cô Maria như bừng tỉnh, tấm lòng khép kín lập tức được rộng mở và cô Maria không ngần ngại mà thốt lên: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38).
**
Vâng, hôm đó, Đức Maria đã cất tiếng “vâng…”.
Chính lời xin vâng này, đã đem lại cho nhân loại“một tin mừng trọng đại, cũng là một tin mừng cho toàn dân. Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra… Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”.
Chính lời xin vâng này, đã giúp cho nhân loại nhận thấy, “đối với Thiên Chúa,không có gì là không thể làm được”.
Cuối cùng, chính lời xin vâng này, đã giúp cho nhân loại nhìn thấy “mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín từ xưa”, đó chính là mầu nhiệm Con Thiên Chúa “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (x.Ga 1, 14).
***
Trong suốt mùa vọng năm nay, có hai nhân vật luôn được chú ý đến, đó là Gioan Tẩy Giả và Đức Maria.
Vâng, thật phải đạo khi nhắc đến hai nhân vật này. Bởi, khi nhắc đến Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội không ngoài mục đích muốn gửi đi một thông điệp rằng, đã là một Kitô hữu, chúng ta phải là một chứng nhân của Chúa Giêsu.
Và khi nhắc đến Đức Maria, Giáo Hội muốn giới thiệu với chúng ta rằng, Đức Maria chính là mẫu mực cho một niềm tin phó thác vào Thiên Chúa.
Nói cách khác, qua bốn tuần của Mùa Vọng, nhắc tới những nhân vật nêu trên, Giáo Hội, một lần nữa, muốn mời gọi mỗi chúng ta hãy có niềm tin phó thác vào Chúa như Đức Maria đã tin và phó thác, bởi vì, chỉ khi có niềm tin và sự phó thác như thế, chúng ta mới có thể hoàn tất vai trò người chứng nhân đích thực, như người chứng nhân mang tên Gioan Tẩy Giả, của Đức Giê-su Ki-tô.
****
Mùa Vọng đã khép lại, Mùa Giáng Sinh đang tới. Thông điệp của Thiên Chúa qua sứ thần Gáp-ri-en đã được thực thi nhờ lời xin vâng của Đức Maria.
Hãy tự hỏi, là một Ki-tô hữu, tôi đã đón nhận thông điệp từ trời trong tâm tình như thế nào? Hãy tự hỏi, tôi đã đón nhận “Đấng Thánh (đã) sinh ra (và) được gọi là Con Thiên Chúa” trong tâm tình tin yêu và phó thác? Nói rõ hơn, tôi đã “tin mà vâng phục” Người?
Hay “miệng tôi xưng Chúa nhưng lòng không có Ngài”? Hay tôi đang bị phân tâm bởi những chủ thuyết lệch lạc, rêu rao rằng thì-là-mà “thượng đế đã chết rồi”, “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”?
Đúng, có sức người sỏi đá cũng thành cơm, nhưng nếu không có sự tin yêu và phó thác vào Thiên Chúa, thì, “cơm” đó chỉ là những loại “cơm ngạo mạn kiêu căng”.
Đừng quên, Lời Chúa đã phán “Sự ngạo mạn đi trước, sự bại hoại theo sau”. Lịch sử đã chứng minh, bất cứ quốc gia nào từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa, quốc gia đó sẽ phải sống trong sự bại hoại, bại hoại cả thể xác lẫn tâm hồn. Và dường như, Việt Nam của thế kỷ 21 này, đang nằm trong số những quốc gia đó.
Chính vì thế, nên chăng, chúng ta hãy nghe lại một lần nữa thông điệp từ trời. Tất nhiên, thông điệp từ trời chúng ta nghe lại không phải là thông điệp Đức Maria đã nghe khi xưa, nhưng là thông điệp đã được công bố ngay trong ngày Đức Giê-su “Người được cất lên trời”.
Hôm đó, Thiên Chúa cũng đã sai sứ thần đến, qua hình hài “hai người đàn ông mặc áo trắng”, và đưa ra một thông điệp, thông điệp rằng: “Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ… và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như… Người lên trời” (Cv 1, …11).
Vâng, quả là một thông điệp rất phù hợp để khép lại mùa vọng năm nay. Rất phù hợp để mỗi chúng ta, là một Ki-tô hữu, tự hỏi lòng mình, rằng: “Tôi đã chuẩn bị đón mừng ngày lễ Giáng Sinh trong tâm tình như thế nào? Thờ ơ, lãnh đạm, “que sera sera”, muốn ra sao thì ra?
Nếu chúng ta đón nhận với một tâm tình như thế, coi chừng! ngày Chúa Giê-su trở lại, Ngài sẽ chẳng cần nhìn đến chúng ta, ngược lại, Ngài sẽ biến những viên sỏi đá, không phải thành cơm, nhưng là thành những người “nữ tỳ của Chúa”.
Còn nếu chúng ta đón nhận với một tâm tình như Đức Maria xưa, một tâm tình tin yêu và phó thác, vâng, hãy tin, bước vào mùa Giáng Sinh năm nay, chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất trần gian này.
Nói chính xác hơn, nếu chúng ta đón nhận với một tâm tình như Đức Maria xưa, một tâm tình tin yêu và phó thác, ngày Chúa Giê-su “trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”, sẽ chẳng có gì để chúng ta sợ hãi mà lớn tiếng nói với nhau rằng “Hãy mừng vui lên”.
Petrus.tran
Views: 0